Tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây

Từ ngày 28 - 31/3/2018 tại tỉnh Mục-đa-hán, Vương quốc Thái Lan, nước chủ nhà Thái Lan đã tổ chức Hội nghị về hợp tác phòng, chống ma túy trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Tham dự Hội nghị có đại diện của 3 nước  Thái Lan, Việt Nam và Lào.

18/04/2018 | Article Rating

Đoàn đại biểu Vương quốc Thái Lan do ông Cha-lay-sỉn Phô-thĩ-chạ-rơn, Phó Tổng thư ký, Ủy ban kiểm soát ma túy Thái Lan làm trưởng đoàn; Đoàn đại biểu nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm 05 đại biểu, do đồng chí Thượng tá Ngô Văn Hải, Phó Trưởng phòng 3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy làm trưởng đoàn. Thành phần đoàn gồm đại diện Cục Tham mưu Cảnh sát, Công an các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Công an thành phố Đà Nẵng; Đoàn đại biểu nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào do đồng chí Phút-sa-vát Sủn-tha-la, Phó Chánh văn phòng, Ủy ban quốc gia kiểm soát ma túy Lào làm trưởng đoàn. Tham dự Hội nghị còn có đại diện chính quyền tỉnh Mục-đa-hán và đại diện các phòng, ban liên quan của Văn phòng Ủy ban kiểm soát ma túy Thái Lan.

Hội nghị lần thứ tư về hợp tác phòng, chống ma túy trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây tổ chức tại tỉnh Mục-đa-hán, Vương quốc Thái Lan từ ngày 28 - 31/3/2018

Hội nghị đã trao đổi về tình hình, diễn biến tội phạm ma túy trong khu vực và kết quả công tác phòng, chống ma túy của các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, qua đó đánh giá xu hướng và phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy trên tuyến và trong khu vực nhằm đề xuất phương hướng hợp tác trong thời gian tiếp theo. Hội nghị nhận định tội phạm ma túy ở khu vực Tam giác vàng đang có xu hướng tìm kiếm các thị trường mới và các tuyến đường mới để vận chuyển ma túy ra bên ngoài, phát hiện nhiều vụ vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua Băng-la-đét và đi các nước khác. Các loại ma túy như Ketamine và Ecstasy đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Tội phạm ma túy có xu hướng sử dụng các tiền chất mới thay thế cho các tiền chất đã bị kiểm soát để sản xuất ma túy. Các đối tượng mua bán ma túy đang lợi dụng các tiện ích từ mạng xã hội, các giao dịch điện tử và các công ty vận chuyển hàng hóa (ship hàng) để giao dịch, mua bán ma túy gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Tại khu vực các tỉnh trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây của Thái Lan mà cửa ngõ là tỉnh Mục-đa-hán, ma túy từ biên giới Lào được vận chuyển vào Thái Lan chủ yếu bằng đường thủy, qua sông Mê Công với số lượng lớn. Các đối tượng sẵn sàng vứt bỏ ma túy để tẩu thoát. Trong nhiều vụ, các lực lượng chức năng chỉ thu được ma túy mà không bắt giữ được đối tượng mua bán, vận chuyển. Sau khi ma túy được vận chuyển trót lọt qua biên giới, lợi dụng sự tiện lợi trong giao thông đi lại của người dân hai bên cầu Hữu nghị Thái Lan - Lào, các đối tượng cầm đầu thường thuê các đối tượng người Lào sang Thái Lan nhận ma túy tại các điểm hẹn bí mật định sẵn để vận chuyển tiếp vào sâu trong nội địa. Trong những năm gần đây, phát hiện ma túy từ khu vực này được vận chuyển sâu xuống miền Nam của Thái Lan và đi nước thứ ba với số lượng lớn. Ngoài ra, cả Thái Lan và Việt Nam đều phát hiện các vụ vận chuyển cần sa từ biên giới Lào vào trong nước…

Nhận định nguy cơ từ sự thuận tiện trong giao thông qua lại của người và hàng hóa trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây cũng như thực tiễn bắt giữ tội phạm ma túy trên tuyến đường này, Hội nghị nhất trí cần tăng cường hơn nữa các biện pháp hợp tác phòng, chống ma túy trên tuyến, nâng cao năng lực cho lực lượng chức năng thông qua các khóa tập huấn, khảo sát thực tế, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đặc biệt là nâng cao hiệu quả của các kênh hợp tác như Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO), dự án sông Mê Công an toàn...

Tại Hội nghị, nước chủ nhà Thái Lan phân tích các mục tiêu chung của cơ chế Hội nghị hợp tác phòng, chống ma túy trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và cơ chế hợp tác sông Mê Công an toàn có cùng các yếu tố tương đồng như về địa bàn, cơ chế phối hợp, hiệu quả hoạt động trong phòng, chống và kiểm soát ma túy. Trên cơ sở cả ba nước Việt Nam - Lào - Thái Lan đều sẽ là thành viên và tham gia dự thảo văn kiện Kế hoạch tổng thể 5 năm phòng, chống ma túy ở khu vực Tam giác vàng trong khuôn khổ dự án sông Mê Công an toàn giai đoạn 2019 - 2023, Thái Lan đề xuất hợp nhất cơ chế Hội nghị hợp tác phòng, chống ma túy trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây là một phần của dự án sông Mê Công an toàn để hoạt động phòng, chống và kiểm soát ma túy trên tuyến này đảm bảo tính liên tục, hiệu quả và phù hợp với các chính sách chung cũng như nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động này. Đồng thời mở rộng địa bàn trọng điểm thứ 9 trong khuôn khổ dự án từ các tỉnh khu vực Đông Bắc của Thái Lan, qua Lào, kéo dài đến các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng của Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ tư về hợp tác phòng, chống  ma túy trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây

Hội nghị đã thống nhất ý kiến đề xuất hợp nhất hai cơ chế hợp tác nêu trên của Thái Lan và tuyên bố kết thúc việc tổ chức Hội nghị hợp tác phòng, chống ma túy trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây lần tiếp theo; giao cho nước chủ nhà Thái Lan nghiên cứu đề xuất đưa các nội dung, hoạt động trong khuôn khổ hợp tác phòng, chống ma túy trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây vào dự thảo Kế hoạch tổng thể 5 năm phòng, chống ma túy trong khuôn khổ dự án sông Mê Công an toàn.

Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã đi khảo sát thực tế công tác phòng, chống ma túy tại cửa khẩu quốc tế Mục-đa-hán. Tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây đi qua các tỉnh Mục-đa-hán của Thái Lan và tỉnh Sa-van-na-khẹt của Lào, hai nước có đường biên giới là sông Mê Công được nối với bhaau bằng cây cầu Hữu nghị số 2, đây là nút giao thông quan trọng, giúp người dân địa phương, khách du lịch, phương tiện vận tải hàng hóa giao thương, qua lại. Trung bình, mỗi năm có khoảng 2 triệu lượt người xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu này, trong đó 50% là người quốc tịch Lào, 30% là người Thái Lan, 10% là người Việt Nam (khoảng 200.000 lượt người/năm), còn lại là người có quốc tịch khac. Lưu lượng phương tiện lưu thông khoảng 460.000 lượt/năm. Cửa khẩu quốc tế Mục-đa-hán có 2 lực lượng chính đảm nhiệm công tác kiểm soát qua biên giới, trong đó có kiểm soát ma túy là lực lượng Xuất nhập cảnh và Hải quan. Tại đây các lực lượng được trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất, phương tiện, máy móc để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, hàng hóa vận chuyển, lưu thông qua cửa khẩu. Đặc biệt, cửa khẩu Mục-đa-hán được trang bị hệ thống máy soi chiếu xe vận tải, xe công-ten-nơ vận chuyển hàng hóa giúp đảm bảo hàng hóa lưu thông nhanh chóng, kịp thời. Ngoài ra lực lượng Hải quan áp dụng công nghệ E-lock, sử dụng các khóa điện tử có gắn định vị để niêm phong các thùng hàng giúp kiểm soát tốt hàng hóa vận chuyển theo hình thức tạm nhập tái xuất từ nước ngoài qua Thái Lan để đi nước thứ 3. Thái Lan và Lào cũng đang hợp tác triển khai Bản ghi nhớ về khu vực kiểm soát chung (CCA). Theo đó, mỗi nước quy định một khu vực riêng tại khu vực cửa khẩu làm khu vực kiểm soát chung. Tại khu vực kiểm soát chung, lực lượng chức năng của cả hai nước sẽ cùng có mặt để tiến hành kiểm tra và làm các thủ tục thông quan hàng hóa dựa trên nguyên tắc nhập cảnh vào nước nào thì nước đó chủ trì. Người, phương tiện và hàng hóa sẽ chỉ phải tiến hành các bước kiểm tra, giám sát một lần duy nhất, thủ tục nhanh gọn, giúp tiết kiệm được thời gian và kinh phí. Đây là những mô hình hay và nên được nghiên cứu, áp dụng tại Việt Nam./.

Ngô Hải