Điều đọng lại từ chiến công đầu tiên của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy

Ngày 12/3/1997, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma tuý (nay là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (ĐTTP) về ma túy) được thành lập, ban đầu chỉ có hơn 20 đồng chí. Ngay sau khi thành lập, Cục đã tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ (CBCS) tuyên thệ: “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, thề kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy, vì lợi ích quốc gia, bình yên của nhân dân và danh dự của lực lượng công an”. 

20/12/2019 | Article Rating

Phần 1: Phá đường dây vận chuyển ma tuý từ biên giới về Nam Định tiêu thụ

Trước tình hình tội phạm ma túy gia tăng phức tạp, gây bức xúc nhân dân, lãnh đạo Cục đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, tăng cường cán bộ, chiến sỹ (CBCS) xuống địa bàn phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương nắm tình hình, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tố giác tội phạm. Khoảng tháng 6/1998, qua công tác nghiệp vụ, Cục đã phát hiện ở xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định xuất hiện nhóm đối tượng ở các tỉnh Thanh Hoá, Điện Biên thường xuyên về nhà Ngô Văn Ngọc tụ tập đánh bài và nghi có mua bán, sử dụng trái phép chất ma tuý. Qua quá trình xác minh cho thấy nhân thân của những người này này rất phức tạp, nhiều đối tượng có quê ở các huyện biên giới Quan Hoá, Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá được xác định là địa bàn phức tạp về tội phạm ma tuý. Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã tiến hành lập chuyên án tập trung lực lượng đấu tranh. Qua thời gian theo dõi, mật phục, đến ngày 31/10/1998, tại cầu Lạc Quần, huyện Xuân Trường, các trinh sát  đã bắt quả tang Lương Văn Chinh trú tại xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường chở theo cháu nhỏ khoảng 06 tuổi là con của Ngô Văn Ngọc nghi vận chuyển trái phép ma tuý đi TP. Nam Định tiêu thụ. Khi bị bắt, Chinh nhanh chóng vứt cặp sách xuống ruộng lúa ven đường hòng tẩu tang vật chứng nhưng bị lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn. Qua kiểm tra chiếc cặp sách, tổ công tác đã phát hiện, thu giữ 02 bánh heroin (trọng lượng 700 gam) nhưng Chinh không thừa nhận là ma tuý của mình. Với tinh thần đấu tranh quyết liệt cùng với tài liệu chứng cứ thu được đã buộc Chinh phải khai nhận mang “hàng” lên TP. Nam Định giao cho đối tượng tên là Trường nhưng không biết địa chỉ nhà ở. Bên cạnh đó, Chinh ngoan cố không khai danh tính của chủ hàng. Với những tài liệu thu thập, Ban chuyên án nắm được Chinh cùng anh trai, anh rể, bố vợ, chú vợ... tham gia mua bán trái phép ma tuý với Nguyễn Văn Tám, Nguyễn Văn Quyết ở tỉnh Điện Biên. Trong đó, Lương Thanh Bình (anh trai Chinh) và Phan Thanh Ngân (anh rể) đã bị Công an tỉnh Lạng Sơn bắt và đã bị toà án xét xử, tuyên phạt mức án tử hình vào cuối năm 1997, hiện đang chờ thi hành án. Một tổ điều tra viên (ĐTV) đã lập tức lên Lạng Sơn xét hỏi Bình, Ngân và một số đối tượng liên quan. Vì liên quan đến người thân nên Bình và Ngân nhất quyết không khai, xin được thi hành án. Với sự kiên trì động viên, thuyết phục, nếu Bình khai báo thành khẩn và động viên Chinh hợp tác với cơ quan điều tra thì sẽ được đề nghị hoãn thi hành án tử hình. Đồng thời, Chinh sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Bình đã mặc cả với ĐTV, chỉ khi nào nhận được thông báo bằng văn bản việc hoãn án tử hình thì Bình mới khai báo về đường dây ma tuý này. Các ĐTV đã nhanh chóng về báo cáo lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát có văn bản đề nghị Toà án nhân dân tối cao ra quyết định hoãn thi hành án tử hình với bị cáo Bình.

Tang vật trong một vụ án ma túy

Sau khi cơ quan điều tra cho xem công văn đề nghị hoãn thi hành án tử hình, Bình đã khai báo các đối tượng trong đường dây mua bán trái phép ma tuý của Tám và Quyết gồm: Lương Văn Chinh, Ngô Văn Ngọc, Đinh Thị Dung (vợ Ngọc), Ngô Văn Đoàn (bố vợ Chinh), Ngô Thị Hà, Phạm Văn Thuấn... đều ở xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường và một số đối tượng ở hai huyện Quan Hoá, Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá đã mua bán ma tuý nhiều năm. Các đối tượng này lấy nhà của vợ chồng Ngô Văn Ngọc - Đinh Thị Dung là nơi tập kết ma tuý từ Điện Biên, Thanh Hoá về giao cho vợ chồng Ngọc bán cho khách. Có ngày các đối tượng này tụ tập ở đây từ 5 - 15 người, ăn chực nằm chờ Dung, Ngọc bán được hàng, thu được tiền mới về quê chờ chuyến hàng sau. Đồng thời, Bình viết thư cho Chinh nhắn nhủ em trai khai báo thành khẩn để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Từ đây, Chinh đã khai toàn bộ hành vi phạm tội của bản thân và đồng bọn. Vụ án coi như đã gỡ được nút thắt. Nhưng sau khi bắt được Chinh, các “ông trùm” như: Tám, Quyết, Đoàn, Ngọc... đã cao chạy xa bay. Làm thế nào để bắt được các đối tượng này là bài toán làm đau đầu các ĐTV và trinh sát. Nếu không bắt được chúng thì vụ án coi như dừng lại, chỉ truy tố được mỗi Lương Văn Chinh. Sau đó, Ban chuyên án đã cử ĐTV và trinh sát xuống các địa phương để truy bắt các đối tượng về quy án. Việc bắt Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Văn Tám được đặt lên hàng đầu vì Quyết là đầu mối quan trọng, trung gian trong tất cả các khâu giao dịch mua bán ma tuý giữa các đối tượng bán ma tuý cho vợ chồng Ngọc. Mặt khác, Quyết là đối tượng đang bị truy nã toàn quốc về tội mua bán trái phép chất ma tuý. Đối tượng đã làm lại chứng minh nhân dân, thay tên, đổi họ, Quyết có nhiều kinh nghiệm, mưu mô đối phó với cơ quan chức năng. Việc đi lại của y thoắt ẩn thoắt hiện, không ở nơi nào quá một đêm và luôn có súng bên người. Để bắt được con cáo già này, ta đã phải huy động nhiều lực lượng, áp dụng các biện pháp chiến thuật, kể cả dùng người tình của Quyết, dụ về Nam Định để bắt. Tám cũng từng là đối tượng mua bán ma tuý có nghề, y liên quan đến vụ án mua bán trái phép 229 kg thuốc phiện do Công an tỉnh Sơn La bắt năm 1996, tuy nhiên do chứng cứ thiếu nên phải đình chỉ điều tra. Sau khi bị bắt, mặc dù được các ĐTV động viên thuyết phục, nhưng Quyết, Tám luôn kêu oan, không chịu khai báo. Chỉ khi qua công tác nghiệp vụ, ĐTV phát hiện Quyết và Tám từng mua bán ma tuý trong thời gian dài, có rất nhiều tiền còn cất giấu ở nhà và gửi người thân. Cơ quan điều tra đã tổ chức khám xét nhà của Tám ở Điện Biên, thu được 400.000 USD và 235 cây vàng đang gửi người thân. Đến đây, Tám và Quyết mới “tâm phục, khẩu phục”, cúi đầu nhận tội. Quyết, Tám  khai đã tham gia mua bán trái phép ma tuý từ năm 1993 với số lượng khoảng 300 kg thuốc phiện và trên 1.000 bánh heroin, với hơn 50 đối tượng ở TP. Hải Phòng và các tỉnh Nam Định, Thanh Hoá, Thái Bình, Lạng Sơn... Tám khai từ giữa năm 1996, đã bán cho 02 đối tượng ở dưới xuôi khoảng 700 bánh heroin, cứ hai tuần/lần hai vị khách này lại lên lấy khoảng 20 bánh. Mỗi bánh Tám lãi trên dưới 1.000 USD. Việc mua ma tuý từ Lào về thuận lợi nên Tám càng ham, càng lao vào như con thiêu thân. Do thu được nhiều tiền, không biết tiêu vào việc gì nên Tám đã chôn dưới nền bếp trong căn nhà ở Điện Biên và mua vàng gửi người thân. Vụ án sau 08 tháng điều tra đã thành công, song làm thế nào để điều tra, củng cố chứng cứ để bắt hết các đối tượng trong đường dây là yêu cầu đặt ra đối với Ban chuyên án, trong đó có khoảng 30 đối tượng lẩn trốn ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Lúc này để tháo gỡ khó khăn, lãnh đạo Bộ Công an đã cho chủ trương huy động cả lực lượng đặc nhiệm hoặc trực thăng bí mật, bất ngờ đổ bộ trinh sát, ĐTV xuống các địa bàn biên giới để truy bắt các đối tượng liên quan. Nhưng xét thấy biện pháp đó sẽ gặp nhiều khó khăn vì địa bàn không phù hợp, nên Ban chuyên án đề xuất cử các trinh sát tinh nhuệ xuống địa bàn xác minh ảnh, lý lịch truy tìm tung tích đối tượng và chờ thời cơ thuận lợi để tóm gọn mẻ lưới. Sau thời gian củng cố chứng cứ, vào đêm 25/5/1999, lợi dụng thời điểm diễn ra trận chung kết bóng đá Cúp C1 châu Âu, các đối tượng chủ quan, không phòng bị, Ban chuyên án đã huy động hàng trăm CBCS đồng loạt bắt 11 đối tượng cầm đầu các nhóm mua bán trái phép ma tuý ở Nam Định, Hải Phòng, Lạng Sơn gồm: Ngô Văn Ngọc, Ngô Văn Đoàn, Ngô Văn Tỉnh (là ba anh em ruột), Phạm Văn Tuấn, Nguyễn Văn Khương, Ngô Văn Cao, Trần Văn Kế ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, Nông Thị Đầm, La Bích Phượng, Nguyễn Văn Toàn ở tỉnh Lạng Sơn, Phạm Ngọc Định ở TP. Hải Phòng... Các đối tượng Ngô Thị Hà (vợ Đoàn), Ngô Thị Thuỷ (con gái Đoàn) đã trốn khỏi địa phương đến nay chưa bắt được.

 Do thời hạn điều tra đã hết, ngày 27/12/1999, cơ quan điều tra đã đề xuất kết thúc điều tra giai đoạn một, đề nghị truy tố 22 bị can có hành vi mua bán trái phép 750,5 bánh heroin và 289 kg thuốc phiện. Quyết định tách phần 2 vụ án liên quan đến các đối tượng ở huyện Quan Hoá, Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá để điều tra xử lý sau. Ngày 13/6/2000, Toà án nhân dân tỉnh Nam Định đã mở phiên toà xét xử và tuyên phạt 08 bị cáo mức án tử hình, 12 bị cáo mức án tù chung thân, 02 bị cáo lĩnh mức án từ 18 - 20 năm tù giam. Kết thúc điều tra phần một, cơ bản đã bắt hết những đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây mua bán “cái chết trắng” này. Qua vụ án này, không ai có thể nghĩ rằng với ở vùng quê bình yên, người dân cần cù, một nắng hai sương với ruộng đồng, lại phát sinh ổ nhóm tội phạm ma tuý hoạt động trắng trợn với quy mô lớn đến như vậy. Nhiều đối tượng đã lôi kéo cả vợ con, anh em vào con đường phạm pháp. Chuyên án thành công được chính quyền, nhân dân địa phương hết lòng cảm ơn, khen ngợi, nhưng cũng để lại bài học sâu sắc về công tác quản lý địa bàn của các lực lượng chức năng. Một trong các vấn đề cần rút kinh nghiệm là công tác vận động, tuyên truyền về pháp luật cũng như tác hại về ma tuý cho nhân dân còn hạn chế. Vụ án đến đây cơ bản đã hoàn thành giai đoạn 1, nhưng còn rất nhiều các đối tượng ở Quan Hoá, Mường Lát mua ma tuý từ Lào mang về Nam Định tiêu thụ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Đây là nhiệm vụ khó khăn đặt ra với các ĐTV và trinh sát.

(Còn tiếp)

Công Trình