Đẩy mạnh phòng, chống ma túy trong lĩnh vực hải quan

Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và trung chuyển đi nước thứ ba tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng trong nước cấu kết với đối tượng người nước ngoài hình thành đường dây phạm tội về ma túy với số lượng lớn, ngụy trang trong hàng hóa xuất nhập khẩu. Đáng chú ý, đối tượng quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) thuê nhà xưởng sản xuất, mua bán trái phép ma túy tổng hợp (MTTH) ở các tỉnh phía Nam gây bất ổn an ninh trật tự khiến chính quyền và người dân lo ngại.

28/11/2019 | Article Rating

Trên lĩnh vực hải quan, tội phạm ma túy lợi dụng triệt để chính sách tạo thuận lợi của Nhà nước cho hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh để trà trộn, cất giấu ma túy trong hàng hóa, phương tiện tuồn vào nước ta. Lợi dụng chủ trương ưu đãi, thu hút vốn đầu tư, thành lập doanh nghiệp, nhập khẩu máy móc, nguyên liệu, thuê kho bãi, nhà xưởng trong nước để sản xuất trái phép ma túy. Tội phạm ma túy thường cất giấu ma túy trong container hàng tạm nhập, tái xuất vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam để đưa sang nước thứ ba tiêu thụ. Với hàng hóa gửi theo đường chuyển phát nhanh, đối tượng khai báo tên, địa chỉ người gửi, người nhận không rõ ràng, khai báo sai tên hàng hóa, pha tẩm ma túy vào các loại chăn, khăn bông, bánh, kẹo, thuốc lá, chè, cà phê, mỹ phẩm, các loại bột… là hàng biếu tặng để đưa vào Việt Nam. Đối tượng trực tiếp thực hiện, hoặc thuê cư dân biên giới, người già, trẻ em, sinh viên, phụ nữ có hoàn cảnh éo le qua lại cửa khẩu, sân bay quốc tế cất giấu ma túy trong vách ngăn khung ba lô, va ly hành lý, cúc áo, đế giầy, tranh sơn mài, tượng, loa thùng… để vận chuyển từ vào nội địa và chuyển ra nước ngoài.

Trên cơ sở đánh giá, nhận định đúng về tình hình hoạt động của tội phạm ma túy trên tuyến biên giới, cửa khẩu, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu xây dựng Kế hoạch số 4575/KH-TCHQ, ngày 15/7/2019 về Tăng cường công tác kiểm soát ma túy, tiền chất trong ngành hải quan để chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý đối với hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy trong lĩnh vực hải quan. Các đơn vị trực thuộc quán triệt, thực hiện văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan về tăng cường các mặt công tác phòng, chống ma túy (PCMT) cũng như kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần, phòng, chống mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, tiền chất qua biên giới. Triển khai hoạt động PCMT thông qua thực hiện quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra hàng hóa, phương tiện qua lại biên giới, cửa khẩu để phát hiện, bắt giữ hành vi phạm tội về ma túy.

Ngành Hải quan chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân. Nổi bật trong năm 2019, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phối hợp với Cục Hải quan Hà Tĩnh, Cục Hải quan Kiên Giang tổ chức mít tinh tuyên truyền PCMT tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh và TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang thu hút hơn 1.000 người tham dự. Qua tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về công tác PCMT, được chính quyền các địa phương đánh giá cao. Bên cạnh đó, Tổng cục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc in ấn, phát hành tờ rơi về cách nhận biết và tác hại của các chất ma túy xuất hiện phổ biến để tuyên truyền tại khu vực cửa khẩu, biên giới.

Cục Điều tra chống buôn lậu và Hải quan Hà Tĩnh phát tờ rơi tuyên truyền PCMT cho người dân trên địa bàn.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm ma túy, Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu tăng cường cán bộ, công chức chuyên trách PCMT và chó nghiệp vụ phối hợp với với Hải quan các tỉnh, thành phố tuần tra, kiểm soát tại các cửa khẩu trọng điểm. Năm 2019, ngành Hải quan chủ trì, phối hợp với lực lượng công an, bộ đội biên phòng (BĐBP) tổ chức xác lập, đấu tranh, bắt giữ 145 vụ, với 143 đối tượng có hành vi phạm tội về ma túy (trong đó Hải quan chủ trì bắt giữ 97 vụ), thu giữ 28,858 kg + 764 bánh heroin, 18,19 kg cocain, 39 kg thuốc phiện, 25,558 kg cần sa, 1.665 kg + 324.938 viên MTTH. Điển hình, ngày 20/3/2019, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với lực lượng công an, BĐBP phá chuyên án 218LP, bắt giữ 11 đối tượng quốc tịch Trung Quốc và Việt Nam về hành vi vận chuyển trái phép 300 kg ma túy “đá” từ Lào vào nước ta để đưa sang Đài Loan (Trung Quốc) tiêu thụ. Mở rộng đấu tranh, lực lượng chức năng Việt Nam đã trao đổi thông tin giúp Cảnh sát Philippines bắt giữ 276 kg ma túy “đá” giấu trong lô hạt nhựa tại cảng nước bạn, có cùng đặc điểm với số ma túy thu giữ tại nước ta. Ngày 11/5/2019, tại TP. Hồ Chí Minh, các đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục Hải quan phối hợp với Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài về Việt Nam để trung chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ do đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) cầm đầu, thu giữ hơn 500 kg ketamin cùng nhiều vật chứng liên quan. Ngày 04/10/2019, Cục Hải quan Hà Tĩnh phối hợp với BĐBP tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ 06 đối tượng mang quốc tịch Lào trên đường vận chuyển trái phép ma túy vào nước ta tiêu thụ, thu giữ 30 bánh heroin, 45 kg ma túy “đá”, 6.000 viên hồng phiến, 02 khẩu súng, 50 viên đạn, 03 xe ô tô. 20 ngày sau, tại địa bàn huyện Hương Sơn, Hải quan Hà Tĩnh phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ 02 đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép ma túy, thu giữ 30 bánh heroin, 6.000 viên MTTH, 01 xe ô tô.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính trao thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong khám phá chuyên án 218LP.

Thời gian tới, tình hình tội phạm ma túy trong nước vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng các vụ vận chuyển ma túy lớn xuyên quốc gia, để chủ động đấu tranh, ngăn chặn, theo đồng chí Nguyễn Công Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, toàn ngành cần quán triệt, thực hiện Chỉ thị 36/CT-TW, ngày 16/8/2019, của Bộ Chính trị về Tăng cường nâng cao hiệu quả phòng, chống và kiểm soát ma túy và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính về công tác PCMT. Cục Điều tra chống buôn lậu tiếp tục làm tốt chức năng thường trực của Tổng cục Hải quan trong Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Chủ động tham mưu cho Ủy ban Quốc gia, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch, phương án và hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo toàn ngành về công tác kiểm soát ma túy và tiền chất.

Làm tốt công tác thu thập, phân tích thông tin nhằm xác minh đối tượng, phương tiện nghi vấn để phối hợp với các lực lượng chức năng lập chuyên án đấu tranh, bắt giữ tội phạm về ma túy ở khu vực cửa khẩu, biên giới. Phối hợp với các ngành công an, y tế, công thương trong việc kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, cất trữ, sử dụng tiền chất, hóa chất phục vụ đời sống kinh tế quốc dân, không để thất thoát vào sản xuất trái phép chất ma túy.

Tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ về kiểm soát ma túy, cập nhật thông tin về các chất ma túy, chất hướng thần mới, phương thức, thủ đoạn mới của đối tượng cho cán bộ, công chức toàn ngành nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh trong tình hình hiện nay. Tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ dự án quốc tế và hợp tác với hải quan, cơ quan PCMT các nước trong đấu tranh chống tội phạm ma túy hoạt động xuyên quốc gia, đồng thời tạo thuận lợi cho những doanh nghiệp trong và ngoài nước làm ăn chân chính trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Thành Sơn