Thống kê gần đây cho thấy tỉ lệ người sử dụng trái phép chất ma túy, chất gây nghiện ở lứa tuổi HSSV đang tăng đáng kể. Trong số 230.767 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cả nước thì dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%. Các loại MTTH ngày nay rất phổ biến, đa dạng về chủng loại, giá thành ngày càng rẻ, dễ cất giấu, sử dụng, tính độc hại cao. MTTH đã và đang len lỏi vào học đường bằng các tên mỹ miều, mang tính quảng cáo như “tem giấy”, “nước vui”, “trà sữa”, “ma túy dạng khô gà”… Mặc dù các lực lượng chức năng đã tập trung đấu tranh, triệt xóa nhiều tụ điểm sử dụng trái phép chất ma túy, tăng cường tuyên truyền về tác hại của ma túy, bắt giữ hàng trăm đối tượng, song số người nghiện ma túy vẫn không ngừng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.
Có nhiều nguyên nhân khiến nhóm đối tượng HSSV trở thành mục tiêu chính của tệ nạn ma túy như: đặc điểm giới tính, đặc tính lứa tuổi, hoàn cảnh kinh tế của gia đình; môi trường và cộng đồng dân cư nơi sinh sống; nhận thức của một bộ phận HSSV về tệ nạn ma túy, tác hại của ma túy còn chưa đúng đắn (nhiều em HSSV còn cho rằng MTTH không gây nghiện, sử dụng chúng là “sành điệu”, “thức thời”)… Vấn đề này đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan chức năng. Hiện nay vẫn chưa có con số thống kê chính thức về số HSSV nghiện, sử dụng trái phép chất ma túy, song theo dự báo con số đó cũng không phải là ít, nhất là trong tình hình xã hội xảy ra nhiều vụ lợi dụng các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và nhạy cảm như: vũ trường, quán bar, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ … để tổ chức sử dụng MTTH, trong đó có nhiều thanh thiếu niên, HSSV bị lôi kéo tham gia. Thậm chí có trường hợp còn phạm tội về ma túy bị các cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý. Điển hình là cuối tháng 3/2019, Công an huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong vụ án mua bán trái phép chất ma túy. Hầu hết các bị can trong vụ án này đang là học sinh THPT, tất cả đã biết sử dụng ma túy “đá” từ mấy tháng trước. Trước khi vào nhà tạm giam của Công an huyện Hữu Lũng, các bị can này khai nhận trong thời gian từ ngày 13-18/3/2019 đã bán ma túy “đá” cho trên 30 đối tượng nghiện, chủ yếu là học sinh đang học tại trường THPT Vân Nham, huyện Hữu Lũng. Các em thực hiện việc mua bán ma túy “đá” ở mọi nơi, mang đến nhà cho nhau, bán trong nhà vệ sinh của trường.
Để tạo chuyển biến căn bản và từng bước đẩy lùi ma túy trong thanh thiếu niên, HSSV, trong thời gian tới, Bộ Công an phối hợp các bộ, ngành, địa phương tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Trước hết là đẩy mạnh thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, phục vụ chủ động nắm tình hình tội phạm ma túy để phân tích, đánh giá một cách toàn diện về diễn biến hoạt động; phương thức thủ đoạn, nguyên nhân, điều kiện phạm tội... Từ đó, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, điều tra khám phá các đường dây tội phạm ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, nhất là các đối tượng cầm đầu ở nước ngoài chỉ đạo vận chuyển ma túy vào Việt Nam, nhằm ngăn chặn có hiệu quả nguồn cung ma túy, nhất là các tuyến, địa bàn trọng điểm. Triệt phá các điểm, tụ điểm mua bán lẻ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm về an ninh, trật tự, các địa bàn công cộng nơi có các cơ sở giáo dục, trường học đứng chân; các sự kiện, lễ hội đông người tham gia, có sử dụng âm nhạc cường độ mạnh... Tăng cường kiểm duyệt, điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức giới thiệu, mua bán, khuyến khích sử dụng ma túy, các chất gây nghiện, chất gây ảo giác trên mạng internet, mạng xã hội... Phối hợp với các bộ, ban ngành có liên quan kịp thời cập nhật, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất, để quản lý, kiểm soát, không để tội phạm lợi dụng để hoạt động mua bán, sản xuất trái phép các chất ma túy.
Thứ hai là phối hợp các ban ngành, đoàn thể, cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong HSSV, trong đó tập trung các nội dung: Tuyên truyền tác hại của ma túy đối với sức khỏe người sử dụng (đặc biệt là giới trẻ); những loại ma túy thường gặp và cách nhận biết; những loại ma túy mới; phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm ma túy (đặc biệt là vấn đề sản xuất, vận chuyển trái phép chất ma túy); cảnh báo về hiện tượng lôi kéo người sử dụng ma túy trên mạng xã hội hiện nay… Đặc biệt chú trọng vấn đề trang bị một số kỹ năng cơ bản cho HSSV để bảo vệ bản thân, gia đình trước nguy cơ xâm nhập ma túy vào đời sống, xã hội; phương thức, thủ đoạn rủ rê, lôi kéo HSSV sử dụng ma túy của tội phạm về ma túy và hướng dẫn cách phòng tránh. Nâng cao hiệu quả việc sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo…) trong tuyên truyền phòng, chống ma túy. Phối hợp với Đoàn Thanh niên các trường học để tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy với các hình thức đa dạng (tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, thi hái hoa dân chủ, sinh hoạt chính khóa, ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ…). Tiếp tục bổ sung nội dung phòng, chống ma túy tích hợp vào các môn học ở các cấp học, bậc học. Thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể về giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết và trách nhiệm của HSSV, cán bộ, giáo viên, phụ huynh và sự đồng tình ủng hộ của các lực lượng và toàn xã hội trong công tác đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả HSSV sử dụng trái phép chất ma túy.

Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tăng cường tuyên truyền phòng, chống ma túy trong trường học
Thứ ba là nâng cao hiệu quả phối hợp giữa “Gia đình - nhà trường - xã hội” là nhân tố quan trọng góp phần giáo dục đạo đức, lối sống của HSSV – tiền để ngăn chặn tệ nạn ma túy len lỏi vào đời sống học đường. Phụ huynh học sinh cần thường xuyên nắm tình hình học tập, rèn luyện của con em mình; nhà trường cần lồng ghép các nội dung giảng dạy kỹ năng mềm giúp học sinh biết tự bảo vệ mình trước tệ nạn ma túy nói chung và các hành vi lôi kéo, dụ dỗ, cưỡng bức sử dụng chất ma túy nói riêng. Các tổ chức đoàn thể, quần chúng cần tăng cường tương tác với học sinh thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho HSSV, tránh căng thẳng, trầm cảm dễ dẫn đến nguy cơ sử dụng ma túy để “giải tỏa”.
Hiện nay Bộ Công an đang phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ban hành Đề án phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên giai đoạn 2019-2025; phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Vụ Giáo dục chính trị và công tác HSSV ký kết Kế hoạch phối hợp phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trong HSSV giai đoạn 2019-2024. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: phối hợp tổ chức tổng rà soát, điều tra cơ bản xác định thực trạng tình hình số liệu cụ thể ở từng trường học liên quan đến ma túy; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tập huấn chuyên sâu các văn bản quy phạm pháp luật… Hy vọng với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ sẽ làm giảm số HSSV nghiện, sử dụng trái phép chất ma túy và vi phạm pháp luật về ma túy, góp phần xây dựng môi trường học đường trong sạch, lành mạnh, không ma túy./.
Thanh Minh