Phòng, chống ma túy ở thành phố cửa ngõ phía Nam của Thủ đô

Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam nằm cạnh hai tuyến Quốc lộ 1A và 21A, có hệ thống giao thông đường thủy, đường sắt chạy qua thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Đây cũng là điều kiện cho các đối tượng nghiện ma túy từ địa bàn lân cận như các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên tập trung về sống lang thang ở khu vực bến xe, gầm cầu Phủ Lý, lợi dụng sơ hở của nhân dân để trộm cắp tài sản, lấy tiền phụ vụ việc sử dụng trái phép chất ma túy.

15/11/2019 | Article Rating

Tính đến nay, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tại địa bàn thành phố Phủ Lý là 213 người. Tuy nhiên, theo đánh giá của Công an thành phố, số người nghiện ma túy ở ngoài xã hội chưa được lập danh sách quản lý còn nhiều bởi phần lớn họ là người mới sử dụng hoặc chưa bị phát hiện. Số người nghiện chưa áp dụng các hình thức cai nghiện chiếm tỉ lệ cao (gần 64%), tập trung chủ yếu là số không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định; số đối tượng tù tha hoặc hoàn thành chương trình cai nghiện tập trung về cộng đồng có tỉ lệ tái nghiện cao. Một số người nghiện đang trong quá trình tham gia điều trị nghiện ma túy bằng thuốc methadone vẫn sử dụng trái phép chất ma túy.

Bên cạnh đó, do nhận thức lệch lạc của một bộ phận thanh thiếu niên thích đua đòi, ham mê tìm kiếm cảm giác lạ đã lợi dụng các điểm ca nhạc, quán karaoke, khách sạn, nhà nghỉ… để sinh hoạt tập thể, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy. Từ năm 2017 đến nay, Công an thành phố đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 51 vụ, 139 đối tượng mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng và sử dụng trái phép ma túy tổng hợp; trong đó đáng lưu ý có 03 vụ xảy ra tại khách sạn, nhà nghỉ, quán karaoke, xử lý 54 đối tượng, trong đó khởi tố 09 đối tượng về các hành vi mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Trước tình hình đó, Đảng ủy, lãnh đạo Công an thành phố đã tham mưu cho Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Phủ Lý ban hành Nghị quyết số 03 tăng cường phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tham gia phòng ngừa, đấu tranh giải quyết tình hình tội phạm ma túy và quản lý tốt người nghiện ma túy trên địa bàn. Chỉ đạo lực lượng Công an thành phố mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, đồng thời thành lập các tổ công tác tiến hành điều tra, khảo sát, lên danh sách các ổ nhóm, boong ke và phân loại các đối tượng, giao cho từng tổ công tác có kế hoạch giải quyết cụ thể. Kết quả, đã bắt giữ, xử lý 1215 vụ, 1472 đối tượng đối tượng phạm tội về ma túy, trong đó đã triệt xóa 41 ổ nhóm, bóc gỡ 16 đường dây, xóa 25 boong ke. Điển hình rạng sáng 24/5/2019, tại tổ dân phố Thá, phường Liêm Chính, Công an thành phố Phủ Lý, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an bắt quả tang đối tượng Trần Văn Luật (SN 1985, trú tại thôn Bắc Thượng, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) đang vận chuyển trái phép ma túy trên xe ôtô biển kiểm soát 30F-106.69, từ Sơn La vào thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Lực lượng Công an phát hiện trên xe ôtô của đối tượng có 10 bánh heroin được giấu ở ghế phụ; một khẩu súng quân dụng K59; tám viên đạn; một dao găm; một côn nhị khúc và 16 triệu đồng.

Đặc biệt, trước tình hình đối tượng nghiện ma túy ở các nơi thường xuyên đến tụ tập ở khu vực bến xe, gầm cầu Phủ Lý để sử dụng trái phép chất ma túy hoặc hoạt động trộm cắp, mại dâm... lấy tiền mua ma túy phục vụ nhu cầu của bản thân gây phức tạp về trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, Công an thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố Phủ Lý triển khai kế hoạch giải quyết số đối tượng nghiện ma túy lang thang không có nơi cư trú nhất định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đã tổ chức 18 đợt vận động, thu gom lập hồ sơ đưa 256 lượt đi cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221 của Chính phủ, 591 người giáo dục tại phường, xã, 298 người cai nghiện tại gia đình.

Lực lượng Công an rà soát các đối tượng nghiện ma túy lang thang, không có nơi cư trú nhất định

Việc tổ chức cho người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình, cộng đồng theo Nghị định 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ còn rất hạn chế, nhiều nơi chưa thực hiện được bởi hệ thống y tế phường, xã chưa đáp ứng được yêu cầu về nhân lực, cơ sở vật chất. Thực tế ở địa bàn thành phố, số người nghiện ma túy đa số có tiền án, tiền sự; đã sử dụng ma túy lâu năm, tái nghiện nhiều lần nên không đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Thêm nữa, các gia đình có người nghiện đa phần có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không lo được kinh phí để cai nghiện cho con em họ.

Ngoài ra, hiện nay ở địa bàn thành phố xuất hiện nhiều loại chất gây nghiện, chất hướng thần mới nhưng chưa có trong danh mục chất ma túy nên khó xác định tính lệ thuộc, dẫn đến việc rà soát, phát hiện, thống kê lập hồ sơ quản lý và tổ chức các hoạt động cai nghiện càng khó khăn hơn.

Để công tác quản lý đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn đạt hiệu quả, trước hết công tác tư vấn giáo dục cho các đối tượng nghiện cần phải được chú trọng hơn. Đặc biệt, hiện nay ngoài ma túy truyền thống còn xuất hiện thêm các loại ma túy mới như “cỏ Mỹ”, “tem giấy”... nên đội ngũ cán bộ y tế các cấp, nhất là ở phường, xã cần phải được tập huấn và cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định về điều trị cắt cơn nghiện ma túy để xác định tình trạng nghiện, đồng thời bồi dưỡng thêm kiến thức về các loại ma túy mới để từ đó đề xuất những giải pháp xử lý hiệu quả trong việc cắt cơn, giải độc, điều trị.

Chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cần tích cực vào cuộc hơn nữa để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc quản lý người nghiện ma túy trên địa bàn; đồng thời tăng cường tuyên truyền tới từng gia đình, từng khu phố, từng đối tượng, nghiên cứu nhân rộng các mô hình cai nghiện có hiệu quả, tổ chức tái hòa nhập cộng đồng, không kỳ thị với người nghiện ma túy. Gắn công tác các đối tượng sử dụng ma túy trên địa bàn với đấu tranh, triệt phá các đường dây, tụ điểm ma túy trên địa bàn thành phố./.

Tạ Đức