Hoà Bình là một trong những tuyến chính vận chuyển ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam. Đã không ít lần lực lượng CSGT, Công an tỉnh đối mặt với đối tượng vận chuyển ma tuý với số lượng lớn, có sử dụng súng quân dụng, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị truy bắt, như trường hợp của đối tượng Tạ Văn Hùng, trú tại xã Phong Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ngày 26/8/2012, phát hiện Hùng lái ô tô trên Quốc lộ 6 với biểu hiện nghi vấn, Giám đốc Công an tỉnh Hoà Bình đã chỉ đạo CSGT phối hợp lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma tuý bắt giữ đối tượng cùng vật chứng. Nhận thấy phía trước có lực lượng chốt chặn, Hùng lái xe bỏ chạy và liên tục bắn trả tổ công tác. Cùng đường, đối tượng đốt xe ô tô tiêu huỷ vật chứng, cướp xe máy của người dân chạy trốn. Tổ công tác dập lửa “cứu” xe và vận động Hùng đầu hàng để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Do đối tượng chống trả quyết liệt, lực lượng công an buộc phải nổ súng tiêu diệt. Khám xét ô tô của Hùng, lực lượng công an thu giữ 100 bánh heroin, 800 viên ma tuý tổng hợp, 05 khẩu súng, 02 quả lựu đạn và 120 viên đạn các loại cùng nhiều vật chứng liên quan.
Thậm chí trong quá trình truy đuổi, đối tượng sẵn sàng đâm va gây thương tích cho lực lượng CSGT. Ngày 01/8/2017, Thượng uý Nguyễn Thành Trung và Thiếu uý Phạm Văn Chính, cán bộ Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Ninh khi cùng đồng đội truy đuổi chiếc xe ô tô vận chuyển trái phép 3.000 viên ma tuý tổng hợp đã bị đối tượng tạt đầu, ép xe dẫn đến bị thương. Ngày 24/5/2019, Trạm CSGT Tân Lạc, Phòng CSGT, Công an tỉnh Hòa Bình tại km 101 + 400, Quốc lộ 6 phát hiện xe ô tô mang biển kiểm soát 27C - 039.48 chạy quá tốc độ quy định, tổ công tác ra tín hiệu dừng xe nhưng lái xe không chấp hành, bỏ chạy và rút dao chống trả song đã bị lực lượng chức năng kịp thời khống chế, bắt giữ. Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận là Lò Văn Thư, trú tại tỉnh Điện Biên. Khám xét xe ô tô, tổ công tác thu giữ 08 bánh heroin, 09 kg ma túy “đá” và 2.000 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều vật chứng liên quan.
Chiếc xe chở Thượng uý Nguyễn Thành Trung trong khi thi hành nhiệm vụ bị đối tượng đâm va làm hỏng nặng.
Theo thống kê của Cục CSGT, trong 06 tháng đầu năm 2019, lực lượng CSGT toàn quốc đã trực tiếp và phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, bắt giữ 3.536 vụ, với 2.985 đối tượng có hành vi phạm tội trên các tuyến giao thông. Thu giữ 203 bánh heroin, 55.891 viên ma túy tổng hợp, 78,9 kg ma túy các loại, 48 khẩu súng, 7,77 tấn pháo nổ các loại, 1,3 tấn thuốc nổ và hoá chất, 300 kg + 465,6 m³ gỗ, trên 300.000 bao thuốc lá, 102.000 lít xăng cùng nhiều loại hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ khác có giá trị hơn 15 tỷ đồng. Lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện, lập biên bản xử lý 160 trường hợp lái xe dương tính với ma tuý, 14.756 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Đối tượng Lò Văn Thư cùng vật chứng tại Công an tỉnh Hoà Bình
Thực tế hiện nay ngoài nhiệm vụ TTKS, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, lực lượng CSGT còn trực tiếp tham gia đấu tranh chống tội phạm nói chung và bắt giữ đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý nói riêng. Trong các vụ bắt giữ này, CSGT có trách nhiệm dừng xe kiểm tra hành chính, nếu không được trang bị súng quân dụng sẽ không đảm bảo an toàn cho CBCS trong khi thi hành nhiệm vụ và giảm hiệu quả tấn công, trấn áp tội phạm. Trong trường hợp bắt giữ đối tượng phạm tội, đối tượng có lệnh truy nã, TTKS ban đêm ở địa bàn xa khu dân cư, việc trang bị súng cho CBCS là cần thiết, nhưng phải sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Còn TTKS, phân làn giao thông, xử lý vi phạm về an toàn giao thông thông thường thì không nhất thiết phải sử dụng.
Tuy nhiên việc trang bị súng quân dụng cho CSGT còn bất cập. Trong dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình TTKS, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT, Bộ Công an đã đưa nội dung trang bị thêm súng trường, súng tiểu liên cho CSGT nhằm tăng cường sức mạnh trong đấu tranh chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Theo Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an, việc đề xuất trang bị súng trường, súng tiểu liên là phù hợp với hoạt động của lực lượng CSGT và là cụ thể hoá quy định trong luật, giúp cho lực lượng này thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên, theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Công an nhân dân được sử dụng một số loại vũ khí, công cụ hỗ trợ. Tại Thông tư 01/2016 chưa quy định cụ thể CSGT được sử dụng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ gì nên dự thảo lần này phải bổ sung. Hơn nữa, đây chỉ là cụ thể hoá trong luật, tuy nhiên không phải khi có quyền sử dụng, CSGT sẽ được trang bị ngay. Nếu được thông qua, Bộ Công an còn phải căn cứ theo tình hình thực tế để quyết định trang bị loại vũ khí phù hợp cho lực lượng này.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, việc trang bị vũ khí quân dụng cho CSGT là cần thiết. Đặc biệt, khi CBCS tuần tra trên các tuyến đường phức tạp về an ninh trật tự cũng như điểm nóng về tội phạm ma túy, hình sự. Để đảm bảo hiệu quả, an toàn, việc trang bị súng phải có trong các kế hoạch TTKS, được lựa chọn kỹ càng về tính năng, công dụng của súng, kỹ năng sử dụng của CBCS. Các trường hợp được nổ súng đã quy định rõ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nên CSGT cần phải tuân thủ chặt chẽ.
Ngoài việc được trang bị các loại súng quân dụng, công cụ hỗ trợ phù hợp, lực lượng CSGT cần được rèn luyện sức khoẻ, thường xuyên tập huấn điều lệnh, võ thuật, bắn súng để làm chủ và phát huy hiệu quả sử dụng vũ khí trong TTKS, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật nhất là quy định về các trường hợp được nổ súng phòng vệ chính đáng nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản cho CBCS và nhân dân. CSGT phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đồng thời vận động nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi gây mất an toàn giao thông cũng như truy đuổi, bắt giữ đối tượng phạm tội trên đường.
Kim Long
Những trường hợp được nổ súng
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018 quy định 11 trường hợp được nổ súng, trong đó có 05 trường hợp phải cảnh báo trước và 06 trường hợp nổ súng không cần cảnh báo. Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 23, Luật này quy định, người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo trong trường hợp: Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin; đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ; đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ; đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; được nổ súng vào động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
|