Theo báo cáo của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), các quốc gia, các tổ chức quốc tế thì thị trường ma túy và tiền chất bất hợp pháp trong khu vực và trên thế giới gia tăng nhanh chóng; khu vực “Tam giác vàng” vẫn là địa bàn sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất cung cấp cho cả khu vực và thế giới. Đáng chú ý, trong 9 năm qua thế giới đã và đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ từ sản xuất, sử dụng heroin sang ma túy tổng hợp, sản xuất ma túy tổng hợp đã tăng gấp 9 lần kể từ năm 2006 đến nay. Ma túy tổng hợp và tiền chất bất hợp pháp đến chủ yếu từ các nước có nền công nghiệp hóa chất phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ sau đó được tuồn vào khu vực Tam giác vàng để sản xuất ma túy tổng hợp. Tội phạm đã và đang tìm cách sử dụng các loại tiền chất mới để sản xuất ma tuý tổng hợp. Tiền chất để sản xuất ra ma túy tổng hợp đang được chuyển đổi từ Ephedrine, Pseudophedrine sang các loại tiền chất khác như P2P, ANPP, APAAN... Theo số liệu của UNODC từ năm 2012 đến nay thu giữ ma túy tổng hợp tăng mạnh trong khi đó thu giữ tiền chất bất hợp pháp lại giảm đặc biệt là Ephedrine và Pseudophedrine.
Năm 2017 trên thế giới xuất hiện 803 chất ma túy tổng hợp mới (theo báo cáo của 11 quốc gia và vùng lãnh thổ), 739 chất hướng thần mới (NPS) trong đó có 500 chất NPS đã xuất hiện trên các thị trường ma túy. Tại phiên họp lần thứ 61 của Ủy ban về ma túy, Liên hợp quốc (tháng 3/2018) đã bổ sung 06 chất ma túy mới vào Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961, gồm: Acryloylfentanyl (Acrylfentanyl), Carfentanil, 4-Fluoroisobutyrfentanyl (4-FIBF, pFIBF), Furanyl fentanyl, Ocfentanil, Tetrahydrofuranyl fentanyl (THF-F)[i]. Đến phiên họp lần thứ 62 của Ủy ban về ma túy (tháng 3/2019) tiếp tục bổ sung 04 chất ma túy vào Công ước năm 1961 (Cyclopropylfentanyl, Methoxyacetylfentanyl, 2-Fluorofentanyl, 4-Fluorobutyrfentanyl); 05 chất hướng thần vào Công ước về các chất hướng thần năm 1971 (ADB-FUBINACA, FUB-AMB, ADB-CHMINACA, CUMYL-4CN-BINACA, N-Ethylnornopentylone) và 03 tiền chất vào Công ước về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và các chất hướng thần năm 1988 [3,4-MDP-2P-methylglycidate (PMK glycidate)); 3,4-MDP-2P-methylglycidic acid (PMK glycidic acid); Alpha-phenylacetoacetamide (APAA)][ii].
Do tác động trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực, đặc biệt là các nước láng giềng, tình hình tội phạm và ma túy ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nguồn ma túy chủ yếu từ nước ngoài, nhất là từ khu vực “Tam giác vàng” được mua bán, vận chuyển trái phép về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ, đường hàng không, đường biển. Đáng lưu ý, lượng ma túy tổng hợp (dạng viên và tinh thể) từ Trung Quốc, Lào và Campuchia được vận chuyển vào Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước khác tiếp tục gia tăng. Trong nội địa, tình hình mua bán, sản xuất, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy diễn ra phức tạp, nhất là các thành phố lớn và các tỉnh có nhiều địa bàn trọng điểm về ma túy[iii], các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, các sự kiện, lễ hội đông người tham gia, sử dụng âm nhạc có cường độ mạnh, trong đó đã xảy ra nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng[iv]. Các đối tượng phạm tội hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi và chúng có xu hướng dịch chuyển từ mua bán, vận chuyển sang sản xuất ma túy tổng hợp ngay trong nội địa. Một số đối tượng đã sử dụng các chung cư cao tầng, tầng hầm nhà để chiết tách, điều chế ma túy tổng hợp từ các tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và thuốc thú y có bán trên thị trường[v]. Bên cạnh đó, có dấu hiệu gia tăng việc mua bán tiền chất bất hợp pháp trong nước và ra nước ngoài, đặc biệt là những loại tiền chất có nguy cơ cao dùng vào việc sản xuất ma túy tổng hợp như Pseudoephedrine, Ephedrine... Trong khi đó, các chất ma túy mới xuất hiện ở Việt Nam có xu hướng gia tăng, từ ngày 15/5/2018 đến nay Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an đã giám định có 07 chất ma túy mới xuất hiện tại Việt Nam, trong đó có 05 chất chưa có danh mục gồm: N-Ethylpentylone, 5F-MDMB-PICA, 2-Fluoro Descholoro Ketamine, 4-Flouro-MDMB-BUTINACA, MMB-022.
Về hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vẫn diễn ra sôi nổi và ngày càng phát triển đa dạng. Hiện nay trên cả nước có 916 doanh nghiệp làm thủ tục xuất, nhập khẩu tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp và y tế, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh...là những tỉnh, thành phố có các khu công nghiệp hoặc khu chế xuất. Các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất y tế chủ yếu tập trung tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng qua các cửa khẩu đường hàng không sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay Quốc tế Nội Bài và đường biển, chủ yếu là thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, tiền chất như: Codeine phosphate, Diazepam Hameln, Codeine Base, Ephedrine...Nguồn tiền chất y tế chủ yếu nhập từ các nước như: Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Đức và Thụy Sỹ. Đối với tiền chất công nghiệp, ngoài một số ít tiền chất Việt Nam tự sản xuất được như H2SO4, HCl, chủ yếu các loại tiền chất đều được nhập khẩu để phục vụ sản xuất, kinh doanh tại các khu chế xuất và khu công nghiệp, nguồn nhập khẩu nhiều nhất từ các quốc gia: Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Pháp, Ấn Độ... Do đó, công tác phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy của các bộ, ngành được chú trọng thực hiện đồng bộ từ khâu cấp phép, kiểm soát đến khâu kiểm tra và giám sát. Theo kiểm soát của Tổng cục Hải quan: Từ 01/01/2018 đến 31/12/2018, trên cả nước số lượng tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần làm thủ tục xuất nhập khẩu thực tế là: 566.476,98 tấn và 1.645.790 lít tiền chất, hỗn hợp hóa chất chứa tiền chất dùng trong lĩnh vực công nghiệp; 8.689,45 kg (khối lượng hoạt chất) thuốc gây nghiện; 4.041,61 kg (khối lượng hoạt chất) thuốc hướng thần; 21 kg tiền chất trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng đã thường xuyên trao đổi với Ủy ban kiểm soát ma túy thế giới (INCB), Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), các tổ chức quốc tế, liên chính phủ và các nước về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; thực hiện các nghĩa vụ theo 3 Công ước của Liên hợp quốc về ma túy), qua đó kịp thời nắm bắt xu hướng của tội phạm có liên quan, đặc biệt là việc xuất hiện các loại ma túy, tiền chất ma túy mới phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh.

Tích cực trong công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm cơ bản, công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở nước ta hiện nay còn có những vấn đề cần phải giải quyết kịp thời và đồng bộ như:
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ còn nhiều bất cập, xuất hiện nhiều điểm không còn phù hợp với tình hình thực tế như: Luật phòng, chống ma túy; Nghị định số 80/2001/NĐ-CP ngày 05/11/2001 của Chính phủ hướng dẫn việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở trong nước; Nghị định số 58/2003/NĐ-CP ngày 29/5/2003 quy định kiểm soát các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu và vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần; Quyết định số 52/2011/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất tuy mới ban hành nhưng một số chất ma túy, tiền chất mới được bổ sung vào Công ước của Liên hợp quốc và mới phát hiện ở Việt Nam chưa được bổ sung kịp thời vào danh mục quản lý.
- Công tác phát hiện, xử lý đối với các vụ việc vi phạm về mua bán, vận chuyển tiền chất (công nghiệp, y tế, thú y), thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập do quy định của pháp luật chỉ xử lý hình sự về tội phạm ma túy đối với các trường hợp chứng minh được mục đích mua bán, vận chuyển trái phép tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện vào mục đích sản xuất ma túy nên đa số các vụ việc phát hiện vi phạm chỉ dừng lại ở xử lý hành chính, chưa có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm.
- Công tác kiểm soát tiền chất công nghiệp còn một số hạn chế, việc kiểm soát các hoạt động mua bán tiền chất công nghiệp trong nội địa đến sản phẩm cuối cùng còn nhiều khó khăn. Hiện nay, mới chỉ kiểm soát, quản lý ở khâu xuất, nhập khẩu, chưa chú ý kiểm soát hoạt động sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng. Còn tình trạng các doanh nghiệp nhập khẩu kinh doanh tiền chất xin cấp phép nhiều nhưng số lượng thực nhập lại ít, điều này gây ra số liệu ảo và khó khăn cho đơn vị cấp phép để cung cấp số liệu cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp không khai báo đầy đủ thông tin về tiền chất khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hoặc sau khi nhập khẩu chưa có báo cáo về tình hình mua bán, sản xuất, phân phối, sử dụng, tồn trữ...gây khó khăn trong công tác theo dõi, kiểm soát và quản lý. Từ đó, các đối tượng lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý đã thu gom tiền chất để chiết tách ma túy và sản xuất ma túy tổng hợp.
- Công tác quản lý tiền chất sử dụng trong lĩnh vực thú y chưa được thực hiện do Nghị định số 73/2018/NĐ-CP mới ban hành từ ngày 15/5/2018, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa ban hành quy định quản lý và cấp phép, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý nói chung và hoạt động bình thường của doanh nghiệp, tổ chức có liên quan.
- Công tác kiểm soát Hải quan còn khó khăn do một số chất chưa có mã thông tin CAS đối với các danh mục tại Nghị định số 73/2018/NĐ-CP. Có trường hợp lợi dụng sơ hở việc quy định khai báo hóa chất của Bộ Công Thương, quy định quản lý rủi ro, phân luồng hàng hóa xuất nhập khẩu (xanh, vàng, đỏ) đối với kiểm soát hóa chất, tiền chất của Hải quan nên đã vận chuyển trái phép tiền chất ra nước ngoài và vào lãnh thổ Việt Nam.
- Hoạt động của Trung tâm dữ liệu kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy chưa đảm bảo yêu cầu: Phần mềm dữ liệu còn nhiều lỗi bất cập, chỉ mới có các trường thông tin quản lý xuất, nhập khẩu của cơ quan cấp phép, chưa có đủ các thông tin phục vụ công tác kiểm soát, giám sát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy của các đơn vị, địa phương và doanh nghiệp theo quy định; Công tác nhập dữ liệu chưa đầy đủ, không tích hợp được dữ liệu của Trung tâm với hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) do không tương thích các trường thông tin của phần mềm quản lý dữ liệu của Trung tâm.
- Hoạt động của Tổ Công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy từ trung ương đến địa phương còn hạn chế, chưa có sự kết nối chặt chẽ, thông suốt nên việc cập nhật thông tin và tổ chức hoạt động chưa trọng tâm.
Từ tình hình thực tế kết quả công tác kiểm soát, quản lý và những hạn chế, khó khăn nêu trên, đòi hỏi các bộ, ngành, đơn vị chức năng cần phối hợp tích cực, khẩn trương để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay của công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy như sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu sửa đổi Luật phòng, chống ma túy và các nghị định thay thế, hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 80/2001/NĐ-CP ngày 05/11/2018 của Chính phủ hướng dẫn kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trong nước; Nghị định số 58/2003/NĐ-CP ngày 29/5/2003 của Chính phủ quy định về kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần; Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Tổng kết thực hiện Quyết định số 52/2011/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định.
Hai là, kiện toàn Tổ Công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy các cấp. Tăng cường các hoạt động phối hợp kiểm soát của các đơn vị chức năng thuộc các bộ, ngành và địa phương từ khâu cấp phép xuất, nhập khẩu đến kiểm soát, kiểm tra các hoạt động sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất (công nghiệp, y tế, thú y) của các doanh nghiệp.
Ba là, tăng cường phối hợp và trao đổi thông tin với Ủy ban kiểm soát ma túy thế giới (INCB), Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), các tổ chức quốc tế, liên chính phủ và các nước về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Bốn là, nghiên cứu, nâng cấp Trung tâm dữ liệu kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, đảm bảo thống nhất công tác quản lý, vận hành, truy cập, cập nhật, khai thác, xử lý và trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và với Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) và các quốc gia, tổ chức quốc tế.
Năm là, tiến hành rà soát, đánh giá và đề xuất phương án bố trí đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy của các đơn vị, địa phương đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của lãnh đạo, cán bộ các đơn vị và doanh nghiệp về công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy./.
Thanh Huyền
[i] Nguồn: INCB - New substances 2018
(https://www.incb.org/incb/en/narcotic-drugs/yellowlist/new-substances-under-control-2018.html)
[ii] Nguồn: UNODC
(https://www.unodc.org/LSS/Announcement/Details/abeb2ba9-3788-4a67-a80a-19e098b4476b)
[iii] Tại Hà Nội các lực lượng chức năng đã bắt được 02 vụ, 04 đối tượng, thu giữ 78 bánh heroin và 61.000 viên MTTH; tại TP Hồ Chí Minh bắt 08 đối tượng, thu 14 kg và 26.300 viên MTTH, 200 gam Ketamine; tại Ninh Bình bắt giữ 02 đối tượng, thu 30 kg MTTH “dạng đá”.
[iv] Vụ 07 thanh niên tử vong do sử dụng ma túy tại Lễ hội âm nhạc tại Công viên nước Hồ Tây, vụ ca sĩ Châu Việt Cường “ngáo đá” làm chết 01 người ở Hà Nội…
[v] Cuối năm 2017 Công an Tp Hà Nội bắt giữ 04 vụ/04 đối tượng chiết xuất ma túy tổng hợp từ thuốc thú y có chứa Ketamin. Năm 2018 các lực lượng chức năng Tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và bắt giữ 02 vụ, 09 đối tượng có liên quan đến việc sản xuất chất ma túy từ thuốc thú y và nhập lậu thuốc bắc số lượng lớn, thu giữ 663 lọ thuốc thú y dùng vào việc sản xuất ma túy và trên 30 tấn thuốc bắc các loại.