ASEAN chung tay phòng, chống ma tuý

Từ ngày 26 - 31/8/2019, tại tỉnh Siêm Riệp, Vương quốc Campuchia đã diễn ra Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về phòng, chống ma túy (PCMT) lần thứ 40 (ASOD 40). Tham dự Hội nghị có hơn 140 đại biểu đại diện cơ quan PCMT 10 nước thành viên ASEAN, 05 nước đối thoại gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Cơ quan PCMT và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Cảnh sát Liên bang Úc (AFP), Cơ quan bài trừ ma tuý Hoa Kỳ (DEA). Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị gồm các đại biểu đại diện Cục Cảnh sát ĐTTP về ma tuý (Bộ Công an) và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) do đồng chí Thiếu tướng Phạm Hồng Sơn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát  ĐTTP về ma tuý làm trưởng đoàn. Hội nghị diễn ra với phiên họp toàn thể và các phiên họp nhóm thảo luận về công tác PCMT của khối.

01/11/2019 | Article Rating

Qua báo cáo quốc gia và tham luận, thảo luận của các đại biểu tại Hội nghị cho thấy trong khu vực đang đối mặt với những diễn biến phức tạp của tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý và lạm dụng ma tuý. Theo báo cáo của UNODC năm 2018, số lượng methamphetamine (meth) bị thu giữ ở khu vực Đông và Đông Nam Á lên đến 116 tấn. Meth chiếm đến 95% lượng ma tuý bị thu giữ tại Philippin, 91,6% ở Brunei. So với năm 2017, số lượng meth bị thu giữ năm 2018 ở Thái Lan tăng 303%, ở Việt Nam tăng 205%. Trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Công, số lượng meth dạng tinh thể bị thu giữ  lên tới 50 tấn, meth dạng viên bị thu giữ cũng lên tới 650 triệu viên. Số người lạm dụng meth đang gia tăng ở Singapore, Lào, Philippines.

Khu vực Tam giác vàng tiếp tục là điểm nóng về trồng cây thuốc phiện và sản xuất ma tuý tổng hợp (MTTH) của khu vực và thế giới. MTTH được sản xuất với số lượng lớn được vận chuyển đến Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam tiêu thụ và đưa đi nước thứ ba. Đầu năm 2019, Lào, Việt Nam và Philippines đã bắt giữ được nhiều vụ vận chuyển meth số lượng lớn có nguồn gốc từ khu vực Tam giác vàng. Tháng 5/2019, Thái Lan khám phá đường dây ma tuý lớn thu giữ 05 triệu viên hồng phiến, 1,5 tấn meth. Mianmar bắt vụ vận chuyển 8,5 triệu viên hồng phiến.

Cảnh sát Thái Lan triệt phá cây thuốc phiện ở khu vực Tam giác vàng.

Trong những năm gần đây tình hình mua bán, vận chuyển ma tuý quan đường hàng không, đường biển, bưu điện tại các nước ASEAN gia tăng. Đáng chú ý các đối tượng lợi dụng tuyến đường biển để vận chuyển ma tuý với số lượng lớn. Năm 2018, Indonesia bắt giữ 41,4 tấn lá khát và cần sa quá cảnh qua cảng biển nước này để xuất đi nước thứ ba. Thái Lan phát hiện nhiều contener hàng hoá chứa meth, heroin xuất đi Hàn Quốc, Nhật Bản. Việt Nam phát hiện thu giữ hơn 100 kg cocain cất giấu trong lô sắt phế liệu trên tàu treo cờ Ucraina đi từ Caribe cập cảng Tân Cảng - Thị Vải - Cái Mép (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Hiện tại khu vực Đông Nam Á xuất hiện ngày càng nhiều chất hướng thần mới (NPS) nằm ngoài danh mục kiểm soát của Liên hợp quốc. Indonesia phát hiện thêm 74 chất và cảnh báo số liệu thu giữ có xu thế tăng 150% so với năm 2017. Tình trạng lạm dụng MTTH, chất hướng thần tăng mạnh ở giới trẻ đã gây bất ổn trong khu vực. Xu thế mua bán, phân phối ma tuý qua các trang mạng trực tuyến trở nên phổ biến ở Singapore, Thái Lan, trong khi công tác đấu tranh,  thu thập thông tin liên quan gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng đó, các nước ASEAN đã có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm, tệ nạn ma tuý. Cụ thể, Việt Nam đại diện cho khối phát biểu Tuyên bố chung ASEAN tại Phiên họp cấp Bộ trưởng Hội nghị Uỷ ban kiểm soát ma tuý Liên hợp quốc (CND) lần thứ 62 tại Thủ đô Viên, Cộng hoà Áo, ngày 15/3/2019. Singapore phát biểu Tuyên bố chung ASEAN chống hợp pháp hoá các chất ma tuý thuộc diện kiểm soát tại phiên họp giữa kỳ lần thứ 5, Hội nghị CND lần thứ 61 tại Viên, ngày 07 - 09/11/2018. Các nước đã triển khai Kế hoạch chi tiết Cộng đồng an ninh - chính trị ASEAN 2025. Tính đến tháng 6/2019, đã có 269/290 dòng hành động được thực hiện. Kế hoạch hành động ASEAN phấn đấu bảo vệ cộng đồng chống tệ nạn ma tuý giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai rộng rãi. Các nước đã đánh giá nội bộ lần thứ nhất tại Hội nghị ASOD 39 tại Brunei năm 2018 và các hoạt động triển khai đang được cập nhật đến ngày 20/8/2019.

Năm 2018, các nước trong khu vực tích cực tham gia và thúc đẩy hợp tác đa phương thông qua các khuôn khổ hợp tác, các cuộc họp thường niên giữa các cơ quan PCMT. Năm 2019, các khoá tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng hành pháp được tổ chức như Chương trình thực thi pháp luật PCMT lần thứ 18 tại Singapore, Khoá tập huấn về ngăn chặn ma tuý tại sân bay cho cán bộ hành pháp tại sân bay Bangkok, Thái Lan.

ASEAN đã thành công trong việc triển khai xây dựng dự án Cổng thông tin giáo dục phòng ngừa ma tuý (PDE ASEAN). Theo đó, các thông tin liên quan đến PCMT sẽ được cập nhật, chia sẻ tại trang web: www.aseanpde.org. Hiện trang web đã đăng tải tài liệu, video, phim ngắn về công tác PCMT của Thái Lan, Singapore, Philippines. Các nước khác được khuyến khích chia sẻ thông tin, làm phong phú nội dung nhằm tạo thành cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên trong công tác giáo dục phòng ngừa trong khu vực. Các nước đã xuất bản Báo cáo giám sát ma tuý ASEAN năm 2018, đánh giá tình hình, nhận định xu hướng, ghi nhận nỗ lực của khu vực trong công tác PCMT.

Tại Hội nghị, các nước nhất trí đẩy mạnh biện pháp tiếp cận cân bằng trong giảm cung, giảm cầu ma tuý, nâng cao hiệu quả chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đồng thời thông qua Bản mô tả chức năng nhiệm vụ của Tổ công tác ASOD về thực thi pháp luật, hợp tác PCMT qua đường biển, đường bộ, đường hàng không. Tổ công tác sẽ họp 01 lần/năm tại phiên họp nhóm của Hội nghị ASOD hàng năm, do nước chủ nhà đăng cai tổ chức. Thông qua Kế hoạch hoạt động của mạng lưới giám sát ma tuý ASEAN giai đoạn 2019 - 2020. Thông qua báo cáo đánh giá nội bộ Kế hoạch hành động ASEAN về phấn đấu bảo vệ cộng đồng chống tệ nạn ma tuý giai đoạn 2016 - 2025. Thống nhất gia hạn thêm 03 năm cho Kế hoạch hợp tác ASEAN chống sản xuất, mua bán ma tuý bất hợp pháp khu vực Tam giác vàng. Theo đó, kế hoạch sẽ được tiếp tục triển khai từ năm 2020 - 2022, việc đánh giá giữa kỳ sẽ được tổ chức tại Thái Lan vào năm 2021. Các nước cùng kiên định quan điểm về chống hợp pháp hoá các chất ma tuý thuộc diện kiểm soát vì mục đích phi y tế, phi khoa học. Đề nghị các nước thể hiện quan điểm này trước khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Hội nghị CND lần thứ 62 về việc đưa cần sa, nhựa cần sa ra khỏi Bảng IV, Công ước Liên hợp quốc năm 1961. Thái Lan sẽ đại diện cho ASEAN bỏ phiếu tại Hội nghị CND lần thứ 63 sẽ diễn ra vào tháng 3/2020. Indonesia, với cương vị Chủ tịch ASOD 41 vào năm 2020 sẽ chủ trì tham vấn các nước thành viên xem xét, cập nhật Bản mô tả chức năng, nhiệm vụ của ASOD, dự kiến được đưa ra thảo luận tại Hội nghị ASOD 41 thay cho Bản mô tả chức năng, nhiệm vụ cũ được thông qua tại Hội nghị ASOD 12, năm 1989 tại Thái Lan đã cũ, có nhiều thông tin chưa được cập nhật phù hợp với tình hình hiện nay.

Bên cạnh đó, các đoàn Myanmar, Thái Lan, Lào, DEA kêu gọi ASEAN ngăn chặn tiền chất thất thoát vào khu vực Tam giác vàng để sản xuất trái phép ma tuý. UNODC khuyến khích các nước tăng cường năng lực cho lực lượng hành pháp, đặc biệt tại khu vực biên giới, trên tuyến sông Mê Công. Khuyến khích các nước thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin, tài liệu trên trang web: www.aseanpde.org làm cơ sở đẩy mạnh hoạt động phòng ngừa tại mỗi nước. 

Trên cơ sở nội dung, kết quả Hội nghị, đoàn đại biểu Việt Nam đề nghị Bộ Công an giao Cục Cảnh sát ĐTTP về ma tuý theo dõi, tham gia các hoạt động thường niên về PCMT của ASEAN, trong đó có Hội thảo đánh giá giữa kỳ Kế hoạch hành động ASEAN về phấn đấu bảo vệ cộng đồng chống tệ nạn ma tuý giai đoạn 2016 - 2025, dự kiến tổ chức tại Indonesia, năm 2020. Tiếp tục triển khai Kế hoạch hợp tác ASEAN chống sản xuất, mua bán ma tuý bất hợp pháp tại khu vực Tam giác vàng giai đoạn 2020 - 2022.

Phối hợp với các bộ, ngành chia sẻ thông tin, tài liệu về PCMT trên trang web: www.aseanpde.org. Nắm rõ quan điểm của ASEAN về vấn đề hợp pháp hoá cần sa, nhựa cần sa, từ đó phối hợp với các bộ, ngành xây dựng quan điểm của Chính phủ Việt Nam nhằm cấm sử dụng cần sa cho mục đích y tế, giải trí, nghiên cứu khoa học trước khuyến nghị của WHO đưa chất này ra khỏi Bảng IV, Công ước 1961.  

Phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước trao đổi, đàm phán với Trung Quốc về Bộ chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng nguồn tiền do nước này tài trợ thông qua UNODC cho Quỹ hợp tác PCMT giữa ASEAN - Trung Quốc. Xem xét, cập nhật Bản mô tả chức năng, nhiệm vụ của ASOD và các mặt công tác PCMT khác của ASEAN./.

Kim Long