Trong những năm qua trước tình hình tệ nạn ma tuý diễn biến phức tạp, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách về công tác phòng, chống ma tuý nói chung và cai nghiện ma tuý nói riêng, nhưng tình hình tệ nạn ma tuý không thuyên giảm, mà có xu hướng gia tăng. Theo thống kê trong 20 năm gần đây, người nghiện ma tuý trong cả nước liên tục gia tăng, bình quân mỗi năm tăng từ 07 - 12 % (năm 2000 số người nghiện ma tuý là 101.038 người, đến tháng 5/2019 là 230.767 người). Trong đó, người nghiện ma tuý ở ngoài xã hội chiếm khoảng 67,5%; ở cơ sở cai nghiện 13,5%; ở trại giam, trại tạm giam 19%. Theo ước tính của cơ quan công an có khoảng 70% người nghiện ma tuý có hành vi vi phạm pháp luật, chủ yếu là các tội trộm cắp, cướp tài sản, giết người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bắt cóc tống tiền, đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê...
Một số khó khăn vướng mắc trong công tác cai nghiện ma tuý là thiếu kinh phí, nhân lực để thực hiện chương trình, đề án của Chính phủ. Nhiều địa phương còn có điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa quan tâm, đầu tư cho công tác cai nghiện. Có quan điểm cho rằng, ngân sách chưa đủ lo cho dân, thì lấy đâu lo cho người nghiện. Quan điểm này không đúng, vì ma tuý là tệ nạn của xã hội, nếu không giải quyết triệt để sẽ làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Để người nghiện phạm tội sẽ làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Về pháp luật còn nhiều bất cập, quá dân chủ, quá chặt chẽ. Từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực pháp luật, người nghiện ma tuý không ngừng gia tăng. Công tác thống kê người nghiện ma tuý, công tác cai nghiện tại cộng đồng, tại gia đình chưa được quan tâm, do thiếu kinh phí, các xã, phường, thị trấn thiếu cơ sở vật chất phục vụ cai nghiện tại cộng đồng, chưa có quy định giao cho tổ chức cá nhân nào chịu trách nhiệm. Một số địa phương tổ chức cai nghiện tại cộng đồng nhưng chỉ là hình thức, không đúng quy trình, không có hiệu quả, mục đích lấy tiêu chí để đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện làm hiệu quả cần đạt được. Nhiều địa phương chưa quan tâm lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, dẫn đến người nghiện ở ngoài xã hội vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự.
Nghiện ma tuý tổng hợp không ngừng gia tăng, có địa phương người nghiện ma tuý tổng hợp chiếm trên 60% như: Đà Nẵng 85%, Tây Ninh 61%, TP. Hồ Chí Minh 48%... nhưng chưa có phác đồ điều trị. Quy định đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện từ 1 - 2 năm là chưa phù hợp, nên tỷ lệ tái nghiện rất cao, khoảng trên 90%. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chế độ chính sách cho các học viên tại cơ sở cai nghiện còn hạn chế, chưa có những khu riêng bố trí ăn ở cho đối tượng có tiền án, tiền sự. Chế độ sinh hoạt khắt khe, lao động quá sức. Phần lớn người nghiện ma tuý ở ngoài xã hội ăn chơi, khi vào trung tâm, ăn ở chật hẹp, thiếu thốn, không chịu được cuộc sống khổ cực, đòi yêu sách. Nhiều người sử dụng ma tuý tổng hợp bị rối loạn tâm thần nên dẫn đến rủ rê lôi kéo kích động chống, phá, bỏ trốn khỏi cơ sở như ở một số địa phương trong mấy năm gần đây. Mặt khác, cán bộ ở các trung tâm chưa đủ uy để duy trì nội quy, quy chế, dẫn đến học viên chống đối nhưng không có biện pháp xử lý kịp thời.
Việc thực hiện Luật Phòng, chống ma tuý và Chỉ thị 21/CT-TW của Bộ Chính trị, ngày 26/3/2008 về Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới của một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm túc. Nhiều nơi để tình hình tệ nạn ma tuý phức tạp hoặc cán bộ, đảng viên có người thân liên quan đến ma tuý nhưng chưa bị xử lý.
Để công tác cai nghiện ma tuý có hiệu quả, các địa phương phải tích cực chủ động đầu tư nhân lực, kinh phí cho công tác này. Các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp quận, huyện cần bố trí cán bộ chuyên trách tham mưu, quản lý về người nghiện ma tuý. Thường xuyên tuyên truyền về tác hại ma tuý trên sóng phát thanh, truyền hình địa phương, vận động gia đình và người nghiện ma tuý tự nguyện khai báo về tình trạng nghiện, chủ động tham gia các chương trình cai nghiện tự nguyện và điều trị thay thế bằng methadone. Chính phủ cần xem xét tăng ngân sách cho công tác cai nghiện, nhất là đối với các địa phương còn khó khăn, tăng kinh phí hỗ trợ ăn ở cho học viên cai nghiện. Động viên các gia đình có con em nghiện ma tuý hỗ trợ, đóng góp kinh phí phục vụ sinh hoạt cho học viên.
Có cơ chế chính sách đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá công tác cai nghiện, các biện pháp điều trị thay thế bằng thuốc bông sen, heantos, cedemex... Đặc biệt mở rộng biện pháp điều trị thay thế bằng methadone, cấp phát về các trạm y tế xã, phường giúp người nghiện đi lại thuận lợi. Đây là biện pháp hiệu quả, ít tốn kém, được áp dụng rộng rãi trên thế giới, dễ sử dụng, ổn định sức khoẻ, người nghiện có thể sống vui vẻ, lao động bình thường, giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường máu như viêm gan B, C, HIV/AIDS, giảm tử vong do sốc sử dụng heroin, hạn chế vi phạm pháp luật, góp phần ổn định an ninh trật tự... được nhiều người nghiện và gia đình ủng hộ.

Người nghiện ma túy được phát thuốc Methadone (Ảnh minh họa)
Để hạn chế tình trạng chống đối, bỏ trốn của học viên, đề nghị các cơ sở cai nghiện đầu tư sửa chữa, xây dựng tường rào, khu kiên cố để quản lý các đối tượng lưu manh, tiền án, tiền sự, hay quậy phá. Trang bị camera theo dõi công khai mọi hoạt động chống phá của học viên để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Khi tiếp nhận học viên phải nghiên cứu, phân loại học viên để có phương án quản lý riêng. Thường xuyên quan tâm chế độ sinh hoạt, không để quá tải, quá chật hẹp, không được dùng nhục hình, khoán lao động quá sức của họ. Khuyến khích các gia đình thường xuyên thăm nuôi, hỗ trợ kinh tế cho học viên trong thời gian cai để hạn chế tối đa tình trạng học viên vô kỷ luật, bỏ trốn. Xây dựng quy chế phối hợp với công an địa phương trong quản lý, bảo vệ an ninh trật tự nơi cơ sở đứng chân.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm nghiên cứu đề nghị sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính về thủ tục, tiêu chí đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện, tăng thời gian cai nghiện (nghiên cứu tham khảo chính sách cai nghiện của các nước đang áp dụng hiệu quả). Theo khoa học, nghiện ma tuý là căn bệnh mãn tính, do rối loạn não bộ, phải điều trị lâu dài, bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội... Thời gian cai nghiện từ 01 - 02 năm chưa thể tẩy được “điểm đen” trong não, do vậy hầu hết người nghiện đi cai về rồi lại tái nghiện, thậm chí còn nghiện nặng hơn. Trước tình hình tệ nạn ma tuý phức tạp, gia tăng cần nghiên cứu xem xét chưa nên bỏ hoặc giảm các cơ sở cai nghiện, nên chuyển đổi chức năng cho phù hợp, thu gọn để giảm biên chế đỡ tốn kém. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan thường xuyên có đoàn kiểm tra, khảo sát đánh giá thực chất hiệu quả của công tác cai nghiện, hình thức nào cai nghiện có hiệu quả thì phát huy, hình thức nào không hiệu quả thì đề xuất bỏ, tránh lãng phí./.
Công Trình