Tháo gỡ những vướng mắc trong công tác giám định ma túy

Giám định ma túy là hoạt động bổ trợ tư pháp bắt buộc phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Tất cả các vụ án thu được mẫu nghi ma túy đều phải trưng cầu giám định; kết luận giám định là nguồn chứng cứ vật chất quan trọng để kết tội, định khung đối với đối tượng phạm tội.

01/11/2019 | Article Rating

Trên thực tế, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của Bản kết luận giám định như: Khám nghiệm hiện trường, thu bảo quản mẫu gửi giám định; tay nghề giám định viên; phương pháp và phương tiện, thiết bị; mẫu chuẩn sử dụng trong giám định.

Hiệp hội Khoa học hình sự quốc tế áp dụng Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu khi giám định mẫu ma túy thu giữ. Tương tự, ở nước ta,việc áp dụng nguyên tắc này trong lựa chọn phương pháp giám định các mẫu ma túy thu giữ nhằm nâng cao chất lượng giám định, độ tin cậy của kết quả giám định và đảm bảo thống nhất chất lượng bản kết luận giám định trong toàn lực lượng, phòng ngừa những sai sót kết quả do “ngộ nhận” của giám định viên trong điều kiện thực tế.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, ngành Công an đã có những đầu tư đáng kể nhằm nâng cao năng lực giám định, khám nghiệm hiện trường cho lực lượng Kỹ thuật hình sự (KTHS). Cán bộ, chiến sĩ làm công tác giám định ma túy đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, rèn luyện phấn đấu đạt được nhiều thành tích được biểu dương, ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, những thuận lợi về mọi mặt thì thực tế công tác giám định cũng còn gặp phải một số khó khăn, thách thức nhất định.

Quy trình giám định các chất hướng thần mới (NPS) còn rất thiếu so với yêu cầu công tác.Các phương pháp sử dụng trong Nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu phải được thẩm định, đánh giá loại trừ hoặc kiểm soát được dương tính giả. Do đó, muốn áp dụng bất kỳ một phương tiện, thiết bị nào trong việc phát hiện, nhận dạng chất ma túy đều phải thông qua một quy trình giám định đã được đánh giá, thẩm định. Thời gian qua sự gia tăng của các NPS quá nhanh, trong khi kinh phí dành cho công tác nghiên cứu khoa học, phát triển các quy trình kỹ thuật còn hạn chế.Hơn nữa việc mua mẫu chuẩn NPS để xây dựng, thẩm định quy trình cũng rất khó khăn.Do đó phần lớn các NPS không được giám định tại các Phòng KTHS, mặc dù hệ thống thiết bị được đầu tư tương đối đầy đủ.

Công tác giám định ma túy và tiền chất ma túy (Ảnh minh họa)

Thực tế hiện nay ở nước ta xảy ra tình trạng không có hoặc không đủ mẫu chuẩn ma túy dùng trong quy trình giám định.Hàng năm, lực lượng KTHS toàn quốc tiến hành giám định khoảng 20.000 vụ ma túy. Hầu hết các phương pháp phân tích sử dụng trong giám định ma túy ở nước ta cũng giống như trên thế giới là phương pháp so sánh.Nghĩa là phải phân tích song song mẫu chuẩn và mẫu nghi ngờ để so sánh hai kết quả. Do đó, nhu cầu mẫu chuẩn ma túy dùng trong quy trình giám định hàng ngày của lực lượng KTHS là rất lớn.

Hơn nữa, thiết bị giám định phát hiện NPS chưa tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới. Để giám định, phát hiện chính xác, phục vụ kịp thời yêu cầu của cơ quan điều tra, đặc biệt là với các NPS thì phải có các thiết bị phân tích cấu trúc chuyên sâu, hiện đại và đồng bộ. Trong những năm gần đây, ba phòng thí nghiệm giám định ma túy tại Viện Khoa học hình sự và hai Phân viện được đầu tư một số thiết bị phân tích hiện đại nâng cao năng lực phát hiện, giám định các loại ma túy mới.

Từ những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn công tác giám định ma túy nêu trên, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tập trung nghiên cứu xây dựng các quy trình kỹ thuật giám định các NPS trong mẫu thu giữ và mẫu sinh học. Cần ưu tiên kinh phí nghiên cứu khoa học cho các nhiệm vụ xây dựng thẩm định quy trình kỹ thuật giám định các NPS.Quy trình giám định và mẫu chuẩn là cơ sở để các Phòng KTHS phát huy tối đa công năng các thiết bị được trang cấp, giải quyết kịp thời trưng cầu của cơ quan điều tra.

Thứ hai, bổ sung cơ số mẫu chuẩn phục vụ giám định tư pháp theo hướng:Đối với các loại ma túy đã có quy trình tinh chế và quy trình đánh giá chất lượng mẫu chuẩn cần có nguồn kinh phí thường xuyên để sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của lực lượng giám định ma túy toàn quốc.Với các loại ma túy đang bị lạm dụng (đã xuất hiện trên thị trường bất hợp pháp của nước ta và bị lực lượng chức năng bắt giữ) mà trong nước chưa sản xuất được cần phải nhập khẩu ngay để đáp ứng đủ cho nhu cầu giám định tư pháp.Lựa chọn các loại ma túy có tần suất lạm dụng cao (số mẫu cần trưng cầu giám định nhiều và đang phải chi phí nhiều ngoại tệ cho việc nhập khẩu mẫu chuẩn) để đầu tư kinh phí triển khai nghiên cứu, xây dựng quy trình tinh chế, sản xuất mẫu chuẩn đạt tiêu chuẩn thay thế mẫu ngoại nhập.

Thứ ba, nâng cấp phòng thí nghiệm giám định ma túy tại Viện Khoa học hình sự và đẩy mạnh liên kết, phối hợp khai thác các thiết bị phân tích chuyên sâu mà ngành chưa có để phát hiện, giám định các loại NPS mới. Củng cố, nâng cấp phòng thí nghiệm giám định ma túy tại Phân viện ở ba miền vềcơ sở hạ tầng, các dụng cụ thí nghiệm… Đầu tư kinh phí bảo trì, nâng cấp các thiết bị phân tích thiết yếu, phân tích cấu trúc chuyên sâu đang có tại Viện Khoa học hình sự và Phân viện để nâng cao năng lực chủ động phát hiện, định danh chính xác, kịp thời các loại ma túy mới. Cần ký các quy chế hợp tác khai thác thiết bị với các cơ quan ngành ngoài nhằm tạo điều kiện để các giám định viên được chủ động khai thác, ứng dụng thiết bị trong phát hiện, nhận dạng các NPS lần đầu xuất hiện.

Thứ tư, nâng cao năng lực nhận biết, phát hiện, thu thập và giám định các NPS cho lực lượng khám nghiệm hiện trường và giám định ma túy thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấncho các cán bộ khám nghiệm hiện trường, cán bộ điều tra về ma túy như phương pháp sử dụng thiết bị GC-MS, FTIR để phát hiện, nhận biết ban đầu các NPS cho các giám định viên của Phòng KTHS công an các địa phương;cách sử dụng thiết bị phân tích cấu trúc chuyên sâu như GC-MS (ToF), GC-FTIR, NMR… để phát hiện, khẳng định các NPS chưa có mẫu chuẩn cho các giám định viên của Viện Khoa học hình sự./.

Nguyễn Xuân