Trên tuyến Tây Bắc, các đối tượng vận chuyển heroin từ Lào vào Việt Nam, sau đó đưa qua địa bàn Hà Nội và vận chuyển đi các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng rồi sang Trung Quốc tiêu thụ. Chúng trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Thủ đoạn hoạt động tinh vi như cất giấu ma túy trong các gói quà, thùng hoa quả, hàng hóa xuất nhập khẩu, trong người, giày dép, quần áo hoặc các hốc rỗng của ô tô, xe máy... và di chuyển theo các tuyến đường nhỏ, hẻo lánh để tránh sự phát hiện, kiểm tra của lực lượng chức năng. Ma túy tổng hợp cũng được chuyển từ Trung Quốc qua các tỉnh phía Bắc qua các cửa khẩu, đường tiểu ngạch về Hà Nội tiêu thụ.
Heroin ma túy tổng hợp dạng viên nén và cần sa dạng bánh được vận chuyển từ Lào qua các cửa khẩu Cầu Treo – Hà Tĩnh, Nậm Cắn – Nghệ An, Mường Lát – Thanh Hóa... về Hà Nội bằng cách sử dụng ô tô cá nhân để cất giấu hoặc gửi theo ô tô khách, tàu hỏa hay lợi dụng đường chuyển phát nhanh... Ngoài ra, tội phạm ma túy còn lợi dụng một số tuyến để vận chuyển ma túy vào Hà Nội hoặc đi các tỉnh khác, sang nước thứ ba tiêu thụ như đường hàng không (Sân bay quốc tế Nội Bài đi Úc, Đài Loan, các nước Đông Nam Á; từ Đông Âu về Nội Bài...). Thủ đoạn ép mỏng ma túy giấu trong vali hai đáy, giày, dép, sách, các hộp thực phẩm, lọ mỹ phẩm, thiết bị âm thanh điện tử... hoặc pha thành chất lỏng rồi thấm vào khăn tắm, quần áo... nhằm tránh sự phát hiện của máy soi chiếu khi kiểm tra tại cửa khẩu sân bay.
Các đối tượng mua bán lẻ ma túy lợi dụng bến xe, khu dân cư, các điểm uống Methadone, cơ sở kinh doanh dịch vụ quán bar, karaoke, nhà nghỉ, ngõ ngách nhỏ để hoạt động với phương thức thủ đoạn tinh vi như thường xuyên thay đổi chỗ ở, nơi trọ, địa điểm giao dịch, sử dụng các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, được hoãn thi hành án, nuôi con nhỏ, người khuyết tật để bán ma túy; gia cố nhà, nơi ở bằng nhiều lớp cửa kiên cố, lắp camera... nhằm đối phó với sự phát hiện, điều tra, bắt giữ của cơ quan công an. Hiện nay, tại các khu đô thị mới thuộc địa bàn các quận, huyện ngoại thành, nhiều đối tượng từ các địa phương khác về mua, thuê nhà để hoạt động mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; chúng liên tục thay đổi nơi ở gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng.
Trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Thủ đô đã chủ động nắm tình hình, xác định rõ các đối tượng trọng điểm, đối tượng bán lẻ ma túy và những địa bàn có nguy cơ phát sinh phức tạp để tập trung lực lượng, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh giải quyết hiệu quả. Đồng thời tích cực phối hợp với các đơn vị tăng cường các hoạt động tuần tra kiểm soát, duy trì giữ ổn định địa bàn, không để hình thành, phát sinh mới điểm phức tạp về ma túy.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Công an thành phố Hà Nội phát hiện, điều tra, khám phá 1724 vụ, 2346 đối tượng phạm tội về ma túy, đạt 75% chỉ tiêu năm. Vật chứng thu giữ tổng số 90,7 kg ma túy các loại (17,6 kg heroin, 56,3 kg ma túy tổng hợp, 5,6 kg cần sa, 11,1 kg thuốc phiện, 0,054 kg cocain, 01 khẩu súng và nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Công an thành phố Hà Nội, tình hình mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, chất kích thích tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm về ANTT (vũ trường, quán bar, karaoke, khách sạn...) hoặc những khu vui chơi, tổ chức sự kiện đông người tham gia, có sử dụng nhạc mạnh diễn biến phức tạp. Tại những nơi đó, việc đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp cùng với “bóng cười” (khí N20) đã gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình như vụ ngày 16/9/2018, Công ty TNHH kết nối Á Châu tổ chức Lễ hội âm nhạc “Du hành tới mặt trăng” tại Công viên nước Hồ Tây làm 07 người chết, qua kiểm tra xác định tất cả nạn nhân tử vong đều dương tính với ma túy. Tại hiện trường cơ quan chức năng thu giữ những vật chứng có liên quan đến chất Ketamine và các bình khí chứa N2O và vỏ bóng bay...
Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động của các vũ trường, quán bar
Thực trạng “ma túy vũ trường” cũng là mối quan tâm của dư luận xã hội. Qua rà soát, thống kê, toàn thành phố có hơn 100 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện và nhạy cảm về ANTT có nguy cơ tiềm ẩn phức tạp về ma túy. Lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra, qua đó hạn chế tình trạng các đối tượng lợi dụng các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm về ANTT để hoạt động phạm tội về ma túy. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố đã bắt giữ 45 vụ, 245 đối tượng trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhạy cảm về ANTT; xử lý hình sự 36 vụ, 60 đối tượng, xử lý hành chính 08 vụ, 182 đối tượng.
Một vấn đề mới nổi lên trên địa bàn Hà Nội, trong thời gian gần đây việc một số đối tượng mua bán trái phép chất ma túy sử dụng thủ đoạn tách chiết Ketamine từ thuốc thú y (chủ yếu là loại Ketamil Injection dùng để gây mê cho chó, mèo) với phương thức, thủ đoạn thực hiện rất đơn giản là đun dung dịch lên cho bay hơi nước sẽ thu được Ketamine. Việc quản lý, mua bán thuốc thú y chứa chất gây nghiện, chất hướng thần, tiền chất trên địa bàn thành phố khá dễ dàng, không cần chỉ định của bác sỹ thú y như đối với các loại thuốc thú y thông thường khác. Đây là kẽ hở mà tội phạm ma túy lợi dụng để mua và tách chiết trực tiếp ra thành phẩm ma túy hoặc tiền chất để sản xuất ra ma túy tổng hợp.
Về góc độ “giảm cầu” vẫn còn nhiều thách thức, số người nghiện, người sử dụng ma túy trên địa bàn thành phố tiếp tục ở mức cao, chỉ đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh. Theo báo cáo của Công an thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 6/2019, toàn thành phố có 12.845 người nghiện, người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó 10.107 người ở cộng đồng, 1991 người ở cơ sở cai nghiện, số còn lại ở các trường, trại. Đa số sử dụng heroin (8467 người, chiếm 66%), sau đó đến ma túy tổng hợp (3702 người, 28,8%) và các loại ma túy khác; chủ yếu không nghề hoặc nghề nghiệp không ổn định (12074 người, 94%). Số người nghiện, người sử dụng ma túy trong độ tuổi từ 18 tuổi trở lên chiếm tỉ lệ cao (12.792 người, 99,6%), điều này không chỉ tác động đến tình hình ANTT trên địa bàn mà còn hạn chế nguồn nhân lực lao động của thành phố. Toàn thành phố đã lập hồ sơ đưa 572 trường hợp đi cai nghiện bắt buộc, đạt 71,5% chỉ tiêu năm; vận động cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện được 1024 trường hợp. Tuy nhiên, công tác cai nghiện và quản lý, tạo việc làm cho người nghiện sau cai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa huy động được sức mạnh tổng thể của các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân tham gia hiệu quả nhằm giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Từ nay đến cuối năm 2019, Công an thành phố Hà Nội mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy tiếp tục nỗ lực làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền triển khai đồng bộ công tác phòng, chống ma túy và trực tiếp đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy nhằm đạt được mục tiêu đề ra, phấn đấu giữ vững ANTT trên địa bàn, vì một Thủ đô hòa bình, tươi đẹp, mến khách./.
Thanh Minh