Trước năm 1975 tại miền Nam, Công giáo và Tin lành đã tham gia hỗ trợ người nghiện cai nghiện ma tuý. Từ năm 1990 đến nay, một số tổ chức, cá nhân Tin lành được cấp phép hoạt động trở lại. Hiện tại, Tin lành, Công giáo và Phật giáo tham gia tích cực nhất vào công tác này. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ), hoạt động cai nghiện của đạo Tin lành đã mang tính tổ chức với sự tham gia của 05 Hội Thánh, hình thành 79 điểm cai nghiện trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Hoạt động này diễn ra ở các nhà thờ Tin lành do chính những người đã cai nghiện thành công bằng đức tin tôn giáo tham gia hướng dẫn, quản lý, trị liệu cho người mới vào cai nghiện. Mỗi khoá, các cơ sở có quy mô từ tiếp nhận từ 20 - 100 người. Quá trình cai được thực hiện qua 05 giai đoạn tương tự như trong cơ sở cai nghiện công lập gồm: tiếp cận phân loại; cắt cơn giải độc ma tuý, phục hồi hành vi, nhân cách; chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng và quản lý lâu dài dựa vào cộng đồng. Đến nay ước tính có 2.000 người nghiện tham gia mô hình này. Riêng Trung tâm Aquila (huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội), Gia đình Bê-ten (huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) và Trung tâm Ân điển (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) đã thu hút 1.413 người. Nhiều người đã cai thành công và giới thiệu cho người khác đến điều trị. Người tham gia trị liệu phải có sơ yếu lý lịch, đơn cai nghiện tự nguyện, bản cam kết chấp hành nội quy và đóng góp từ 2,5 - 3,5 triệu đồng tiền sinh hoạt phí.
Đối với Công giáo, năm 2000, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thành lập Uỷ ban Bác ái và Xã hội để vận động chức sắc cùng giáo dân tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng, trong đó có giúp đỡ người cai nghiện ma tuý. Điển hình như Trung tâm Hướng thiện của Thánh địa Đức Mẹ La Vang (tỉnh Quảng Trị) đã giúp đỡ thanh thiếu niên mắc nghiện điều trị liên tục tại cơ sở trong thời gian từ 12 - 24 tháng. Trong thời gian này, học viên nếu chưa học hết lớp 12 sẽ được bổ túc thêm kiến thức để thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngoài ra còn được học các nghề mộc, tin học, sửa chữa xe máy để ổn định cuộc sống sau này.
Tuy Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa có chủ trương chỉ đạo, song một số chức sắc đã thực hiện công tác cai nghiện. Điển hình như Đại đức Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân (TP. Hà Nội), Đại đức Thích Thanh Dũng, Phó Trưởng ban Thường thực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương, Ni sư Thích Đàm Viên, trụ trì chùa Phong Lộc (TP. Nam Định, tỉnh Nam Định)… thường xuyên phối hợp với lực lượng công an và các ban ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma tuý cũng như tiến hành cắt cơn, trị liệu tâm lý cho người cai nghiện.

Đại đức Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân giảng đạo lý nhà Phật giúp người lầm lỡ có thêm niềm tin vươn lên trong cuộc sống.
Một số nước đã chấp nhận cho tôn giáo tham gia công tác cai nghiện ma tuý với nhiều cơ chế, chính sách mở có thể cho nước ta tìm hiểu, vận dụng. Điển hình như ở Singapore, tôn giáo không tham gia cắt cơn giải độc, song các công đoạn còn lại họ được chính quyền khuyến khích tham gia. Mỹ và các nước châu Âu cho phép tôn giáo tham gia ở mọi công đoạn, nhưng cơ quan chức năng giữ nhiệm vụ hướng dẫn về chuyên môn. Ở Thái Lan, Phật giáo làm công tác này như một chức phận của nhà chùa nhằm cứu rỗi chúng sinh vượt qua “sông mê, bể khổ” trở thành người có ích cho xã hội.
Hiện tại, tuy chưa có công trình khoa học nào khảo cứu, đánh giá toàn diện hoạt động cai nghiện do tôn giáo thực hiện ở nước ta, nhưng xét về thời gian, quy trình, giáo trình, phương pháp cai đều sát với phác đồ áp dụng trong các cơ sở cai nghiện công lập. Phần lớn số điểm cai nghiện này đều duy trì mối quan hệ tốt với chính quyền cơ sở, có đăng ký tạm trú, chấp hành quy định pháp luật ở địa phương đứng chân, một số nơi còn phối hợp với trạm y tế cấp xã thăm khám bệnh cho học viên. Hoạt động cai nghiện của đạo Tin lành được TP. Hà Nội cho thí điểm thực hiện 3/5 công đoạn cắt cơn, tái hoà nhập cộng đồng ở Cơ sở cai nghiện số 2 (huyện Ba Vì) trong giai đoạn 2010 - 2014, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có đánh giá cụ thể hiệu quả hoạt động.
Hoạt động cai nghiện của tôn giáo ở nước ta mang tính tự phát, có tính lịch sử và tiền lệ quốc tế, hoạt động công khai nhiều năm, ít nhiều được gia đình tín nhiệm khi gửi gắm con em. Trong khi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng chưa thống nhất được cách nhìn nhận quản lý, thì một số cơ sở của Tin lành đã nhận được sự hỗ trợ tích cực về con người, tài chính, phương pháp của nước ngoài, nhất là từ tổ chức SAMHSA của Bộ Y tế Mỹ. Điểm nổi bật là mô hình này là không sử dụng thuốc (Tây y và Đông y) trong khi cắt cơn, thay vào đó, sử dụng chính người đã cắt cơn vào vật lý trị liệu, trị liệu tâm lý giúp người bệnh có thêm niềm tin vượt qua nỗi đau ma tuý. Các yếu tố tình thương luôn được đề cao tạo sự kết nối giữa gia đình và học viên trong không gian mở, không có cảnh “song sắt, tường ngăn”. Đây còn đan xen khó phân biệt rạch ròi giữa yếu tố hợp pháp (tôn giáo hợp pháp, địa điểm hợp pháp) và chưa hợp pháp (công tác cai nghiện), vừa mang tính truyền giáo vừa mang tính nhân đạo. Hoạt động cai nghiện của tôn giáo đã chuyển sang sinh hoạt tập trung, có tổ chức ở các chùa, nhà thờ. Công tác nghiên cứu, hướng dẫn tôn giáo tham gia cai nghiện chưa được các cơ quan chức năng thực hiện mặc dù đã có chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma tuý ở Việt Nam đến năm 2020, ban hành theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27/12/2013 đề cập đến giải pháp “huy động các nguồn lực cho công tác dự phòng và điều trị nghiện” và “tăng cường sự phối hợp liên ngành và huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội”.
Từ thực tế này, việc tôn giáo tham gia cai nghiện đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặc dù chưa có báo cáo về tình trạng học viên quậy phá, nhưng nguy cơ gây mất an ninh trật tự vẫn luôn thường trực ở những nơi cơ sở đứng chân. Người vào cai phức tạp về độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, thời gian mắc nghiện, đa phần là gái mại dâm, người nhiễm HIV, mắc bệnh lao, viêm gan… có nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng nếu không có biện pháp chủ động phòng tránh. Cai nghiện song hành với truyền giáo dễ nhận được sự quan tâm của cộng đồng, sự tài trợ của các tổ chức quốc tế. Nếu để thả nổi vấn đề này dễ gây phức tạp về an ninh tôn giáo, tạo cớ nảy sinh diễn biến hoà bình, chống phá chính quyền của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước.
Xuất phát từ nhu cầu xã hội, tính lịch sử, kinh nghiệm của các nước cũng như chủ trương xã hội hoá công tác này, việc xây dựng đề án công tác đối với hoạt động cai nghiện của tôn giáo nhằm phát huy nguồn lực tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo đối với xã hội là điều cần thiết hiện nay. Ban Tôn giáo Chính phủ đang phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ ngành chức năng cùng các địa phương liên quan làm rõ thực trạng, đặc điểm việc cai nghiện do tôn giáo thực hiện, đánh giá hiệu quả của từng mô hình, áp dụng pháp luật hiện hành vào quản lý, kiểm tra, giám sát. Khảo sát, học tập kinh nghiệm của các nước nhằm đề xuất cơ chế phối hợp hướng dẫn, quản lý giữa các cấp, các ngành, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về cai nghiện liên quan đến tôn giáo.
Nghiện ma tuý là trạng thái tổn thương ở não bộ, cai nghiện là quá trình khó khăn, lâu dài, nhất là việc chống tái nghiện. Để có thể “quay đầu lại thấy bờ”, người bệnh cần sự giúp đỡ của gia đình và xã hội, trong đó sự nỗ lực vượt khó của họ đóng vai trò quyết định. Tôn giáo lại có thế mạnh là đức tin, tạo chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp họ thấy được giá trị bản thân, được yêu thương, cứu rỗi để chiến thắng ma tuý. Việc cai nghiện của tôn giáo có nguồn gốc thần học, có cơ sở thực tiễn khoa học về tâm thần. Song, do tôn giáo là tấm gương hư ảo phản ánh hiện thực xã hội, còn cai nghiện là hoạt động cụ thể, cần tuân thủ tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn cụ thể. Vì vậy, rất cần sự phối hợp quản lý của liên ngành y tế - lao động, thương binh, xã hội - nội vụ - công an nhằm giúp tôn giáo không còn là “thuốc phiện tinh thần” của người dân cùng khổ, lầm than mà trở thành ngọn đuốc dẫn lối để người với người thêm hiểu biết và tin yêu nhau hơn.
Kim Dung