Phối hợp đấu tranh với các đường dây tội phạm ma túy hoạt động xuyên quốc gia

Bộ trưởng và đại diện đoàn đại biểu các quốc gia, tổ chức nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương, khu vực và quốc tế nhằm đấu tranh và ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép các chất ma túy. Xem xét triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên phạm vi lãnh thổ mỗi nước và phối hợp đấu tranh với các đường dây tội phạm ma túy hoạt động xuyên quốc gia có liên quan đến các nước, nhằm mục tiêu chung là ngăn chặn tội phạm ma túy ở khu vực Đông Nam Á, không để hình thành phát triển thị trường ma túy lớn của thế giới.

11/09/2019 | Article Rating

Đây là đồng thuận đạt được tại Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia, được tổ chức vào ngày 10/9/2019 tại thủ đô Hà Nội. Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng và đại diện đoàn đại biểu các quốc gia, tổ chức đến từ: Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hòa Liên bang Myanma, Cộng hòa Philippines, Vương quốc Thái Lan, Cơ quan phòng, chống ma túy Hoa Kỳ, Cảnh sát Liên bang Úc và Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc và Việt Nam.

Đồng chí Đại tướng Tô Lâm phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, Hội nghị cấp Bộ trưởng lần này được tổ chức trong bối cảnh tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy trái phép trên thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là tình hình sản xuất ma túy tổng hợp tại khu vực “Tam giác vàng” đang gia tăng đáng báo động, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần tìm giải pháp kịp thời ứng phó nhằm kiểm soát hiệu quả tình hình.

Tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm, ma túy mang lại siêu lợi nhuận khiến các tổ chức tội phạm không từ mọi phương thức thủ đoạn, sẵn sàng chống trả quyết liệt với các lực lượng chức năng. Tội phạm ma túy mang tính quốc tế, chúng hình thành các băng nhóm có tổ chức liên khu vực, liên lục địa và các đường dây sản xuất mua bán, vận chuyển khép kín, xuyên quốc gia.

Loại hình tội phạm ngày càng có xu hướng gắn kết và có tổ chức cao, có sự móc nối giữa các đối tượng, các địa bàn bản địa và quốc tế để mua bán, vận chuyển ma túy. Do đó, không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được vấn đề này và hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy là một đòi hỏi tất yếu mà tất cả các quốc gia cần quan tâm, đẩy mạnh.

Gần 200 đại biểu quốc tế tham dự hội nghị

Trên cương vị Chủ tịch đương nhiệm cơ chế hợp tác Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước ASEAN về vấn đề ma túy, với vai trò điều phối và dẫn dắt triển khai các hoạt động hợp tác về phòng, chống ma túy trong ASEAN, xác định mục tiêu tập trung giải quyết về vấn đề ma túy tại khu vực “Tam giác vàng”, Việt Nam có sáng kiến tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng với sự tham dự một số nước thành viên ASEAN; Trung Quốc; Cơ quan phòng, chống ma túy của Mỹ (DEA); Văn phòng Cảnh sát liên bang Australia (AFP) và Cơ quan phòng, chống ma túy tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC).

Hội nghị là một cơ chế hợp tác bất thường, được nhóm họp khẩn cấp nhằm bàn các giải pháp ứng phó trước những diễn biến mới khó lường của tình hình ma túy trong khu vực. Hội nghị là diễn đàn để các bên trao đổi thông tin về tội phạm ma túy, bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả, hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia trong thời gian tới.

Việt Nam vừa được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và cũng đang gấp rút chuẩn bị tiếp nhận cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2020. Vì vậy, Hội nghị cấp Bộ trưởng lần này tiếp tục thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam và các nước thành viên trong công tác phòng, chống ma túy ở khu vực và trên thế giới. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại mỗi quốc gia vì sự phát triển, ổn định của khu vực.

Đồng chí Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam cho biết, Việt Nam đang chịu tác động sâu sắc bởi tình hình ma túy trong khu vực và trên thế giới. Các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia lợi dụng Việt Nam để sản xuất ma túy hoặc vận chuyển số lượng lớn ma túy từ "Tam giác vàng" vào tiêu thụ và tiếp tục chuyển đi nước thứ ba trong thời gian gần đây. 

Để ứng phó kịp thời với những thách thực đặt ra từ tình hình ma túy hiện nay, đồng chí Thượng tướng Lê Quý Vương đề nghị các nước tiếp tục củng cố và đẩy mạnh thực hiện các nội dung trong cơ chế hợp tác song phương, đa phương hiện có để những cơ chế hợp tác này thật sự đi vào thực chất và có hiệu quả như cơ chế hợp tới với UNODC, các Hiệp định, Bản ghi nhớ hợp tác phòng, chống ma túy với các nước trong khu vực ASEAN, châu Á – Thái Bình Dương và với các đối tác, tổ chức quốc tế cho công tác phòng, chống ma túy.

Đồng chí Thứ trưởng Lê Quý Vương đồng thời đề nghị các nước chủ động phân tích và đánh giá tình hình ma túy trong nước và khu vực, nắm bắt biến động mới của các tuyến, đại bàn và đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy trái phép trong khu vực; tích cực chia sẻ thông tin cập nhật về các đối tượng, đường dây sản xuất, vận chuyển ma túy và xác lập chuyên án điều tra dựa trên danh sách, hồ sơ các đối tượng do các nước thành viên cung cấp, phối hợp điều tra bắt giữ tội phạm ma túy; cử đoàn bán bộ sang nước sở tại để phối hợp phá án, chia sẻ kinh nghiệm trong đấu tranh tội phạm ma túy, kinh nghiệm nâng cao năng lực điều tra cho cán bộ hành pháp phòng chống ma túy trong nước.

Đối với các nước có chung đường biên giới, đại diện đoàn Việt Nam đề nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thông qua cơ chế hội nghị, giao ban định kỳ, trao đổi theo chuyên đề nghiệp vụ, tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên tuyến biên giới, các chiến dịch chung về phòng, chống, truy nã tội phạm ma túy, tổ chức tuần tra chung khu vực biên giới, tiến hành điều trachung các vụ án ma túy.

Đối với các nước đối tác, Thứ trưởng Lê Quý Vương đề nghị ủng hộ các sáng kiến phòng, chống ma túy của các nước ở khu vực, hỗ trợ các nguồn lực về trang thiết bị, tổ chức các khóa tập huấn nâng cao nghiệp vụ về phòng, chống ma túy, đặc biệt tại cảng biển.

Tại phiên họp, dưới sự điều hành trực tiếp của đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm, các nước, đối tác đã cung cấp nhiều thông phân tích và đánh giá tình hình, nắm bắt biến động mới của các tuyến, địa bàn và đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy bất hợp pháp trong khu vực, đồng thời thảo luận thống nhất một số giải pháp cấp bách, chiến lược nhằm phối hợp đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới, đặc biệt là các tuyến vào và ra từ “Tam giác vàng” tới các khu vực khác.

Hội nghị đã thống nhất chia sẻ danh sách, hồ sơ các đối tượng phạm tội về ma túy, các đối tượng truy nã đang lẩn trốn hoặc nghi đang lẩn trốn tại các nước; phối hợp xác minh thông tin, lập chuyên án điều tra và phối họp cử đoàn cán bộ sang nước sở tại để phối hợp, tổ chức hỏi cung các bị can nhằm bóc gỡ cả đường dây, bắt giữ được các đối tượng vận chuyển và các đối tượng chỉ huy, cầm đầu; tiến hành điều tra chung.

Hội nghị đánh giá cao vai trò, ghi nhận sự quan tâm của Cơ quan phòng, chống ma túy Mỹ (DEA), Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) và UNODC đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các nước khu vực trong đấu tranh với tội phạm ma túy thông qua đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ phòng, chống ma túy, cung cấp trang thiết bị cho lực lượng phòng, chống ma túy các nước, chia sẻ thông tin...

Hội nghị cũng khuyến khích các đối tác và cơ quan, tổ chức tiếp tục dành sự quan tâm, ủng hộ quý báu cho các nước trong thời gian tới vì một khu vực không ma túy.

HUY HÀ