
Trung tướng TS. Phạm Văn Các - Cục trưởng Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy trực tiếp chỉ đạo các lực lượng bóc gỡ nhiều chuyên án ma túy lớn
Trước tình hình TPMT diễn biến phức tạp, đồng thời nhằm răn đe các đối tượng phạm tội Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã dành một chương (Chương XX) từ Điều 247 đến 259 để quy định các tội phạm về ma túy. Để hướng dẫn thực hiện một số điều trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2018/NĐ-CP, ngày 02/02/1018 quy định về tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, tuy nhiên một số nội dung khác vẫn chưa được hướng dẫn kịp thời dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất trong thực tế. Cụ thể như Điều 249, 250, 251 và 252 có chế tài xử phạt về các tội danh liên quan đến quả thuốc phiện tươi và quả thuốc phiện khô nhưng chưa có quy định cụ thể thế nào là khô và thế nào là tươi, cũng như chưa có văn bản hướng dẫn, dẫn đến việc áp dụng các điều luật còn lúng túng. Các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 có chế tài xử phạt liên quan đến XRL-11(cỏ Mỹ) nhưng đến nay chưa có mẫu nên không giám định được hàm lượng dẫn đến chỉ xử lý được tội phạm ở khoản 1 với tội danh mua bán trái phép chất này, vì vậy trong nhiều trường hợp chưa tương xứng với mức độ phạm tội. Điều 254 có chế tài xử lý liên quan đến “đơn vị” dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy, tuy nhiên quy định không cụ thể là một đơn vị dụng cụ, phương tiện hoàn chỉnh hay đơn vị bộ phận của bộ dụng cụ, phương tiện và chưa có văn bản hướng dẫn đến các cách hiểu khác nhau và áp dụng luật không thống nhất.
Thời gian qua, xuất hiện nhiều chất mới, chưa được quy định trong Danh mục các chất ma túy và tiền chất do Chính phủ ban hành nên không xử lý hình sự. Đáng lo ngại là việc sử dụng những loại chế phẩm này gây ra những tác hại lớn đối với người sử dụng, dẫn đến việc mất kiểm soát hành vi, tạo ra không ít khó khăn, vướng mắc cả về nhận thức cũng như quá trình điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng.
Công tác quản lý người nghiện ma túy đang còn gặp khó khăn, bất cập, nhất là việc xác định tình trạng nghiện, điều trị cai nghiện nói chung và cai nghiện ma túy tổng hợp nói riêng. Theo quy định tại Điều 10, Nghị định 221/2013/NĐ-CP, ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định thẩm quyền xác định người nghiện ma túy. Theo đó, bác sỹ, y sĩ thuộc trạm y tế cấp xã, bệnh xá quân y, phòng khám khu vực, bệnh viện cấp huyện trở lên, phòng y tế của cơ sở y tế bắt buộc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiệm ma túy do cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng trên thực tế các bác sĩ, y sĩ trạm y tế cấp xã hiện nay đều chưa được ngành y tế tập huấn và cấp chứng chỉ về điều trị cắt cơn nghiện. Ngành y tế đến nay chưa có phác đồ điều trị ma túy tổng hợp trong khi cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ cho việc xác định tình trạng nghiện tại các cơ sở y tế chưa được đáp ứng, gây ra những lo ngại về bất ổn an ninh, trật tự và an toàn cho người dân do người sử dụng ma túy ma túy tổng hợp gây ra.
Công tác trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến TPMT đôi khi chưa được thường xuyên, kịp thời. Có cơ quan được giao một số hoạt động điều tra chưa làm tốt nhiệm vụ, chức năng của mình, ngại trách nhiệm nên không tiến hành các hoạt động điều tra tố tụng, khởi tố xong chuyển việc thụ lý cho cơ quan điều tra. Khi chuyển giao hồ sơ cho cơ quan điều tra thụ lý thì tài liệu chứng cứ yếu, thông tin hạn chế, gây khó khăn cho công tác điều tra mở rộng.
Một số vụ, việc cụ thể và ở một số địa phương, giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, Tòa án quan điểm về cách đánh giá chứng cứ không thống nhất. Do vậy, việc phê chuẩn khởi tố, bắt giữ, xét xử chưa được sự đồng tình, ủng hộ cao, chưa kịp thời dẫn đến tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung, gây ảnh hưởng phần nào đến quá trình giải quyết các vụ án về ma túy.
Cùng với đó, các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật phục vụ chiến đấu, nhất là trong giai đoạn bắt, khám xét còn rất thiếu thốn, lạc hậu; kinh phí cho lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy còn hạn chế. Trong khi đó phương thức, thủ đoạn hoạt động của TPMT ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và phải đối mặt với bản án nghiêm khắc nên sau khi bị bắt các đối tượng thường ngoan cố, bất hợp tác, tìm cách chạy tội, trốn tội, tự sát hoặc chỉ khai nhận hành vi bắt quả tang, không nhận các hành vi phạm tội khác hoặc đồng phạm gây khó khăn cho công tác điều tra mở rộng vụ án.
Đặc biệt gần đây, tình trạng một số đối tượng TPMT thường chuẩn bị sẵn bệnh án tâm thần, gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý tội phạm. Thậm chí có trường hợp đối tượng giả tâm thần mua chuộc cơ quan giám định pháp y để kết luận giám định tâm thần không đúng; lợi dụng thời gian chữa bệnh và nghỉ phép tiếp tục tổ chức hoạt động phạm tội về ma túy.

Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy cho nhân dân tại các địa bàn trọng điểm về ma túy
Trong thời gian tới, hoạt động của các đối tượng TPMT còn diễn biến phức tạp, để công tác điều tra, xử lý TPMT thực hiện có hiệu quả, theo Trung tướng TS. Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy: Lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy cần tiếp tục nghiên cứu, kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng hoàn thiện hơn, phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong quá trình triển khai, thực hiện tránh tình trạng lúng túng, không thống nhất, cản trở công tác điều tra, truy tố, xét xử, góp phần vào việc xử lý nghiêm TPMT. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa cơ quan Cảnh sát điều tra với các cơ quan khác trong và ngoài ngành, như: Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển và các cơ quan như trại giam, cơ quan giám định trong các hoạt động điều tra, cũng như tố tụng, bảo đảm tính khách quan, toàn diện không để xảy ra tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan điều tra với các trại tạm giam trong bố trí giam giữ các bị can chống thông cung, tự sát, bỏ trốn và triển khai các biện pháp công tác trong trại giam suốt quá trình từ khi bắt giữ đến khi xét xử. Thường xuyên phối hợp đào tạo, tập huấn, hội thảo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng nghiệp vụ, tương trợ tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử...
Các địa phương trong quá trình điều tra, xử lý TPMT khi gặp khó khăn, vướng mặc, bất cập cần sớm báo cáo, kiến nghị với các cơ quan Trung ương để kịp thời hướng dẫn. Đặc biệt là kiến nghị, bổ sung các chất mới vào Danh mục các chất ma túy và tiền chất do Chính phủ ban hành, làm căn cứ định tính, định lượng phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử TPMT. Phối hợp chặt chẽ các ngành, các cấp, chính quyền tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ma túy. Các bộ, ngành liên quan cần thống nhất các hướng dẫn cụ thể trong việc chuẩn đoán xác định người nghiện, phác đồ điều trị và các biện pháp quản lý giáo dục, điều trị cai nghiện dạng ATS để thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong cả nước.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng đội ngũ làm công tác điều tra theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm về số lượng đáp ứng yêu cầu giải quyết được khối lượng công việc ngày càng nhiều và phức tạp. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống TPVMT theo nguyên tắc phù hợp với pháp luật hiện hành của nước ta và luật pháp quốc tế. Chú trọng hợp tác với các nước có chung đường biên giới và các nước, vùng lãnh thổ có nguy cơ cao bị TPMT lợi dụng vận chuyển ma túy vào Việt Nam tiêu thụ hoặc vận chuyển đi nước thứ 3 như: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… bằng các biện pháp tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến TPMT, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, phối hợp điều tra, xác minh nhằm phát hiện, bắt giữ các đường dây, đối tượng phạm tội về ma túy./.
Bá Thái