Công tác cai nghiện ma tuý: Thành công và hạn chế

Qua 10 năm (2009 - 2019) thi hành Luật Phòng, chống ma tuý (PCMT),  công tác cai nghiện ma tuý đã đạt được nhiều thành tích đáng mừng. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai vẫn còn không ít hạn chế cần được đổi mới, khắc phục.

09/05/2019 | Article Rating

Cụ thể đến nay trong công tác cai nghiện tự nguyện đã có 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập được Tổ công tác cai nghiện ma tuý ở 2.719 xã, phường, thị trấn. Giai đoạn 2011 - 2016 đã tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng cho 51.962 lượt người (chiếm 27,38% số nguời cai nghiện theo các hình thức), dạy nghề cho 2.677 lượt người, hỗ trợ tạo việc làm cho 1.762 lượt người. Đến tháng 12/2018, các hình thức cai nghiện được triển khai phù hợp với từng địa phương, Một số tỉnh có cách làm sáng tạo, đầu tư nguồn lực vào cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, tính sẵn có của các dịch vụ chưa được đảm bảo, khiến người nghiện khó tiếp cận. Công tác chỉ đạo, điều hành ở một số nơi chưa quyết liệt, thiếu cơ chế hỗ trợ, hạn chế về cơ sở vật chất, cán bộ y tế thiếu chuyên môn nên mới chỉ dừng lại ở giai đoạn cắt cơn. Từ năm 2014, số người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng giảm mạnh, chỉ còn 5.687 lượt người, tương đương 58% của năm 2013. Đến năm 2018, chỉ còn 4.320 lượt người ở 06/63 địa phương được cai theo hình thức này.

Đến tháng 12/2018, việc cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện (CSCN) công lập diễn ra ở 79 cơ sở có chức năng tổng hợp, trong đó có cai nghiện tự nguyện và điều trị methadone, 18 CSCN chỉ làm cai nghiện tự nguyện và điều trị methadone. Hàng năm, các CSCN công lập tiếp nhận và cai nguyện tự nguyện cho khoảng 5.000 lượt người. Hiện tại, các cơ sở đã chuyển đổi theo Đề án 2596 nên cơ sở vật chất, chất lượng điều trị, chăm sóc được cải thiện. Tuy nhiên, chất lượng nguồn cán bộ điều trị vẫn chưa được tập huấn chuyên sâu về quản lý, điều trị nghiện các loại ma tuý tổng hợp trong khi ngày càng có nhiều người sử dụng loại ma tuý này.

Đến hết năm 2018, cả nước có 23 CSCN ma tuý tự nguyện ngoài công lập được cấp phép, nhưng có 07 cơ sở dừng hoạt động. Tính bình quân các cơ sở tiếp nhận 4.000 lượt người vào cai mỗi năm, chiếm hơn 11% tổng số người được tiếp nhận cai nghiện trong toàn bộ hệ thống CSCN cả trong và ngoài công lập. Hình thức này có ưu điểm là thủ tục đơn giản, huy động nguồn lực trong dân vào công tác cai nghiện qua đó góp phần giảm chi ngân sách. Ngoài số y, bác sỹ có chuyên môn, thì nhân viên làm công tác tư vấn, hỗ trợ tâm lý chưa được đào tạo bài bản. Các cơ sở này có quy mô nhỏ, nhân viên ít nên gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý học viên không chấp hành nội quy, có hành vi gây rối trật tự. Hiện chưa có cơ chế kiểm soát hợp lý nhằm đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ của các cơ sở ngoài công lập. Ngoài ra, một số cơ sở đặt ở những địa bàn dân cư đông đúc tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, khiến chính quyền và người dân lo ngại.

Đối với công tác cai nghiện bắt buộc (CNBB) tại CSCN dành cho người từ đủ 18 tuổi trở lên, trong giai đoạn 2009 - 2018, cả nước đã quản lý, CNBB cho 289.724 lượt người. Trung bình hàng năm quản lý, cai nghiện cho 43.000 lượt người, chiếm 20% số người nghiện có hồ sơ quản lý. Theo số liệu của Toà án nhân dân tối cao, sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, từ ngày 01/01/2014 đến ngày 31/12/2018, Toà án nhân dân cấp huyện đã thụ lý 69.241 trường hợp áp dụng biện pháp xử lý đưa vào cơ sở CNBB, giải quyết 68.504 trường hợp đạt 98,94%. Các toà cấp huyện còn giải quyết 15.920 trường hợp đề nghị hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở CNBB còn lại tại toà. Toà án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý, giải quyết 1.785/1.788 khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với các phán quyết của toà cấp dưới.

CNBB đối với người nghiện dưới 18 tuổi, trước năm 2014, các CSCN đều tiếp nhận cả người nghiện thành niên và chưa thành niên vào cai. Nhiều cơ sở bố trí nơi ở riêng cho nhóm học viên vị thành niên, song hoạt động lao động, học tập vẫn diễn ra chung. Riêng TP. Hồ Chí Minh có Trung tâm Thanh thiếu niên 2 được bố trí riêng cho người vị thành niên song vẫn tiếp nhận cả người nghiện trên 18 tuổi. Từ năm 2014 đến nay, việc tiếp nhận người nghiện dưới 18 tuổi vào CNBB không còn được áp dụng, trong khi cai nghiện tự nguyện chưa thu hút được nhiều người tham gia, dẫn đến việc cai người nghiện cho nhóm này bị bỏ ngỏ.

Đối với chương trình điều trị methadone hiện triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố, với 314 cơ sở, tiếp nhận điều trị 54.355 bệnh nhân. Phương pháp này đem lại hiệu quả tích cực cho bệnh nhân và xã hội. Số người nghiện chất dạng thuốc phiện đã giảm, giảm tỷ lệ tiêm chích ma tuý, từ đó giảm tình trạng lây nhiễm HIV, viêm gan B, C và giảm vi phạm pháp luật trong số người tham gia điều trị.  

Ngoài ra, việc nghiên cứu các bài thuốc và phương pháp cai nghiện đã được Bộ Y tế quan tâm tổ chức nghiên cứu, thẩm định và đưa vào ứng dụng tại các cơ sở cai nghiện. Một số bài thuốc có tác dụng cắt cơn, cai nghiện ma tuý như: Cedemex, Bông sen, CAMAT, Heantos. Bên cạnh đó phác đồ An thần kinh, phương pháp châm cứu hỗ trợ cắt cơn tại Viện Châm cứu Trung ương, phương pháp đối kháng Naltrxone trong chống tái nghiện được đánh giá có tác dụng nhất định giúp người bệnh cắt cơn, giải độc, vượt qua cảm giác thèm nhớ ma tuý sau quá trình cai.  

Các lương y áp dụng bài Hoả long cứu điều trị cho người nghiện ma tuý ở Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng.

Trong giai đoạn 2010 - 2015, cả nước đã tổ chức quản lý sau cai cho 58.873 lượt người, trong đó tại nơi cư trú 43.528 lượt người, tại cơ sở quản lý sau cai 15.615 lượt người, tổ chức dạy văn hoá, dạy nghề cho trên 65.000 lượt người, hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho 15.292 lượt người. Đến ngày 30/9/2017, chỉ còn 923 người được quản lý tại cơ sở quản lý sau cai. Hiện nay người sau cai được đưa về nơi cư trú để theo dõi, quản lý, giáo dục, tạo việc làm để tái hoà nhập cộng đồng trên tinh thần của Nghị định 221/2013/NĐ-CP, ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở CNBB và Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Bên cạnh mặt đạt được thì công tác cai nghiện ma tuý còn gặp nhiều khó khăn, bất cập sau:

 Một số quy định của Luật PCMT chưa thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính về độ tuổi áp dụng, thẩm quyền đưa người nghiện vào cơ sở CNBB, quy định chưa thống nhất khi người đang CNBB bị phạt tù, quản lý cai nghiện đối với người nước ngoài.

Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng có nhiều bất cập, hiệu quả không cao. Cơ sở vật chất và nguồn nhân lực ở y tế tuyến xã chưa đảm bảo yêu cầu cắt cơn và hỗ trợ y tế cho người nghiện. Việc đầu tư xây mới cơ sở điều trị ở xã hay cụm xã gặp khó khăn về vốn, năng lực vận hành. Do đó sau khi cắt cơn, trở về cộng đồng, người nghiện sẽ lại tái nghiện.

Quy định về xã hội hoá cai nghiện tự nguyện còn bất cập, việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động của các CSCN ngoài công lập còn phức tạp, sau 15 năm chỉ có 22 cơ sở được cấp phép. Việc chuyển đổi từ cơ sở CNBB sang cai nghiện tự nguyện còn hạn chế.

Việc cai nghiện cho phạm nhân, người bị tạm giam, học viên cơ sở giáo dục, học sinh trường giáo dưỡng chưa thực hiện được vì thiếu cán bộ có chuyên môn. Nếu gửi số này ra ngoài cai nghiện sẽ phức tạp về quy trình thủ tục và công tác quản lý.

Công tác quản lý người nghiện ở cơ sở CNBB thường mang nặng tính hành chính, ít có hoạt động dạy nghề, văn hoá, thể thao. Việc kéo dài thêm 02 năm quản lý sau cai tại cơ sở sẽ làm tăng thêm khó khăn rào cản khi họ trở về cộng đồng. Việc quản lý sau cai tại nơi cư trú rất khó thực hiện do thiếu cán bộ quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ tái hoà nhập cộng đồng.

Cán bộ của các cơ sở phần nhiều chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn cai nghiện. Cơ sở vật chất của nhiều nơi đã xuống cấp, trong khi tiếp nhận số lượng người vào cai đông, từ đó xảy ra nhiều vụ học viên bỏ trốn tập thể trong mấy năm qua.

Mong rằng thời gian tới trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật PCMT những hạn chế này sẽ được tháo gỡ để công tác cai nghiện bám sát yêu cầu thực tiễn, góp phần đẩy lùi tội phạm, tệ nạn ma tuý ra khỏi đời sống hiện nay.

Kim Long