Phòng, chống ma túy ở khu vực biên giới

Nước ta có trên 8.000 km đường biên giới, bờ biển; trong đó biên giới đất liền gần 5.000 km với 117 cửa khẩu và hàng trăm đường mòn, lối mở qua biên giới. Khu vực biên giới có địa hình rất hiểm trở, phức tạp, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khí hậu rất khắc nghiệt; công tác tuần tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Địa bàn biên giới cũng là nơi cư trú chính của 51 dân tộc thiểu số, hơn nữa đồng bào hai bên biên giới có mối quan hệ thân tộc, dân tộc từ lâu đời. Nơi đây hệ thống chính trị cơ sở còn nhiều hạn chế; trình độ dân trí thấp, đời sống của đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn nên dễ bị kẻ địch và các loại đối tượng lợi dụng, lôi kéo. Số người nghiện ma túy tại khu vực biên giới có hồ sơ quản lý còn cao, trên 19.000 người, tác động đến tình hình tội phạm ma túy (TPMT) ở khu vực biên giới.

09/08/2019 | Article Rating

Trong những năm qua, hoạt động sản xuất ma túy tại khu vực Tam giác vàng gia tăng với nhiều loại ma túy mới, sản xuất từ hóa chất, thời gian ngắn, giá thành rẻ, dễ vận chuyển, dễ sử dụng. Lợi dụng chính sách phát triển kinh tế, các tổ chức TPMT người Trung Quốc và Đài Loan tăng cường đầu tư tài chính, công nghệ, núp bóng trong các công ty đang sản xuất, kinh doanh tại biên giới Lào để sản xuất ma túy với số lượng lớn. Ma túy được vận chuyển, tập kết tại các tỉnh sát tuyến biên giới nước ta với Lào, Campuchia, sau đó móc nối vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc vận chuyển đi nước thứ ba. Một số đối tượng người nước ngoài trực tiếp sang Việt Nam điều hành các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng rất lớn, lên đến hàng trăm bánh heroin, hàng tấn ma túy tổng hợp.

Thực hiện Quyết định số 133 ngày 09/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Hải quan, Cảnh sát biển trong đấu tranh phòng, chống TPMT ở địa bàn biên giới, cửa khẩu, trên biển các lực lượng đã phối hợp chặt chẽ, ngày càng có chiều sâu, thực chất hơn, do đó đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019, BĐBP đã chủ trì xác lập, đấu tranh ở khu vực biên giới gần 700 chuyên án, vụ án, bắt giữ trên 900 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 1.967kg ma túy các loại, 41 khẩu súng, 405 viên đạn  và nhiều vật chứng liên quan. Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2019, đã đấu tranh 145 chuyên án, vụ án, bắt giữ 217 đối tượng, thu giữ 36,3kg heroin, 874,57kg ma túy tổng hợp, 35.500 viên ma túy tổng hợp, 4,24kg nhựa thuốc phiện, 09 khẩu súng, 181 viên đạn…

Đối tượng và tang vật bị bắt giữ trong một chuyên án ma túy

Tuy nhiên, kết quả đấu tranh chưa tương xứng với thực trạng tình hình hoạt động của TPMT, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát hiện, đấu tranh với các đường dây, tổ chức TPMT lớn từ nước ngoài vào nước ta. Công tác phòng ngừa chưa được chú trọng đúng mức, một số đơn vị mới chỉ tập trung chủ yếu vào “chống” mà coi nhẹ “phòng”, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, xây dựng phong trào quần chúng không vận chuyển thuê ma túy còn hạn chế, tham gia hỗ trợ cai nghiện trên một số địa bàn chưa thực sự hiệu quả. Công tác phối hợp với lực lượng Công an Lào, Campuchia, Trung Quốc trong trao đổi thông tin, kết quả điều tra chưa đáp ứng với tình hình.

Dự báo trong thời gian tới, do sức ép về “nguồn cầu” ở trong nước (trên 230 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, thực tế số người nghiện, người sử dụng ma túy còn lớn hơn nhiều), áp lực từ ma túy sản xuất tại Tam giác vàng - Trung tâm ma túy lớn thứ hai trên thế giới nên tội phạm và tệ nạn ma túy ở khu vực biên giới nước ta sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Hoạt động của các đối tượng người nước ngoài vận chuyển ma túy từ Lào, Campuchia vào nước ta, cất giấu trong các kho, xưởng kinh doanh trá hình rồi tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các cảng biển tiềm ẩn khó lường. Hoạt động sản xuất trái phép ma túy tổng hợp từ tiền chất có thể tiếp tục diễn ra ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… do việc kiểm soát tiền chất còn nhiều sơ hở.

Trước tình hình đó, trong thời gian tới, lực lượng BĐBP cần phối hợp với các lực lượng chức năng tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống ma túy; xây dựng Đề án tổng thể kiểm soát ma túy qua biên giới; sửa đổi, bổ sung Quyết định số 133 ngày 09/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa các lực lượng Công an, BĐBP, Hải quan, Cảnh sát biển trong đấu tranh phòng, chống TPMT ở địa bàn biên giới, cửa khẩu, trên biển.

Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương từ cấp tỉnh, huyện, xã nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng, chống ma túy. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, không vận chuyển, tiếp tay cho TPMT.

Thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công trấn áp TPMT trên các tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Hải quan, Cảnh sát biển ở địa bàn biên giới trong trao đổi thông tin, kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa; đấu tranh với các đường dây ma túy lớn, xuyên quốc gia, kịp thời ngăn chặn ma túy vận chuyển vào nước ta.

Tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp với lực lượng chức năng của nước bạn Lào, Campuchia, Trung Quốc đấu tranh ngăn chặn ma túy từ xa, ngay từ ngoài biên giới để giảm áp lực ma túy lên biên giới nước ta, đặc biệt là tuyến biên giới Việt Nam - Lào./.

Thanh Minh