Tính đến tháng 6/2018, trên toàn tỉnh có 77/112 xã, phường, thị trấn có đối tượng phạm tội và người sử dụng ma túy (chiếm tỷ lệ 69%), 842 đối tượng sử dụng trái phép ma túy (tăng 604 đối tượng so với năm 2013). Đối tượng mua bán trái phép chất ma túy chủ yếu xuất phát từ các đối tượng nghiện ma túy vừa mua bán, vừa phục vụ nhu cầu sử dụng của bản thân, hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nhiều thủ đoạn đối phó với lực lượng chức năng như thường xuyên thay đổi nơi cất giấu, phương thức vận chuyển, giao nhận, cách thức trao đổi thông tin.
Chúng triệt để lợi dụng các loại hình dịch vụ ký gửi tiền, hàng hóa qua phương tiện vận tải liên tỉnh, dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ... để mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Ngoài các loại ma túy truyền thống như heroin, cần sa, đã xuất hiện nhiều loại ma túy mới như methaphetamine (ma túy đá, thuốc lắc), ketamin, cỏ mỹ... đây là các loại ma túy tổng hợp có tác dụng kích thích gây ảo giác mạnh và rất nguy hiểm.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Phú Yên đã tích cực tham mưu cho Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh xây dựng, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động phòng ngừa và đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm và tệ nạn ma túy; đồng thời, chỉ đạo lực lượng CSĐTTP về ma túy toàn tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện, điều tra, khám phá các đường dây ma túy phức tạp, liên huyện, liên tỉnh; triệt xóa các đối tượng bán lẻ, các điểm tập trung sử dụng trái phép chất ma túy phức tạp, bắt giữ các đối tượng phạm tội xử lý nghiêm minh trước pháp luật, củng cố vững chức lòng tin của quần chúng nhân dân.
Trong đó, biện pháp vận động quần chúng luôn được xác định là biện pháp cơ bản, chiến lược, có vai trò rất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn ma túy. Lực lượng CSĐTTP về ma túy đã sử dụng kết hợp các mô hình vận động quần chúng để truyền đạt tối đa các thông tin liên quan đến tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn ra trên địa bàn tỉnh để quần chúng nhân dân hiểu được những hậu quả, tác hại của tệ nạn ma túy; những hậu quả pháp lý phải gánh chịu khi tham gia các hoạt động phạm tội về ma túy và mức độ nguy hiểm của tội phạm ma túy trong giai đoạn hiện nay.
Qua đó, quần chúng nhân dân được trang bị những kiến thức cơ bản nhất về ma túy để chủ động phòng ngừa, không mắc vào các tệ nạn ma túy, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân trong công tác phát hiện, tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm về ma túy. Các mô hình, hình thức vận động quần chúng được sử dụng phổ biến như: Tuyên truyền trực tiếp; cấp phát tờ rơi, mở các chuyên mục phòng chống tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Tuyên truyền phòng chống ma túy ở Phú Yên
Hàng năm, đơn vị đều xây dựng kế hoạch tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSĐTTP về ma túy toàn tỉnh phối hợp với các cơ quan, các đơn vị nghiệp vụ có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ma túy sâu rộng đến quần chúng nhân dân. Các nội dung và hình thức tuyên truyền thường xuyên được đa dạng hóa để phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn dân cư; kết hợp tuyên truyền trực tiếp với sử dụng ảnh minh họa, cấp phát tờ rơi, tài liệu có nội dung phòng chống ma túy để quần chúng nhân dân nhận biết được những hình ảnh trực quan, sinh động nhất của các loại ma túy phổ biến hiện nay, đặc biệt là MTTH dạng đá để người dân chủ động nghiên cứu, nắm bắt các thông tin cần thiết nhất về tội phạm và tệ nạn ma túy.
Đặc biệt hàng năm đều tổ chức phối hợp với các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền kiến thức pháp luật về PCMT đến đông đảo học sinh, sinh viên những thế hệ tương lai của đất nước để các em nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, chủ động trách xa tệ nạn ma túy, nhất là trong tình hình hiện nay các loại ma túy tổng hợp đang xâm nhập và có xu hướng lan rộng trong các tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Đã phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức cho 100% học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn tỉnh ký cam kết không sử dụng các chất ma túy.
Đã phối hợp với các đơn vị chức năng, cơ quan truyền thông mở các chuyên đề, chuyên mục phòng, chống tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng; kịp thời cung cấp, đưa các thông tin, hình ảnh về các đối tượng, vật chứng của các vụ án ma túy đã phát hiện, thu giữ được, những hình ảnh về các đối tượng sử dụng chất ma túy dẫn đến mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, thông tin về kết quả xét xử các vụ án ma túy để quần chúng nhân dân thấy được những hậu quả, tác hại của việc sử dụng trái phép chất ma túy và những hậu quả pháp lý mà đối tượng phái gánh chịu khi tham gia vào các hoạt động phạm tội về ma túy để góp phần giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.
Bên cạnh đó, Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Đài phát thanh, truyền hình; Phòng Văn hóa – Thông tin trên địa bàn đăng tải nhiều tin, bài, phóng sự về công tác phòng chống ma túy, góp phần tuyên truyền sâu rộng công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy đến mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình và cộng đồng, tính chủ động của mỗi người dân trong công tác phòng, chống ma túy.
Phối hợp với Công an các địa phương, các đơn vị chức năng tham mưu tổ chức tốt phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, nhất là triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Hội nghị lần thứ 7 BCH TW Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; tổ chức vận động các hộ gia đình, dân cư không tham gia các hoạt động phạm tội về ma túy, không mắc vào tệ nạn ma túy; khơi dậy trong quần chúng nhân dân khí thế đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy để bảo vệ chính gia đình, người thân trước những cám dỗ của ma túy. Thường xuyên nắm tình hình, kịp thời phát hiện các đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội về ma túy, các thanh thiếu niên có nguy cơ mắc vào tệ nạn ma túy ngay tại thôn xóm để có biện pháp theo dõi, giáo dục, răn đe, phòng ngừa.
Tổ chức các hình thức vận động, tuyên truyền các quy định của pháp luật đối với các chủ khách sạn, nhà nghỉ, quán bar, quán karaoke... là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà tội phạm ma túy thường xuyên lợi dụng để tiến hành các hoạt động mua bán, giao dịch, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; đồng thời, để họ nâng cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh ngành nghề có điều kiện, kịp thời thông báo cho lực lượng Công an nếu phát hiện thấy các đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến các hoạt động phạm tội về ma túy.
Qua thực tiễn công tác, lực lượng CSĐTTP về ma túy Công an tỉnh Phú Yên rút ra một số kinh nghiệm trong việc thực hiện các mô hình vận động quần chúng trong phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy như sau:
Một là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ma túy phải được tiến hành thường xuyên, liên tục; các hình thức tuyên truyền phải thường xuyên được đổi mới để phù hợp với từng khu vực, từng nhóm đối tượng, địa bàn, dân cư; phải cập nhật kịp thời hình ảnh các loại ma túy mới, các phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội mới của tội phạm ma túy để tuyên truyền đến quần chúng nhân dân, không để tội phạm ma túy lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để dụ dỗ, lôi kéo họ vào con đường phạm tội; cần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những kiến thức về hậu quả, tác hại vô cùng to lớn của việc sử dụng các loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp để người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng tránh, không vướng vào tệ nạn ma túy, đồng thời phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong công tác phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy.
Hai là, tổ chức chỉ đạo các lực lượng bán chuyên trách, lực lượng dân phòng, Ban bảo vệ dân phố,... tăng cường công tác nắm tình hình, diễn biến ANTT đặc biệt là tình hình tội phạm ma túy để kịp thời thông báo cho các lực lượng chức năng tổ chức các hoạt động nghiệp vụ đấu tranh triệt xóa.
Ba là, vận động, lựa chọn, thuyết phục những người có uy tín trong các thôn, xóm, khu dân cư công tác với lực lượng chức năng; xây dựng họ làm lực lượng nồng cốt trong việc cảm hóa, giáo dục những người nghiện ma túy và những người đang có nguy cơ mắc vào tệ nạn ma túy, đặc biệt là tầng lớp thanh niên để góp phần phòng ngừa, hạn chế nguy cơ dẫn đến các hành vi phạm tội của các đối tượng có nguy cơ cao, góp phần đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội, gia đình, nhà trường trong công tác tuyên truyền, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy như: Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đưa những thông tin về hậu quả, tác hại của ma túy, phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội của tội phạm ma túy, những đường dây ma túy lớn bị phát hiện, triệt phá, những hình phạt của pháp luật phải gánh chịu khi tham gia các hoạt động phạm tội về ma túy... để nâng cao tính răn đe, phòng ngừa. Phối hợp với các gia đình, nhà trường quản lý, giáo dục thanh thiếu niên, không để các em vướng vào tệ nạn ma túy cũng như tham gia các hoạt động phạm tội về ma túy; đề nghị ngành giáo dục đưa các nội dung về ma túy vào chương trình giảng dạy, ngoại khóa, tổ chức 100% học sinh, sinh viên phải viết cam kết không tham gia vào các hoạt động liên quan đến ma túy. Tóm lại, công tác vận động quần chúng trong PCMT là vô cùng quan trọng; thực hiện tốt công tác này sẽ huy động được sức mạnh của quần chúng nhân dân và toàn xã hội tham gia phòng ngừa, ngăn chặn những hậu quả, tác hại của tệ nạn ma túy mang lại, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác phát hiện, đấu tranh với TPMT, góp phần đảm bảo ANTT và giữ gìn cuộc sống bình yên cho quần chúng nhân dân./.
Thiếu tá Lưu Quang Tình
Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Phú Yên