Cơ chế Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy ra đời từ năm 2012 và chính thức được thể chế hóa theo Hiến chương ASEAN vào năm 2015, nhằm nâng tầm chỉ đạo và hiệu quả hợp tác cấp cao ứng phó với những diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình sản xuất, mua bán và sử dụng ma túy trong khu vực và trên thế giới. Hội nghị là diễn đàn quan trọng thảo luận thống nhất giải pháp bảo vệ Cộng đồng trước hiểm họa của ma túy, thúc đẩy vai trò của ASEAN đối với các vấn đề liên quan đến an ninh và phát triển của khu vực trong bối cảnh với nhiều diễn biến mới.

Đồng chí Thượng tướng Tô Lâm phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, cho biết trong những năm qua Chính phủ Việt Nam luôn dành nhiều ưu tiên cho công tác phòng, chống ma túy bằng nhóm các giải pháp đồng bộ về giảm “cung”, giảm “cầu” và giảm tác hại ma túy; hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; kiện toàn các cơ quan phòng, chống ma túy; quyết liệt đấu tranh và xử lý nghiêm các tội phạm về ma túy
Ngoài ra, Việt Nam thường xuyên tăng cường quan hệ hợp tác song phương với các nước trong khối ASEAN cũng như với các đối tác của ASEAN, nhất là với các nước láng giềng, đồng thời luôn coi trọng hợp tác tiểu vùng trong phòng, chống ma túy.
Với chủ trương và phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Việt Nam tham gia một cách có trách nhiệm, góp phần đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác trong phòng, chống ma túy của khu vực ngày càng đi vào thực chất. Việt Nam thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả các thỏa thuận, cam kết đã đề ra với ưu tiên hàng đầu là xây dựng và bảo vệ thành công một Cộng đồng vững mạnh, thống nhất và gắn kết trước hiểm họa khôn lường của ma túy.
Trước tình hình sử dụng, sản xuất và mua bán ma túy bất hợp pháp trên toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị ASEAN cần tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong các diễn đàn, cơ chế hợp tác khu vực, ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu về ma túy, bảo vệ lợi ích chung của ASEAN trước các xu hướng có thể ảnh hưởng đến chính sách kiểm soát ma túy của khu vực.

Đại biểu tham dự hội nghị
Cơ chế hợp tác ASEAN về phòng, chống ma túy cần xác định các vấn đề ưu tiên hợp tác phù hợp với định hướng phát triển và bảo vệ Cộng đồng trong tầm nhìn ASEAN 2025; xác định chủ trương giải quyết vấn đề ma túy bằng các giải pháp lồng ghép, cân bằng và toàn diện, lấy yếu tố con người làm trung tâm.
ASEAN cũng cần duy trì sự đồng thuận trong các chính sách về ma túy và thể hiện lập trường, quan điểm thống nhất về vấn đề kiểm soát ma túy toàn cầu, đưa hợp tác ASEAN về phòng, chống ma túy trở thành hình mẫu hợp tác khu vực và thúc đẩy vai trò toàn cầu của ASEAN trong hệ thống kiểm soát ma túy của thế giới.
Mỗi nước thành viên ASEAN cần tiếp tục thể hiện quyết tâm chính trị và trách nhiệm thông qua tăng cường nỗ lực phòng, chống ma túy trong nước ở các cấp; tập trung các nguồn lực dành ưu tiên nhiều hơn cho các chương trình giảm cầu, giảm tác hại ma túy, nâng cao hiệu quả trấn áp tội phạm ma túy và xóa bỏ cây có chứa chất ma túy.
Trong nội khối, ASEAN cần tiếp tục tăng cường sự gắn kết của các nước thành viên trong đấu tranh phòng, chống ma túy thông qua việc củng cố hợp tác song phương và đa phương, phối hợp lẫn nhau nhằm thực hiện hiệu quả các kế hoạch, sáng kiến của khu vực.
Cơ chế Hội nghị cấp Bộ trưởng và các khuôn khổ hợp tác khác của ASEAN về vấn đề ma túy cần tiếp tục khẳng định vai trò là hạt nhân trong việc chỉ đạo giám sát việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động và Kế hoạch hợp tác của ASEAN; phát huy hiệu quả các cơ chế và diễn đàn hợp tác trong phòng, chống ma túy của khu vực.
Trong đó chú trọng triển khai các mục tiêu ưu tiên, gắn kết các sáng kiến, cơ chế hợp tác góp phần giải quyết đồng bộ các vấn đề về phòng ngừa, cai nghiện, phục hồi, thực thi pháp luật và hợp tác giữa các nước thành viên trong phòng, chống ma túy.

Bộ trưởng các nước ASEAN đồng thuận hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN không ma túy
Đồng thời , ASEAN cũng cần mở rộng hợp tác ra ngoài khu vực, phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình và trong ứng phó với những thách thức, vấn đề phức tạp mới nổi lên của tình hình ma túy. Thúc đẩy hợp tác với các nước đối thoại và các bên nhằm tranh thủ nguồn lực của cộng đồng quốc tế, góp phần thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN phấn đấu bảo vệ Cộng đồng ASEAN chống lại hiểm họa ma túy giai đoạn 2016-2025, vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và hợp tác cùng có lợi ở khu vực.
Chủ động bám sát diễn biến, tình hình khu vực và thế giới; tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin về ma túy giữa các nước thành viên và với các nước đối tác ngoài ASEAN nhằm có quyết sách hiệu quả, phù hợp với thực tế. Đặc biệt, các nước thành viên cần khẳng định sự nhất trí lập trường chung của ASEAN về chính sách kiểm soát ma túy quốc tế, góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong trong ứng phó, giải quyết vấn nạn ma túy toàn cầu.
Trên cơ sở những thành tựu của ASEAN trong hợp tác phòng, chống ma túy nhiều thập kỷ qua, trước xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để kịp thời thích ứng với những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình ma túy thế giới và khu vực, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị các nước ASEAN tiếp tục khẳng định cam kết chính trị cấp cao trong công tác phòng, chống ma túy. Việt Nam tin rằng nỗ lực hợp tác và chia sẻ trách nhiệm chung của các thành viên, ASEAN sẽ hiện thực hóa mục tiêu chung hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN không ma túy.
Huy Hà