Giảm nhiệt ở "điểm nóng" ma túy Tây Bắc

Tuyến Tây Bắc gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái từ lâu đã được xác định là tuyến trọng điểm, phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy, trong đó 4 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai có đường biên giới tiếp giáp với Lào và Trung Quốc là những quốc gia cũng được đánh giá là phức tạp về ma túy và tội phạm ma túy.

23/07/2018 | Article Rating

Từ kết quả đấu tranh trong những năm qua cho thấy có hơn 30% số vụ và gần 70% số lượng tang vật là ma túy các loại được các đối tượng mua bán, vận chuyển qua tuyến này. Các loại ma túy như heroin, thuốc phiện, ma túy tổng hợp dạng viên được các đối tượng mua bán, vận chuyển từ khu vực “tam giác vàng” qua Lào vào Việt Nam, một số ít được sử dụng ở trong nước, số còn lại được tiếp tục vận chuyển sang nước thứ ba để tiêu thụ; ngược lại ma túy tổng hợp dạng “đá” lại được các đối tượng mua bán, vận chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam để tiêu thụ.

Triệt phá đường dây vận chuyển 288 bánh heroin đầu năm 2018

Với đặc điểm địa lý tuyến Tây Bắc có đường biên giới dài, địa hình phần lớn là đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, đời sống của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới còn rất thiếu thốn, trình độ dân trí chưa cao nên dễ bị các đối tượng phạm tội dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý. Bên cạnh đó, với nguồn “cầu” là những người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy còn nhiều nên tất yếu sẽ phát sinh nguồn “cung”. Đặc biệt, tình trạng các đối tượng phạm tội về ma túy tự trang bị và sử dụng các loại vũ khí để chống lại các lực lượng chức năng khi bị phát hiện và truy bắt xảy ra khá phổ biến, như vụ đối tượng truy nã Vàng A Khua dùng súng AK để chống trả khi bị vây bắt làm con trai của y bị chết và 3 cán bộ Công an tỉnh Hòa Bình hy sinh năm 2010; vụ Trung úy Bùi Công Nguyên bị đối tượng Tráng A Trá sử dụng súng bắn thẳng vào người và đã anh dũng hy sinh năm 2015; gần đây nhất ngày 14/6/2018 một cán bộ Công an Thành phố Lào Cai đã bị đối tượng dùng hung khí tấn công gây trọng thương… Như vậy, có thể đánh giá trong thời gian tới tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên tuyến Tây Bắc sẽ tiếp tục tiềm ẩn và diễn biến nhiều phức tạp, khó lường.

Tại các “điểm nóng” về ma túy như khu vực các xã Hang Kia, Pà Cò của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình; khu vực các xã Lóng Luông, Vân Hồ, huyện Vân Hồ; xã Chiềng Sơn, Lóng Sập, huyện Mộc Châu; xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La; một số xã như Thanh Yên, Thanh Chăn, Na Ư, Keo Lôm, Noọng Hẹt… thuộc các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Trong thời gian qua các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng rất lớn, có vụ đặc biệt lớn lên đến hàng trăm bánh heroin, thậm chí có vụ lên đến 490 bánh heroin cũng được tội phạm vận chuyển, mua bán qua các điểm “nóng” trên.

Ông Manit Komes, Tham tán công sứ về phòng, chống ma túy, Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội, khảo sát tuyến vận chuyển ma túy tại cửa khẩu Lóng Sập (Sơn La)

Mua bán ma túy là “siêu lợi nhuận”, vì lợi nhuận cao nên các đối tượng dùng mọi phương thức, thủ đoạn để hoạt động phạm tội. Ngoài những điều kiện thuận lợi tự nhiên sẵn có mang tính khách quan như vị trí địa lý gần với khu vực “tam giác vàng”, chúng ta có đường biên giới dài, địa hình hiểm trở, khó kiểm soát là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng mua bán, vận chuyển ma túy; thì một số yếu tố mang tính chủ quan, phải kể đến là:

 - Tại các “điểm nóng” về tội phạm ma túy các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đã móc nối với các đối tượng truy nã tại địa bàn, đe dọa, khống chế người dân và cán bộ ở cơ sở để hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy, tạo thành những điểm “cát cứ - bất khả xâm phạm” để hoạt động phạm tội, các lực lượng chức năng rất khó tiếp cận để nắm tình hình và đấu tranh triệt xóa tận gốc với các đối tượng này; do vậy các đối tượng này vẫn tồn tại, vẫn tổ chức, chỉ đạo, điều hành các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng ngày càng lớn hơn, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, sảo quyệt hơn.

- Đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn đồng nghĩa với việc các đối tượng bị thiệt hại rất lớn về kinh tế. Để lấy lại số tiền đã bỏ ra các đối tượng tiếp tục tổ chức, chỉ đạo, điều hành các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn hơn, hoạt động quyết liệt và manh động hơn, đó chính là lý do các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn bị phát hiện và bắt giữ ngày càng nhiều hơn.

Để đấu tranh ngăn chặn tiến tới làm giảm tội phạm và tệ nạn ma túy, loại trừ ma túy ra khỏi đời sống xã hội là một mục tiêu dài hạn, mang tính chiến lược. Mục tiêu cụ thể trước mắt là kiềm chế sự gia tăng, làm “giảm nhiệt” ở các “điểm nóng”. Trước tình hình trên, lãnh đạo Bộ Công an đã có những chỉ đạo rất quyết liệt để giải quyết triệt để tình hình phức tạp về ma túy tại địa bàn này. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục cảnh sát, Ban giám đốc Công an các tỉnh Sơn La, Hòa Bình đã nghiêm túc triển khai thực hiện nhiều đề án, phương án, kế hoạch; đặc biệt Công an tỉnh Sơn La đã chủ trì phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đấu tranh rất thành công chuyên án 279-LL, đã làm giảm cơ bản tình trạng các đối tượng có vũ trang vận chuyển ma túy từ Lào vào các xã của huyện Mộc Châu, Vân Hồ, tỉnh Sơn La và vùng phụ cận.

Để “giảm nhiệt” ở các “điểm nóng” ma túy nói trên, với chức năng nhiệm vụ là tham mưu với Đảng, Nhà nước và ngành Công an về công tác phòng, chống ma túy, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy đã hướng dẫn, chỉ đạo và trực tiếp phối hợp với lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trên toàn quốc, trong đó có tuyến Tây Bắc triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác, biện pháp nghiệp vụ, trong đó chú trọng một số biện pháp chính:

Thứ nhất: Với phương châm “ngăn chặn từ xa”, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với các lực lượng chức năng phòng, chống ma túy của các nước Lào, Trung Quốc… để đấu tranh, ngăn chặn khi ma túy chưa thẩm lậu vào được trong nội địa cũng như ma túy từ nội địa vận chuyển ra nước ngoài tiêu thụ. Chú trọng công tác phối hợp với các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới, cửa khẩu như Bộ đội biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện và hành lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, hạn chế đến mức thấp nhất việc các đối tượng lợi dụng việc xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa để vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài tiêu thụ.

 Thứ hai: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để chính quyền cơ sở các cấp, đặc biệt là quần chúng nhân dân thấy rõ tác hại của ma túy đối với từng người, từng gia đình và toàn xã hội; từ đó huy động sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị và cả xã hội cùng vào cuộc để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tệ nạn và tội phạm ma túy. Ở các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, công tác tuyên truyền, vận động cần phải nghiên cứu về phong tục, tập quán, đời sống, tiếng nói, đặc điểm tâm lý của người dân trên địa bàn. Nên sử dụng những người cán bộ là con em đồng bào các dân tộc ở địa bàn, phát huy vai trò của người cao tuổi, già làng, trưởng bản, người có uy tín… có thể xây dựng chính những người này làm tuyên truyền viên để làm công tác tuyên truyền, vận động.

Thứ ba: Xác định phòng, chống ma túy là nhiệm vụ của toàn xã hội trong đó lực lượng Công an là lực lượng chủ công, nòng cốt. Ngoài việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, lực lượng Công an nhân dân mà trực tiếp là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phải chủ động trong công tác nắm tình hình để đề ra những phương án phòng ngừa và đấu tranh cụ thể ở từng địa bàn; sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác, biện pháp nghiệp vụ để quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, kịp thời có các biệp pháp giáo dục, răn đe, vô hiệu hóa, không để các đối tượng có khả năng và điều kiện hoạt động phạm tội. Đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng với tội phạm ma túy; kiên trì vận động các đối tượng truy nã về ma túy ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Phối hợp với các ngành chức năng đưa ra xét xử công khai, lưu động một số vụ án ma túy điểm tại các khu dân cư để phòng ngừa và răn đe các đối tượng khác.

Thứ tư: Lực lượng Công an các cấp phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy có tâm huyết và trách nhiệm cao với công việc. Phải luôn luôn xác định trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào cũng phải chấp nhận sự khó khăn, vất vả thậm chí cả đổ máu hy sinh, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy, tuyệt đối không để các đối tượng phạm tội về ma túy lôi kéo, mua chuộc dẫn đến làm ngơ, tiếp tay cho tội phạm./.

Thượng tá Ngô Văn Hải - Phó Trưởng phòng 3, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an.