ASEAN nỗ lực triển khai giải pháp tổng thể phòng, chống ma túy

Ngày 26/6 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo tổ công tác ASOD về thực thi pháp luật phòng, chống ma túy lần thứ 5. Tham dự Hội thảo có gần 40 đại biểu đến từ Ban Thư ký ASEAN và các nước trong khối Đông Nam Á (ASEAN).

28/06/2018 | Article Rating

Hiện nay thế giới tiếp tục chứng kiến sự leo thang của tình hình mua bán, vận chuyển và sử dụng ma túy. Tuy nhiên vẫn đang có những khác biệt và bất đồng về quan điểm, lập trường, thái độ và quyết sách đối với vấn đề ma túy toàn cầu. Khu vực Đông và Đông Nam Á, đặc biệt vùng Tam giác vàng vẫn là “điểm nóng” về trồng cây thuốc phiện, sản xuất ma túy tổng hợp và sử dụng ma túy gốc thuốc phiện.

Nằm ở khu vực này, các nước ASEAN hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức: bị lợi dụng bởi sự gắn kết thông thương của khu vực và kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ các mục đích phi pháp, tình trạng sử dụng ma túy bất hợp pháp ngày càng tăng mạnh, đặc biệt các loại ma túy gốc thuốc phiện và các chất kích thích dạng amphetamine. Cùng với đó là sự gia tăng xuất hiện của các chất hướng thần mới và thất thoát tiền hóa chất. Số vụ thu giữ methaphetamine tiếp tục tăng mạnh trong thập kỷ qua; các cơ sở điều chế bí mật ma túy tổng hợp bị phát hiện phá dỡ tiếp tục tăng; tính chất lưu động của hoạt động điều chế methamphetamine gia tăng cùng với sự tham gia của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là các tổ chức tội phạm Tây phi tuyển mộ phụ nữ gốc Á, Đông Âu và Nga vận chuyển ma túy.

Gần 40 đại biểu đến từ các nước Asean tham dự hội thảo

Trong bối cảnh đó, nhằm hướng tới bảo vệ cộng đồng ASEAN, các lực lượng thực thi pháp luật phòng, chống ma túy của ASEAN cần chủ động đẩy mạnh triển khai các mục tiêu ưu tiên, thực hiện các kế hoạch, gắn kết các sáng kiến, cơ chế hợp tác, nâng cao hiệu quả trấn áp tội phạm ma túy. Trong những năm qua, các nước khu vực ASEAN đã đạt được thành công nhất định trong nỗ lực thực thi các giải pháp phòng, chống ma túy, đặc biệt với việc thiết lập các cơ chế nhằm hỗ trợ điều phối và lồng ghép một cách hữu hiệu hơn các giải pháp đối phó với vấn đề ma túy bất hợp pháp ở khu vực.​

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, rà soát nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác thực phi pháp luật ở mỗi quốc gia và khu vực; chia sẻ thông tin, nhằm xác định các xu hướng ma túy bất hợp pháp mới nổi; hoạt động mua bán tiền chất tới các điểm điều chế và tiến hành các biện pháp kiểm soát chặt chẽ tiền chất; đẩy mạnh nỗ lực triển khai giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện và cân bằng trong PCMT ở khu vực; vận dụng có hiệu quả các cơ chế hợp tác như: Trung tâm thông tin ASEAN về hợp tác phòng, chống ma túy (ASEAN-NARCO), Tổ công tác kiểm soát ma túy qua đường hàng không (AAITF); Tổ công tác kiểm soát ma túy qua đường biển (ASIFT) và Sáng kiến hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông – sông Mê Kông an toàn… nhằm cắt giảm nguồn cung và cầu ma túy bất hợp pháp... ASEAN luôn kiên định hướng tới mục tiêu và khẳng định cam kết bảo vệ cộng đồng trong phòng, chống ma túy bất hợp pháp.​

Hội thảo lần này đã cập nhật về tiến độ thực thi kế hoạch an ninh - chính trị giai đoạn 2016 - 2025, công tác đánh giá nội bộ lần thứ nhất Kế hoạch hành động ASEAN 2016 - 2025, Kế hoạch hợp tác ASEAN 2017 - 2019, kết quả triển khai các Tổ công tác, hiện trạng các dự án, sáng kiến hợp tác, cũng như những vấn đề trọng tâm khác trong hợp tác thực thi pháp luật sẽ tạo cơ hội tăng cường và thúc đẩy hơn nữa hợp tác khu vực trong phòng, chống ma túy thời gian tới.

HUY HÀ