Từ đó đến nay, sau gần 20 năm có mặt bất hợp pháp tại nước ta, ma túy tổng hợp đã tạo thành một chu trình kép kín từ sản xuất, mua bán, vận chuyển đến chứa chấp và tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy tổng hợp. Với khoảng 50% trong tổng số hơn 222 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý và hàng chục nghìn cơ sở kinh doanh nhạy cảm vui chơi, giải trí là vũ trường, quán bar, quán karaoke – là những điểm, địa điểm lý tưởng, tiềm ẩn để các đối tượng lợi dụng tụ tập “bay, lắc”; cùng với việc xuất hiện nhiều vụ sản xuất trái phép ma túy tổng hợp mang qui mô công nghiệp thời gian gần đây, đã nói lên tính chất phức tạp ngày càng gia tăng của loại ma túy được điều chế, sản xuất từ các loại tiền chất, hóa chất này ở nước ta.
Khác với các loại ma túy tự nhiên (thuốc phiện), bán tổng hợp (heroin), ma túy tổng hợp được sản xuất từ tiền chất, hóa chất nên hình thức, mẫu mã, đặc biệt là tác động kích thích rất đa dạng và thường xuyên xuất hiện những chất ma túy tổng hợp mới. Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, đến nay bằng Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018, Chính phủ đã đưa vào danh mục quản lý 515 chất ma túy và 44 tiền chất các loại. Theo cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) thì 01 kg tiền chất Pseudoephedrine hoặc Ephedrine và một vài hóa chất làm dung môi, xúc tác, có thể điều chế, sản xuất được 0,6 kg ma túy tổng hợp dạng đá; tại Hà Nội, hiện có giá bán từ 600 đến 800 triệu đồng (nguồn gốc từ Tam Giác Vàng), từ 300 đến 400 triệu đồng (nguồn gốc từ Trung Quốc, Lào hoặc Campuchia). Trong khi, 01 kg tiền chất Ephedrine hoặc Pseudoephedrine có giá bán trên thị trường hợp pháp từ 300 đến 500 USD. Lợi nhuận từ việc sản xuất ma túy tổng hợp gấp hàng chục lần, nhiều đối tượng tìm cách điều chế, tách chiết ma túy tổng hợp kiếm lời khiến cho tình hình sản xuất ma túy tổng hợp trong nước diễn biến rất phức tạp.
Về tình hình sản xuất trái phép ma túy tổng hợp
Trước năm 2008, do mới xuất hiện, người sử dụng ít nên ma túy tổng hợp đều được vận chuyển từ nước ngoài về; từ năm 2008 đến nay do số người sử dụng gia tăng nên một mặt, các đối tượng tìm mọi cách để vận chuyển ma túy tổng hợp từ nước ngoài về, mặt khác xuất hiện những vụ sản xuất trái phép ma túy tổng hợp ở trong nước. Nhiều đối tượng đã từng sinh sống tại một số nước Châu Âu đã mang công nghệ về nước để sản xuất ma túy tổng hợp; bên cạnh đó, một số đối tượng có kiến thức, chuyên môn về lĩnh vực hóa – dược đã tìm kiếm công nghệ điều chế trên mạng Internet để tự sản xuất ma túy tổng hợp. Nguồn nguyên liệu chủ yếu được các đối tượng chiết, tách từ các loại thuốc tân dược có chứa tiền chất Pseudoephedrine hoặc Ephedrine như Tiffy fu, Decolgen, Panadol, Paracetamol…Điển hình, ngày 6/5/2012, Công an Long An bắt hai anh em Lục Gia Khánh và Lục Gia Quy cùng 21 đối tượng đã tổ chức sản xuất trái phép ma túy tổng hợp tại Hòa Khánh Đông, Đức Hòa, Long An; trong khoảng thời gian gần một năm các đối tượng đã mua 444 thùng thuốc tân dược để sản xuất 145 kg ma túy tổng hợp dạng đá, thu lời bất chính 116 tỉ đồng.
Gần đây, một số đối tượng còn tìm cách chiết, tách ma túy tổng hợp Ketamine từ một loại thuốc thú y. Điển hình, là vụ Phùng Quang Anh, trú tại Minh Khai, Hà Nội; tháng 6/2017 đã lợi dụng việc mua bán dễ dàng thuốc thú ý dạng dung dịch, Quang Anh đã mua và chưng cất lại thành ma túy tổng hợp dạng Ketamine. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng ma túy tổng hợp, một số đối tượng cũng đã tìm cách sản xuất ma túy tổng hợp dạng viên (thuốc lắc) từ các loại tiền chất thiết yếu (tiền chất nguy cơ cao) được mua từ nước ngoài và những hóa chất thường làm dung môi, xúc tác được mua lẻ từ thị trường trong nước. Điển hình, là vụ án Trần Ngọc Hiếu, đối tượng có hai lệnh truy nã, lẫn trốn tại các tỉnh phía Nam, làm giấy tờ tùy thân giả với tên Văn Kính Dương. Trong 2 năm 2016 và 2017 đã cùng 14 đối tượng là anh em, bạn bè tổ chức sản xuất trái phép ma túy tổng hợp tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh. Kết quả, lực lượng Công an đã bắt và truy tố 15 đối tượng, thu giữ khoảng 300 kg ma túy tổng hợp dạng viên, gần 05 tấn tiền chất, hóa chất các loại.
Trong 18 năm xuất hiện bất hợp pháp tại nước ta, với 35 vụ, gần 200 đối tượng sản xuất trái phép ma túy tổng hợp, tuy không nhiều, nhưng với xu hướng người nghiện đang chuyển dần từ sử dụng thuốc phiện, heroin sang các chất ma túy tổng hợp và lợi nhuận do sản xuất ma túy tổng hợp mang lại là rất lớn. Dự báo, thời gian tới sẽ có những diễn biến phức tạp, rất cần sự chung tay vào cuộc của các tầng lớp nhân dân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tệ nạn và tội phạm ma túy nói chung và tệ nạn, tội phạm liên quan đến ma túy tổng hợp nói riêng.
Về tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp
Với vị trí địa lý và điệu kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, nước ta có đủ cả 5 loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không. Những năm qua, các đối tượng đã lợi dụng cả 5 loại hình giao thông này để buôn bán, cất giấu, vận chuyển các loại ma túy tổng hợp từ nước ngoài về nước và giữa các địa bàn trong nước với nhau. Kết quả bắt giữ ma túy tổng hợp trong 10 năm qua trên các tuyến giao thông đều tăng lên nhanh chóng; nếu như năm 2008 và 2009 là 44.654 viên và 514.125 viên, thì đến năm 2016 tăng lên 845 kg, 427.655 viên và năm 2017 là 982 kg, 979.487 viên.
Tuyến đường bộ, được các đối tượng tiến hành vận chuyển ma túy tổng hợp (dạng đá, dạng viên, dạng thảo dược) từ Trung Quốc qua biên giới phía Bắc, tại địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng,... về Hà Nội, Hải Phòng,,... rồi vận chuyển đi hầu hết các tỉnh, thành trong nước. Ma túy tổng hợp (dạng đá, viên hồng phiến) cũng được vận chuyển qua đường bộ về nước ta từ Lào và Campuchia, qua địa bàn các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum, Tây Ninh, An Giang,... Đường bộ, là loại hình giao thông được các đối tượng sử dụng để vận chuyển ma túy tổng hợp về nước nhiều nhất, chiếm khoảng 90% trong số 5 loại hình giao thông nói trên.
Tuyến đường sắt quốc tế của nước ta chỉ có kết nối với Trung Quốc, nhưng do nhiều nguyên nhân như việc kiểm soát chặt chẽ, phải thay đổi toa tầu tại cửa khẩu, vì công nghệ không đồng bộ nên việc các đối tượng vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp bằng đường sắt từ Trung Quốc về Việt Nam là rất ít, chỉ chiếm vài phần trăm. Ở trong nước, hệ thống đường sắt Bắc – Nam đi qua phần lớn các tỉnh, thành phố trong cả nước và một số tuyến từ Hà Nội đi những tỉnh, thành phố trọng điểm như Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng. Các tuyến đường sắt trong nước được các đối tượng lợi dụng để vận chuyển ma túy tổng hợp nhiều là Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội – Hải Phòng,...
Tuyến đường thủy nội địa và đường biển ở nước ta rất đa dạng và phong phú, bao phủ khắp hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và khả năng đã có nhiều đối tượng lợi dụng để buôn bán, vận chuyển ma túy tổng hợp qua các tuyến đường này. Tuy nhiên, do điều kiện thực tế còn nhiều khó khăn nên việc kiểm soát để phát hiện và ngăn chặn ma túy tổng hợp qua đường thủy nội địa và đường biển còn nhiều khó khăn.
Về tình hình sử dụng trái phép ma túy tổng hợp
Ma túy tổng hợp phần lớn là chất gây kích thích mạnh lên hệ thần kinh trung ương, do đó những địa điểm để sử dụng hoặc chứa chấp, tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp thường là các vũ trường, quán bar, quán karaoke, nhà nghỉ; thậm trí cả trên xe ô tô (taxi hoặc xe gia đình). Trước đây, người nghiện chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, khu đô thị, khu công nghiệp nơi tập trung đông người, nhưng nay đã nan về các vùng ven thị xã, thị trấn, thị tứ, thậm trí cả các vùng thôn quê. Do vậy nhiều vùng quê yên ả trước đây, nay cũng thành địa điểm để các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp trở lên nhộn nhịp, huyên láo với những thanh niên tóc nhuộm xanh, vàng, tím, đỏ,….; nhiều đối tượng khi sử dụng đã mất kiểm soát hành vi “ngáo đá” đã gây ra nhiều vụ án thương tâm. Vụ việc 2 cháu thiếu niên Nguyễn Thị Trà, 12 tuổi và Lê Thị Ngọc, 14 tuổi ở Yên Mỹ, Hưng Yên đi xe máy bị tai nạn giao thông tại cầu vượt qua đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đêm 19/6/2018 được xác định trước đó đã sử dụng chất kích thích tại buổi sinh nhật ở một quán karaoke. Những năm qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với các địa phương triệt xóa nhiều tụ điểm lớn, phức tạp chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép ma túy tổng hợp như các vũ trường Newcentyri, nhà hàng Đêm Tây Hồ 614-Lạc Long Quân (Hà Nội); vũ trường Ufo, Biển Gọi, Ruby (Hải Phòng); Monaco (Thanh Hóa);…
Từ khi xuất hiện tại nước ta đến nay, số lượng người sử dụng ma túy tổng hợp đã tăng lên nhanh chóng. Thời kỳ đầu, ma túy tổng hợp nói chung được coi là “hàng hiệu”, “đẳng cấp” và chỉ những đối tượng có điều kiện kinh tế mới giám sử dụng, thì nay nó đã trở lên tương đối “phổ thông”; phần lớn các đối tượng có nhu cầu đều có thể mua ma túy tổng hợp để sử dụng, nhất là đối tượng thanh thiếu niên. Lý do sử dụng cũng rất đơn giản, có thể là liên hoan, gặp mặt, sinh nhật hay chỉ là cuộc hẹn hò gặp nhau cuối tuần. Nhiều đối tượng trước đây sử dụng các loại ma túy khác, nay cũng chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp. Tỉ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp tăng lên nhiều, đến nay chiếm khoảng 50%, ở các thành phố lớn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng,... khoảng 70%.
Giải pháp phòng ngừa và đấu tranh với ma túy tổng hợp
- Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của các loại ma túy nói chung, ma túy tổng hợp nói riêng, ma túy tổng hợp mới đến các tầng lớp nhân dân; trong đó, chú trọng đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Bởi vì, nhận thức của họ về tác hại của ma túy tổng hợp, còn rất hạn chế, họ cho rằng sử dụng ma túy tổng hợp ít gây tác hại và khó gây nghiện.
- Từ các dấu hiệu của những vụ sản xuất ma túy tổng hợp, tham mưu cho Bộ Công an chỉ đạo các địa phương, thường xuyên làm tốt phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, nắm chắc tình hình tại địa bàn dân cư, tuyên truyền phổ biến những dấu hiệu của vụ sản xuất ma túy; biểu hiện của các đối tượng sử dụng và nghi sử dụng ma túy để kịp thời phát hiện, thông báo cho cơ quan Công an.
- Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tập trung làm tốt công tác điều ra cơ bản lĩnh vực quản lý, sử dụng các loại tiền chất, hóa chất theo qui định tại Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ nhằm quản lý và kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, hóa chất đảm bảo vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh phát triển kinh tế xã hội, vừa không để bọn tội phạm lợi dụng sản xuất trái phép các chất ma túy tổng hợp.
- Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, chỉ đạo hệ lực lượng tổng rà soát các cơ sở kinh doanh nhạy cảm (vũ trường, quán bar, karaoke,...) mà ở đó các đối tượng có thể lợi dụng để sử dụng ma túy; thống kê người nghiện ma túy nói chung, nghiện và nghi nghiện ma túy tổng hợp nói riêng. Trên cơ sở đó, có sự đánh giá chính xác về số lượng người nghiện và nghiện ma túy tổng hợp để có biện pháp quản lý, cai nghiện, phòng ngừa và đấu tranh phù hợp.
- Tiếp tục phối hợp thực hiện có hiệu quả Quyết định số 133/QĐ-TTg ngày 09/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về Qui chế phối hợp giữa 4 lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan và Cảnh sát biển trong phòng, chống tội phạm tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển; nhằm ngăn chặn nguồn ma túy tổng hợp từ nước ngoài vận chuyển trái phép về nước.
- Phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ, cập nhật thông tin, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý và kiểm soát tiền chất, công tác phòng ngừa và đấu tranh với việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép ma túy tổng hợp.
Thượng tá Bùi Đức Thiêm - Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an