Tình trạng người nghiện còn cao, cai nghiện chưa hiệu quả; tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm người nghiện ma túy và từ họ lây lan ra cộng đồng đang ở mức đáng lo ngại; tình trạng sử dụng các loại ma túy tổng hợp trong tầng lớp thanh thiếu nhiên có xu hướng gia tăng, nhiều đối tượng khi sử dụng ma túy đã không làm chủ được hành vi, gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản…gây hoang mang, lo lắng cho nhân dân; các loại ma túy ngày càng đa dạng và dể sử dụng; phương thức,thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt gây khó khăn cho công tác điều tra triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy. Trong năm 2016 Tổng số đối tượng nghiện trên địa bàn 569 đối tượng trong đó đang quản lý tại địa phương 499 đối tượng; đưa đi cai nghiện 03 đối tượng; tù:67.
Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma túy Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp và chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó để xây dựng thế trận phòng, chống ma túy mang tính chiến lược phong trào toàn dân tham gia phòng, chống ma túy phát triển rộng khắp thu hút được nhiều ngành, nhiều cấp và nhiều lực lượng tham gia dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn, tội phạm ma túy.

Hội nghị sơ kết công tác xây dựng các mô hình phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
Thực hiện ý kiến chỉ đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-PCSMT, ngày 08/3/2017 về hướng dẫn xây dựng mô hình “4 + 1” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và thành lập Tổ chỉ đạo để hướng dẫn triển khai thí điểm mô hình “4+1” tại 5 xã, phường, thị trấn gồm: Phường Ngã Bảy; thị trấn Mái Dầm; xã Tân Long; xã Vị Thanh; thị trấn Bảy Ngàn; thành phần Tổ Chỉ đạo gồm Phòng Cảnh sát phòng, chống ma túy, Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Phòng Tham mưu Công an tỉnh; Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Phòng Phổ biến - Giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp; Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế; Ban Phong trào, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Ban Tuyên giáo, Tỉnh đoàn; Ban Chính sách pháp luật, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh. Tiến hành hướng dẫn, đôn đốc tổ chức triển khai thực hiện từ ngày 04/4/2017 đến ngày 14/7/2017, UBND 05 xã, phường, thị trấn đã ban hành các Quyết định thành lập mô hình và Ban chủ nhiệm mô hình bao gồm lãnh đạo UBND cấp xã là Trưởng ban; Phó Trưởng ban gồm Công an (làm thường trực) và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; thành viên là các ngành Lao động - Thương binh & Xã hội, Tư pháp, Y tế, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Hội Người cao tuổi và đại diện các Tổ nhân dân tự quản, Bảo vệ dân phố. Đồng thời, Ban chủ nhiệm các mô hình đã ban hành quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Sau khi thành lập, Ban chủ nhiệm mô hình rà soát, lựa chọn người nghiện ma túy, người nghi nghiện ma túy để tham mưu UBND cấp xã ban hành quyết định giao 01 người nghiện hoặc nghi nghiện ma túy cho một tổ quản lý, giáo dục, giúp đỡ có 4 người theo thành phần gồm gia đình người nghiện + bạn bè, hàng xóm + Tổ tự quản, Bảo vệ dân phố + Ban ngành, Mặt trận, đoàn thể quản lý, giáo dục, giúp đỡ. Hình thức hoạt động: 04 người được phân công quản lý, giáo dục, giúp đỡ 01 người nghiện hoặc nghi nghiện ma túy sẽ bàn bạc thống nhất thời gian, địa điểm, biện pháp cụ thể để quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện hoặc nghi nghiện ma túy, cụ thể như sau:
- Gặp gỡ, tiếp xúc với người được giao quản lý 1 tuần ít nhất 01 lần. Thường xuyên theo dõi, nắm chặt hoạt động (ở đâu, làm gì,…) diễn biến hoạt động (tâm lý, tình cảm,…) của người được giao quản lý; có sổ sách theo dõi để phục vụ công tác đánh giá tiến bộ của họ. Thông qua gặp gỡ trực tiếp để giáo dục về chính trị, tư tưởng; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội; phối hợp với gia đình, tổ chức đoàn thể, người có uy tín, bạn bè để tác động, giáo dục về nhận thức. Phối hợp các ban ngành liên quan cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ, tuyên truyền cho người nghiện. Hỗ trợ người nghiện tham gia các hình thức cai nghiện, học văn hóa, tham gia các lớp đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Hướng dẫn, hỗ trợ người nghiện được vay vốn để ổn định cuộc sống và giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.
Trong 01 năm thực hiện đạt được một số kết quả nhất định như tổng số người nghiện, nghi nghiện ma túy được đưa vào diện quản lý, giáo dục, giúp đỡ là 31 người; trong đó có 24 người nghiện và 07 người nghi nghiện. Qua đó, tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc, tư vấn về tác hại chất ma túy và kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy được 293 lượt/31 người được đưa vào diện quản lý, giáo dục, giúp đỡ . Ban chủ nhiệm mô hình đã tổ chức họp bàn, trao đổi đánh giá hiệu quả để thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý giáo dục, giúp đỡ được 42 cuộc. Các thành viên được phân công cảm hóa, giúp đỡ xây dựng được 139 báo cáo kết quả phân công quản lý, giáo dục, giúp đỡ liên quan đến người nghiện và nghi nghiện ma túy. Hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh cho 06 người nghiện ma túy với tổng số tiền 170.000.000đ và giới thiệu việc làm cho 5 người nghiện ma túy. Mở 10 cuộc tuyên truyền cảm hóa, giáo dục về pháp luật phòng, chống ma túy và tác hại của ma túy, thu hút 267 lượt người tham dự; phát 250 tờ bướm tuyên truyền về tác hại của ma túy. Kết quả tính đến ngày 01/4/2018, đã có 12 nghiện từ bỏ trái phép chất ma túy, đạt 38,7% tổng số người nghiện và nghi nghiện được đưa vào diện cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ; hiện vẫn còn 19 người nghiện và nghi nghiện có biểu hiện sử dụng hoặc liên quan đến ma túy đang được tiếp tục cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ trên địa bàn, chiếm 61,3%.
Bên cạnh những kết quả được còn gặp những khó khăn như:
- Đa số thành viên Ban chỉ đạo, Ban chủ nhiệm và cán bộ tư vấn của các mô hình phòng, chống ma túy là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi do luân phiên chuyển công tác hoặc chưa được tập huấn chuyên sâu về các kiến thức, kỹ năng tư vấn, tiếp xúc nên chưa phát huy hiệu quả cao trong việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ.
- Do một số người nghiện và nghi nghiện ma túy có thái độ trốn tránh, không tiếp xúc với cán bộ tư vấn hoặc không trình bày tình trạng nghiện và tâm tư nguyện vọng của bản thân nên việc tiếp xúc, tư vấn và hỗ trợ còn chưa đạt hiệu quả.
- Công tác giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người nghiện trên địa bàn cơ sở gặp nhiều khó khăn, do một bộ phận người dân còn kỳ thị, phân biệt đối xử dẫn đến người nghiện, người nghi vấn sử dụng ma túy và người sau cai nghiện mặc cảm, bỏ địa phương đến nơi khác sinh sống, làm ăn, từ đó khó khăn trong việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ.
- Kinh phí hoạt động các mô hình còn hạn chế, chưa có chế độ chính sách hỗ trợ cho người tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy và người nghi nghiện ma túy.
Qua sơ kết 1 năm thưc hiện chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, Công tác triển khai xây dựng, củng cố mô hình phòng, chống ma túy phải được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm và chỉ đạo quyết liệt; cùng với sự tham gia nhiệt tình của các ban ngành, Mặt trận, đoàn thể và người dân trên địa bàn triển khai mô hình; qua đó mới phát huy được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống ma túy, cũng như phát động phong trào toàn dân tham gia đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.
Thứ hai, Quá trình xây dựng mô hình được thực hiện một cách trình tự, đồng bộ, có chọn điểm triển khai để đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi củng cố, nhân rộng; từng mô hình đều có ban hành quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên tham gia và được hướng dẫn, đôn đốc đảm bảo đúng tiến độ, đạt hiệu quả so với yêu cầu đề ra.
Thứ ba, Công tác quản lý, giáo dục và giúp đỡ người nghiện, người nghi nghiện và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện phải đem lại được nhiều hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn. Qua đó đúc kết nhiều kinh nghiệm quý báu để tiến tới nhân rộng mô hình trong thời gian tiếp theo.
Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng mô hình phòng chống ma túy trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
1. Tiếp tục tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn, nhất là công tác củng cố, kiện toàn, nâng chất và nhân rộng mô hình 4+1 nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện, người nghi nghiện ma túy và người có quá khứ lầm lỗi có liên quan đến ma túy ổn định cuộc sống, hòa nhập thành công với cộng đồng. Đồng thời, lồng ghép với công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.
2. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng và kiến thức cần thiết cho cán bộ, nhân viên tiếp cận cộng đồng để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ, giáo dục và giúp đỡ người nghiện, người nghi nghiện ma túy và người có quá khứ lầm lỗi có liên quan đến ma túy.
3. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người nghiện ma túy, người nghi nghiện ma túy và người có quá khứ lầm lỗi có liên quan đến ma túy trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh việc việc hỗ trợ vay vốn theo Quyết định số 29/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
4. Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phòng, chống ma túy đảm bảo phù hợp với từng địa bàn và từng đối tượng tiếp nhận thông tin; trong đó chú trọng nâng cao ý thức không phân biệt đối xử với người nghiện, người nghi nghiện và người có quá khứ lầm lỗi có liên quan đến ma túy ở từng khu dân cư.
5. Bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các mô hình phòng, chống ma túy trên địa bàn, trong đó chú trọng xã hội hóa các nguồn kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh.
6. Tiếp tục chỉ đạo Công an huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống ma túy; định kỳ tổ chức sơ, tổng kết mô hình 4+1 để đánh giá tình hình, kết quả; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tiếp theo. Đồng thời, tổ chức động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, giáo dục và giúp đỡ người nghiện.
Lương Văn Đông Xuân