Bên cạnh những thuận lợi, tích cực, Đồng Nai gặp nhiều khó khăn thách thức tác động đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội như: tình trạng dân số tăng nhanh về cơ học; tốc độ đô thị hóa tăng nhanh trong khi hạ tầng cơ sở chưa phát triển phù hợp, đồng bộ…Người dân từ khắp các tỉnh thành về Đồng Nai lập nghiệp, chủ yếu tập trung tại các địa bàn: Thành phố Biên Hòa, huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu là nơi có các khu công nghiệp tập trung, có nhiều nhà cho thuê trọ giáp ranh với các khu công nghiệp. Họ đa số là thanh niên xuất thân từ nông thôn có trình độ nhận thức hạn chế, xa gia đình nên rất dễ bị lôi kéo vào những tệ nạn xã hội. Tội phạm ma túy từ các tỉnh cũng theo đó tìm đến những khu trọ công nhân để hoạt động, ẩn náu, hoặc cấu kết với đối tượng tại chỗ hoạt động liên địa bàn tạo rất nhiều khó khăn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh. Trong khi đó, công tác quản lý nhân hộ khẩu, quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy tại các khu công nghiệp đóng chân trên địa bàn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trước tình hình trên, trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017 Công an tỉnh Đồng Nai thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền phòng, chống ma túy cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động tại các khu công nghiệp bằng các hình thức đa dạng, phong phú như tổ chức hội nghị, tuyên truyền qua loa phát thanh tại cơ sở; tuyên truyền miệng, cổ động trực quan, băng rôn, khẩu hiệu, văn nghệ, tiểu phẩm về phòng, chống ma túy. Ngoài ra, các buổi tuyên truyền cho tầng lớp công nhân còn được lồng ghép trong các chương trình phổ, biến giáo dục pháp luật và các Dự án, Đề án như: Dự án “Thông tin tuyên truyền phòng, chống ma túy và giám sát thực hiện chương trình” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy”, Đề án “Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp”, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được tổ chức hàng năm. Sau 05 năm thực hiện, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy trong các doanh nghiệp, khu nhà trọ công nhân trên 600 cuộc với trên 567.300 người tham dự. Phát hành 300.000 tờ gấp về phòng, chống ma túy cho công nhân lao động. Đã tổ chức trên 100 hội thi tìm hiểu pháp luật, các buổi tọa đàm về pháp luật phòng chống ma túy với trên 34.000 lượt người lao động tham dự.
Ngoài những hình thức tuyên truyền trên, Công an tỉnh Đồng Nai còn thí điểm mô hình “Khu nhà trọ công nhân lao động an toàn, văn minh, không có tội phạm và tệ nạn xã hội” tại xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, sau đó nhân ra trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Tại xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch: Công an tỉnh phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội huyện Nhơn Trạch và Đảng ủy - Ủy ban nhân dân xã Long Thọ, tiến hành khảo sát, chọn địa bàn ấp 2, xã Long Thọ làm địa bàn thí điểm xây dựng mô hình “Khu nhà trọ công nhân lao động an toàn, văn minh, không có tội phạm và tệ nạn xã hội”. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (có 17 người) và Ban Quản lý (có 15 người) khu nhà trọ công nhân lao động, với 07 cơ sở, 225 phòng trọ và 455 công nhân ở trọ, đề ra quy chế hoạt động, nội quy nhà trọ và tổ chức lễ ký kết giao ước giữa chủ cơ sở nhà trọ với công nhân lao động thuê trọ trong việc thực hiện tốt các nội dung của quy chế, nội quy khu nhà trọ. Các ngành, đoàn thể đã có sự phối hợp chặt chẽ và tích cực triển khai nhiều hoạt động thu hút đông đảo công nhân thuê trọ và các chủ cho thuê nhà trọ tham gia, như: tổ chức 15 buổi tuyên truyền có hơn 1.360 lượt người tham dự, phát trên 1.500 tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm và tổ chức 06 đêm giao lưu văn hóa, văn nghệ, tặng quà cho công nhân lao động trong các dịp lễ, tết…Đoàn thanh niên xã thành lập 01 chi hội nhà trọ có 126 hội viên thanh niên tham gia. Hội phụ nữ đã xây dựng được 01 câu lạc bộ gia đình công nhân lao động bền vững, với hơn 35 chị, em tham gia. Các ban ngành, đoàn thể đã phối hợp vận động các chủ cho thuê trọ ký cam kết bình ổn giá thuê phòng trọ và thu tiền điện nước đúng quy định, để công nhân ổn định cuộc sống. Từ đó người lao động trong những khu nhà trọ chấp hành nghiêm chỉnh các nội quy, quy định, biết đoàn kết, gắn bó với nhau hơn, chia sẻ trách nhiệm với chính quyền trong việc giữ gìn an ninh trật tự tại nơi cư trú và trong các khu công nghiệp giáp ranh, không để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, không để tội phạm và tệ nạn xã hội lợi dụng phòng trọ để hoạt động.
Xác định rõ lực lượng bảo vệ trong các khu công nghiệp là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh trật tự nói chung và công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy nói riêng. Trong 05 năm qua, Công an tỉnh đã mở 45 đợt tập huấn cho 3.200 nhân viên bảo vệ về nghiệp vụ chuyên môn, trang bị kiến thức pháp luật, công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ trụ sở doanh nghiệp, phương pháp nhận biết các chất ma túy, cách xử lý khi phát hiện ma túy hay đối tượng có biểu hiện mua bán trái phép chất ma túy…Tổ chức ký kết quy chế phối hợp bảo vệ an toàn về ANTT giữa bảo vệ trong các khu công nghiệp với các lực lượng chức năng nơi khu công nghiệp đóng chân.

Một buổi tuyên truyền PCMT cho công nhân khu công nghiệp Bàu xéo
Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia công tác phòng, chống ma túy trong các khu công nghiệp đạt được những thành tích đáng khích lệ như trên, trước hết là do được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể và sự tạo điều kiện của Ban Lãnh đạo các công ty, xí nghiệp. Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được như trên, công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy cho công nhân tại các khu công nghiệp còn gặp một số khó khăn sau:
Tuy toàn tỉnh có hàng ngàn báo cáo viên tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về phòng, chống ma túy nói riêng, nhưng vẫn thiếu cán bộ chuyên trách, am hiểu về công tác phòng, chống ma túy. Một số các bộ vững lý thuyết, có kinh nghiệm thực tế nhưng lại phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau nên ít có thời gian chuẩn bị tài liệu, nghiên cứu phương thức truyền đạt. Do đó, một số buổi tuyên truyền chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, thậm chí chỉ mang tính hình thức.
Công nhân làm việc tại các khu công nghiệp với áp lực cao, thời gian làm việc nhiều trong khi thời gian nghỉ ngơi ít. Nên rất khó để sắp xếp thời điểm tuyên truyền cho hợp lý, đa số các buổi tuyên truyền, tọa đàm cho công nhân được tổ chức vào buổi tối. Vì vậy, thời lượng và nội dung tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy phải rút ngắn để người lao động có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Các buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy cho công nhân chủ yếu diễn ra ở ngoài trời, hoặc trong nhà xưởng chật hẹp, nóng bức, do đó cơ sở vật chất không đảm bảo về chất lượng âm thanh, hình ảnh, tài liệu, phương tiện dụng cụ, bàn ghế, chỗ ngồi thiếu… làm giảm chất lượng buổi tuyên truyền. Kinh phí để thực hiện các chương trình tuyên truyền phòng, chống ma túy vẫn còn hạn chế không đáp ứng được yêu cầu.
Để khắc phục tình trạng trên, báo cáo viên cần chuẩn bị thật chu đáo cho buổi tuyên truyền, phù hợp với đối tượng là công nhân, quần chúng nhân dân sinh sống gần các khu công nghiệp với một số đặc điểm sau: trình độ còn hạn chế, thời gian ít, công việc áp lực, căng thẳng… Do đó, cần lưu ý:
1. Tài liệu biên soạn tuyên truyền phải đơn giản dễ hiểu, hình ảnh sinh động và có dẫn chứng cụ thể liên hệ với sinh hoạt hàng ngày tại khu nhà trọ, công việc trong khu công nghiệp.
2. Lựa chọn hình thức tuyên truyền: tuyên truyền miệng; biểu diễn, hội diễn, hội thi văn nghệ; thi tìm hiểu, giao lưu… để tạo không khí sôi động, giải tỏa căng thẳng cho người được tuyên truyền.
3. Lựa chọn thời gian, địa điểm tuyên truyền phù hợp nhất để không làm ảnh hưởng đến công việc làm ăn, sinh hoạt của quần chúng nhân dân; để có thể tập hợp được đông nhất.
4. Cần chuẩn bị phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác tuyên truyền: âm thanh, ánh sáng, máy chiếu, hội trường, bàn ghế, nước uống; treo băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích… làm cho đối tượng được tuyên truyền cảm thấy thoải mái, dễ tiếp thu nhất.
Trong các buổi tuyên truyền, báo cáo viên cần truyền đạt cho đối tượng được tuyên truyền hiểu được những nội dung cơ bản của công tác phòng, chống ma túy, gồm:
1. Tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy xảy ra trên địa bàn nói chung và đang diễn ra tại các khu công nghiệp, vùng giáp ranh khu công nghiệp nói riêng.
2. Tác hại của ma túy và cách phòng tránh.
3. Cách nhận biết các loại ma túy, hành vi sử dụng ma túy, hành vi mua bán trái phép chất ma túy và xử lý các tình huống xảy ra.
4. Công tác cai nghiện ma túy.
5. Pháp luật về phòng, chống ma túy và các chủ trương, biện pháp chiến lược phòng, chống ma túy của Đảng, Nhà nước. Từ đó giúp quần chúng nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, lánh xa, bài trừ và có ý thức đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy tại các khu công nghiệp.
ĐÀO VĂN MẠNH