An Giang chung tay phòng, chống ma túy

Những năm qua, tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy ngày càng phức tạp, gia tăng cả về quy mô, tính chất và mức độ. Do chịu áp lực của tình hình tội phạm ma túy trong nước và khu vực nên hoạt động của tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh An Giang có nhiều diễn biến phức tạp, số người nghiện tăng cao và nhanh chóng lan rộng trong lứa tuổi thanh thiếu niên và học sinh.

22/06/2018 | Article Rating

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh An Giang có 4.909 người nghiện, so với cùng kỳ năm 2017 tăng 931 người, trong số này có trên 70% là sử dụng ma túy tổng hợp. Một số trường hợp bị “ngáo đá” do sử dụng ma túy tổng hợp, năm 2017 đã  xảy ra 06 vụ người nghiện ma túy đá bị tâm thần, "ngáo đá". Do nhu cầu sử dụng của người nghiện cao, từ đó kích thích các đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy hoạt động gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Năm qua cùng với sự tích cực hỗ trợ của các cấp, các ngành và đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy đã phát hiện bắt giữ 150 vụ, 318 đối tượng liên quan đến ma túy. Tang vật thu giữ:  57g heroin; 3,6 kg ma túy “đá”; 79 kg cần sa; 2.995 viên nén (thuốc lắc); 3,6 g cỏ Mỹ và nhiều tang vật khác có liên quan. Kết quả xử lý: Khởi tố 108 vụ, 180 đối tượng; xử lý hành chính 42 vụ, 138 đối tượng. Những kết quả trên chỉ là bước đầu, dự báo thời gian tới, do tác động của tình hình mua bán, vận chuyển ma túy trong khu vực và trong nước, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh An Giang sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy cần phải xác định công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý là một cuộc đấu tranh vừa cấp bách vừa  lâu dài, là công việc có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp trong bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, tỉnh An Giang nói riêng. Trong công tác phòng chống ma túy cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp xã hội, toàn thể nhân dân chính là nhân tố quyết định bảo đảm sự thắng lợi của công tác này.

Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động phòng chống ma túy, huy động các ngành các cấp tham gia công tác phòng chống ma túy, ưu tiên đầu tư kinh phí, phương tiện phục vụ công tác phòng chống ma túy. Nêu cao tính gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của đảng viên trong quản lý giáo dục con em trong gia đình không sa vào tệ nạn ma túy.

Các Đoàn thể cần tập trung tuyên truyền về tác hại của ma túy nhằm từng bước nâng cao nhận thức, ý thực trách nhiệm của quần chúng nhân dân và cả cán bộ đảng viên từ đó có biện pháp tự phòng ngừa có hiệu quả trước tệ nạn ma túy, từng bước giảm dần tỷ lệ gia tăng của người nghiện mới ở địa phương. Đẩy mạnh khai thác các mạng xã hội phục vụ cho công tác tuyên truyền phòng chống ma túy.

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng đến các địa bàn trọng điểm, khu vực phức tạp, các cơ sở, cơ quan, doanh nghiệp, trường học về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống ma túy; cần nhấn mạnh các tác hại và hậu quả do ma túy gây ra, nhất là ma túy tổng hợp mới phát hiện (ma túy đá, cỏ mỹ, lá khat…).

Các lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy cần nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh phát hiện và điều tra xử lý tội phạm ma túy. Trên cơ sở số người nghiện ma túy, đối tượng liên quan đến ma túy ở từng địa bàn mà có chỉ tiêu cụ thể cho lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy. Tổ chức đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả nguồn cung ma túy cho người nghiện ở địa phương. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.

Tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ bar, vũ trường, cơ sở lưu trú có biểu hiện bao che dung túng và chứa chấp các hoạt động liên quan đến ma túy, kiên quyết không để đối tượng na túy lợi dụng các cơ sở này hoạt động.

Rà soát phát hiện xử lý kịp thời đối với việc sử dụng trái phép chất ma túy, có biện pháp quản lý giáo dục phù hợp đối với người nghiện ma túy.  Tăng cường quản lý, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện hoà nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện.

Đối với mọi công dân bên cạnh việc tích cực hỗ trợ, phát hiện cung câp thông tin cho lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy phải thường xuyên gần gũi con, trò chuyện tâm sự với con em trong gia đình, sao cho trẻ cảm thấy gia đình là chỗ dựa tin cậy, giáo dục cho các em hiểu sâu sắc tác hại của ma tuý để các em không bị quyến rủ, lôi kéo vào ma tuý – kiên quyết không thử ma tuý dù chỉ một lần.

Quản lý chặt chẽ quỹ thời gian sử dụng trong ngày vào các hoạt động thiết thực, bổ ích, Quản lý chặt chẽ mối quan hệ bạn bè của các em, Quản lý chặt chẽ việc chi tiêu của con cái vào những việc chính đáng, thiết thực.

Trong trường hợp chẳng may có con em nghiện ma tuý thì cũng đừng quá đau khổ, đừng sợ mất thể diện mà che giấu, không dám cho con đi cai nghiện. Hãy bình tĩnh và sáng suốt giải quyết vấn đề. Sự phát hiện sớm, chủ động quan hệ với các Trung tâm cai nghiện kiên quyết đưa đi cai nghiện sớm và quản lý chặt chẽ sau cai nghiện là biện pháp tốt nhất cứu con bạn khỏi thảm hoạ ma tuý.

Vì tương lai con em chúng ta, của bản thân và gia đình, vì sự phát triển của tỉnh nhà, các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn dân cùng đồng hành trách nhiệm tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện có hiệu quả; kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn không để phát sinh người nghiện mới; xoá bỏ triệt để các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý; cộng đồng hãy đồng tâm, đồng lòng chung tay hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện ma túy và tài hòa nhập cộng đồng.

Đại tá Nguyễn Tấn Phước - Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang