Đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường bưu điện

17/02/2014 | Article Rating

 Hiện nay ma túy đã và đang trở thành hiểm họa của toàn cầu, gây ra những hậu quả đặc biệt lớn đối với xã hội, là nguyên nhân phát sinh đầu vào của nhiều loại tội phạm hình sự. Ở nước ta, trong những năm qua, tệ nạn ma túy và hoạt động phạm tội ma túy nói chung còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về tính chất, mức độ. Số vụ và số đối tượng phạm tội về ma túy bị các cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện, bắt giữ tăng qua các năm. Nguồn ma túy vẫn chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, trong đó có đường bưu điện. Mặc dù hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy qua đường bưu điện không phức tạp bằng các tuyến đường khác (đường bộ, đường biển, đường hàng không) nhưng hiện nay, các đối tượng phạm tội đã và đang triệt để lợi dụng sự phát triển của mạng lưới bưu điện và các dịch vụ đi kèm của ngành này để thực hiện hành vi phạm tội.

Thông qua đường bưu điện, các đối tượng phạm tội tìm cách cất giấu ma tuý trong các loại thư tín, bưu kiện, bưu phẩm rồi vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Qua công tác nắm tình hình cho thấy, nguy cơ ma túy vận chuyển qua đường bưu điện là rất “tiềm tàng tuy nhiên tỷ lệ phát hiện, bắt giữ tội phạm ma túy qua tuyến đường này còn rất thấp. Đáng báo động, nguy cơ ma túy được mua bán, vận chuyển qua các tuyến bưu điện quốc tế đang có xu hướng gia tăng. Trước đây, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ một số vụ như: vụ phát hiện đối tượng Lường Thị Khuyên - nhân viên Bưu điện huyện Mộc Châu - Sơn La gửi 03 bánh heroin qua đường bưu điện tháng 8/2006; tháng 05/2009 và tháng 01/2010, Công an tỉnh Đắc Lắc phát hiện 02 vụ gửi cần sa qua đường bưu điện từ Na Uy và Thụy Điển cho các đối tượng người nước ngoài tại Việt Nam.

Thời gian gần đây, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với lực lượng Hải quan và Cơ quan Bưu điện bóc gỡ một số đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam. Cụ thể: từ đầu năm 2011 đến nay, đã phát hiện, bắt giữ 05 vụ, 06 đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy qua đường bưu điện; thu giữ hơn 01kg cần sa khô, 59,5 viên ma túy tổng hợp. Các đường dây này liên quan đến các đối tượng là Việt kiều tại một số nước như: Canada, Anh, Ấn Độ... tìm cách vận chuyển ma túy về Việt Nam tiêu thụ chủ yếu là tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội (01 vụ), Hải Phòng (02 vụ), Quảng Ninh (01 vụ), Vĩnh Phúc (01 vụ). Điển hình: Ngày 4/5/2011, C47 phối hợp với Công an Quận Thanh Xuân, Cục Hải quan Thành phố Hà Nội phát hiện 01 bưu phẩm gửi từ Canada về Việt Nam qua Bưu cục Thanh Xuân, trong đó có 450,166g búp hoa cần sa khô; Ngày 12/02/2014, Chi cục Hải quan Chuyển Phát nhanh (Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh) đã kiểm tra lô hàng quà biếu là dầu nóng gửi đi Australia, phát hiện 4,22kg heroin dạng lỏng trị giá hàng tỷ đồng.

Với các đối tượng phạm tội ma túy, tuyến đường bưu điện có những điều kiện lợi thế nhất định như:

- Các chất ma tuý có thể được cất giấu dễ dàng ngay trong các loại thư tín, bưu kiện, bưu phẩm. Số lượng ma túy được vận chuyển nhiều hay ít cũng tùy thuộc vào khối lượng, kích thước của các loại thư tín, bưu kiện, bưu phẩm đó và được chuyển từ địa bàn này đến địa bàn khác ở trong nước cũng như có thể chuyển ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam.

- Mức độ “an toàn“ của việc vận chuyển ma túy qua đường bưu điện cũng cao hơn do đối tượng chỉ cần gửi qua các cơ quan Bưu điện ở trong nước hoặc các Công ty chuyển phát nhanh mà không cần phải trực tiếp mang ma tuý đến nơi tiêu thụ. Bên cạnh đó, đối tượng phạm tội còn dễ dàng che giấu nhân thân bằng cách khai không rõ ràng hoặc gian dối về tên hoặc địa chỉ người gửi cũng như người nhận trên thư tín hoặc bưu kiện, bưu phẩm. Chính vì vậy, khi bị phát hiện các cơ quan chức năng cũng rất khó khăn trong việc bắt giữ.

- Chi phí cho việc vận chuyển ma tuý thấp vì đối tượng phạm tội chỉ phải trả tiền cước phí tùy theo trọng lượng và kích thước của các loại thư tín, bưu kiện, bưu phẩm. Trong khi đó, nếu chúng vận chuyển trực tiếp hoặc thuê người vận chuyển bằng các con đường khác thì chi phí sẽ lớn hơn rất nhiều.

- Ma tuý được chuyển đến địa điểm cần đến rất nhanh chóng, đặc biệt khi đối tượng phạm tội lựa chọn hình thức chuyển phát nhanh thì ma túy có thể đến tay đối tượng nhận trong ngày nếu đó là vận chuyển trong nội địa.

Thực tế các vụ bắt giữ tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy qua đường bưu điện trong những năm qua có thể khái quát một số đặc điểm của loại tội phạm này như sau:

- Một là: Ma tuý được vận chuyển qua đường bưu điện rất đa dạng gồm nhiều chủng loại khác nhau như: heroin, côcain, cần sa, ma tuý tổng hợp, tinh dầu xá xị,… Ma tuý có thể ở thể rắn hoặc được pha chế dưới dạng thể lỏng.

- Hai là: Bọn tội phạm không chỉ lợi dụng tuyến bưu điện trong nước mà còn lợi dụng tuyến bưu điện quốc tế để vận chuyển ma tuý. Các loại thư tín, bưu kiện, bưu phẩm gửi từ nước ngoài có nghi vấn chứa ma tuý thường xuất phát từ một số nước như Na Uy, Thuỵ Điển, Anh, Canada hoặc các nước ở khu vực Châu Á như Ấn Độ, Pakistan, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc...

- Ba là: Phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội mua bán, vận chuyển ma túy qua đường bưu điện rất đa dạng và tinh vi. Trong đó, đối tượng phạm tội chính là các nhân viên đang công tác tại các Bưu cục bị thoái hóa biến chất hoặc chúng tìm cách móc nối với nhân viên Bưu điện để phạm tội. Ma tuý trước khi được gửi đi được cất giấu kỹ trong các hàng hoá gửi kèm. Ví dụ như giấu ma tuý trong khung ảnh hoặc bưu phẩm sau đó ép plastic, giấu trong các hàng hoá khác hoặc hoà vào chất lỏng sau khi đến nơi nhận sẽ tinh chế lại. Có nhiều trường hợp, đối tượng phạm tội thường đóng gói rất cẩn thận các gói bưu kiện, bưu phẩm có ma tuý bên trong tạo ra tâm lý ngại mở để kiểm tra hoặc chỉ kiểm tra qua loa của các nhân viên Bưu điện. Khi gửi các thư tín, bưu kiện, bưu phẩm có chứa ma tuý bọn tội phạm thường không ghi rõ hoặc cố tình gian dối về tên tuổi, địa chỉ người gửi. Nhiều trường hợp chúng gửi ma tuý đến một khách sạn nào đó và đối tượng nhận sẽ tính toán thời gian bưu kiện đến và nhận nó qua lễ tân khách sạn. Có trường hợp chúng thuê người khác nhận hộ gói bưu kiện, bưu phẩm, nếu không có vấn đề gì khả nghi chúng sẽ lấy gói bưu kiện, bưu phẩm đó. Trong trường hợp biết cơ quan chức năng đã phát hiện thì gói bưu kiện, bưu phẩm đó sẽ trở thành vô chủ.

Từ những đặc trưng riêng của quy trình gửi, nhận các loại thư tín, bưu kiện, bưu phẩm qua đường bưu điện cũng như thực tế tình hình tội phạm lợi dụng tuyến bưu điện làm phương thức vận chuyển ma tuý, có thể nói, hiện nay công tác phát hiện, bắt giữ loại tội phạm này theo đúng trình tự, thủ tục và yêu cầu pháp luật của các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và phát hiện các vụ mua bán, vận chuyển ma tuý qua đường bưu điện, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc đánh giá, dự báo tình hình và làm tốt một số nội dung sau:

- Thứ nhất: Phát hiện và kịp thời khắc phục các sơ hở thiếu sót của ngành Bưu điện trong việc kiểm tra, giám sát các loại thư tín, bưu kiện, bưu phẩm, đồng thời hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến nguyên tắc, quy trình gửi các vật phẩm qua đường bưu điện. Từ đó quy định chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, kiểm tra, đánh giá, đóng gói gửi các vật phẩm qua con đường này. Quy định theo hướng khi gửi các loại thư tín, bưu kiện, bưu phẩm qua đường bưu điện phải ghi rõ, cụ thể và chính xác tên, tuổi và địa chỉ người gửi cũng như người nhận. Mặt khác, trong thời gian tới chúng ta cũng phải có quy chế quản lý chặt chẽ hơn các đơn vị, công ty được nhà nước cho phép làm công tác tiếp nhận và gửi hàng hoá qua đường bưu điện.

- Thứ hai: Qua công tác nắm tình hình cũng như thực tế các vụ phát hiện, bắt giữ tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy qua đường bưu điện, các cơ quan chức năng cần tiến hành nghiên cứu và tổng kết để đưa ra các nhận định, dự báo về các tuyến, địa bàn trong phạm vi cả nước, các nước trong khu vực và trên thế giới có nguy cơ cao dễ bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để vận chuyển ma tuý qua đường bưu điện, phương thức thủ đoạn phạm tội của chúng, đặc điểm về đối tượng phạm tội từ đó đề ra các kế hoạch cụ thể và hợp lý trong phòng ngừa và đấu tranh với loại tội phạm này.

- Thứ ba: Cơ quan Bưu điện phải thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ cũng như tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên, đặc biệt phải nắm được các phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm ma tuý vận chuyển qua đường bưu điện cũng như cách thức phát hiện, kiểm tra, thu giữ các vật phẩm có biểu hiện nghi vấn chứa ma tuý bên trong. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện các chất cấm nói chung và các chất ma tuý nói riêng trong các loại thư tín, bưu kiện, bưu phẩm gửi qua đường bưu điện cần phải trang bị các thiết bị kỹ thuật như: máy soi phát hiện ma tuý, thuốc thử nhanh phát hiện các chất ma túy… cho các cơ quan bưu điện mà trước hết là các tuyến, địa bàn có nguy cơ cao về tội phạm ma tuý vận chuyển qua đường bưu điện.

- Thứ tư: Tăng cường và nâng cao hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan Bưu điện, Các công ty dịch vụ chuyển phát nhanh với lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Hải quan… trong phát hiện và bắt giữ các vụ vận chuyển ma tuý cũng như tập huấn nâng cao kỹ năng nhận biết và phát hiện ma túy mua bán, vận chuyển qua đường bưu điện. Trong thời gian qua mối quan hệ này chưa được thường xuyên, đôi khi chỉ mang tính sự vụ nên hiệu quả chưa cao. Phải xây dựng và tổ chức ký kết Quy chế phối hợp giữa cơ quan Bưu điện nói chung và các lực lượng này, trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các bên, thường xuyên trao đổi thông tin cho nhau về tình hình tội phạm ma tuý, phương thức thủ đoạn của chúng để các lực lượng chủ động hơn trong từng công tác cụ thể.

- Thứ năm: Nâng cao hiệu quả mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan chức năng Việt Nam với Cảnh sát và cơ quan Bưu điện các nước trong khu vực và trên thế giới nhất là các nước hoặc vùng lãnh thổ có nguy cơ cao liên quan đến vận chuyển ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc ngược lại. Đây là vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh các đối tượng người nước ngoài luôn tìm cách móc nối với các đối tượng ở trong nước để hình thành các đường dây vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia. Công tác hợp tác quốc tế cần phải tiếp tục được đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực có liên quan đến phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm về ma tuý nói riêng, không chỉ hợp tác song phương mà cả đa phương. Theo tinh thần đó giữa Việt Nam và các nước phải thường xuyên có sự trao đổi thông tin về tình hình tội phạm ma tuý nói chung cũng như có sự hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình xác minh điều tra các thông tin về tội phạm, hỗ trợ các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ cho việc phát hiện ma tuý vận chuyển qua đường bưu điện./.

Nguyễn Văn Tuấn – P1