Xử lý nghiêm hành vi mua bán thực phẩm chứa cần sa

Cần sa là một loại ma túy thảo mộc nằm trong danh mục bị cấm mua bán, sử dụng. Sau khi lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy tăng cường ra quân, triệt phá những đường dây mua bán, vận chuyển cần sa thì tình hình sử dụng cần sa trong nước có dấu hiệu giảm nhiệt. Tuy nhiên, thời gian gần đây cần sa lại được mua bán trá hình dưới nhiều tên gọi khác nhau hoặc được trộn lẫn trong các loại thực phẩm như chocolate, kẹo, bánh ngọt, kẹo cao su, rượu… sau đó rao bán công khai trên mạng. Cục cảnh sát ĐTTP về ma túy sẽ xử lý nghiêm những đối tượng mua bán cần sa núp bóng dưới các loại thực phẩm.

20/12/2017 | Article Rating

Bắt nhiều vụ mua bán cần sa
Thống kê năm 2015 lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy thu giữ hơn 2,5 tấn cần sa; năm 2016 thu giữ hơn 1,3 tấn cần sa. Điển hình như cuối năm 2016 Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Công an tỉnh Nghệ An cũng triệt phá đường dây mua bán và vận chuyển cần sa từ Nghệ An, Hà Tĩnh ra các tỉnh phía Bắc do Trịnh Xuân Mạnh (25 tuổi ở Lào Cai) cầm đầu. Thu giữ trong cốp xe 2 valy, bên trong chứa 40 bánh cần sa và 200 viên ma túy tổng hợp.
Theo các bác sĩ, khi cần sa được trộn vào thực phẩm, chất tetrahydrocannabino (THC) được hấp thu chậm hơn vào máu, qua dạ dày và ruột. Với cách sử dụng cần sa trộn với đồ ăn, thức uống đã có không ít trường hợp đã ngộ độc hoặc có các dấu hiệu hoang tưởng nghiêm trọng.

Xử lý nghiêm
Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy cho biết, trong cần sa có chứa THC - chất này có tác dụng hạ huyết áp, an thần nhưng đặc biệt là kích thích và gây nghiện, tạo cảm giác thư giãn, sảng khoái, phấn chấn với những ảo giác, hoang tưởng. Nhựa cần sa có nồng độ gây nghiện gấp 8 - 10 lần thảo mộc cần sa. Tinh dầu cần sa có màu hơi tối và nồng độ các chất gây nghiện cao gấp 3 - 4 lần nhựa cần sa. Mỗi một độ THC tăng lên là làm tăng mức độ lệ thuộc vào cần sa với người sử dụng, chưa kể THC gây biến chứng cho hệ hô hấp gấp 4 lần so với thuốc lá, tạo cho triệu chứng ung thư cũng tiến triển nhanh hơn.

Khi sử dụng thực phẩm trộn cần sa cảm nhận đầu tiên là nhịp tim nhanh, mất cảm giác thăng bằng và có dấu hiệu mơ màng, bay bổng. Sau đó là cảm giác mệt mỏi lan tỏa khắp cơ thể. Cảm giác này có thể kéo dài trong vòng 2-3 giờ đồng hồ hoặc lâu hơn tùy thuộc vào liều lượng cần sa hoặc hàm lượng của THC trong cần sa hoặc phụ thuộc vào các loại ma túy khác mà người đó dùng kèm.
Người sử dụng cần sa lâu ngày sẽ xuất hiện những tổn thương đối với các tế bào não, khiến hệ thần kinh bị suy nhược, rối loạn nhận thức, mất khả năng tập trung, rối loạn trí nhớ, không kiểm soát được hành vi của bản thân, thậm chí sẽ xuất hiện những ảo giác.
Trước đây, cần sa thường xuất hiện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh thì nay đã mở rộng ra nhiều địa phương trên cả nước. Số người mua bán và sử dụng cần sa cũng tăng lên.
Theo thống kê của Bộ Công an năm 2015, tỷ lệ sử dụng cần sa ở nước ta tạm thời mới chiếm khoảng từ 1,6-2% số người nghiện nhưng tình hình sử dụng cần sa đang có xu hướng gia tăng trong nhóm thanh thiếu niên.
Theo quy định của pháp luật, cần sa luôn nằm trong nhóm một, tức là loại ma túy nguy hiểm nhất, không được chấp nhận trong y khoa và có khả năng gây nghiện cao. Việc mua bán, tàng trữ, sử dụng cần sa là hành vi phạm pháp, nếu bị lực lượng công an bắt quả tang sẽ phải đối mặt với bản án như tội buôn bán ma túy.
Theo đó, người sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép cần sa bị phạt tù từ 1 - 10 năm. Người sử dụng trái phép cần sa dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Trước xu hướng gia tăng thanh thiếu niên sử dụng cần sa trong giới trẻ, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, triệt phá, xử lý nghiêm các đường dây mua bán, vận chuyển cần sa hay mua bán trái phép thực phẩm trộn cần sa.

HUY HÀ


Cần sa hay còn gọi là cỏ, gai dầu, tài mà, gai mèo, đại ma, bồ đà, tên khoa học là Cannabis - loại ma túy được liệt vào danh sách cấm ở Việt Nam. Trong cần sa có Tetra Hydro Cannabinol – THC, một chất có thể gây nghiện cho người sử dụng. Ở Việt Nam, cũng như nhiều loại ma tuý khác, việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng và tổ chức cho người khác sử dụng cần sa là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu bị phát hiện, người vi phạm có thể bị bắt giữ xử lý theo pháp luật hiện hành.