Điểm nóng vùng cao
Sơn La có đến 250km đường biên giới tiếp giáp với hai tỉnh Luông Pha Băng và Hủa Phăn của Lào. Đây được xác định là điểm nóng về ma túy do nằm gần khu vực “Tam giác vàng”, một trong ba khu vực trọng điểm sản xuất, buôn bán ma túy lớn nhất của thế giới.
Với địa hình núi cao hiểm trở, lại được bao bọc bởi những cánh rừng già là điều kiện thuận lợi để Tân Xuân, Chiềng Xuân, Lóng Luông (huyện Vân Hồ, Sơn La) trở thành vùng đất “vàng” cho các đối tượng vận chuyển ma túy.
Các đối tượng (đa phần là người dân tộc Mông) móc nối, liên kết tạo thành đường dây khép kín mua bán heroin từ các tỉnh biên giới Việt - Lào vào các tỉnh nội địa, rồi đưa đi các tỉnh hoặc vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ.
Các đối tượng được phân công, tổ chức "chuyên nghiệp" với nhiệm vụ rõ ràng: gùi hàng, hoa tiêu dẫn đường, người chặn hậu....
Đặc biệt, tất cả các đối tượng đều mang theo vũ khí nóng như súng AK, CKC, Các-bin, súng ngắn K54, K59, lựu đạn… sẵn sàng nổ súng vào lực lượng truy bắt.
Từ chân bản, có thể thấy những lối mòn như những sợi chỉ luồn sâu vào trong rừng thẳm. Và cũng từ những lối mòn ấy, hàng đêm có hàng trăm bánh ma túy “chảy” về Việt Nam.
Giá bán mỗi 1 bánh heroin tại vùng giáp biên vào khoảng 150 triệu đồng; nếu trót lọt ra khỏi Vân Hồ là 170 - 180 triệu đồng, còn nếu đưa về Hà Nội, Lạng Sơn hoặc Quảng Ninh có thể lên tới 200 - 275 triệu đồng/bánh.
Lợi nhuận cao, là động cơ chính để các đối tượng “làm liều”. Chúng đi qua các bản làng rất ngang nhiên, chỉ cần ai có cử chỉ bất thường là chúng nổ súng ngay. Cũng chính vì thế mà cuộc chiến với các ổ nhóm đối tượng người Mông có vũ trang buôn bán ma túy luôn cực kỳ căng thẳng.
Nhiều người dân ở đây nói rằng việc vận chuyển ma túy dễ hơn việc làm nương. Trong khi đó thu nhập lại cao, bởi vậy mà nhiều người đã bỏ nương, rẫy đi theo con đường phi pháp là vận chuyển và mua bán ma túy.
Xiêu vẹo những mái nhà
Chẳng rõ từ khi nào, cơn bão ma túy từ phía bên kia sườn núi tràn sang làm cuộc sống của người dân Tân Xuân và Chiềng Xuân thêm phần cơ cực. Hầu hết các bản trong xã đều có người nghiện, người mua bán, vận chuyển ma túy. Họ coi đây là nghề kiếm sống chính để nuôi sống gia đình.
Tưởng rằng vận chuyển và mua bán ma túy sẽ kiếm được nhiều tiền, sẽ đổi đời, nhưng không phải vậy. Chính ma túy đã tạo ra vòng tròn oan nghiệt, nhiều người bị cuốn vào làn khói ma túy, bởi vậy mà con trâu, con bò, lúa, ngô lần lượt theo khói thuốc bay đi. Sóng gió bắt đầu nổi lên, những nóc nhà dần dần vắng bóng những người đàn ông, thậm chí cả người phụ nữ, một do bị bắt vì buôn bán “cái chết trắng”, một phần chết do nghiện ngập, nhiễm HIV.
Những người trụ cột trong gia đình không còn, làm xiêu vẹo những mái nhà sàn, cướp đi “ngọn lửa” trong nhiều nóc nhà. Những đứa trẻ như cây con trồng trên đất khó, khi mất đi cha, mẹ tương lai của chúng càng trở nên mờ mịt.
7h sáng, khi màn sương dầy đặc vẫn còn bao phủ khắp bản làng, đã thấy chị Sùng Thị Của (sinh năm 1985, người dân tộc Mông ở xã Tân Xuân) cùng các con ra làm nương để lấy cái nuôi nhau.
Vì nhà nghèo, lại sinh một lúc 3 đứa con nên bồ gạo, bồ ngô trong nhà cũng cạn dần. Không có lúa, có ngô cho vợ và các con, chồng chị đã nghe theo lời cám dỗ của kẻ xấu, đi vận chuyển thuê ma túy cho “ông trùm”.
Trong một lần vận chuyển hàng trắng, chồng chị bị công an bắt, giờ ngôi nhà không còn trụ cột, những đứa trẻ phải tập tễnh làm thay công việc người lớn để kiếm cái ăn.
Cách nhà chị Của không xa là hoàn cảnh đáng thương của bé Phúc, con ma xấu “ma túy” đã cướp đi cả bố và mẹ của em. Trong nhà có bao nhiêu thóc, gạo đều mang đi theo con ma xấu. Rồi một ngày, bố em bị con HIV bắt đi, chẳng bao lâu sau mẹ em cũng về theo Giàng. Em phải chuyển sang ở với bà ngoại, bắt đầu một cuộc sống tự lập đầy khó khăn và cả những cám dỗ.
Trả lại bình yên cho bản làng
Trước tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy hoạt động ngày càng tinh vi và manh động, gây mất ANTT trên địa bàn. Năm 2015, huyện Vân Hồ đã chọn Tân Xuân là đơn vị điểm để thực hiện cuộc vận động chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT. Tiếp đó, năm 2016, huyện Vân Hồ lựa chọn xã Chiềng Xuân thực hiện chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT. Tại mỗi xã, chính quyền xã cũng lựa chọn một bản để thực hiện thí điểm việc chuyển hóa địa bàn.
Ông Ngô Văn Dự, Phó Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện Vân Hồ, Phó trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; phòng, chống HIV/AIDS và thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện Vân Hồ (gọi tắt là Ban chỉ đạo 2968) cho biết mục đích của việc chuyển hóa địa bàn nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trên địa bàn. Đặc biệt là phòng, chống ma túy, tăng cường phối hợp với lực lượng công an tấn công truy quét các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phạm tội về ma túy.
“Trước khi thực hiện cuộc vận động chuyển hóa, tình hình ANTT tại xã phức tạp, xảy ra nhiều vụ việc về ANTT, nhất là tội phạm và tệ nạn về ma túy làm cho người dân không yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Sau khi triển khai cuộc vận động toàn dân tham gia chuyên hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT, xã Tân Xuân, Chiềng Xuân đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành tuần theo pháp luật của người dân được nâng lên rõ rệt, người dân tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật”.
Chia sẻ về kinh nghiệm chuyển hóa địa bàn tại xã Tân Xuân và Chiềng Xuân, ông Dự cho biết thành công bước đầu là nhờ sự đồng thuận, hợp tác và vào cuộc của toàn dân.
“Tại mỗi bản chúng tôi hình thành các nhóm liên gia tự quản, được thành lập trên cơ sở nhóm hộ gia đình, tự bầu ra nhóm trưởng (là người chấp hành đường lối, chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước tốt, gương mẫu và có uy tín trong bản).
Nhóm liên gia tự quản có nhiều nội dung hoạt động, từ việc tuyên truyền chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong các buổi họp dân, tố giác, phát giác các trường hợp vi phạm pháp luật, mua bán và sử dụng ma túy để thông báo tới chính quyền địa phương để kịp thời xử lý”
Chúng tôi cũng huy động các đoàn thể quần chúng, đặc biệt là già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia giáo dục, thuyết phục con em không tham gia mua bán vận chuyển ma túy, cai nghiện, không tiếp tay cho tội phạm ma túy; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân... để từng bước loại trừ nguyên nhân và điều kiện nảy sinh tội phạm”.
Qua thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn phức tạp bằng các giải pháp cụ thể, sau gần 2 năm thực hiện đã có 198 trường hợp bị người dân tố giác. Công an xã đã họp với các đội nghiệp vụ để xác minh, xác định có 108 người có hành vi vi phạm theo tố giác và có biện pháp xử lý kịp thời.
Đại úy Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng Công an huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết để thực hiện chuyển hóa địa bàn xã Chiềng Xuân, Tân Xuân, công an huyện đã chủ động đưa cán bộ trực tiếp xuống cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương với phương châm gần dân, bám bản, cùng lao động sản xuất với bà con giúp cho công tác tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả cao hơn.
“Sau khi triển khai công tác chuyển hóa địa bàn, các đối tượng, các ổ nhóm, các điểm bán lẻ nhìn chung đã chìm lắng xuống và chấm dứt. Qua công tác tuyên truyền các đối tượng đã không hoạt động và tập trung vào phát triển kinh tế theo gia đình”.
Theo UBND huyện Vân Hồ, năm 2017 huyện sẽ tiếp tục chuyển hóa địa bàn tại xã Vân Hồ, tiếp đó là xã Lóng Luông để tiến tới giảm hẳn người vi phạm pháp luật về ma túy.
Những đối tượng mua bán ma túy sau khi sa vào con đường lầm lỡ trở về hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng ngày một nhiều. Tân Xuân, Chiềng Xuân đang bớt chao đảo trong cơn lốc hàng trắng.
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng tình ủng hộ của người dân, xã Tân Xuân, Chiềng Xuân đang nỗ lực đẩy lùi ma túy và các tệ nạn xã hội ra khỏi địa bàn, đem lại sự bình yên cho mọi nhà. Những cô bé, cậu bé người Mông với ánh mắt trong veo và nụ cười hồn nhiên, những ánh lửa hồng của bữa cơm chiều trong những nếp nhà khiến cho mảnh đất vùng biên ấm cúng hơn.
HUY HÀ