Ngày 05/6/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, một trong các nội dung của Chỉ thị đã giao cho Bộ Công an chủ trì, tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy, giao Bộ Tư pháp tổng kết, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính về một số nội dung liên quan đến quản lý người nghiện và cai nghiện ma túy, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội vào năm 2018.
Từ thực tiễn kiểm tra hướng dẫn công tác của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy ở cơ sở, chúng tôi xin nêu một số vấn đề.
1. Xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến ma túy.
Từ 30/6/2012 đến 30/6/2017 lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cả nước đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 16.700 vụ 43.100 đối tượng có các hành vi liên quan đến ma túy. Các quyết định xử phạt không xảy ra tình trạng oan sai, bị khiếu nại, tố cáo. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực ma túy chủ yếu là hành vi tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy do mỗi liều ma túy các đối tượng nghiện sử dụng có khối lượng nhỏ, sau khi giám định không đủ mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên xử lý hành chính hoặc xử lý về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Trong quá trình thực hiện luật nổi lên một số vấn sau:
Việc xử lý vật chứng là ma túy trong các vụ án hành chính chưa có quy định cụ thể về việc bảo quản, tiêu hủy, nhiều quy định chưa rõ gây ra cách hiểu khác nhau. Điểm c khoản 1 Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định tang vật là ma túy thì chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật”; Khoản 6 Điều 126 Luật này thì quy định ma túy thì tịch thu hoặc tiêu hủy; Khoản 2 Điều 3 Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là ma túy... thì phải tịch thu”. Như vậy, theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính thì tang vật là ma túy trong vụ án hành chính thì tịch thu hoặc tiêu hủy nhưng tại Nghị định 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành thì chỉ quy định tịch thu. Tuy nhiên, các chất ma túy thu giữ được không có kho riêng để chứa, ma túy bị biến chất, thay đổi về khối lượng khiến việc bảo quản rất khó khăn tốn kém. Để tránh tình trạng này thì nhiều địa phương áp dụng linh hoạt theo Điều 126 để đưa đi tiêu hủy nhưng do không có quy định thống nhất về thủ tục, trình tự tiêu hủy nên dẫn tới tình trạng mỗi địa phương áp dụng một cách khác nhau với tang vật là ma túy, có nơi tập hợp tang vật trong nhiều vụ, kể cả vụ hình sự rồi lập Hội đồng tiêu hủy, có nơi tiêu hủy luôn, cách thức tiêu hủy ma túy cũng không thống nhất, không bảo đảm vệ sinh môi trường như có nơi đốt tiêu hủy, có nơi hòa vào nước tiêu hủy..., cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, cách thức xử lý tang vật là ma túy trong vụ vi phạm hành chính.
Về việc tạm giữ hành chính. Điều 122 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định chỉ áp dụng việc tạm giữ hành chính đối với hành vi gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích, còn người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không được phép tạm giữ hành chính. Thực tế các đối tượng sử dụng ma túy thường gây mất trật tự an toàn xã hội, nhất là các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp “ngáo đá”, rất khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc chủ động, kịp thời ngăn chặn, giải quyết sớm những phức tạp nảy sinh, làm cơ sở đấu tranh, triệt xóa các điểm kinh doanh văn hóa có điều kiện như vũ trường, quán Bar…có các đối tượng sử dụng ma túy.
Về thẩm quyền và thời hạn ra quyết định xử phạt. Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, người có thẩm quyền lập biên bản VPHC gồm: “Người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ; người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản”. Tuy nhiên nếu những người này là người nước ngoài thì rất khó khăn trong thực thi quyền lập biên bản vi phạm hành chính.
Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 07 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm, nếu thời hạn này kết thúc vào ngày nghỉ thì sẽ gây khó khăn cho cơ quan ra quyết định xử phạt, vì vậy cần bổ sung quy định trong Nghị định 81/2013/NĐ-CP, ngày 19/7/2013 của Chính phủ, theo hướng nếu thời hạn kết thúc vào ngày nghỉ thì được kéo dài đến ngày làm việc đầu tiên của kỳ nghỉ đó và có hướng dẫn cụ thể như thế nào là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng trong hành chính để làm căn cứ kéo dài thời hạn ra quyết định xử phạt.
Về hành vi vi phạm. Điều 254 của Bộ luật hình sự quy định cụ thể: “Hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” nhưng tại Điểm c, Khoản 2, Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ chỉ quy định xử phạt hành chính với hành vi “Sản xuất, mua, bán những dụng cụ sử dụng chất ma túy trái quy định của pháp luật”, không quy định xử phạt hành chính đối với hành vi “tàng trữ, vận chuyển”, thiếu quy định áp dụng đối với “phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy”.
2. Đối với công tác quản lý người nghiện và cai nghiện ma túy
Về cai nghiện bắt buộc cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi. Luật phòng, chống ma túy quy định thẩm quyền quyết định áp dụng biệ pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ 12 đến dưới 18 tuổi là Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, tại Khoản 1, Điều 96 của Luật xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên và thẩm quyền quyết định là Tòa án nhân dân cấp huyện. Do chưa thống nhất về quy định của pháp luật, dẫn đến các địa phương lúng túng trong việc thực hiện. Đồng thời, từ năm 2013 đến nay, các địa phương không thực hiện đưa người nghiện ma túy từ 12 đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Như vậy, để khắc phục vấn đề này cần thiết phải sửa đổi Luật phòng, chống ma túy và Luật xử lý vi phạm hành chính.
Về cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng được quy định tại Điều 27 Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi, bổ sung năm 2008, theo đó, người nghiện ma túy phải tự nguyện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, nếu không tự nguyện thì áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc. Nhưng thực tiễn triển khai không mang lại hiệu quả như mong muốn. Do nhiều nguyên nhân, cụ thể là: người nghiện không tự nguyên khai báo tình trạng nghiện, không tự nguyện cai nghiện; cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm, không được đào tạo; cơ sở vật chất tại xã, phường không đáp ứng được yêu cầu của công tác cai nghiện… Vì vậy, vấn đề này cần có sự điều chỉnh chế độ chính sách và pháp luật liên quan.
Việc xác định tình trạng nghiện hiện nay trên thực tế có nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn tới khó triển khai. Cụ thể là Bộ Y tế chưa có đầy đủ quy trình xác định nghiện các loại ma túy. Hiện nay, đã có Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 09/7/2015 của Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội và Bộ Công an quy định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy, nhưng mới chỉ xác định quy trình xác định tình trạng nghiện của nhóm ma túy nhóm Opiats và dạng Amphetamin; Mặt khác việc xác định tình trạng nghiện cần có thời gian từ 3-5 ngày để xác định hội chứng cai, nhưng Luật xử lý vi phạm hành chính không quy định việc giữ đối tượng trong thời gian đó, chỉ có thể tạm giữ tối đa 24 giờ.
Về xác định nơi cư trú, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định phải xác định rõ nơi cư trú của người nghiện. Thực tiễn thực hiện đã có nhiều vướng mắc, khó khăn như: Người nghiện cố tình khai không đúng sự thật, khai nhiều nơi cư trú, ở các địa phương khác nhau gây khó khăn cho việc xác minh; Sự phối hợp giữa các địa phương trong việc xác minh còn nhiều bất cập… Đồng thời, công tác xác minh, chuyển người vi phạm về nơi cư trú gặp nhiều khó khăn về con người, phương tiện, kinh phí.
Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời gian. Điều 103, Điều 104 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn khó khăn trong triển khai thực hiện, cụ thể: thời gian lập hồ sơ dài, thẩm quyền xác định nơi cư trú, xác định tình trạng nghiện khó khăn. Quy định tại các Nghị định hướng dẫn (96/2012/NĐ-CP, 111/2013/NĐ-CP; 221/2013/NĐ-CP) về Thành phần hồ sơ và thẩm quyền xác định tình trạng nghiện còn chưa phù hợp với tình hình thực tế; Người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quy định cụ thể; Người đang trong chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế mà bỏ liều, không tuân thủ quy trình điều trị, sử dụng kép các chất ma túy chưa được làm rõ….
Luật xử lý vi phạm hành chính cần được bổ sung sửa đổi theo hướng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trên./.
Đại tá Nguyễn Ngọc Giao - Trưởng phòng 2/ Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy