Vai trò của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân phòng chống ma túy

28/07/2016 | Article Rating
Ma túy không chỉ là vấn nạn riêng của quốc gia nào, nó mang tính toàn cầu, là tội phạm đặc biệt nguy hiểm, hoạt động xuyên quốc gia. Do siêu lợi nhuận, bất chấp sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động một cách tinh vi, liều lĩnh, mua bán vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ nước ngoài vào Việt Nam qua đường bộ, đường không, đường biển... Với tính chất phức tạp của tội phạm ma túy, ở Việt Nam với tác động, ảnh hưởng của tình hình tội phạm ma túy trên thế giới nhất là ở khu vực tam giác vàng, mỗi năm cung cấp hàng tấn ma túy các loại; tình hình người nghiện ma túy ở Việt Nam những năm qua luôn gia tăng, bình quân mỗi năm tăng từ 5% đến 12%. Theo thống kê đến tháng 9 năm 2014 cả nước có 204.377 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tăng 12,27% so với năm 2013.
Tội phạm ma túy đã làm ảnh hưởng lớn đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm bức xúc trong nhân dân. Ma túy đã gây ra biết bao nỗi khổ cho gia đình, cho xã hội, ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị, xã hội, đến hạnh phúc, giống nòi, là nguyên nhân chính dẫn đến tội phạm hình sự, đồng thời là nguyên nhân chính dẫn đến lây nhiễm HIV. Thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi với tổ chức chặt chẽ, vận chuyển với số lượng lớn, có địa bàn TPMT hoạt động công khai, trắng trợn, trang bị vũ khí chống trả quyết liệt lại lực lượng chức năng như tại một số huyện của Sơn La, Điện Biên, Nghệ An…Nguồn ma túy vào Việt Nam chủ yếu là hêrôin từ Lào, MTTH từ Trung Quốc, Lào và Campuchia. Những năm gần đây ma túy tổng hợp (ma túy đá) không ngừng gia tăng từ nước ngoài vào Việt Nam đã làm bao nhiêu gia đình tan nát, nhiều trường hợp “ngáo đá” hoang tưởng không làm chủ được hành vi đã giết hại người thân, ...
Trước tình hình ma túy phức tạp, những năm qua Đảng, Chính phủ đã có nhiều Chỉ thị, nghị quyết, chương trình mục tiêu quốc gia về công tác phòng chống ma túy (PCMT), các Bộ, các Ngành đã vào cuộc quyết liệt đấu tranh hạn chế tội phạm và tệ nạn ma túy nhưng tình hình tội phạm ma túy còn rất phức tạp. Hàng năm Chính phủ và các địa phương đã chi hàng ngàn tỉ đồng cho công tác tuyên truyền, công tác cai nghiện và công tác đấu tranh PCTP ma túy. Các lực lượng chức năng đã tích cực đấu tranh trung bình mỗi năm bắt từ 25.000 – 30.000 đối tượng phạm tội ma túy:
- Năm 2014 bắt:15.500 vụ; 25.250 đối tượng; thu giữ 584 kg hêrôin; 118,5 kg cần sa; 229,5 kg và 396.000 viên MTTH.
- Năm 2015: bắt 17.821 vụ; 27.675 đối tượng; thu giữ 988,7 kg hêrôin; 54,8 kg Cocain; 101 kg thuốc phiện; 631,7 kg và 421.867 viên MTTH; 112 khẩu súng; trên 37 tỷ đồng và nhiều phương tiện tài sản khác.
- Trong 6 tháng đầu năm 2016: bắt 10.022 vụ; 15.829 đối tượng; thu giữ 220 kg hêrôin; 48 kg thuốc phiện; 414 kg và 148.500 viên MTTH; 11,6 kg cocain; 3120 kg cỏ Mỹ; 75 khẩu súng; 29,1 tỷ đồng cùng nhiều tài sản, phương tiện khác.
Xu hướng mua bán, sử dụng và sản xuất MTTH nhất mà MTTH dạng “đá” vẫn đang gia tăng ở các thành phố lớn. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thường xuyên thay đổi để đối phó lại các biện pháp đấu tranh trấn áp của các lực lượng chức năng. Hầu hết đối tượng trong các đường dây ma túy lớn đều có trang bị vũ khí nóng, chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ. Bên cạnh đó, hoạt động các điểm, tụ điểm bán lẻ và tổ chức sử dụng ma túy có biểu hiện tái diễn và phức tạo trở lại tại một số địa phương. Dự báo trong thời gian tới, hoạt động tội phạm ma túy tại Việt Nam vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn và có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ, Đáng chú ý là xu hướng gia tăng của việc mua bán, vận chuyển, sản xuất ma túy tổng hợp tại các quán Bar, vũ trường, nhà nghỉ, khách sạn nhất là ở các thành phố lớn tiếp tục gia tăng và có xu hướng lan sang các tỉnh vùng ven, các khu công nghiệp; hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy có yếu tố nước ngoài, vận chuyển ma túy qua đường biển, đường hàng không; tội phạm ma túy có xu hướng câu kết với tội phạm hình sự và các loại tội phạm khác hình thành đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn liên tuyến, liên tỉnh và xuyên quốc gia. Trong đó đặc biệt phức tạp là các địa bàn trọng điểm như: huyện Mộc Châu, Vân Hồ - tỉnh Sơn La, Tương Dương, Quế Phong – Nghệ An, Quan Hóa, Mường Lát – Thanh Hóa…do điều kiện tự nhiên, vùng biên giới hiểm trở, chủ yếu là dân tộc Mông, người dân còn khó khăn, lạc hậu bị tội phạm ma túy mua chuộc, lôi kéo, khống chế (như ở Tà Dê, Lũng Xá – Lóng Luông, Vân Hồ tỉnh Sơn La) nên ma túy từ khu vực “tam giác vàng” được bọn tội phạm vận chuyển với số lượng lớn, về một số xã của huyện Vân Hồ, Mộc Châu hình thành nên các điểm nóng về TPMT, sau đó vận chuyển tới những địa bàn phức tạp về ma túy: Hòa Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh…
Đứng trước những thử thách của cuộc chiến đấu phòng, chống ma túy lực lượng CSĐT về ma túy với vai trò chủ công, nòng cốt trên mặt trận PCMT đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội triển khai có hiệu quả nhiều chương trình hành động, nhiều biện pháp công tác để phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ma túy. Trong đó, công tác tuyên truyền PCMT và tội phạm ma túy có vị trí đặc biệt quan trọng, bởi công tác tuyên truyền, giáo dục ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xã hội hiện đại. Ngoài việc cung cấp thông tin, kiến thức cần thiết phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và đời sống của người dân một cách thiết thực và hiệu quả. Để nâng cao nhận thức người dân, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy phải được tiến hành đồng bộ, có hiệu quả từ trung ương đến cơ sở, tập trung chủ yếu vào những đối tượng có nguy cơ về nghiện ma túy, có điều kiện khả năng phạm tội về ma túy; thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung và biện pháp tuyên truyền, giáo dục; triển khai đồng loạt các phương tiện truyền thông, nhất là các phương tiện thông tin đại chúng. Lực lượng làm công tác tuyên truyền thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn và trách nhiệm cá nhân. Tệ nạn ma túy có đặc điểm là: vừa tiềm ẩn lại vừa biến động; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm thường xuyên thay đổi, tinh vi và xảo quyệt hơn, triệt để lợi dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật trong hoạt động phạm tội; ngày càng có nhiều loại ma túy mới được tội phạm đưa ra thị trường tiêu thụ trái phép, trong khi nhận thức xã hội chưa kịp. Vì vậy, việc thường xuyên tuyên truyền, phổ biến cho quần chúng hiểu biết về tác hại của việc sử dụng ma túy và các thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy để tham gia phòng, chống là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống ma túy cũng thường xuyên được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Phải tổ chức tập huấn cho các lực lượng chức năng và toàn thể nhân dân nắm vững những quy phạm pháp luật, sẽ góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống ma túy.
Trong những năm qua công tác tuyên truyền luôn được Chính phủ, các Bộ, Ngành quan tâm. Đã đạt được những kết quả nhất định, công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy được triển khai rộng khắp trong toàn xã hội nhất là ở những địa bàn phức tạp về ma túy. Nhận thức về tác hại của tệ nạn ma túy trong tầng lớp nhân dân đã có những chuyển biến tích cực. Đồng thời trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương được nâng cao trong việc tham gia đấu tranh bài trừ tệ nạn ma túy, góp phần ngăn chặn, kiềm chế hiểm họa do tệ nạn ma túy gây ra. Nhiều mô hình tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy có hiệu quả, thiết thực thông qua việc triển khai dự án “Xã, phường, cơ quan không có ma túy, tổ chức phòng, chống ma túy trong học đường” đã được nhân rộng. Nhiều bài học kinh nghiệm, phương thức tuyên truyền, giáo dục phong phú và phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng, thành phần dân cư đã được phổ biến và phát huy tác dụng.
Bên cạnh đó công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy còn tồn tại hạn chế:
Công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy tại địa bàn dân cư trọng điểm phức tạp, các đối tượng có hành vi nguy cơ cao về tệ nạn ma túy vẫn còn nhiều bất cập, chưa được thường xuyên, làm có thời vụ: chưa thật sự xuống tới cơ sở, các hình thức, biện pháp chưa tiếp cận đầy đủ các đối tượng cần được tuyên truyền, giáo dục.
Tài liệu tuyên truyền giáo dục còn thiếu: nội dung và biện pháp tuyên truyền, giáo dục chưa sáng tạo, khô cứng, thiếu sức thu hút; chưa tạo ra động lực mạnh mẽ để thay đổi nhận thức, từ đó tác động tích cực đến hành vi của mỗi người.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân PCMT cũng có nhiều hạn chế, hiệu quả thấp và chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh. Chưa tạo ra được các phong trào toàn dân lên án và đấu tranh với tệ nạn ma túy ở mọi lúc mọi nơi. Vẫn còn nhiều quần chúng chưa được trang bị những kiến thức cơ bản về tác hại của ma túy, về đấu tranh phòng, chống ma túy cũng như trách nhiệm công dân trong cuộc đấu tranh. Nên dẫn đến một bộ phận nhân dân lao động do thiếu hiểu biết hoặc vì mưu sinh bị đối tượng phạm tội ma túy mua chuộc lôi kéo, khống chế, sa vào con đường vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy cho bọn tội phạm mà không biết mình đang đồng lõa với bọn tội phạm gây tội ác với đồng bào, con em mình.
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 21 ngày 26/3/2008 của Bộ chính trị về phòng chống TPMT trong tình hình mới chưa được thường xuyên, sâu rộng, còn hình thức, nhiều cơ sở thực hiện chưa nghiêm, nhiều con em, vợ chồng của cán bộ, đảng viên ở cơ sở liên quan đến tội phạm ma túy nhưng không bị xử lý.
Hệ thống chính quyền cơ sở (xã, phường, thôn, bản) yếu, chưa vào cuộc quyết liệt, phó mặc cho lực lượng chức năng, có những làng bản đối tượng phạm tội ma túy khống chế chính quyền, dân bản (như ở Tà Dê, Lũng Xá – Lóng Luông, Vân Hồ, Sơn La) không ủng hộ lực lượng chức năng vận động tuyên truyền, truy bắt tội phạm. Có khu vực hàng trăm hộ dân sinh sống nhưng không có tổ chức dân phố, các đoàn thể hoạt động như ở khu vực bãi rác, phường Trung Liệt, Hà Nội…
Kinh nghiệm:
- Công tác tuyên truyền về PCMT phải đặt dưới sự chỉ đạo toàn diện, sâu sắc, quyết liệt cụ thể của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc tích cực, phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Đi đôi với “xây dựng địa bàn không ma túy” phải đặc biêt quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền trong thời kỳ đổi mới.
- Đối với lực lượng Công an nhất là Công an cơ sở với vai trò chủ công nòng cốt phải chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch đề xuất thành lập Ban chỉ đạo, dự trù phân bổ kinh phí tổ chức thực hiện, phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các tổ chức đoàn thể để tổ chức thực hiện hàng năm phải tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, đề xuất thi đua khen thưởng. Tích cực gọi hỏi, răn đe, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy góp phần làm trong sạch địa bàn khu dân cư.
- Tuyên truyền phải thường xuyên liên tục, nội dung phong phú sâu sắc, phù hợp với văn hóa vùng miền, đúng đối tượng; người tuyên truyền phải là người có trình độ, uy tín với nhân dân.
- Kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, dòng họ, nhà trường và xã hội để quản lý con em, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tố giác tội phạm, địa phương nào giữa gia đình, nhà trường, xã hội quản lý tốt thì ở đó tình hình tội phạm ít phức tạp.
Để công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy đạt hiệu quả tốt, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
1. Lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các văn bản huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống ma túy, trọng tâm là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới”, Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008, Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị “Tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác phòng chống ma túy trong tình hình mới”. Đề xuất bổ sung, sửa đổi, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương chính sách trong phòng, chống tội phạm về ma túy; chủ động xây dựng các kế hoạch phòng chống tội phạm về ma túy để cấp ủy, chính quyền, công an các cấp hướng dẫn, tổ chức thực hiện cũng như các kế hoạch triển khai thực hiện phòng ngừa tội phạm về ma túy. Làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền thông qua việc kiểm tra thực hiện kế hoạch, nội dung các hoạt động phòng chống tội phạm về ma túy một cách có hệ thống và toàn diện trong các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội.
Trong các kế hoạch phòng chống tội phạm về ma túy phải kết hợp lồng ghép việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về các lĩnh vực kinh tế, xã hội với việc động viên, khuyến khích các cơ quan, tổ chức thực hiện tốt, chấn chỉnh, phát hiện những sai phạm yếu kém trong phòng chống tội phạm về ma túy. Công tác tham mưu phải bám sát các nội dung của Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm; Chương trình quốc gia phòng chống ma túy các giai đoạn, Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; phát huy vài trò của quần chúng nhân dân, động viên nhân dân tham gia tích cực vào các hoạt động phòng ngừa tội phạm về ma túy.
2. Tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị 21 ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về phòng chống TPMT trong tình hình mới. Đặc biệt là phải chấn chỉnh đội ngũ cán bộ viên chức nhà nước, quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và cá nhân ở cương vị lãnh đạo đối với tình hình ANTT nói chung và trách nhiệm về tình hình ma túy nói riêng để không một cơ quan quản lý Nhà nước cấp nào, không một cán bộ nào thờ ơ, thiếu trách nhiệm với tình hình tội phạm ma túy ở địa phương mình. Cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong việc để xảy ra tình hình TPMT phức tạp, các tụ điểm tổ chức sử dụng và bán lẻ ma túy để xử lý nghiêm minh, không cho phép những phần tử cơ hội, biên chất trong các cơ quan nhà nước bao che, bảo kê cho tội phạm và tệ nạn ma túy. Nếu như chưa làm được việc này thì chưa thể tạo ra áp lực tâm lý xã hội cần thiết cho cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy.
3. Về nội dung tuyên truyền cần chú ý tuyên truyền giáo dục sâu rộng về tác hại của ma túy, những vấn đề cơ bản nhất về pháp luật phòng chống ma túy để nhân dân hiểu biết và phòng chống kịp thời, có hiệu quả về Bộ luật hình sự phải tập trung vào chương XVIII hoặc chương XX, Bộ luật hình sự năm 2015, phần các tội phạm về ma túy. Về luật xử lý vi phạm hành chính, nghị định 221 của Chính phủ về đưa người nghiện ma túy tại các trung tâm chữa bệnh, cai nghiện…
Cần coi trọng tuyên truyền tác hại của ma túy, thủ đoạn của tội phạm ma túy; đưa các vụ án ma túy xét xử lưu động để mọi người dân biết chủ động phòng ngừa. Biểu dương khích lệ, nhân rộng những nhân tố tích cực điển hình trong phòng ngừa, đấu tranh, trong phong trào xây dựng và phát triển mô hình cơ quan, trường học, xã, bản, họ tộc…không có ma túy. Sớm nghiên cứu đưa ra các nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào giảng dạy thường xuyên trong trường học mà cốt lõi là làm cho học sinh, sinh viên thấy được tác hại của ma túy, cách phòng, chống ma túy và những quy định của pháp luật xử lý các hành vi liên quan đến ma túy, nhất là tội phạm ma túy.
4. Về đối tượng tuyên truyền, giáo dục: yếu tố tác động trực tiếp đến hoạt động của tội phạm ma túy là tình hình kinh tế, xã hội, phong tục tập quán, gia đình dòng họ, vai trò chỉ đạo của chính quyền cơ sở vùng sâu, vùng xa, nơi vùng dân tộc, do đồng bào còn lạc hậu khó khăn về kinh tế dễ bị tội phạm mua chuộc lôi kéo. Ở các thành phố, thị xã thì các đối tượng dễ bị tác động là học sinh, sinh viên, người không công ăn việc làm, con em gia đình ly tán, những người nghiện ma túy, đối tượng hình sự là những đối tượng dễ bị mua chuộc lôi kéo cần phải tuyên truyền. Đối với đồng bào dân tộc do trình độ hạn chế nên việc tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ hiểu, dịch ra tiếng dân tộc. Hình thức tuyên truyền bằng các hình ảnh, truyền thanh, truyền hình, đài báo, tập trung tuyên truyền vào những người có độ tuổi từ 13 đến 40 tuổi. Thực tế hiện nay tuyên truyền cho những đối tượng này rất khó khăn vì họ không tham gia đoàn thể, không theo dõi phương tiện thông tin đại chúng nên việc tuyên truyền phải giao cho gia đình, người thân vận động tuyên truyền về PCMT. Các vùng trọng điểm trồng cây thuốc phiện, cây cần sa; các xã biên giới nơi có đường giao thông, đường mòn, cửa khẩu qua lại biên giới mà bọn tội phạm ma túy dễ lợi dung để buôn bán và lôi kéo người dân tộc, người không hiểu biết pháp luật tham gia vận chuyển ma túy thuê cho chúng.
Trong nội địa cần chú ý các phường, xã, thị trấn có đối tượng và tụ điểm bán lẻ, tổ chức sử dụng ma túy, các địa bàn mà tội phạm ma túy thường lợi dụng như các khu vực “xóm liều”; khu vực dân cư phong trào yếu kém hoặc có nhiều người cư trú trái phép, nhiều người đi làm ăn buôn bán ở các nơi khác, ven chợ, đầu mối giao thông, các khu công nghiệp.
Lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy với các chương trình kinh tế, xã hội khác nhất là đối với các cuộc vận động “toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa”. Tận dụng tối đa các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức văn hóa, nghệ thuật, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp để chuyển tải đến các đối tượng cần tuyên truyên truyền, giáo dục. Trong đó cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục trực tiếp thông qua các đội xung kích thanh niên, thiếu niên tại xã, phường, cụm dân cư, học sinh, sinh viên: qua các áp phích, biểu ngữ, tranh cổ động…sao cho mọi nơi, mọi chỗ, mọi tầng lớp, đối tượng đều có thể tiếp cận được những vấn đề rất cơ bản của phòng, chống ma túy.
5. Phải phân công những cán bộ có uy tín để tuyên truyền, tốt nhất là đào tạo bồi dưỡng giao cho Bí thư Đoàn, chủ tịch hội phụ nữ, cựu chiến binh, bí thư Chi bộ, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ (như mô hình ở huyện Yên Mô – Ninh Bình). Đối với các đạo giáo, giao cho cha đạo, sư sãi tuyên truyền đối với giáo dân, phật tử, vận dụng các điều răn dạy của Chúa, của Phật để tuyên truyền giáo dục, biểu dương cái thiện, lên án cái ác (như ở Nam Định). Đây là việc làm có ý nghĩa hợp với lòng dân. Thường xuyên mở hội nghị đào tạo cho các tuyên truyền viên từ Trung ương đến cơ sở, trung ương đào tạo cho tỉnh huyện, tỉnh huyện đào tạo cho huyện xã (như C47 đã mở các lớp đào tạo tuyên truyền viên cho lãnh đạo PC47 các địa phương, cán bộ chủ chốt của các huyện, xã trọng điểm về ma túy, ở Quan Hóa, Thanh Hóa; Yên Lập, Vĩnh Phúc; Phù Yên, Sơn La…). Đây là những hạt nhân nòng cốt cho công tác tuyên truyền xuống tận dân bản. Có chế độ chính sách cho các tuyên truyền viên. Công tác tuyên truyền giao cho lực lượng Cảnh sát ĐTTPMT là chủ công, phối hợp với lực lượng khác như Cục phong trào bảo vệ An ninh tổ quốc, CA phường xã…vì lực lượng này được đào tạo có hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực ma túy. Công tác tuyên truyền phải thực sự sâu rộng, làm thường xuyên, liên tục, phải làm như tuyên truyền về an toàn giao thông, có chương trình, chuyên mục riêng biệt hàng ngày trên các sóng phát thanh, đài truyền hình trung ương cũng như địa phương.
6. Công tác tuyên truyền PCMT có hiệu quả, lan tỏa sâu rộng nhất là tuyên truyền qua thôn, bản, tổ dân phố tuyên truyền qua bao chí, phát thanh, truyền hình. Hàng năm thế giới lấy tháng 6 và ngày 26/6 là ngày Phòng chống ma túy, đề nghị Ủy ban PCMT của Chính phủ chỉ đạo, các phương tiện thông tin đại chúng phải tăng cường mở các chuyên mục phòng, chống ma túy có thời lượng phát hành, phát sóng hàng ngày, hàng tuần với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, khả năng nhận biết như: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật phòng, chống ma túy; giải thích Luật phòng, chống ma túy; khuyến khích sáng tác các tác phẩm nghệ thuật về phòng chống ma túy, coi đây là một nội dung và trách nhiệm thường xuyên của các cơ quan thông tin đại chúng, nhà văn hóa các cấp. Xây dựng những đơn vị, cá nhân điển hình tiên tiến để tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân như: xã, làng bản, trường học không có ma túy. Những tấm gương người tốt việc tốt trong phòng, chống TPMT…

Đại tá Phạm Văn Chình
Phó Cục trưởng