Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và Cục Hải quan TP Hà Nội vừa phối hợp triệt phá đường dây vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ nước ngoài vào Việt Nam qua đường bưu điện..
Theo đó, tháng 3/2016, lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy đã nắm thông tin về đường dây tổ chức vận chuyển trái phép chất ma túy, nguốc gốc từ thảo dược (lá Khat), từ nước ngoài về Việt Nam theo đường bưu chính quốc tế nên đã xác lập chuyên án. Ngày 20/4, phát hiện lô hàng gồm 36 bưu kiện với tổng trọng lượng 545kg “lá Khat” gửi từ Ethiopia về Việt Nam qua đường bưu điện theo vận đơn trên bao bì gửi gồm 5 đối tượng người Ethiopia và 9 đối tượng nhận tại Hà Nội.
Cơ quan chức năng kiểm tra các lô hàng ma túy “lá Khat”
Ngày 24/5, phát hiện tạm giữ 52 kiện hàng với trọng lượng 468kg “lá Khat” do một người ở Lào Cai gửi đi Mỹ 38 kiện, Anh 12 kiện, Úc 2 kiện. Cùng ngày cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện 76 kiện với 1.088kg “lá Khat” được gửi từ Ethiopia về Việt Nam cho 7 người và một công ty. Đồng thời có 6 kiện (60kg) gửi đi Mỹ và Hà Lan của một đối tượng ở Lào Cai nhưng khi đến nước sở tại không rõ địa chỉ đã được gửi về Việt Nam.
Ngày 25, 26 một công ty có địa chỉ ở Hà Nội gửi đi 11 kiện (108kg) “lá Khat” đóng trong túi bạc màu trắng có dãn nhãn mác là Chùm ngây khô tinh chất tự nhiên đóng trong gói trọng lượng mỗi túi 1kg được gửi đi Mỹ 4 kiện, Úc 7 kiện. Đây là những kiện hàng do công ty nhập khẩu về sau đó đóng gói nhãn mác của công ty rồi vận chuyển đi các nước tiêu thụ.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều kiện hàng “lá Khat” được gửi từ Kenya về Việt Nam.
Chất Cathione có trong “Lá Khat” nằm trong danh mục chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống
Đại tá Mai Sơn Cương, trưởng phòng 7, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy cho biết các lô hàng trên đã được lấy mẫu giám định đề nghị Viện Khoa học kỹ thuật hình sự Bộ Công an giám định. Kết quả cho thấy thảo mộc khô giám định có chứa thành phần Cathione nằm trong danh mục I, Nghị định 82/2013 của Chính phủ. Đây là chất ma túy rất độc, cấm sử dụng trong đời sống và y học.
Sau khi nhập “lá Khat”, các đối tượng ở Việt Nam “thay tên, đổi họ” mang tên các loại thảo mộc, gắn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu ra nước khác.
Do Việt Nam là nước có xuất khẩu chè nên các đối tượng trà trộn vào các loại thảo mộc khô, chè, cây nguyên liệu không chứa chất ma túy để tránh sự kiểm soát của các nước khác.
Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ.
HUY HÀ