Hành trình gian nan điều tra vụ án nhận hối lộ

07/07/2016 | Article Rating
Từ năm 2004 trở về trước, tại khu vực Công viên Tuổi trẻ, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tồn tại một tụ điểm mua bán trái phép chất ma túy phức tạp, kéo dài nhiều năm, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Trước tình hình phức tạp như trên, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy lập án đấu tranh triệt xóa “tụ điểm” mua bán trái phép chất ma túy do Cao Thị Lan cầm đầu. Qua thời gian dài áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ ngày 29/12/2004, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đã triệt xóa thành công và khởi tố vụ án để điều tra. Ngày 26/4/2006, kết thúc điều tra giai đoạn I đề nghị truy tố, xét xử đối với 55 bị cáo về tội mua bán trái phép chất ma túy và nhận hối lộ. Kết quả xét xử tòa tuyên phạt 03 bị cáo tử hình, 10 chung thân, các bị cáo còn lại bị tuyên phạt mức án từ 3 năm tù đến 20 năm tù giam. Do hết thời hạn điều tra, vụ án lớn, phức tạp, khởi tố nhiều bị can, ngày 24/4/2006, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tách vụ án để tiếp tục điều tra mở rộng giai đoạn 2 của vụ án (vụ án Trần Thị Thuận cùng đồng bọn mua bán trái phép chất ma tuý, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản). Kết thúc điều tra giai đoạn 2 đề nghị truy tố 23 bị can.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã khởi tố bắt giam, đề nghị truy tố 75 bị can, có 13 bị can nguyên là cán bộ, chiến sỹ Công an, phạm các tội nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có Phạm Đình Tiếng nguyên là Đội phó phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã 03 lần nhận hối lộ của vợ chồng Bùi Trọng Bảy và Trần Thị Lan, cụ thể như sau:
1- Hành vi nhận hối lộ 12.000USD của Phạm Đình Tiếng để không xử lý các đối tượng liên quan đến vụ án: Cuối năm 2000 Bùi Trọng Bảy cùng chị là Trần Thị Thuận tổ chức bán ma túy tại M12, tập thể Mai Hương, Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngày 10/12/2000, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, Bộ Công an phối hợp với phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy Công an thành phố Hà Nội tổ chức phá án, bắt tụ điểm bán ma tuý tại M12, tập thể Mai Hương, Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trước khi Công an đến kiểm tra địa điểm bán ma túy tại M12, Bảy đã được anh Nguyễn Thế Quảng, nguyên là cán bộ phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an thành phố Hà Nội, thông báo nên Bảy và đồng bọn đã kịp thời tẩu tán tang vật và xóa dấu vết. Vì vậy, kết quả lực lượng Công an chỉ bắt được 4 đối tượng là cảnh giới bán lẻ ma túy tại tụ điểm. Ngày 17 và 18/12/2000 phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma tuý đã triệu tập Bùi Trọng Bảy lên trụ sở Công an để ghi lời khai, Phạm Đình Tiếng là người trực tiếp ghi lời khai của Bảy. Trong buổi làm việc, Bảy đã đặt vấn đề xin Phạm Đình Tiếng tha cho vợ chồng Bảy và những người liên quan không bị xử lý về việc mua bán ma tuý ở M12. Tiếng đã đồng ý và ghi lại số điện thoại của Bảy, hẹn sẽ gặp nhau sau để trao đổi cụ thể. Sau đó Tiếng đã chủ động điện thoại hẹn gặp Bảy ở quán nước và đã thống nhất để không xử lý về việc mua bán ma tuý tại M12 Mai Hương đối với Bảy, Lan, Thuận, Đường, Huyền, Địch… thì Bùi Trọng Bảy phải đưa cho Tiếng 12.000USD. Sau khi đã trao đổi thống nhất với Phạm Đình Tiếng, Bùi Trọng Bảy và vợ là Trần Thị Lan chuẩn bị tiền đưa cho Phạm Đình Tiếng 12.000USD làm 03 lần tại quán cà phê số 6 phố Phạm Sư Mạnh, Hà Nội và quán cà phê số 15 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
2- Hành vi nhận hối lộ 8.000USD của Phạm Đình Tiếng để tha và không xử lý Nguyễn Viết Mạnh: Ngày 27/12/2000, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy Công an thành phố Hà Nội ra lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Viết Mạnh về tội mua bán trái phép chất ma tuý ở M12 tập thể Mai Hương, Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Bảy đã tổ chức cho Nguyễn Viết Mạnh trốn. Ngày 24/5/2001, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Thành phố Hà Nội bắt được Nguyễn Viết Mạnh, khám xét, thu giữ tại nhà Mạnh 0,0699 gam Hêroin, 01 cân tiểu ly. Bảy đã điện cho Tiếng để hỏi tình hình, Tiếng thông báo với Bảy là Mạnh đã bị bắt và nói: “Mày có lo cho nó không” Bảy đã nhờ Tiếng giúp đỡ và hẹn gặp Tiếng. Ngay ngày hôm đó, Tiếng điện cho Bảy hẹn gặp ở quán cà phê số 6 phố Phạm Sư Mạnh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Tiếng đặt vấn đề để tha Mạnh phải chi 8.000 USD. Hôm sau, Tiếng điện thoại cho Bảy mang tiền đến quán cà phê số 6 phố Phạm Sư Mạnh. Hai vợ chồng Bảy đưa cho Tiếng 8.000 USD và nói: “Nhờ anh giúp cho thằng Mạnh về”. Tiếng cầm tiền và nói: “Được rồi, cứ yên tâm, kiểu gì Mạnh sẽ được tha về”, ngay chiều tối ngày hôm đó, Nguyễn Viết Mạnh được tha. Mạnh về thẳng nhà Trần Thị Hiền (chị vợ của Bảy), tại đây có Bảy, Lan, Hiền, Mạnh. Hiền nói với Mạnh: “Mày được tha là do vợ chồng chú Bảy đã chạy cho mày hết 8.000 USD , liệu lo làm ăn mà trả nợ cho chú Bảy”.
3 - Hành vi lừa đảo chiếm đoạt 5.000USD của Phạm Đình Tiếng: Ngày 22/10/2004, Công an quận Hai Bà Trưng bắt tạm giam 04 tháng Trần Thị Lành là chị ruột của Trần Thị Lan (vợ Bảy), về hành vi mua bán 1 bánh Hêrôin trong vụ án Lê Sỹ Thuỷ cùng đồng bọn mua bán trái phép chất ma tuý, vụ án được chuyển lên phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an thành phố Hà Nội để điều tra. Trước khi Trần Thị Lành bị bắt, Lành đã nói với Bùi Trọng Bảy “nếu Lành bị bắt thì ở nhà lo chạy cho Lành”. Sau khi Lành bị bắt tạm giam vợ chồng Bảy đã gặp Phạm Đình Tiếng nhờ giúp. Sau đó, Tiếng có điện cho Bảy hẹn gặp tại quán cà phê trên đường Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội, vợ chồng Bảy lên gặp Tiếng tại quán cà phê, Tiếng có nói “việc của chị Lành phải lo cả Viện kiểm sát và Công an hết 5.000 USD”, vợ chồng Bảy đồng ý. Mấy ngày sau Tiếng điện cho Bảy mang tiền đến quán cà phê số 33 đường Lý Thường Kiệt, vợ chồng Bảy cùng đến quán cà phê đưa cho Tiếng 5.000USD. Khi nhận tiền Tiếng nói “cứ yên tâm anh sẽ lo để Lành nhà mày được về và không bị xử lý”. Sau đó Lành được thả và được đình chỉ điều tra.
Ngày 10/7/2007, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận điều tra vụ án, đề nghị truy tố Phạm Đình Tiếng nhận hối lộ 20.000USD và lừa đảo chiếm đoạt 5.000USD. Nhưng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ ra quyết định truy tố Phạm Đình Tiếng nhận hối lộ 8.000USD và lừa đảo chiếm đoạt 5.000USD. Ngày 14/9/2009, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm, phiên tòa sơ thẩm (lần1) diễn biến hết sức phức tạp do gia đình và luật sư của bị cáo luôn nại ra chứng cứ kêu oan, có dấu hiệu tiêu cực. Phiên tòa phải hoãn đi, hoãn lại nhiều lần, gây khó khăn, tốn kém cho công tác dẫn giải, bảo vệ phiên tòa. Trong những ngày tổ chức xét xử, có một số đối tượng đã đến nhà riêng của các vị hội thẩm đặt vấn đề “ biếu” mỗi hội thẩm 50 triều đồng đến 100 triệu đồng để xét xử Tiếng vô tội hoặc chuyển tội danh từ tội nhận hối lộ sang tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng các hội thẩm nhân dân không đồng ý và cho rằng hành vi phạm tội của Phạm Đình Tiếng đã rõ, đủ căn cứ buộc tội nên các hội thẩm nhân dân quyết tâm đấu tranh bảo vệ công lý. Do vậy, hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị can Tiếng 17 năm tù giam về 2 tội nhận hối lộ 8000USD và lừa đảo 5000USD.
Ngày 05/4/2010, Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm đã kết luận Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bỏ lọt hành vi phạm tội của Phạm Đình Tiếng. Do vậy đã quyết định hủy một phần bản án sơ thẩm đối với hành vi nhận hối lộ 12000USD của Phạm Đình Tiếng để điều tra lại. Kết quả điều tra lại, cơ quan điều tra tiếp tục củng cố thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ kết luận và giữ nguyên đề nghị truy tố Phạm Đình Tiếng về 2 tội, nhận hối lộ 20.000USD và lừa đảo chiếm đoạt tài sản 5.000USD (như nội dung nêu trên). Có những lúc vụ án tưởng chừng như chìm xuống. Vụ án đã trả đi trả lại hồ sơ 6 lần, kéo dài gần 7 năm, qua 5 lần xét xử. Ngày 27/4/2013, xét xử sơ thẩm; ngày 3/10/2013, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao xét xử phúc thẩm tuyên phạt Phạm Đình Tiếng 18 năm tù về 2 tội nhận hối lộ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản tổng cộng 25.000USD...
Đây là vụ án phức tạp, quá trình điều tra giai đoạn 2 vụ án khởi tố bắt giam 23 bị can, trong đó khởi tố bắt giam 6 bị can nguyên là cán bộ Công an về hành vi nhận hối lộ. Các bị can này đều nhận tội, khắc phục hậu quả, được Tòa án các cấp xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, xem xét giảm nhẹ hình phạt cho những bị can khai báo thành khẩn, khắc phục hậu quả. Riêng bị can Phạm Đình Tiếng, từ khi bị bắt đến xét xử luôn quanh co, chối tội. Quá trình điều tra Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã điều tra tỷ mỷ, khách quan, đúng quy định của pháp luật có sự giám sát chặt chẽ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đã cử Kiểm sát viên trực tiếp cùng Điều tra viên hỏi cung, xác minh thu thập những tài liệu quan trọng của vụ án. Mặc dù tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của Phạm Đình Tiếng đã rõ, nhưng trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử Tiếng không nhận tội, không cộng tác với cơ quan điều tra, luôn đề nghị thay Điều tra viên, Kiểm sát viên, thay Cơ quan điều tra... vi phạm nội quy giam giữ ở trại, luôn tìm cách để đối phó gây nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án. Mặt khác, gia đình cùng luật sư của Phạm Đình Tiếng nhiều lần gửi đơn đến các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban kiểm tra trung ương, các phương tiện thông tin đại chúng, nại ra các lý do không chính đáng kêu oan, sai, nhằm đánh lạc hướng, làm nhiễu các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhiều đồng chí đại biểu Quốc hội tin vào lời trình bày của Tiếng và gia đình, có văn bản đề nghị xem xét lại hành vi vi phạm pháp luật của Tiếng. Vụ án đã được các cơ quan chức năng nhiều lần kiểm tra, kết luận không có oan sai, đề nghị đưa xét xử.
Thành công của vụ án đã triệt xóa được tụ điểm ma túy phức tạp, nhức nhối dư luận nhiều năm, tìm ra được nguyên nhân, điều kiện phạm tội của các bị can. Điều tra làm rõ xử lý một số cán bộ vi phạm, làm trong sạch nội bộ Công an, mang lại niềm tin cho nhân dân. Nhưng để lại cho Điều tra viên rất nhiều kinh nghiệm quý giá. Nhất là đối với các vụ án nhận hối lộ, không bắt được quả tang, chứng cứ chủ yếu là lời khai của các bị can, áp lực của cơ quan, báo chí, vụ án kéo dài, nhiều quan điểm đánh giá chứng cứ khác nhau, luật sư luôn tìm cách làm lệch hướng của cơ quan điều tra nhằm bảo vệ thân chủ. Đó là những khó khăn, thách thức luôn đè nặng lên vai Điều tra viên, nếu không có ý chí vững vàng, tinh thần tấn công tội phạm thì không thể vượt qua được những khó khăn thử thách. Vụ án càng khó khăn càng đòi hỏi Điều tra viên phải kiên trì, vững vàng trước khó khăn thử thách, có phẩm chất, năng lực, ý chí quyết tâm cao, điều tra phải thận trọng, tỷ mỷ, khách quan, củng cố chặt chẽ chứng cứ ngay từ giai đoạn ban đầu dù là tài liệu chứng cứ nhỏ nhất cũng không được bỏ sót. Nhằm không làm oan người ngay, không để lọt kẻ phạm tội.
Sau khi xét xử phúc thẩm, Tiếng tiếp tục có đơn kêu oan đề nghị giám đốc thẩm. Bản án có hiệu lực, Tiếng được đưa về trại giam Thanh Xuân thuộc Tổng cục VIII – Bộ Công an để thi hành án. Khi đến trại, Tiếng vẫn tỏ thái độ nghông nghênh, kêu oan, không chấp hành nội quy của trại, bị kỷ luật nhưng sau khi được sự giáo dục của cán bộ quản giáo trại giam Thanh Xuân, ngày 16/12/2013, Tiếng đã viết đơn xin hứa “tự giác chấp hành án theo quyết định của Tòa án và cùng gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả theo quyết định của Tòa án, không đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm”. Ngày 18/6/2014, gia đình Tiếng đã truy nộp, xung công quỹ Nhà nước 370.218.000đ tiền do phạm tội mà có.
Như vậy, từ khi Tiếng bị khởi tố bị can đến khi xét xử phúc thẩm, với thái độ ngoan cố, ngạo mạn, được sự tiếp tay của một số người trong cơ quan pháp luật, Tiếng đã gây biết bao nhiêu khó khăn, tốn kém nhiều công sức, tiền của cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Nhưng cuối cùng, Tiếng phải “tâm phục, khẩu phục” chấp hành bản án, nộp tiền khắc phục hậu quả để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Qua vụ án này cho chúng ta thấy, Điều tra viên là một nghệ đặc biệt, nhiều vinh quang nhưng cũng nhiều áp lực, nhiều khi còn bị tai nạn nghề nghiệp. Nhưng với ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, không sợ khó khăn gian khổ thì dù tội phạm có thủ đoạn gian ngoa, xảo quyệt, dối trá đến đâu, chúng ta cũng sẽ vượt qua và dành thắng lợi, giữ vững niềm tin và bảo vệ được công lý./.
Đ.T.V