Một boong ke ma túy đã được triệt xóa

Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước. Do cơ chế mở cửa Hội nhập, tình hình kinh tế, xã hội không ngừng phát triển. Nhưng bên cạnh đó, tội phạm ma túy cũng diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Công an TP Hà Nội tích cực đấu tranh, mỗi năm bắt giữ 4.500 đến 5.000 đối tượng đưa ra xử lý trước pháp luật, nhưng diễn biến tội phạm ma túy vẫn phức tạp. Do địa bàn Hà Nội rộng, dân số đông, có 15.500 người nghiện ma túy, nên đã hình thành một số các điểm, tụ điểm ma túy phức tạp.
19/05/2016 | Article Rating
Điển hình là:
Khu công viên văn hóa Đống Đa, thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội (thường gọi là bãi rác Thành Công) rộng khoảng 07 ha thuộc địa bàn 2 phường Trung Liệt, quận Đống Đa và phường Thành Công, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. Khu vực này trước đây là ao thả cá của Hợp tác xã Minh Khai, phường Ô Chợ Dừa quản lý. Năm 1986 Thành phố Hà Nội giao cho Sở Giao thông công chính làm nơi đổ rác thải. Đến năm 1988 khu vực này không có khả năng chứa rác. Sau đó UBND Thành phố Hà Nội quy hoạch để xây dựng Công viên văn hóa Đống Đa. Năm 1994, UBND quận Đống Đa chia lại địa giới hành chính, khu vực bãi rác Thành công được giao cho phường Trung Liệt quản lý. Do quản lý không tốt nên người dân nhiều nơi vào lấn chiếm đất, dựng lều lán, xây dựng nhà trái phép, mua đi bán lại để ở, kinh doanh, hình thành khu dân cư tự phát, phức tạp về trật tự xã hội.
Năm 2001, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai dự án xây dựng công viên văn hóa Đống Đa, nhưng việc đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, người dân không chịu di dời, kéo đến nhà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để khiếu kiện. Đến nay, việc xây dựng Công viên vẫn chưa triển khai được.
Tại địa bàn có khoảng 800 nhà với gần 600 hộ, 2000 khẩu; chủ yếu là dân lao động tự do, không việc làm, nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự. Phức tạp nhất là tệ nạn ma túy, cờ bạc, mại dâm. Đây là địa bàn thuộc trung tâm thành phố, giao thông đi lại thuận lợi, có nhiều ngõ ngách thông nhau, cơ sở hạ tầng, điện nước, công trình văn hóa - xã hội hạn chế, yếu kém; đặc biệt chưa có các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể quần chúng cơ sở, như không có tổ dân phố, chi bộ Đảng, đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ,… chỉ có Cảnh sát khu vực (CSKV) quản lý địa bàn; là điều kiện, nguyên nhân để cho tình hình tội phạm, tệ nạn tồn tại, phát triển hoạt động phức tạp, từ đó đến nay.
Trước tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy phức tạp tại địa bàn, những năm qua Công an Thành phố Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an quận, phường đấu tranh với các loại tội phạm nhưng tình hình tội phạm hình sự, ma túy vẫn diễn biến phức tạp.
Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, năm 2011 đã bắt giữ 38 vụ- 51 đối tượng; năm 2012 bắt 41 vụ, 54 đối tượng. Đáng chú ý, từ cuối năm 2012 đến đầu tháng 6/2013, tình hình lại bùng phát phức tạp; hoạt động mua bán ma túy diễn ra tấp nập, công khai, trắng trợn ở nhiều điểm khác nhau tại địa bàn, mỗi điểm bán ma túy một ngày bán cho khoảng từ 50 đến 90 người nghiện, gây bức xúc trong nhân dân. Do vậy, đã có nhiều đơn thư tố cáo gửi đến các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tp Hà Nội và Công an các cấp.
Trước tình hình trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với Công an thành phố Hà Nội tập trung lực lượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ xác minh làm rõ. Xác định trên địa bàn có 47 đối tượng tù tha, khoảng 50 đối tượng có liên quan đến tội phạm hình sự, ma túy. Nhiều đối tượng mua bán ma túy tập trung chính vào 04 khu vực: khu vực ngõ 316 (số cũ 81) Thái Hà; khu vực dọc bờ mương Thái Hà từ cầu sắt 278 đến cầu sắt faphim; khu vực từ ngách 42, ngõ 278 đến đầu đường Hoàng Cầu mới; khu vực ngõ 278 Thái Hà.
Nổi lên một số đối tượng cầm đầu các ổ nhóm là Nguyễn Thanh Loan (tức Loan nhím), sinh năm 1977, trú tại xóm 2, tổ 36, Giáp Tứ, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội; nơi ở tại số nhà 50, tổ 32, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Năm 2003, Loan hai lần bị Công an quận Hai Bà Trưng và công an quận Đống Đa bắt về tội mua bán trái phép chất ma túy, án phạt 74 tháng tù giam nhưng cho hoãn thi hành án vì lý do nuôi con nhỏ. Sau khi hết thời hạn nuôi con nhỏ, Loan tiếp tục xin hoãn thi hành án với lý do bị bệnh tâm thần và bắt buộc chữa bệnh. Quá trình bắt buộc chữa bệnh, Loan tiếp tục sinh con. Khi con đủ 36 tháng tuổi, Loan lấy lý do bị bệnh tâm thần lại vào Bệnh viện tâm thần điều trị 1 đến 2 tháng, sau đó lại về tiếp tục mua bán ma túy. Loan là đối tượng chủ mưu, cầm đầu mua bán ma túy nhiều năm, thủ đoạn không trực tiếp mà chỉ đạo đệ tử phân chia, cất giấu, tổ chức bán ma túy cho người nghiện và bán cho các đại lý.
Ngày 28/6/2013, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chỉ đạo Phòng 4 phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội bắt Tú và Thủy là người bán thuê ma túy cho Nguyễn Thị Loan. Tú khai đã bán ma túy cho Loan từ đầu tháng 6/2013, mỗi ngày bán 02 ca (ca một từ 11h đến 13h30, ca hai từ 17h đến 19h30), mỗi ca bán khoảng 90 gói heroin cho 90 người nghiện, mỗi gói có trọng lượng 0,108g, giá 200.000đ/gói. Loan giao ma túy cho vợ chồng Thắng-Thủy, sau đó Thủy-Thắng đem ma túy về chia nhỏ, đóng gói heroin trên tầng hai nhà mình rồi đưa cho Tú hoặc người khác đứng ra bán cho người nghiện. Tú được trả công 500.000đ/ngày hoặc 03 gói heroin.
Ngay sau khi Tú, Thủy bị bắt, Loan, Thanh, Thắng trốn khỏi nơi cư trú. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội ra lệnh khám xét khẩn cấp nhà Nguyễn Thúy Loan không thu được ma túy nên không đủ căn cứ ra lệnh bắt, khởi tố. Đến ngày 25/11/2013, Loan vào Viện tâm thần để tiếp tục chữa bệnh. Ngoài ra, Loan là đối tượng thường xuyên cung cấp ma túy cho nhiều đối tượng khác để bán lẻ cho các đối tượng nghiện ma túy ở khu vực này.
Như vậy, hơn 10 năm, với nhiều lý do khác nhau, bản án hình sự đối với Loan vẫn không được thi hành, trong khi đó Loan vẫn ở ngoài xã hội tổ chức mua bán ma túy (hiện nay Loan đã bị bắt để thi hành án).
Ngoài Loan còn nổi lên một nhóm đối tượng: 02 vợ chồng Nguyễn Quốc Trung (Trung Yên), vợ là Lê Thị Tân (tên thường gọi là Mai) trú tại 42A bãi rác và Trần Thị Hương (Hương Híp), trú tại 1A bãi rác cầm đầu một nhóm độc quyền bán ma túy ở khu vực này; không nhóm nào dám vào đây hoạt động. Trong đó Trung là người chủ mưu cầm đầu, chỉ đạo, còn Tân (Mai), Hương là người trực tiếp điều hành, đưa ma túy cho đệ tử bán và thu tiền. Trung thuê nhà cho một số đối tượng là xe ôm, gái mại dâm, đệ tử ở và bán ma túy cho Trung. một trong những đối tượng bán thuê chính cho nhóm này là Tạ Đình Phong, sinh năm 1968, quê ở Trực Ninh, Nam Định và Nguyễn Văn Tiến ở Ứng Hòa, Hà Nội. Trung là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, có quan hệ rộng. Ngoài việc tổ chức bán ma túy, bảo kê chợ cóc, Trung, Tân còn môi giới, cung cấp gái mại dâm cho các điểm karaoke, bảo kê, lấn chiếm, xây dựng, mua bán nhà trái phép, hoạt động có tính chất bảo kê theo kiểu xã hội đen.
Trước tình hình phức tạp về TPMT ở khu vực bãi rác Thành Công, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với Công an TP Hà Nội tổ chức tuyên truyền, yêu cầu các hộ gia đình cam kết “nói không với ma túy”, tích cực đấu tranh bắt xử lý, nhưng chỉ bắt, xử lý được một số đối tượng đồng phạm (là người bán thuê ma túy), không bắt được các đối tượng chủ mưu cầm đầu. Do vậy, các đối tượng này lại tiếp tục tổ chức mua bán.
Để giải quyết dứt điểm tình hình tội phạm ma túy ở đây, đảm bảo yếu tố bí mật bất ngờ, lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tập trung chỉ đạo phòng nghiệp vụ tích cực điều tra làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng Loan, Trung, Mai,… lập án đấu tranh độc lập. Sau nhiều tháng áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, thấy phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này ngày càng tinh vi, táo bạo. Chúng hoạt động 30 ngày trong tháng, kể cả ngày 1, ngày 2 Tết nguyên đán, thường xuyên thay đổi địa điểm, người bán. Mỗi lần chúng chỉ lấy khoảng 40-80 tép, bán hết lại lấy tiếp, với hi vọng nếu có bị bắt chỉ thu được một vài tép không đủ trọng lượng để xử lý hình sự. Với quyết tâm phải bắt bằng được các đối tượng chủ mưu cầm đầu đưa xử lý trước pháp luật, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ động lên kế hoạch phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ. Ngày 27/02/2014 đã bắt quả tang Nguyễn Văn Tiến cùng 6 đối tượng trong đường dây bán ma túy thuê cho vợ chồng Trung – Tân đưa về Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thụ lý. Đồng thời khám xét đồng loạt nhà của Trung, Tân, Hương. Sau khi các đối tượng bị bắt, Trung trốn vào TP Hồ Chí Minh, Tân (vợ Trung) nuôi con nhỏ, cơ quan điều tra khởi tố cho tại ngoại. Xét thấy nếu không bắt được Trung, vụ án không thể mở rộng được. Với sự chỉ đạo quyết tâm bằng mọi cách phải bắt được Trung. Sau hai tuần tích cực đấu tranh, không quản khó khăn, gian khổ, 04h sáng ngày 04/3/2014, trên đường đi tầu từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội thăm vợ con, lấy tiền để trốn đi Trung Quốc, Trung bị các trinh sát của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy bắt cùng với Trần Thùy Dương (bồ của Trung). Kết quả điều tra mở rộng vụ án đã khởi tố, bắt giam 25 bị can. Ngày 18/3/2016, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Quốc Trung tử hình, Lê Thị Tân chung thân, còn lại 23 bị can bị tòa án tuyên phạt từ 06 đến 25 năm tù giam, chặn dừng được đường dây gieo cái chết trắng tồn tại nhiều năm ở địa bàn thủ đô. Đây là sự thành công lớn của chuyên án, góp phần to lớn làm giảm cơ bản tình hình phức tạp của tội phạm ma túy ở khu vực bãi rác Thành Công.
Mặc dù tụ điểm mua bán ma túy ở khu vực bãi rác Thành Công đã được triệt xóa, nhưng tình hình tội phạm ma túy ở khu vực này vẫn có thể tái diễn phức tạp trở lại nếu cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng nới lỏng, thiếu quan tâm. Qua đây cho thấy tình hình tội phạm ma túy ở một số thành phố lớn vẫn đang diễn biến phức tạp, với quy luật “có cầu sẽ có cung”. Chính vì vậy mà đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là lực lượng công an, là đơn vị nòng cốt trên mặt trận phòng chống ma túy phải chủ động điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình diễn biến của tội phạm nói chung, tội phạm ma túy nói riêng, để tham mưu cho cấp ủy chính quyền tổ chức tuyên truyền về pháp luật, phương thức thủ đoạn, tác hại của ma túy để người dân nêu cao cảnh giác, không bị tội phạm ma túy mua chuộc, lôi kéo; kiên quyết đấu tranh bắt giữ các đối tượng phạm tội ma túy, xét xử nghiêm minh, để có tác dụng răn đe đối với tội phạm; cần quản lý chặt chẽ đối tượng hoãn thi hành án về ma túy, kiến nghị không để các đối tượng này cư trú trên địa bàn phức tạp về ma túy.
Cuộc đấu tranh chống tội phạm ma túy nhằm đẩy lùi “cái chết trắng” ra khỏi cộng đồng, là cuộc chiến đấu khó khăn, gian khổ, lâu dài; Đòi hỏi phải có sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, nhằm tạo ra sức mạnh toàn dân, thì tội phạm ma túy sẽ bị đẩy lùi, cuộc sống nhân dân mới được bình yên.
P.V.C