Ngã xuống vì bình yên của đại ngàn

Cuộc đấu tranh trên mặt trận phòng, chống tội phạm gieo giắt “cái chết trắng” là cuộc chiến đầy cam go và quyết liệt. Trong cuộc chiến này đã có sự mất mát, sự hi sinh. Máu của các anh đổ xuống đã góp phần trả lại sự bình yên cho đại ngàn, đem đến cuộc sống bình an và hạnh phúc cho nhân dân.
08/03/2016 | Article Rating
Máu đổ nơi biên cương
Giữa thời bình, tiếng súng đã nhiều lần vang lên, máu đã nhiều lần đổ xuống. Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy là lực lượng đã phải hy sinh xương máu lớn nhất.
Cuộc chiến chống tội phạm ma túy ngày càng khốc liệt hơn. Khi ra trận, các cán bộ, chiến sĩ của lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy luôn phải đứng giữa hai bờ sinh - tử, đối đầu với bọn tội phạm lúc nào cũng có vũ khí nóng, sẵn sàng tử thủ khi bị phát hiện, bắt giữ.
Bao cuộc đấu súng căng thẳng giữa nơi rừng sâu, biên giới đã diễn ra, và không ít lần, máu của các anh đã đổ để cho những cuộc sống mới hồi sinh…
Cách đây tròn một năm, buổi chiều ngày 28-1, khi tổ công tác của đồng chí Thượng úy Bùi Công Nguyên, công an tỉnh Sơn La phát hiện đối tượng điều khiển xe máy nghi vận chuyển trái phép chất ma túy trên quốc lộ 43, theo hướng cửa khẩu Lóng Sập ra thị trấn Mộc Châu (Sơn La). Tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe nhưng đối tượng tăng ga bỏ chạy. Ngay lập tức, anh Nguyên truy hô đồng đội đuổi theo và phóng xe máy áp sát.
Sau hồi truy đuổi, anh Nguyên là người đầu tiên tiếp cận, áp sát đối tượng (lúc này đồng đội còn đuổi theo sau). Tuy nhiên, ngay lúc đó đối tượng hung hãn chống trả và rút trong túi ra khẩu súng ngắn. Một tiếng súng chát chúa vang lên giữa núi rừng.
Anh Nguyên bị một vết thương nặng ở ngực song anh bằng tinh thần chiến đấu quật cường, không để tội phạm lẩn thoát, anh vẫn ôm chặt, dùng vũ thuật quật ngã đối tượng, không để hắn có thời gian bóp cò lần thứ hai. Khi tổ công tác và quần chúng nhân dân đến tiếp ứng, bắt giữ được đối tượng và tang vật cũng là lúc anh Nguyên gục xuống...
Đối tượng hung hãn nổ súng là Tráng A Trá, (38 tuổi), trú tại bẳn Co Cháy, Lóng Sập, là đối tượng nghiện ma túy và đã có một tiền án 7 năm tù về tội mua bán ma túy.
Trước đó không lâu, một chiến sĩ công an khác của tỉnh Sơn La cũng đã ngã xuống trong cuộc chiến ngăn chặn “cái chết trắng”. Anh là Thượng úy Lường Phát Chiêm (32 tuổi, cán bộ Phòng cảnh sát cơ động và bảo vệ). Anh Chiêm hi sinh trong trận đánh với nhóm đối tượng vận chuyển ma túy trái phép từ Lào vào Việt Nam (đã nêu ở bài trước).
Trong trận đánh đó, các đối tượng hung hãn nổ súng chống trả, không may một viên đạn văng trúng đầu anh Chiêm, mặc dù được đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng nên anh Chiêm đã hi sinh. Trận đánh án này còn khiến đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, cán bộ phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Sơn La bị thương do đạn của các đối tượng bắn vào đùi.

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, đến thăm hỏi và động viên gia đình đồng chí Lường Phát Chiêm

Các anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến ấy khi tuổi đời còn rất trẻ với bao dự định, hoài bão và khát vọng, để lại vợ trẻ, con thơ.
Sự ra đi của các anh là một minh chứng nữa cho thấy cuộc chiến chống tội phạm ma túy nơi đại ngàn Tây Bắc cũng như cuộc chiến với tội phạm ma túy trên cả nước vẫn hết sức khốc liệt, bi tráng và cam go.
Hi sinh thầm lặng
Theo Thượng tá Ngô Văn Hải, các đối tượng tội phạm ma túy có vũ trang hoạt động hết sức liều lĩnh và manh động, sẵn sàng chống người thi hành công vụ, thách thức lực lượng chức năng. Vì vậy, công tác đấu tranh hết sức khó khăn, gian khổ và nguy hiểm.
Tệ nạn và tội phạm ma túy luôn gắn liền với căn bệnh HIV/AIDS. Đấu tranh với tệ nạn và tội phạm ma túy, đồng nghĩa với việc các trinh sát ma tuý phải đối đầu với HIV/AIDS.
Bởi những ông trùm về ma túy thường ẩn mặt, chúng thuê các con nghiện hay những kẻ bị nhiễm HIV/AIDS, đây là những đối tượng không còn gì để mất, ngoài việc lăn xả kiếm tiền để đỡ những cơn vật thuốc.
Khi lực lượng công an triệt phá tụ điểm luôn gặp phải sự chống đối hết sức quyết liệt của các đối tượng nhiễm căn bệnh này. Nhiều nhất là võ cắn vào tay, vào chân trinh sát cho chảy máu, hoặc dùng kim tiêm vẫn còn dính máu của mình đâm các trinh sát...
“Đã có những cán bộ chiến sĩ khi đi bắt đối tượng, chúng tự sát bằng cách uống thuốc độc. Nếu chậm hơn một nhịp thì có thể đối tượng cầm gói thuốc độc cho vào mồm. Vì vậy phải nhanh chóng bóp mồm, móc số thuốc trong mồm đó ra. Nhưng đối tượng nghiến răng cắn tay khiến tay bị chảy máu, về sau xác định đối tượng bị phơi nhiễm HIV, thậm chí bị AIDS. Phải xử lý bằng cách uống thuốc chống phơi nhiễm” – ông Hải kể.
Theo ông Hải, nhiều người bị phơi nhiễm chỉ dám chia sẻ với đồng đội của mình, không dám nói với vợ, con. Có trường hợp mang thuốc về nhà uống thì bị phát hiện, không khí trong gia đình rất căng thẳng, lúc đó lại phải làm công tác tư tưởng.
Nhiều khi vì nhiệm vụ, vì trách nhiệm của người lính trinh sát ma tuý mà anh Hải cũng như nhiều đồng đội phải tạm gác lại mối lo cho riêng cá nhân mình...
“Với lực lượng phòng chống ma túy, đi sâu vào đấu tranh trinh sát được ngày nghỉ, ngày lễ, tết cho con đi chơi là xa xỉ. Nhiều trận hứa với con, với vợ nhưng do kế hoạch công tác là phải lên đường ngay lập tức làm cho con khóc, vợ buồn” – ông Hải trần tình.
Để triệt phá những đường dây buôn bán ma túy có quy mô lớn đặt ra những thử thách cam go đối với các chiến sĩ công an trên mặt trận này. Hành động dũng cảm, kiên quyết tấn công tội phạm đến cùng của những chiến sĩ Công an quả cảm này như ngọn lửa rực cháy, nhân lên sức mạnh cho đồng đội trên mặt trận chưa bao giờ bớt khốc liệt. Đó là sự hi sinh thầm lặng để cho cuộc sống bình yên.

19 năm 22 chiến sĩ đã ngã xuống
Lực lượng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy được thành lập đến nay là 19 năm. Tuy nhiên tấm bảng vàng ghi danh các liệt sĩ đã ngã xuống trên mặt trận này đã lên tới 22 người. Đó là những cán bộ chiến sĩ Công an, Biên phòng và người dân đã anh dũng hi sinh khi tham gia vây bắt tội phạm ma túy. Điều đó càng cho thấy cuộc đấu tranh để ngăn chặn cái chết trắng rất cam go và khốc liệt.

HUY HÀ