Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là một quốc gia có biên giới tiếp giáp với Việt Nam, Thái Lan, Myanma, Trung Quốc và tiếp giáp với "Tam giác vàng" - nguồn ma tuý lớn của thế giới. Theo đánh giá của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an, tuyến biên giới giữa Việt Nam và Lào nổi lên là một trong những địa bàn nóng bỏng, phức tạp nhất về hoạt động phạm tội ma túy. Các chất ma túy (chủ yếu vẫn là heroin và ma túy tổng hợp) được mua bán, vận chuyển và tập kết tại các khu vực sát biên giới thuộc các huyện biên giới các tỉnh như: Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Xiêng Khoảng giáp với các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An; Phong Xa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn giáp với các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa; đặc biệt trong đó có 05 huyện của 02 tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng giáp với tỉnh Sơn La là: Pắc Xèng, Viêng Thoong, Xiềng Khọ, Mường Ét, Sốp Bâu về tình hình mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới rất phức tạp nóng bỏng, khó lường. Các đường dây tội phạm được tổ chức khép kín trên cơ sở quan hệ dòng họ, thân tộc ở hai bên biên giới, đồng thời chúng trang bị các loại vũ khí để chống trả các lực lượng chức năng khi bị phát hiện bắt giữ. Các đối tượng phạm tội tìm mọi cách để vô hiệu hóa vai trò của lực lượng chức năng ở cơ sở, hoặc lôi kéo cán bộ xã, bản tham gia mua bán, vận chuyển ma túy. Một số đối tượng bị truy nã về ma túy lẩn trốn tại các khu vực biên giới, trang bị vũ khí và tiếp tục móc nối hình thành các đường dây ma túy xuyên quốc gia. Chúng triệt để khai thác sự thông thương tại các cửa khẩu cũng như việc qua lại thuận tiện giữa hai nước thông qua các đường mòn, đường tiểu ngạch để vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam. Ở Lào hiện vẫn còn tình trạng trồng cây thuốc phiện (năm 2010 còn 1.800 ha, giảm 73% so với năm trước), sản xuất thuốc phiện (năm 2010: 134 tấn; năm 2012: 112 tấn). Từ 2013 - 2015 Lào đã bắt giữ 241 vụ/554 đối tượng phạm tội về ma tuý, thu giữ: 40,7 kg thuốc phiện; 60,41 kg heroin; 812,6 kg cần sa và 5173,104 viên Methamphetamine. Hình phạt dành cho tội phạm về ma tuý trong Bộ luật Hình sự Lào trước đây qui định nhẹ hơn so với Việt Nam. Theo tài liệu mới nhất của Uỷ ban quốc gia phòng chống ma tuý Lào thì Điều 135 Bộ luật Hình sự Lào mới sửa đổi qui định nghiêm khắc hơn: Người nào thực hiện hành vi mua, bán, buôn lậu và sử dụng các loại ma tuý trên 500 gam heroin hoặc 3 kg Methamphetamine hoặc trên 10 kg tiền chất thì có thể bị phạt hoặc tử hình (trước đây qui định tù từ 10 năm đến chung thân). Thực hiện Hiệp định giữa hai Chính phủ về kiểm soát ma tuý, các chất hướng thần và tiền chất ngày 6/7/1998, những năm gần đây chính phủ hai bên đã cùng phối hợp kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt việc mua bán, vận chuyển ma tuý, các chất hướng thần và tiền chất qua lại biên giới hai nước, cùng trao đổi công tác chỉ đạo, đào tạo cán bộ, giám định chất ma tuý, xét nghiệm xác định người nghiện, điều tra khám phá tội phạm ma tuý, giáo dục, phòng ngừa. Các tỉnh có chung đường biên đã tổ chức giao ban định kỳ trao đổi tình hình và công tác phòng chống tội phạm ma tuý, giải quyết vấn đề người dân qua lại biên giới, thay cây thuốc phiện tại khu vực biên giới.
Qua thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy thời gian qua, lực lượng CSĐTTP về ma túy tiếp tục đánh giá địa bàn trọng điểm phức tạp trên tuyến, tập trung ở 2 khu vực. Các tỉnh Tây Bắc: Qua cửa khẩu Loóng Sập và Chiềng Khương tỉnh Sơn La; địa bàn biên giới thuộc xã Loóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn la và Tây Trang, Na Ư, Thanh Luông, tỉnh Điện Biên. Các tỉnh biên giới Bắc Miền Trung - Tây Nguyên: Qua cử khẩu Bờ Y, tỉnh Kon Tum; Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị; Cha Lo, tỉnh Quảng Bình; Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh; Thanh Thủy và Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An; Na Mèo, tỉnh Thanh Hóa…; Ngoài ra, ở một số khu vực, các đối tượng phạm tội về ma túy không đi qua cửa khẩu chính mà lợi dụng các đường mòn để vận chuyển ma túy như: khu vực huyện Sông Mã, Mộc Châu, Vân Hồ, tỉnh Sơn La; huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên…Đặc biệt, trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy về ma túy phát hiện trên khu vực biên giới thuộc tỉnh Hủa Phăn, Lào tiếp giáp với tỉnh Sơn La của Việt Nam có nhiều nhóm đối tượng (mỗi nhóm từ 05 đến 10 đối tượng trở lên), các đối tượng đều đeo balo (mỗi balo có khoảng 20 – 30 bánh heroin) và trang bị vũ khí, tính trung bình mỗi tuần, các đối tượng vận chuyển trót lọt vào địa bàn các xã Loóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La; xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình hàng nghìn bánh heroin, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, qua công tác nắm tình hình cho thấy, mặc dù lực lượng Công an đã tấn công, trấn áp mạnh, nhưng tình hình vận chuyển ma túy qua biên giới có vũ trang vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Trước tình hình phức tạp về tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt –Lào thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào đã không ngừng được củng cố, phát triển và nâng lên một tầm cao mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng. Việc thiết lập và đưa vào hoạt động các Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) ở khu vực biên giới hai nước góp phần nâng cao hiệu quả trao đổi thông tin phục vụ công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Đầu tháng 11/2015, Tổng cục Cảnh sát hai nước đã ký phương án phối hợp giải quyết tình hình phức tạp về ma túy biên giới Việt - Lào và tình trạng mua bán vận chuyển ma túy có vũ trang tại khu vực biên giới Sơn La, Việt Nam, tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn, Lào. Đây là lần đầu tiên giữa Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát, Bộ An ninh Lào thống nhất, ký phương án hành động chung giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm ma túy trên tuyến biên giới…Đồng thời, một lần nữa thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác gắn bó giữa cơ quan chức năng hai nước Việt Nam và Lào nói chung, giữa hai Tổng cục Cảnh sát nói riêng trong nỗ lực chung với cộng đồng quốc tế đấu tranh ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy và hoạt động phạm tội ma túy.
Mục đích của phương án phối hợp này, đó là hai bên thống nhất, kiên quyết và tập trung đấu tranh ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy có vũ trung trên toàn tuyến biên giới Việt – Lào; tăng cường hợp tác trong điều tra các vụ án ma túy qua biên giới, tiến hành điều tra, xác minh, bắt giữ các đối tượng trong đường dây ma túy, các đối tượng truy nã, đặc biệt tập trung phối hợp xác lập chuyên án chung đấu tranh với các toán nhóm có vũ trang vẫn chuyển ma túy qua biên giới tại địa bàn tiếp giáp giữa tỉnh Hủa Phăn, Lào với tỉnh Sơn la và Thanh Hóa, Việt Nam. Đồng thời thiết lập cơ chế trao đổi thông tin giữa lực lượng phòng, chống ma túy từ Trung ương đến địa phương của hai nước, đảm bảo yêu cầu việc trao đổi và xử lý thông tin nhanh chóng đáp ứng điều tra kịp thời bắt giữ các đối tượng phạm tội; tăng cường công tác quản lý trật tự an toàn xã hội trên đại bàn các tỉnh biên giới hai nước, nâng cao nhận thức của nhân dân vùng biên giới về tác hại của ma túy. Động viên nhân dân cảnh giác không để kẻ xấu lôi kéo tham gia vào hoạt động phạm tội về ma túy và tham gia tích cực vào công tác phòng, chống ma túy.
Đó là những mục tiêu, những nhiệm vụ công tác lớn mà muốn đạt được kết quả tốt nhất, đòi hỏi cơ quan chức năng hai nước phải sớm cụ thể hóa trong thực tiễn hoạt động phòng, chống tội phạm ma túy tại nước mình và tại các địa phương liên quan.
Lê Doãn Lực