Nhiều địa phương đã có văn bản báo cáo liên ngành (Công an - Kiểm sát - Tòa án) Trung ương phản đối gay gắt, nêu rất nhiều khó khăn, coi công văn 234 là “ngộ nhận, không thống nhất, gây bế tắc cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy” (văn bản của TP.Hồ Chí Minh).
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã có những văn bản kiến nghị về quy định của công văn 234 là trái với quy định của Bộ luật Hình sự, chưa đúng với Thông tư 17, gây nhiều khó khăn vướng mắc. Trước hết việc không thống nhất để xử lý hình sự tội phạm ma túy là căn cứ vào trọng lượng thực tế đã sản xuất từng dạng có chất ma túy, hay căn cứ vào hàm lượng chất ma túy để tính trọng lượng ma túy. Ví dụ như một bánh heroin có trọng lượng là 350gr, giám định hàm lượng heroin trong bánh này là 50%, thì trọng lượng truy tố là 350gr hay 175gr? Nếu tất cả các vụ án đều phải giám định hàm lượng, mỗi năm cơ quan điều tra bắt gần 19.000 vụ án ma túy sẽ có khoảng 25 - 30.000 mẫu gửi giám định, thì Cơ quan giám định của Bộ Công an không thể đáp ứng được.
Thực tiễn giải quyết án ma túy cho thấy, nhiều vụ án đã xử lý từ việc điều tra, truy xét, không thu giữ được chất ma túy nên không có vật chứng để giám định; hay đối tượng trốn truy nã, nay bắt được lại yêu cầu xử lý theo trưng cầu giám định, là bất cập. Từ đó dẫn đến việc sẽ không xử lý được các đối tượng là chủ mưu, cầm đầu các đường dây mua bán chất ma túy... Ngoài ra, còn dẫn đến nhiều khó khăn trong cả công tác điều tra, truy tố và xét xử.

Ảnh:Các bị cáo trong vụ vận chuyển gần 3kg ma túy sang Campuchia được hủy án điều tra lại từ đầu vì chưa giám định hàm lượng heroin
Trước những khó khăn, bất cập của công văn 234, ngày 4-2-2015, Bộ Công an đã có văn bản gửi Ban Nội chính Trung ương nêu tình hình khó khăn trong việc thực hiện công văn 234 và đề xuất hướng giải quyết. Trước đó, ngày 19-1-2015, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng có văn bản gửi lãnh đạo liên ngành Trung ương, đề nghị đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, đánh giá lại công văn 234.
Ngày 30-3-2015, ông Trần Đức Phong, Vụ trưởng Vụ 1C, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, tính từ khi triển khai thực hiện công văn 234 đến nay, Tòa án nhân dân địa phương tại 59 tỉnh, thành phố báo cáo có phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc. Số án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung lên tới gần 3.000 vụ, số vụ án kéo dài chờ kết quả giám định hàm lượng gần 1.500 vụ và gần 400 vụ phải hoãn phiên tòa để kéo dài thời hạn xét xử chờ ý kiến chỉ đạo... Nhiều Viện kiểm sát địa phương đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự, Thông tư 17 để khắc phục những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công văn 234.
Mặc dù Tòa án nhân dân tối cao giải thích công văn 234 là văn bản của nội bộ ngành tòa án, nhưng thực tế đã ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng vì nếu không giám định, tòa án sẽ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Từ đó, ảnh hưởng đến tâm lý, gây lúng túng cho các cơ quan tiến hành tố tụng, gây bức xúc trong dư luận, khó khăn, cản trở cho công tác điều tra; đặc biệt, gây hậu quả khó lường cho công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, làm ách tắc điều tra, truy tố, xét xử, việc bắt giữ giảm, tội phạm gia tăng...
Đại tá Phạm Văn Chình, Phó cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy - Bộ Công an nêu quan điểm: Đề nghị trước mắt liên ngành Trung ương sớm xem xét sửa lại mục 1 phần 1 của Thông tư 17, thống nhất quan điểm căn cứ vào trọng lượng hay hàm lượng ma túy thu được, để kết tội cho bị cáo. Căn cứ vào tình hình địa lý, điều kiện kinh tế của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu giám định hàm lượng của tất cả các vụ án ma túy, thì căn cứ vào trọng lượng để kết tội bị can, bị cáo.
Cũng theo đại tá Chình, để đảm bảo dân chủ, nhân quyền, công bằng trong xét xử, thì cần giám định hàm lượng “các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch hoặc chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng để tiện cho việc sử dụng, xái thuốc phiện và chất ma túy trong thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần”; đồng thời bổ sung giám định hàm lượng chất gây nghiện, thuốc hướng thần (vì các loại thuốc này có hàm lượng ma túy rất nhỏ, chỉ 1-3%, ít độc hại) và giám định đối với các vụ án thu được các chất ma túy có mức hình phạt nặng (20 năm, chung thân hoặc tử hình).
Theo quy định của pháp luật hiện nay, các bị cáo mua bán, vận chuyển, tàng trữ 600gr heroin trở lên thì xét xử mức án tử hình. Nếu quy định này xét xử quá nhiều án tử hình thì nghiên cứu, xem xét tăng trọng lượng ma túy của khung tử hình lên 1.000gr hay 1.200gr. Đại tá Chình cũng đề nghị, để phục vụ cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy hiệu quả, thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, Tòa án nhân dân tối cao cần sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện để giải quyết những tồn tại trên; hoặc rút lại công văn 234 ngày 17-9-2014 về việc bắt buộc giám định hàm lượng ma túy. Khi sửa Bộ luật Hình sự lần này cần phải thảo luận làm rõ, lấy trọng lượng hay hàm lượng làm căn cứ xét xử các vụ án về ma túy, trong đó cần tham khảo các nước trong khu vực và quốc tế, chủ yếu truy tố theo trọng lượng ma túy thu được.
Theo congan.com.vn