I. Tình hình, kết quả phòng, chống ma túy của địa phương
1. Nguồn ma túy, loại ma túy vào địa bàn?
2. Phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy (trong mua bán, tàng trữ, vận chuyển; trong sản xuất ma túy tổng hợp, chứa chấp, sử dụng ma túy và lôi kéo cưỡng bức).
3. Tổng hợp số người nghiện hàng năm để chứng minh tăng giảm.
4. Các hình thức sử dụng ma túy.
5. Tác hại của ma túy:
- Ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, chính trị, hạnh phúc, giống nòi.
- Nguyên nhân phát sinh tội phạm: 60 – 70% người nghiện vi phạm pháp luật.
- Nguyên nhân chính lây nhiễm HIV: 50 – 70% người nghiện ma túy nhiễm HIV.
6. Một số nguyên nhân của việc nghiện ma túy như: Hiếu kỳ, lười lao động, hoàn cảnh gia đình, công tác quản lý xã hội, phong tục….
II. Pháp luật và chỉ thị của Đảng về phòng, chống ma túy
1. Luật phòng, chống ma túy
- Những nội dung cơ bản của Luật phòng, chống ma túy quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy.
+ Cá nhân, gia đình có trách nhiệm:
Giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma túy, và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thành viên trong gia đình tham gia tệ nạn ma túy.
Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phát hiện cung cấp nhanh các thông tin về tệ nạn ma túy cho cơ quan Công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền; phát hiện báo cáo kịp thời cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền việc trồng cây chứa chất ma túy, tham gia triệt phá cây chứa chất ma túy do chính quyền địa phương tổ chức.
+ Nhà trường và các cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm:
Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy và lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma túy; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn không để học sinh, sinh viên, học viên bị lôi kéo vào tệ nạn ma túy.
Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý; giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma túy; phối hợp với cơ quan y tế tổ chức xét nghiệm khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên nghiện ma túy.
+ Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân có trách nhiệm:
Tổ chức phòng, chống ma túy ở cơ quan, đơn vị, phòng ngừa, ngăn chặn cán bộ công chức và cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia tệ nạn ma túy.
Tuyên truyền, động viên cán bộ công chức và cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân phát hiện tố giác, đấu tranh với các tệ nạn ma túy.
+ Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân được tiến hành các hoạt động sau:
Chủ trì, phối hợp thực hiện các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.
Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ trinh sát để phát hiện tội phạm về ma túy.
Yêu cầu cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức liên quan cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện các biện pháp ngăn chặn tội phạm về ma túy.
Ngoài ra luật còn quy định trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc, các cơ quan thông tin, tuyên truyền trong phòng, chống ma túy.
- Trách nhiệm của các Bộ, ngành:
Bộ Công an: Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chủ trương, chính sách, kế hoạch về phòng, chống ma túy; tổng kết thực hiện kế hoạch về phòng, chống ma túy của các Bộ, ngành; chủ trì phối hợp với cơ quan nhà nước hữu quan trong việc phòng, chống tội phạm về ma túy.
Bộ Quốc phòng: Xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng, chống tội phạm về ma túy ở khu vực biên giới trên đất liền, trên biển, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Ngoài ra luật còn quy định trách nhiệm của các Bộ Tài chính, Lao động – Thương binh xã hội, Y tế, Thông tin truyền thông, Công thương.
Như vậy đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy là trách nhiệm của các ngành, các cấp và quần chúng nhân dân, trong đó Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt.
2. Bộ luật hình sự:
Chương 18 Bộ luật hình sự quy định các tội phạm về ma túy như sau:
- Điều 192 “Tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy” (Cây thuốc phiện, cây coca, cây cần sa, các loại cây khác có chứa chất ma túy). Hình phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất đến 7 năm tù.
- Điều 193 “Tội sản xuất trái phép chất ma túy”. Hình phạt từ 2 năm tù; đến 20 năm, chung thân, tử hình.
- Điều 194 “Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt trái phép chất ma túy”. Hình phạt từ 2 năm tù; đến 20 năm, chung thân, tử hình.
- Điều 195 “Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy”. Hình phạt từ 1 năm tù; đến 20 năm, chung thân.
- Điều 196 “Tội sản xuất, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy”. Hình phạt thấp nhất là 1 năm tù, cao nhất là 10 năm tù.
- Điều 197 “Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Hình phạt từ 2 năm; đến 20 năm, chung thân.
- Điều 198 “Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”. Hình phạt từ 2 năm tù, đến 15 năm tù.
- Điều 200 “Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy”. Hình phạt từ 2 năm, đến 20 năm tù, chung thân.
- Điều 201 “Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác”. Hình phạt thấp nhất là 1 năm tù, cao nhất là chung thân.
3. Luật xử lý vi phạm hành chính, các nghị định, thông tư, các văn bản khác của các bộ, ngành.
Căn cứ vào yêu cầu của nội dung tuyên truyền để lựa chọn văn bản cho phù hợp.
4. Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26/3/2008 của Bộ chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
- Mục tiêu, yêu cầu:
+ Một là: Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về hậu quả, tác hại của ma túy;
+ Hai là: Nêu cao tinh thần trách nhiệm của các ngành, các cấp, huy động sức mạnh tổng hợp và tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong phòng, chống ma túy;
+ Ba là: Kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào nước ta;
+ Bốn là: Kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần;
+ Năm là: Tổ chức cai nghiện có hiệu quả cho tất cả các người nghiện.
- Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
+ Cấp ủy Đảng phải nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác phòng, chống ma túy ở đơn vị mình.
+ Củng cố, kiện toàn bộ máy cơ quan phòng, chống ma túy từ Trung ương đến cơ sở.
+ Đổi mới nội dung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trong Đảng, cơ quan nhà nước và nhân dân.
+ Tăng cường ngân sách nhà nước, tích cực tăng cường các nguồn viện trợ quốc tế, huy động sức đóng góp của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp.
+ Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy.
- Tổ chức thực hiện:
+ Mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân, trước hết là người thân trong gia đình thực hiện nghiêm túc pháp luật phòng, chống ma túy, coi đây là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
+ Đối với cán bộ lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, nếu để người thân trong gia đình (vợ, chồng, con) nghiện ma túy hoặc có hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống ma túy phải chịu trách nhiệm liên đới và tùy theo mức độ phải xem xét không được đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào các chức vụ lãnh đạo hoặc xem xét miễn nhiệm, cách chức.
III. Phòng chống tội phạm ma túy và tệ nạn nghiện ma túy ở cơ sở
1. Chủ động phòng ngừa là chính:
- Mỗi người phải tự trang bị cho mình hiểu biết về tác hại của ma túy.
- Cảnh giác với những lời dụ dỗ, mua chuộc lôi kéo vào sử dụng ma túy.
- Nếu đã sử dụng một vài lần có triệu chứng thèm muốn ma túy thì phải có biện pháp cai ngay, nếu để nghiện nặng rất khó cai.
- Gia đình phải thường xuyên theo dõi, giám sát, giáo dục con em không để mắc vào các tệ nạn xấu, nhất là tệ nạn ma túy, cảnh giác với số bạn bè xấu.
- Đối với người nghiện ma túy không được xa lánh mà phải gần gũi, tìm nguyên nhân, cách giải quyết.
- Khi giáo dục không được thì báo Công an, chính quyền địa phương, đưa đi cai nghiện.
2. Phát hiện tội phạm ma túy, người nghiện ma túy báo cáo với chính quyền quản lý, đảm trách.
3. Không tham gia trồng, sử dụng, mua bán ma túy.
4. Tham gia quản lý người nghiện tại cộng đồng.
5. Tìm hiểu thủ đoạn mua chuộc, lôi kéo của tội phạm ma túy để tự phòng ngừa cho bản thân và những người xung quanh.
IV. Hình thức tuyên truyền
1. Thông qua pano, áp phích (sưu tầm nội dung)
2. Tổ chức thi tuyên truyền viên
3. Thông qua gương người tốt, việc tốt
4. Thông qua hệ thống phát thanh tại cơ sở, đường dây nóng…
5. Mở hội nghị tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, các đoàn thể mặt trận, trưởng thôn, trưởng bản, những đối tượng nghiện ma túy, những người có điều kiện, khả năng phạm tội ma túy.
6. Đối với lực lượng Công an cơ sở phải phối hợp với chính quyền địa phương tích cực gọi hỏi, răn đe, đưa ra tổ dân phố kiểm điểm, giáo dục cá biệt, giao cho gia đình, nhà trường, đoàn thể, dòng họ quản lý giáo dục đối với những đối tượng là người nghiện, người có điều kiện, khả năng phạm tội.
Chú ý:
+ Đào tạo tuyên truyền viên có đủ phẩm chất năng lực để làm công tác tuyên truyền.
+ Căn cứ vào trình độ, thành phần, dân tộc…của từng địa phương để soạn thảo chương trình cho phù hợp.
+ Sưu tầm một số hình ảnh tác hại của ma túy, người nghiện ma túy và lây nhiễm HIV/AIDS.
Phòng 7 - Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy