Đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật về ma tuý

Thời gian qua, tội phạm về ma túy có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, số đối tượng, chủng loại và khối lượng các chất ma túy. Các đối tượng phạm tội về ma túy có xu hướng hình thành đường dây, tổ chức khép kín, hoạt động xuyên quốc gia, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng còn trang bị các loại vũ khí nóng, hoạt động có tính chất vũ trang, chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, đã gây ra rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong phòng, chống ma túy; ngày càng có nhiều loại ma túy mới xuất hiện, nhất là các loại ma túy tổng hợp.
08/11/2024 | Article Rating

Theo thống kê, trong 10 năm qua, trung bình hàng năm, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ trên 20.000 vụ với hơn 30.000 đối tượng; thu giữ khối lượng lớn chất ma túy và các vật chứng có liên quan. Ở trong nước, nguồn “cầu” tiêu thụ trái phép các chất ma túy rất lớn, gây áp lực không nhỏ đến công tác phòng, chống tội phạm ma túy. Tính đến tháng tháng 9/2024, toàn quốc có trên 226.000 người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện. Tệ nạn ma túy cũng là nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển các loại tệ nạn và tội phạm hình sự khác như: cướp tài sản, trộm cắp tài sản, giết người... Trong khi đó, công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện, quản lý sau cai nghiện còn một số bất cập do Luật Phòng, chống ma túy mới được triển khai, nhiều địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện.

Trước tình hình trên, hàng năm, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã xây dựng nhiều Kế hoạch về việc tổ chức thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy; chủ động triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt công tác điều tra cơ bản, xác định tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy; tập trung lực lượng áp dụng các biện pháp, đối sách nghiệp vụ chủ động phòng ngừa, đấu tranh và ngăn chặn tội phạm ma túy từ sớm, từ xa theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Bộ.

Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ thì biện pháp phòng ngừa xã hội giữ vai trò quan trọng trong việc góp phần từng bước ngăn chặn, kiềm chế, giảm tệ nạn và tội phạm ma túy. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy là một trong những công tác được ưu tiên hàng đầu. Nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật gồm đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy, một số chất ma túy thường gặp; tác hại của ma túy; phương thức thủ đoạn của tội phạm về ma túy và cách thức phòng, chống... Hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được đổi mới, đa dạng, phong phú, sáng tạo như: tổ chức tọa đàm; tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật; Cuộc thi Trường học không ma túy; xây dựng phim tài liệu, phóng sự; phát tờ rơi; Lễ phát động Giải chạy phong trào; triển lãm ảnh; biểu diễn văn nghệ quần chúng; tuần hành biểu dương lực lượng; dán tranh cổ động, pano, áp phích tại địa bàn dân cư; xây dựng các tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm, kịch ngắn về phòng, chống ma túy... Qua đó, giúp nhân dân nhận thức rõ công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với tệ nạn ma túy là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội.

Một số hoạt động tuyên truyền pháp luật về ma túy đã được triển khai theo các hình thức mới như:

Tổ chức thành công cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. Chỉ qua 3 tháng tổ chức, cuộc thi đã tạo ra sự lan tỏa, hiệu ứng lớn trong xã hội: có hơn 3,2 triệu lượt người dự thi theo hình thức trực tuyến; số bài thi tự luận gửi về Ban Tổ chức là gần 5.000 bài, trong đó có trường hợp cụ bà 81 tuổi, em học sinh lớp 4 (09 tuổi), nhiều thầy cô giáo tại các trường học, lao động công nhân tại các xí nghiệp, nhà máy, các chiến sỹ hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam… gửi bài dự thi. Qua đó từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân, nhất là thanh, thiếu niên trong công tác phòng, chống ma túy. Phối hợp với Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an với Bộ Giáo dục và đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy tại các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 - 2030.

Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi tìm hiểu Luật phòng, chống ma tuý

Phối hợp với đài truyền hình Việt Nam, các đơn vị chức năng tổ chức Chương trình “Trường học không ma tuý”, tuyên truyền tới học sinh, sinh viên về tác hại của ma tuý, các loại ma túy thường gặp, các quy định mới của pháp luật về phòng, chống ma túy. Cuộc thi dành cho đối tượng là học sinh cấp Trung học cơ sở; Trung học phổ thông, sinh viên Đại học tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại các buổi ghi hình, C04 và VTV đã mời các nghệ sỹ, cầu thủ, hoa hậu, diễn viên, người có sức ảnh hưởng với giới trẻ để truyền tải thông điệp về phòng, chống ma túy như: Hoa hậu H'Hen Nie, cầu thủ Quang Hải, thủ môn Bùi Tiến Dũng (đội tuyển quốc gia Việt Nam), diễn viên Xuân Nghị, Lan Phương, Trường Giang, Nhã Phương... Chương trình được phát sóng và đăng tải trên các nền tảng số của Đài truyền hình Việt Nam. Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình giao lưu, tọa đàm, phim tài liệu, phóng sự tuyên truyền. Tuyên truyền với nội dung “Cảnh giác trước sự tấn công của các loại ma túy mới” trong chuyên mục Tiêu điểm An ninh trật tự tại Đài Tiếng nói Việt Nam; vấn đề “nước vui” trên kênh Truyền hình ANTV... Xây dựng kịch bản và tổ chức cho các nhân vật có sức ảnh hưởng đối với giới trẻ (KOLs) như hoa hậu H’Hen Nie, Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc, diễn viên hài Trung ruồi, nhóm 1977Vlog, Tây ba lô... ghi hình, biên tập, phát hành các clip tuyên truyền về tác hại của ma tuý trên các trang mạng xã hội cá nhân và nhóm ảnh hưởng trên internet. Các clip được đăng tải đã tạo hiệu ứng tích cực mạnh mẽ được người dùng và các nhóm chia sẻ rộng rãi.

Lễ khai mạc và tuần hành hưởng ứng tháng hành động phòng, chống ma tuý

Tham mưu lãnh đạo Bộ phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Chương trình tuyên truyền phòng, chống ma túy với chủ đề “Chung một quyết tâm - Vì cộng đồng không ma túy” trên địa bàn thành phố Hà Nội, hưởng ứng tháng hành động phòng, chống ma túy trên địa bàn Thành phố Hà Nội - tháng 6/2024 với nhiều hoạt động như: lễ tuyên dương, vinh danh gương tiêu biểu trong công tác phòng, chống ma túy; lễ tuần hành, biểu dương lực lượng; triển lãm ảnh; biểu diễn nghệ thuật, giao lưu; giải chạy phong trào...

Phần trình diễn của các thí sinh tại cuộc thi "Trường học không ma tuý"

Các đơn vị nghiệp vụ thuộc C04, các tổ chức quần chúng Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn C04 tích cực phối hợp với Công an các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, việc vận động người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phòng, chống ma túy, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, các địa bàn xã biên giới, vùng sâu, vùng xa tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Hoà Bình, Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Dương...kết hợp với công tác thiện nguyện đã đem lại hiệu quả cao. Qua đó, thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia, tạo hiệu ứng tích cực cho người dân tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy.

Bên cạnh đó, Trang Thông tin điện tử C04 tại địa chỉ website: https://pcmatuy.bocongan.gov.vn được duy trì, cập nhật thường xuyên để thông tin, tuyên truyền về tình hình, kết quả công tác đấu tranh với tội phạm ma túy; hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy; tuyên truyền phòng, chống ma túy; gương điển hình tiên tiến trong phòng, chống ma túy và tiếp nhận, trả lời ý kiến đóng góp của nhân dân. Chỉ tính riêng năm 2024, đã hàng trăm tin, bài tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy được đăng tải trên Trang Thông tin điện tử.

Đặc biệt, trước diễn biến mới của tình hình tội phạm, nhất là tội phạm không gian mạng, C04 đã xây dựng chiến dịch tuyên truyền: Đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy lợi dụng không gian mạng để hoạt động với quy mô rộng lớn trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến hiện nay.

Quá trình triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ma túy, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Cán bộ thực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn hạn chế về số lượng và trình độ, năng lực. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ thực hiện công tác tuyên truyền còn chưa được quan tâm. Nguồn kinh phí cho công tác tuyên truyền còn ít. Cơ sở vật chất phục vụ công tác truyên truyền còn hạn chế. Do đó, mới tổ chức tuyên truyền pháp luật được ở một số ít địa phương, chưa tổ chức tuyên truyền được nhiều địa bàn, tỉnh thành trên cả nước.

Thời gian tới, cùng với xu thế hội nhập và phát triển của xã hội, dự báo tội phạm ma túy sẽ tiếp tục hoạt động với những phương thức thủ đoạn mới tinh vi hơn, táo bạo hơn; chúng không từ bất cứ thủ đoạn nào để che giấu hoạt động phạm tội cũng như đối phó lại lực lượng chức năng. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy sẽ tiếp tục cam go, phức tạp và quyết liệt để đạt được hiệu quả, đáp ứng được những mục tiêu, yêu cầu đề ra. Do đó, đòi hỏi công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải có những giải pháp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ cụ thể về tuyên truyền phòng, chống ma túy đã được đề ra trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, Chính Phủ, Bộ Công an như: Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết... để giải quyết căn cơ, hiệu quả tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy ngay từ cơ sở. Làm tốt công tác rà soát, thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường nguồn lực cho lực lượng Công an, Y tế, Lao động - Thương binh, Xã hội và các ban ngành, đoàn thể phục vụ công tác xác định tình trạng nghiện và công tác cai nghiện và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy hiệu quả. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung số lượng báo cáo viên pháp luật Trung ương nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới đặt ra.

Thứ hai, đẩy mạnh đa dạng hóa các nội dung, hình thức phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống ma túy. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, tập trung vào khung giờ thích hợp, nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Chú trọng xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục phòng, chống ma túy phù hợp với từng địa bàn, từng loại đối tượng khác nhau. Thường xuyên cập nhật và phổ biến cho người dân về các chất ma túy thường gặp,  tác hại của ma túy, phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, tạo sức “đề kháng”, chủ động phòng tránh ma túy thâm nhập vào đời sống, đặc biệt là nhận thức đúng về tính nguy hiểm và tác hại của các loại ma túy tổng hợp.

Thứ ba, tăng cường phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống ma túy, nêu cao tinh thần cảnh giác của mọi người dân, phát hiện, tố giác với lực lượng chức năng về đối tượng nghi vấn thực hiện các hành vi vi phạm về ma túy tại địa phương nơi mình sinh sống để kịp thời ngăn chặn. Thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng nhằm động viên kịp thời những điển hình tiêu biểu trong công tác phòng, chống ma túy.

Thứ tư, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống ma túy tại từng địa phương. Có chính sách  hỗ trợ, giúp đỡ người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện sau cai nghiện ma túy để họ sớm tái hòa nhập cộng đồng và sẽ không tiếp tục quay lại con đường phạm tội về ma túy. Quan tâm chăm sóc tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số, nhất là tại các địa bàn miền núi, khu vực biên giới, vùng dân tộc thiểu số không trồng cây có chứa chất ma túy, không tham gia mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy./.

Huyền Thương