Tuyến biên giới đất liền giữa Việt Nam – Trung Quốc có chiều dài hơn 1.449 km, trên tuyến có 7 cửa khẩu quốc tế, 13 cửa khẩu quốc gia và nhiều đường tiểu ngạch, đường mòn, lối mở, song suối… thuận tiện cho việc đi lại và hoạt động giao thương của người dân hai nước. Mật độ dân cư trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc khoảng hơn 5 triệu người, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí hạn chế nên dễ bị các đối tượng tội phạm dụ dỗ, lôi kém tham gia phạm tội về ma túy. Ngoài ra, các đối tượng tội phạm còn lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục Hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cảng, cửa khẩu để cất giấu, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới với phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, manh động… gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ.
Đại tá, TS Phạm Tuấn Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đảng Cảnh sát nhân dân I phát biểu tại hội thảo
Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công, Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai toàn diện, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tăng cường hợp tác về phòng, chống ma tuý; phối hợp đấu tranh triệt phá các đường dây tội phạm ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia; truy bắt nhiều đối tượng truy nã nguy hiểm, góp phần chuyển biến tình hình và chủ động phòng, chống ma túy từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Công an 7 tỉnh trên tuyền biên giới Việt Nam – Trung Quốc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh) đã phát hiện bắt giữ 2.171 vụ với 3.231 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 78 bánh và 51,3 kg heroin, 88,36 kg và 331.295 viên ma túy tổng hợp, 55,57 gam ketamin cùng nhiều loại ma túy khác; thu giữ 42 khẩu súng, hơn 400 triệu đồng và nhiều đồ vật, tài sản khác có giá trị.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên công tác phòng, chống tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc vẫn gặp một số khó khăn như: thành phần đối tượng phạm tội về ma túy đa dạng, hoạt động trên địa bàn rộng, vùng sâu, vùng xa và khu vực biên giới có địa hình đồi núi hiểm trở, đi lại khó khăn; trong khi lực lượng chức năng mỏng, phương tiện phục vụ đi lại, thông tin liên lạc, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác đấu tranh với tội phạm về ma túy chưa đáp ứng yêu cầu...
Phát biểu tại hội thảo, Đại tá, TS Phạm Tuấn Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đảng Cảnh sát nhân dân I cho rằng, hội thảo nhằm đánh giá thực trạng công tác phòng, chống tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc; những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Đồng thời, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác phòng, chống ma túy; bổ sung, phát triển lý luận, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Nhà trường.
Đại biểu tham luận tại Hội thảo
Tại hội thảo, đại diện Công an các đơn vị, địa phương đã đánh giá tình hình tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, qua đó phân tích, làm rõ thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, đưa ra các dự báo, xây dựng các đề xuất, giải pháp để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc … Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận những vấn đề lý luận và thực tiễn về phòng, chống ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo trong các trường Công an nhân dân. Làm rõ quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy với các lực lượng khác trong phòng, chống ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc…
Thiếu tướng Nguyễn Đức Thính, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phát biểu kết luận hội thảo
Phát biểu kết luận hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Đức Thính, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết: Ban Tổ chức nhận được 43 bài tham luận, những tham luận đăng trong kỷ yếu và trình bày trực tiếp tại hội thảo có nội dung khoa học phong phú, chất lượng tốt, phản ánh toàn diện và sâu sắc về chủ đề hội thảo. Hội thảo đã đánh giá thực trạng công tác phòng, chống tội phạm về ma túy và đưa ra những kiến nghị, đề xuất, giải pháp thiết thực, phù hợp góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Kết quả hội thảo có ý nghĩa thiết thực, là cơ sở để nghiên cứu, đề xuất những giải pháp có chất lượng góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc trong thời gian tới.
Đăng Khoa