Vai trò công tác tuyên truyền trong phòng, chống ma túy

30/12/2014 | Article Rating
Cùng cới xu hướng gia tăng của tệ nạn ma túy trên thế giới, những năm qua, tệ nạn và tội phạm ma túy ở Việt Nam luôn gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội. Tệ nạn và tội phạm ma túy có tác hại rất lớn đến kinh tế, chính trị, xã hội, hạnh phúc giống nòi, làm suy thoái về đạo đức, lối sống, là nguyên nhân dẫn đến các loại tội phạm như trộm cắp, cướp của giết người, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng,... Đồng thời cũng là nguyên nhân chính dẫn đến đại dịch HIV của thế giới.
Theo thống kê của tổ chức phòng, chống ma túy, thế giới có khoảng 250 triệu người nghiện, mỗi năm sử dụng hàng ngàn tấn ma túy các loại, gây thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD. Nhiều tổ chức tội phạm ma túy thế giới hình thành những băng đảng hoạt động công khai, trắng trợn, khống chế chính quyền làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhân dân lo lắng, nổi lên ở một số nước như Ý, Colombia, Mehico, Mianma, Afpakistan,...
Trước tình hình phức tạp của tệ nạn ma túy, ngày 13/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2434/QĐ-TTg ban hành kế hoạch thống kê người nghiện ma túy. Giao cho Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh xã hội, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch đầu tư và các địa phương rà soát thống kê người nghiện ma túy trên toàn quốc. Mục đích khắc phục và chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót trong công tác thống kê người nghiện ma túy, đánh giá đúng thực trạng số người nghiện ma túy, số người sử dụng trái phép chất ma túy trên toàn quốc, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch phòng, chống ma túy và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy.
Triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các cấp đã thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng, phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm và người nghiện ma túy. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, thể hiện sự quyết tâm rất cao như cử những đồng chí có trách nhiệm trong Thường vụ, BCH huyện ủy làm tổ trưởng các tổ trực tiếp xuống thôn bản, từng gia đình có người thân liên quan đến ma túy để tuyên truyền, động viên, thuyết phục yêu cầu cam kết từ bỏ ma túy, như ở Mộc Châu, Sơn La... Kết quả rà soát đến tháng 9/2014 toàn quốc có 204.377 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của lực lượng Công an, tăng 22.981 người (12,14%) so với cuối năm 2013 (nhưng thực tế số người sử dụng ma túy ở Việt Nam còn lớn hơn), theo quy luật có “Cầu” thì có “Cung”. Trước tình hình tội phạm và tệ nạn mat úy phức tạp, những năm qua, Đảng, Chính phủ có nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, giao trách nhiệm cho các Bộ, các ngành có trách nhiệm tuyên truyền về phòng, chống ma túy để nhân dân có nhận thức hiểu biết về pháp luật, tác hại, cách phòng, chống tội phạm ma túy. Các ngành, các cấp, báo chí nhất là lực lượng công an đã thấy rõ vai trò của công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy, nên đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp đồng loạt ra quân tuyên truyền về phòng, chống ma túy rất có hiệu quả. Ngoài việc tuyên truyền, lực lượng chức năng đã ra quân đánh mạnh, đánh trúng triệt xóa nhiều đường dây tụ điểm ma túy phức tạp. Năm 2014 đã bắt giữ 19.195 vụ, 28.887 đối tượng, thu 573,2kg heroin, 19,3kg cocain, 29,8kg thuốc phiện, 288,4kg cần sa khô, 1.248kg cần sa tươi, 231,2kg và 165.314 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều phương tiện tài sản khác Góp phần to lớn kiềm chế, làm giảm tình hình và tệ nạn ma túy, nhiều địa phương đã chủ động đầu tư kinh phí tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy có hiệu quả, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Ninh Bình,... Bên cạnh đó, vẫn còn một số địa phương chưa thấy hết được hiểm họa, tác hại của ma túy nên chủ quan, thiếu quan tâm chỉ đạo, chưa đầu tư kinh phí, chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền hoặc công tác tuyên truyền làm hình thức, theo thời vụ, chưa thường xuyên, chỉ làm vào tháng phòng, chống ma túy (tháng 6 hàng năm), giao phó cho lực lượng Công an, trong công tác tuyên truyền còn lúng túng.
Qua kinh nghiệm tuyên truyền phòng, chống ma túy của các địa phương, khẳng định công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy là việc làm hết sức cần thiết, không thể thiếu được. Đây là việc làm khó khăn, phức tạp, liên quan nhiều Bộ, Ngành. Theo phân công của Chính phủ, lực lượng Công an có trách nhiệm đấu tranh giảm “cung”, Bộ Lao động Thương binh xã hội có trách nhiệm đấu tranh giảm “cầu”, Bộ Y tế có trách nhiệm đấu tranh giảm tác hại (HIV). Chính vì vậy, phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy chính quyền các cấp, sự vào cuộc quyết liệt của các đoàn thể, các ngành, trong đó lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy là nòng cốt.
Kinh nghiệm của những địa phương làm điểm về công tác tuyên truyền rút ra cho chúng ta bài học quý giá:
- Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo vận động toàn dân tham gia “xây dựng địa bàn xã, huyện không ma túy” phải có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, cụ thể của cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Đi đôi với “xây dựng địa bàn xã, huyện không ma túy” phải đặc biệt quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong huyện, tạo lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền trong thời kỳ đổi mới.
- Với vai trò là nòng cốt, lực lượng Công an (PC47, PV28, Công an quận, huyện), Bộ đội Biên phòng phải chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lập kế hoạch giao trách nhiệm các đoàn thể, ban, ngành tổ chức thực hiện tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phong trào đấu tranh tố giác tội phạm.
- Cuộc vận động xây dựng địa bàn xã, huyện không có ma túy có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội to lớn, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc huy động sức mạnh toàn Đảng, toàn dân, tạo khí thế thi đua sôi nổi của các cấp, các ngành, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, đảm bảo vững chắc an ninh chính trị của địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
- Đối tượng tuyên truyền chủ yếu tập trung đào tạo tuyên truyền viên, đại diện trưởng các ban, ngành, đoàn thể của huyện, xã, cán bộ đảng viên tại các thôn bản, đây là những hạt nhân để vận động tuyên truyền giáo dục đến cộng đồng, người dân. Tuyên truyền nhân dân, học sinh sinh viên lứa tuổi từ 13-40, nhất là người nghiện ma túy, đối tượng có biểu hiện, liên quan đến phạm tội ma túy, đối tượng có biểu hiện, liên quan đến phạm tội ma túy. Nhằm giáo dục nhân dân, nâng cao nhận thức về pháp luật, về hậu quả, tác hại của ma túy, cách phòng ngừa, nội dung tuyên truyền phải phù hợp phong tục tập quán với từng đối tượng và địa bàn, tạo sự đồng thuận của nhân dân với Đảng, chính quyền về cuộc vận động này. Có như vậy thì mới thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia.
- Thông qua tuyên truyền vận động quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm ma túy đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với việc phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm nói chung, tội phạm ma túy nói riêng. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân – an ninh nhân dân vững chắc, hỗ trợ cho các phong trào cách mạng khác của địa phương phát triển.
- Việc tuyên truyền vận động nhân dân tham gia tố giác tội phạm phải kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, dòng họ, xã hội và các tín đồ chức sắc tôn giáo,... Có như vậy thì kết quả tuyên truyền mới thu được thành công.
- Qua công tác tuyên truyền đã đạt được kết quả quan trọng nhất, là hạn chế, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy, không để gia tăng người nghiện và đối tượng phạm tội ma túy, làm giảm các loại tội phạm trên địa bàn như ở Yên Mô, Ninh Bình, Tân Lạc, Hòa Bình. Nhiều đối tượng đã cai nghiện thành công.
- Phòng, chống ma túy là việc làm khó khăn phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, thậm chí phải hy sinh xương máu. Vì vậy, các lực lượng chức năng phải chủ động, kiên trì, tích cực làm thường xuyên, liên tục công tác tuyên truyền, phải làm ngay từ lúc tội phạm ma túy chưa phức tạp. Muốn tuyên truyền có hiệu quả, lực lượng Công an phải tích cực gọi hỏi, giáo dục cá biệt, để các đối tượng có liên quan phạm tội ma túy hoặc người nghiện thấy rõ tác hại hậu quả của ma túy; thấy rõ sai phạm của mình. Từ đó cam kết sửa chữa. Đồng thời phải tích cực điều tra cơ bản, bắt và xử lý triệt để các điểm, tụ điểm, đường dây ma túy phức tạp, xử lý những người nghiện tái phạm, đối tượng cố tình phạm tội, gieo rắc cái chết trắng cho xã hội.
Để công tác tuyên truyền có hiệu quả, chúng tôi xin trao đổi một số nội dung đề cương tuyên truyền về phòng, chống ma túy (Phần sau).

PVC