Bảo vệ giới trẻ trước hiểm họa của các loại ma tuý mới

Thời gian gần đây, ở nước ta xuất hiện ngày càng nhiều những loại ma tuý mới, ma tuý “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử…, đang tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Vì vậy, vấn đề đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma tuý lợi dụng các loại ma tuý mới để hoạt động phạm tội, nhằm bảo vệ giới trẻ đang đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức; nhưng cũng là nhiệm vụ quan trọng phải tập trung thực hiện.
17/04/2024 | Article Rating

Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy - Công an tỉnh Lạng Sơn tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy và tặng quà cho các em học sinh trên địa bàn các xã biên giới tỉnh Lạng Sơn

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tính đến cuối năm 2022, nước ta có khoảng 21 triệu thanh thiếu niên, chiếm gần 21% dân số và đang trong thời kỳ dân số vàng với số người ở độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao, là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, gia tăng sức lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh để bứt phá, phát triển nhanh. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên thì tình trạng tội phạm trẻ hoá đang có chiều hướng gia tăng, trong đó xuất hiện cả những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Đây là vấn đề đáng quan ngại bởi lẽ tội phạm trong thanh thiếu niên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cá nhân người phạm tội, làm đảo lộn cuộc sống không ít gia đình mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho cộng đồng. Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13 nghìn thanh thiếu niên vi phạm pháp luật; tỷ lệ gây án ở độ tuổi vị thành niên là 5,2%  đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Riêng trong lĩnh vực ma tuý, theo thống kê của lực lượng Công an, từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/5/2023, trong tổng số trên 136 nghìn đối tượng là thanh, thiếu niên phạm tội thì tội phạm về ma tuý chiếm gần 32%. Cả nước có gần 23 nghìn người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý và người đang quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý, thì khoảng 60% người sử dụng ma tuý lần đầu trong độ tuổi từ 15-25, trong đó nhiều em ở độ tuổi 13-15. Nghiêm tọng hơn, trong tổng số 95% người sử dụng ma tuý tổng hợp thì có tới 70-75% người trong độ tuổi từ 17-35 tuổi, chiếm tỷ lệ lớn là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Đây là nguyên nhân chính làm phát sinh người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý hàng năm, kéo theo đó là tình trạng mua bán, tổ chức, lôi kéo sử dụng và sử dụng ma tuý ma tuý trái phép trên địa bàn cả nước có nhiều diễn biến phức tạp; một số loại ma tuý mới, ma tuý “núp bóng” có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều, được rao bán bằng nhiều hình thức và phổ biến nhất là trên các trang mạng, nền tảng xã hội như Facebook, Zalo, Wechat, Telegram… gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội, đồng thời đặt ra rất nhiều thách thức đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng.

Nguyên nhân tội phạm và vi phạm pháp luật về ma tuý trong thanh thiếu niên diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng là do. Về chủ quan, đa phần là do thanh thiếu niên ở độ tuổi mới lớn, hiếu kỳ, tò mò, thích khám phá; tâm lý dễ kích động, dễ bị lôi kéo vào việc phạm tội hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý. Trong khi đa phần các em lại chưa được trang bị kiến thức pháp luật, thiếu hiểu biết, cho rằng sử dụng ma tuý, nhất là ma tuý tổng hợp không dễ mắc nghiện. Nguy hiểm hơn, đối tượng phạm tội ma tuý với thủ đoàn ngày càng tinh vi, xảo quyệt đã tìm mọi cách thức để lôi kéo thanh thiếu niên tham gia, tiếp tay cho các hành vi phạm tội về ma tuý hoặc tổ chức, sử dụng trái phép chất ma tuý.

Về khách quan, ngoài việc sử dụng các phương thức, thủ đoạn truyền thống (trực tiếp gặp gỡ rủ rê, lôi kéo), tội phạm ma tuý hiện nay đang có nhiều chuyển biến với những hình thức hoạt động mới, lợi dụng mọi thành tựu của khoa học, công nghệ để lôi kéo, dụ dỗ thanh thiếu niên tham gia các hoạt động mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Nguy hiểm hơn đã xuất hiện ngày càng nhiều loại ma tuý mới, thậm chí chưa có trong danh mục kiểm soát của Chính phủ được mua bán, sử dụng trái phép khiến công tác phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Gần đây đã xuất hiện nhiều loại ma tuý “núp bóng” dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thảo mộc (cỏ Mỹ). Chỉ trong năm 2023, toàn quốc phát hiện 05 chất ma tuý mới (cần sa tổng hợp) chưa có trong danh mục các chất ma tuý và tiền chất quy định tại Nghị định 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ. Cùng với đó, Uỷ ban Kiểm soát ma tuý thế giới cũng đã có nghị quyết đưa 16 chất ma tuý mới vào danh mục quản lý, nhưng chưa có trong danh mục chất ma tuý của nước ta đã vô tình tạo ra “kẽ hở” pháp lý nhất định để các đối tượng lợi dụng.

Kết quả đấu tranh, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/12/2023, toàn quốc phát hiện, bắt giữ 442 vụ, 808 đối tượng có liên quan đến các loại ma tuý “núp bóng” và thuốc lá điện tử. Trong đó, đã khởi tố 345 vụ án, hơn 600 bị can phạm tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma tuý dạng “núp bóng” (tăng gần 7 lần so với năm 2022). Điển hình như năm 2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý phát hiện, đấu tranh khám phá thành công vụ pha chế, đống gói “nước vui” ở TP Hồ Chí Minh. Cơ quan điều tra đã bắt, khởi tố 07 đối tượng, thu 217 kg ma tuý tổng hợp, 208 kg vỏ bao bì cùng nhiều dụng cụ, phương tiện dùng để pha trộn, đóng gói ma tuý. Ước tính với số bao bì trên, các đối tượng có thể đóng gói 01 tấn ma tuý “nước vui”. Hay vụ tháng 11/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đấu tranh, khám phá thành công vụ pha chế, sản xuất thuốc lá điện tử có tinh dầu cần sa tổng hợp xảy ra tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Kết quả cơ quan điều tra đã bắt, khởi tố 06 đối tượng, thu giữ 3.600 điếu thuốc lá điện tử, hơn 84 lít dung dịch ma tuý, hoá chất hoặc vụ phun tẩm, tạo ra hơn 250 kg ma tuý dạng “cỏ Mỹ” tại Nha Trang, Khánh Hoà… Qua đấu tranh, có thể thấy các loại ma tuý mới, ma tuý “núp bóng” được tạo ra với nhiều tên gọi, mẫu mã, chất ma tuý khác nhau, chủ yếu tồn tại dưới dạng thực phẩm, đồ uống (bánh kẹo, coffe, nước vui, nước hoa quả, nước đông trùng…); dạng thuốc lá dùng để hút (thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới), thuốc lá điếu, thuốc lá sợi, thảo mộc khô và dạng sản phẩm chức năng chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp, trong đó:

Ma tuý tổng hợp dạng truyền thống như Methamphetamine, Ketamin, Bromazepam, Nimetazepam, GHB (nước biển)… thường được dùng để tạo ra đồ uống như “nước vui”, nước dâu, cà phê (White Coffee) Chali… Việc sử dụng các sản phẩm ma tuý “núp bóng” đồ uống này thường kèm với môi trường có âm thanh, ánh sáng thích hợp, đi theo nhóm. Do đó chủ yếu được sử dụng ở vũ trường, quán bar, karaoke hay trong các căn hộ cao cấp, resort được trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng tốt. Cần sa (THC), cần sa tổng hợp (ADB-BUTINACA, MDMB-4en-PINACA, XLR-11…) tạo ra các loại ma tuý “núp bóng” là: bánh kẹo, thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu, thuốc lá sợi, thảo mộc (hay gọi là cỏ Mỹ) và sản phẩm chức năng chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp. Việc sử dụng các loại này có thể diễn ra ở bất kỳ đâu, như: Quán bar, cà phê, quán nước…

Qua báo cáo của Công an các đơn vị, địa phương và kết quả công tác nắm tình hình, đấu tranh, bắt giữ các vụ việc gần đây cho thấy: Hoạt động mua bán, sử dụng ma tuý “núp bóng” diễn ra chủ yếu ở khu vực thành phố, thị xã, nhất là các trung tâm lớn; đối tượng mua bán, sử dụng hầu hết là giới trẻ, trong đó có cả trẻ vị thành niên. Đây là thực trạng nhức nhối, đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết đối với các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an, các nhà trường, đoàn thanh niên cũng như các gia đình. Nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ gây ra những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng tới sức khoẻ, trí tuệ bản thân người sử dụng, gây thiệt hại về kinh tế và mất trật tự an toàn xã hội. Nghiêm trọng hơn, tình trạng giới trẻ sử dụng ma tuý tổng hợp bị loạn thần “ngáo đá” đang có xu hướng tăng, gây ra các vụ phạm tội và vi phạm pháp luật, có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Năm 2023, số người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy có biểu hiện loạn thần “ngáo đá”  là 1.459 người (chiếm 0,68 % trong tổng số người sử dụng, người nghiện ma túy). Số vụ phạm tội hình sự (giết người, cố ý gây thương tích…) do người sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần “ngáo đá” gây ra là 21 vụ, đang là một thực trạng rất đáng báo động trong thời gian qua.

Vì vậy, phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma tuý trong thanh thiếu niên, đặc biệt là việc bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm hoạ của các loại ma tuý mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của cả hệ thống chính trị; trong đó phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an các cấp. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trước mắt các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương, nhất là cấp cơ sở cần tập trung thực hiện hiệu quả một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý cho thanh thiếu niên. Trọng tâm là việc thực hiện Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của thanh thiếu niên, học sinh sinh viên, gia đình, nhà trường… đối với công tác phòng, chống ma tuý. Phổ biến kiến thức về tác hại, hậu quả của ma tuý và tệ nạn nghiện ma tuý, nhất là các loại ma tuý mới, ma tuý “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử… đối với bản thân người sử dụng, gia đình, cộng đồng và xã hội. Không ngừng đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền như thông qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Telegram…), nhắn tin trên các nền tảng di động để người nghe dễ nhận biết, tiếp cận.

Hai là, triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống ma tuý trong thanh, thiếu niên đến năm 2023 của Chính phủ bằng các hoạt động, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện cho được mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma tuý trong thanh, thiếu niên; giảm số lượng thanh, thiếu niên sử dụng ma tuý trái phép, nghiện ma tuý, vi phạm pháp luật về ma tuý hàng năm, góp phần xây dựng thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam phát triển toàn diện. Bởi chỉ khi xây dựng được một thế hệ những người trẻ, thanh thiếu niên lành mạnh, sống có lý tưởng, chúng ta mới có thể tạo được “phòng tuyến” vững chắc để ngăn chặn hiểm hoạ ma tuý.

Ba là, các lực lượng chức năng, chủ công là lực lượng Công an cần thực hiện tốt công tác nắm tình hình, đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma tuý nói chung, tội phạm ma tuý trong giới trẻ nói riêng. Trước mắt cần tập trung thực hiện các mục tiêu giảm cung - giảm cầu về ma tuý thông qua việc phát hiện, đấu tranh với các đường dây, tổ chức tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển, chứa chấp, lôi kéo tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý; nhất là việc lợi dụng các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự để hoạt động phạm tội. Song song với đó là thực hiện tốt công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý là thanh, thiếu niên để họ chấm dứt việc sử dụng ma tuý và không mắc nghiện; công tác lập hồ sơ đưa người đi cai nghiện và phối hợp thực hiện công tác cai nghiện, quản lý sau cai.

Bốn là, đối với các loại ma tuý mới xuất hiện trên thế giới hoặc ở Việt Nam nhưng chưa có trong danh mục các chất ma tuý của Chính phủ; các loại ma tuý “núp bóng” khi phát hiện, lực lượng Công an cần kịp thời thông báo cho các lực lượng chuyên trách (Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan), nhất là cấp cơ sở để chủ động nhận diện, đấu tranh; tổ chức thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân, đặc biệt là giới trẻ cảnh giác, không lạm dụng. Đồng thời khẩn trương đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật quy định Danh mục các chất ma tuý và tiền chất, không để “kẻ hở” để tội phạm lợi dụng và tạo hành lang pháp lý vững chắc phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng./.

Minh Anh