Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của UBQG.
Việc thực hiện Luật đã góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy; nâng cao nguồn lực và củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, qua đó chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy. Đáng chú ý, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã công bố danh sách cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện; 61% số xã trong toàn quốc có cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện, đạt được chỉ tiêu đề ra. Trình tự, thủ tục lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chi tiết, đơn giản, rút gọn, phù hợp với thực tiễn.
Công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng trước khi Luật ban hành là một hạn chế trong công tác “giảm cầu” nói cung đã có nhiều chuyển biến. Số đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng tăng 932% (tương ứng với hơn 400 đơn vị). Một số địa phương có cách làm hay, sáng tạo để khắc phục khó khăn như giao cho các Trung tâm y tế là cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; thành lập Điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng...
Đối với vấn đề “giảm cung”, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Bộ Công an) và các Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát Biển đã tăng cường phối hợp theo quy định của Luật Phòng, chống ma tuý và các văn bản pháp luật liên quan. Thường xuyên trao đổi thông tin, nắm tình hình địa bàn; trực tiếp phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm góp phần ngăn chặn hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu từ nước ngoài vào trong nước và địa bàn nội địa. Riêng trong năm 2023, các Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy đã phối hợp phát hiện, bắt giữ trên 680 vụ với hơn 1.000 đối tượng; thu giữ trên 900 kg heroin; 1.226kg và gần 630 nghìn viên ma tuý tổng hợp cùng nhiều phương tiện, tài sản có liên quan.
Tuy nhiên, qua 02 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản quy định chi tiết, các địa phương, tập trung ở cấp cơ sở đã gặp một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể như:
Các địa phương đều gặp khó khăn về việc bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương phục vụ công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy. Cơ quan có thẩm quyền chưa xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn nội dung chi và mức chi trong hoạt động quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy. Trong khi Nghị quyết Hội đồng nhân dân của các địa phương chủ yếu ưu tiên hỗ trợ công tác cai nghiện (phục vụ công tác giảm cầu), chưa quan tâm đúng mức hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (Công an, Biên phòng, Hải Quan, Cảnh sát biển). Mặt khác, nguồn ngân sách của địa phương còn hạn chế, tập trung đầu tư nhiều nhiệm vụ khác để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Trong công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, lực lượng chức năng ở một số địa phương chưa chủ động thu thập thông tin, tài liệu về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy để tham mưu UBND cấp xã ra Quyết định áp dụng biện pháp quản lý. Việc quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy ra khỏi địa bàn, người sử dụng trái phép chất ma túy ma túy không nơi cư trú ổn định gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, tư vấn, giáo dục, động viên, quản lý phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.
Các học viên tại Cơ sở cai nghiện ma tuý số 7, TP Hà Nội học văn hoá
Hiện nay, nhiều cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa được công nhận có đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức cai nghiện hoặc xác định tình trạng nghiện đối với đối tượng tạm thời lưu trú tại cơ sở trong thời gian thực hiện các thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc. Công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hiệu quả thấp; số đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức cá nhân đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chưa đáp ứng được yêu cầu. Có tình trạng người nghiện đăng ký cai nghiện nhưng không có cơ sở tiếp nhận do chưa có cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng trong khi cơ sở cai nghiện công lập đang quá tải, tạm dừng không tiếp nhận cai nghiện tự nguyện. Việc xây dựng hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chưa thu hút được đầu tư từ tổ chức, cá nhân ngoài công lập; các đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp huyện rất ít hoặc không đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn về cai nghiện; đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ cai nghiện tự nguyện ở cấp xã còn thiếu, chưa được đào tạo, tập huấn về quy trình nên việc triển khai gặp khó khăn. Hơn nữa, việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng người nghiện phải trả phí dịch vụ, trong khi đa phần người nghiện rất khó khăn về kinh tế.
Bên cạnh đó, cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện chưa được các tổ chức cá nhân chưa quan tâm đầu tư dẫn đến tình trạng: Luật có quy định, nhưng người nghiện không có điều kiện hoặc ít chọn hình thức cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện. Các doanh nghiệp không có lợi nhuận thu từ dịch vụ cai nghiện ma túy, người nghiện đa phần thuộc người nghèo, không tự chi trả được các chi phí cai nghiện; hơn nữa Nhà nước, chính quyền các địa phương chưa có chính sách cụ thể miễn, giảm tiền thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tập thể, cá nhân đầu tư vào công tác này nên không thu hút họ tham gia.
Cơ sở cai nghiện công lập là đơn vị “chủ lực” trong công tác cai nghiện của cả nước. Tuy nhiên, mạng lưới cơ sơ cai nghiện công lập không đồng đều giữa các địa phương. Cùng với các tỉnh Hậu Giang, Đắc Nông và Kon Tum chưa có cơ sở cai nghiện ma tuý công lập, nhiều địa phương chưa bố trí được nguồn vốn phục vụ xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở cai nghiện công lập do nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã phân bổ xong. Dẫn đến tình trạng một số địa phương bị thiếu cục bộ, quá tải về công suất chứa. Trong khi hiện nay, số người nghiện lập hồ sơ đi cai nghiện bắt buộc tăng cao, dự báo tiếp tục xảy ra tình trạng quá tải ở nhiều tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc trong thời gian tới.
Đối với công tác quản lý sau cai, người nghiện ma túy không khai báo khi hoàn thành cai nghiện, bỏ đi khỏi địa phương nên công tác quản lý sau cai và lập hồ sơ đưa vào danh sách quản lý sau cai gặp khó khăn. Việc hỗ trợ trong quá trình quản lý sau cai nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng chưa được quan tâm đầu tư, chưa có biện pháp, mô hình tốt giúp đỡ người sau cai nghiện dẫn đến tỷ lệ tái nghiện cao. Đáng chú ý, đối với người sau cai nghiện không có nơi cư trú ổn định, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng rất khó khăn trong công tác quản lý.
Bên cạnh đó, việc quản lý người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone chưa có chuyển biến rõ rệt. Các cơ sở điều trị nghiện chưa tích cực phối hợp xác định tình trạng nghiện cho người đang tham gia điều trị nghiện; chưa cung cấp thông tin về người điều trị cho lực lượng Công an cùng cấp dẫn đến tình trạng sót lọt, thống kê không chính xác số người nghiện trên địa bàn khi không có trong danh sách quản lý.
Trong thời gian tới, do những tác động của thế giới và khu vực, tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý ở Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp. Hoạt động tổ chức, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý tại các điểm, tụ điểm, các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ “nhạy cảm” chưa có dấu hiệu suy giảm dẫn đến số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý có xu hướng tăng. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản quy định chi tiết góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma tuý, cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng và mọi người dân cần tập trung chỉ đạo và làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Luật Phòng, chống ma túy tại Công an các địa phương nhất là tại các địa phương có tình hình tội phạm ma tuý diễn biến phức tạp, số người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy giảm sâu, đánh giá đúng thực chất tình hình, chỉ rõ nguyên nhân.
Hai là, rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống ma tuý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Trọng tâm là vấn đề xác định tình trạng nghiện; cai nghiện tự nguyện
tại gia đình, cộng đồng; cai nghiện bằng thuốc thay thế; kinh phí chi cho công tác cai nghiện và quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý. Đánh giá cụ thể việc bố trí nguồn lực, kinh phí cho công tác phòng, chống ma túy của địa phương làm cơ sở phục vụ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Ba là, tiếp tục phát huy hiệu quả tác tuyên truyền phòng chống ma túy, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhằm hạn chế phát sinh người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy mới, giảm “nguồn cầu” về ma túy. Rà soát, đánh giá các mô hình phòng, chống ma túy trên toàn quốc, xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong công tác phòng, chống ma túy. Chú trọng xây dựng mô hình xã, phường, thị trấn sạch về ma túy, tiến tới huyện sạch ma túy.
Bốn là, tiếp tục rà soát, thống kê, phúc tra chính xác số liệu người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy. Cập nhập đầy đủ, thường xuyên danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy phấn đấu năm 2024 phải cập nhật được 90% danh sách người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện lên phần mềm quản lý đối tượng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Năm là, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện các biện pháp xác định tình trạng nghiện, cai nghiện và lập hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tăng cường các giải pháp giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng; thực hiện chính sách cho vay vốn, đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người quản lý sau cai nghiện. Khảo sát, đánh giá nâng cấp cơ sở cai nghiện bắt buộc đảm bảo theo đúng tiêu chí của Luật Phòng, chống ma túy. Trước mắt các địa phương cần dự báo sự gia tăng việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, chủ động lên phương án để đáp ứng, đồng thời có kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng quá tải, người nghiện bỏ trốn.
Nhật Nam