Những kết quả nổi bật sau 02 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy

Trong 02 năm qua, Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết đã được cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, các ngành và toàn dân quan tâm, quyết liệt triển khai thực hiện đã từng bước phát huy hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý vững chắc giúp công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ngày, góp phần đảm bảo an ninh trật tự.
04/03/2024 | Article Rating

Công tác triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện từ Trung ương tới địa phương. Ngay từ khi các văn bản chuẩn bị có hiệu lực (ngày 01/01/2022), Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai thực hiện. Ngày 20/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 365/CĐ-TTg  chỉ đạo, đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác xác định tình trạng nghiện ma túy và cai nghiện ma túy theo Luật Phòng, chống ma túy (Công điện 365). Bộ Công an cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống ma túy với sự tham dự, chỉ đạo của đồng chí Thủ tướng Chính phủ.

 

Lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Y tế trao giải Đặc biệt cho hai cá nhân tham gia Cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống ma tuý

Để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma tuý quyết liệt, hiệu quả, ngày 29/4/2023, Bộ Công an ban hành Điện mật số 31 chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với các ngành chủ động tham mưu cho UBND trình HĐND cấp tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ cho công tác phòng, chống ma túy trên cả hai phương diện "giảm cung" và "giảm cầu" từ ngân sách địa phương, đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy ở từng cấp.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Bộ Công an được giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma tuý, ngày 07/6/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (C04) đã ban hành Điện đề nghị đồng chí Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm một số nội dung để  tập trung thực hiện. Cử lãnh đạo tham gia khảo sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy do Ủy ban Xã hội của Quốc hội chủ trì tại các đơn vị, địa phương nhằm kịp thời đánh giá tình hình, kết quả đạt được, phát huy những ưu điểm; phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống ma túy. Đồng thời tổ chức các cuộc làm việc với Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định tình trạng nghiện, công tác cai nghiện, bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy. 
Bên cạnh đó, C04 đã xây dựng và ban hành Hướng dẫn số 2939/HD-C04 ngày 10/8/2022, hướng dẫn chi tiết công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, lập hồ sơ cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; biên soạn 03 cuốn tài liệu: (1)Tài liệu hỏi đáp về pháp luật Phòng, chống ma túy; (2) Hướng dẫn chi tiết công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, lập hồ sơ cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; (3) Hệ thống các văn bản của Đảng và pháp luật về phòng, chống ma túy, cấp phát xuống tận cấp xã để các lực lượng nghiên cứu thực hiện. Tham mưu lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất trong đó đã bổ sung 03 tiền chất và 17 chất ma túy mới.
 Công an các đơn vị, địa phương đã phát huy tốt vai trò là Cơ quan thường trực phòng, chống ma túy, chủ động phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho UBND các cấp chỉ đạo tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung của Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản quy định chi tiết theo chức năng, nhiệm vụ; ban hành Quy chế phối hợp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, phối hợp thực hiện xác định tình trạng nghiện và quản lý người sau cai nghiện trên địa bàn; xây dựng Hướng dẫn, quy trình công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và cai nghiện ma túy hướng dẫn đến cấp x. Đồng thời tổ chức họp liên ngành Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế thống nhất các nội dung liên quan đến quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, công tác cai nghiện...
Kết quả 100% các địa phương đã hoàn thành kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. 08 tỉnh, thành phố có quyết định thành lập riêng Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách trong công tác phòng, chống ma tuý; nhất là xác định tình trạng nghiện, cai nghiện và vấn đề đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện và người sau cai nghiện ma túy. Ban hành quy chế hoạt động đảm bảo phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với mỗi thành viên, không để tình trạng “khoán trắng” cho lực lượng Công an trong công tác phòng, chống ma túy. 
Đáng chú ý, để tạo nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy, đến nay 56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng nhân dân đã ban hành Nghị quyết chính sách về phòng, chống ma túy, trọng tâm là bố trí kinh phí cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy. 07 địa phương còn lại gồm: TP.Cần Thơ, Bình Thuận, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bắc Ninh, Đắk Nông hàng năm đều bố trí nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống ma túy (tham mưu UBND ban hành các đề án đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống ma túy) nên chưa tham mưu đề xuất ban hành Nghị quyết riêng.
Kết qua, sau 02 năm quyết liệt triển khai Luật Phòng, chống ma tuý và các văn bản quy định chi tiết, công tác phòng, chống ma túy cũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các địa phương từ tỉnh đến cơ sở. Trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy đã được nâng lên một bước, có sự chuyển biến tích cực, thể hiện thông qua các hoạt động: tuyên truyền, giáo dục thành viên, người thân trong gia đình về tác hại của ma túy; hợp tác với các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; tích cực tham gia tố giác tội phạm về ma tuý, giúp lực lượng chức năng triệt xoá nhiều tụ điểm phức tạp về ma tuý; cung cấp nhiều thông tin về người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma tuý; hỗ trợ công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; theo dõi giúp đỡ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, phòng, chống tái nghiện ma túy. 
Bên cạnh đó, công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy từng bước đi vào nề nếp. Công an các địa phương phát huy vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác liên ngành, chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định kiện toàn Tổ công tác liên ngành và có quy chế hoạt động. Thường xuyên tổ chức tập huấn tuyên truyền pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn. Hiện toàn quốc có khoảng 1.000 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng chưa phát hiện, xử lý hình sự vụ việc nào liên quan đến lĩnh vực này.
Đặc biệt, các mặt công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện và quản lý người nghiện ma tuý sau cai đã được triển hiện hiệu quả theo quy định của Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Công an các địa phương đã tham mưu Chủ tịch UBND ban hành Quy chế phối hợp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, qua đó công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được thực hiện theo một quy trình cụ thể, thống nhất, chặt chẽ. Công tác cai nghiện được thực hiện theo đúng quy trình, thuận lợi hơn trong việc đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc và có chính sách đảm bảo quyền lợi cho người cai nghiện. Hiện nay cả nước có 43.748 người sử dụng trái phép chất ma túy; 170.521 người nghiện ma túy và 14.996  người bị quản lý sau cai nghiện ma túy. Đây là số liệu được thống kê theo đúng quy định của Luật Phòng, chống ma tuý, qua đó giúp cơ quan chức năng chủ động triển khai các giải pháp để “giảm cầu” ma tuý hiệu quả hơn so với thời gian trước đây.
Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Bộ Công an) và các Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát Biển đã tăng cường phối hợp theo quy định pháp luật thông qua việc: Phối hợp tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống ma tuý, vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm; thường xuyên trao đổi thông tin, nắm tình hình địa bàn; trực tiếp phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy; đấu tranh, bắt giữ, xử lý tội phạm về ma tuý góp phần ngăn chặn hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu từ nước ngoài vào trong nước và địa bàn nội địa. Riêng trong năm 2023, các Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy đã phối hợp phát hiện, bắt giữ trên 680 vụ với hơn 1.000 đối tượng; thu giữ trên 900 kg heroin; 1.226kg và gần 630 nghìn viên ma tuý tổng hợp.
Có thể khẳng định, những kết quả tích cực từ việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong 02 năm qua đã từng bước ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với tội phạm và tệ nạn ma tuý, bảo đảm vững chắc an ninh, trật tự an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước./.
                                                                                                                                                                                        Nhật Nam