Phòng ngừa tội phạm do người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần, “ngáo đá” gây ra trên địa bàn các tỉnh phía Nam

Thời gian qua, tại các tỉnh khu vực phía Nam liên tiếp xảy ra các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự; trong đó có những vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do đối tượng là người sử dụng trái phép chất ma túy bị loạn thần “ngáo đá” gây ra. Đây là vấn đề đang đặt ra nhiều thách thức với các cơ quan chức năng trong việc đề ra các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn.
22/09/2023 | Article Rating

Người bị loạn thần gây trọng án

Vô cớ giết người, trong đó có cả người thân, cố ý gây thương tích trong trạng thái không ý thức được hành vi do loạn thần, “ngáo đá” vì sử dụng ma túy tổng hợp là tình trạng xảy ra trong rất nhiều vụ trọng án tại địa bàn các tỉnh phía Nam, điển hình như: Hồi 12h 30 phút ngày 04/7/2023, tại quán cà phê Lý, ở Phường 3, TP Tân An, tỉnh Long An, chị Hoàng Thị Hường, SN 1967 trú tại  Phường 4 cùng thành phố đang ngồi uống cà phê với hai người bạn thị bất ngờ bị đối tượng Phạm Tấn Lợi, SN 1996, trú tại Phường 3 ngồi ở bàn bên cạnh lấy  ly trà đá bằng thủy tinh ném về phía bàn chị ngồi nhưng không trúng. Không dừng lại, Lợi lấy ra một cây kim loại màu trắng (cây xăm gạo) đâm 02 nhát theo hướng từ trên xuống vào lưng trái của chị Hường rồi thản nhiên ra lấy xe máy chạy về nhà ngủ. Sau đó đối tượng bị cơ quan Công an khởi tố, bắt tạm giam về hành vi Cố ý gây thương tích. Qua kiểm tra, phát hiện Phạm Tấn Lợi dương tính với ma túy tổng hợp, có biểu hiện loạn thần “ngáo đá”.

Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội khống chế đối tượng “ngáo đá” gây rối ANTT trên đường phố

Tại tỉnh Đồng Nai, ngày 16/6/2023 đã xảy ra vụ giết người thân do đối tượng “ngáo đá” gây nên. Vào hồi 23h 45 phút cùng ngày, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đồng Nai nhận được tin báo của Công an huyện Nhơn Trạch về việc: Công an xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch phát hiện đối tượng Đào Anh Tuấn, SN 1984, trú tại thị trấn Hiệp Phước nghi bị “ngáo đá” đang la hét ngoài đường. Lực lượng Công an xã đã tiến hành khống chế đối tượng, đưa về trụ sở, sau đó đưa đối tượng về nơi ở tại xã Phước Thiền để kiểm tra thì phát hiện ông Đào Văn Gấm, SN 1961 (là cha đẻ và hiện đang sinh sống cùng Tuấn) nằm bất động trên xe lăn dành cho người khuyết tật. Qua khám nghiệm, phát hiện ông Gấm đã chết, trong miệng nhét đầy giấy vệ sinh. Cơ quan Công an xác định Tuấn đã gây ra vụ án trên nên đưa đối tượng đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 để điều trị, theo dõi và tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật.

Cũng tại tỉnh Đồng Nai, trước đó ngày 10/5/2023, đối tượng Nguyễn Thanh Quý, SN 1972, trú tại phường Quang Vinh, TP Biên Hòa xin tiền mẹ ruột là bà Hà Thị Ngọc Thủy để đi ăn sáng, nhưng bà Thủy không cho. Sau đó đối tượng lấy dao gọt hoa quả, đi sang nhà hàng xóm là anh Đào Anh Quang chửi bới, dùng đá ném vỡ kính cửa; giật dây chuyền của bà Đinh Thị Mỹ Thu (là mẹ của anh Quang) lúc này đang đứng trước cửa nhà. Khi bà Thủy biết chuyện chạy sang can ngăn thì dối tượng dùng dao đâm vào vùng ngực làm bà tử vong tại chỗ. Công an TP Biên Hòa đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ đối tượng; tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Thanh Quý về tội Giết người.

Trên đây chỉ là 3 trong số hàng chục vụ việc phức tạp về ANTT xảy ra trong thời gian gần đây tại địa bàn các tỉnh phía Nam do đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy bị loạn thần, “ngáo đá” gây ra. Đây thực sự là vấn đề rất đáng báo động do đối tượng này rất khó quản lý, hơn nữa hành động bộc phát, không có quy luật nên việc ngăn chặn, phòng ngừa rất khó khăn. Vì vậy, đã có nhiều vụ việc người dân vô cớ bị tấn công gây thương tích, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng gây lo lắng cho người dân ở các địa bàn có người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy bị loạn thần, “ngáo đá” sinh sống.

Chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn

Theo báo cáo kết quả thực hiện Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản quy định chi tiết 6 tháng đầu năm 2023 của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, toàn quốc hiện có trên 175 nghìn người nghiện; trên 46 nghìn người sử dụng trái phép chất ma túy; trong đó số người sử dụng trái phép chất ma túy có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá” là 1.213 người (chiếm 0,54% trong tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy). Số vụ phạm tội hình sự (giết người, cố ý gây thương tích….) do đối tượng này gây ra là 13 vụ. Đáng chú ý, tại địa bàn các tỉnh phía Nam, tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp chiếm từ 80 đến 90% trong tổng số của người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến tình trạng loạn thần, “ngáo đá” diễn ra rất phức tạp. Chỉ tính riêng TP Hồ Chí Minh hiện đang quản lý 333 đối tượng; Bà Rịa- Vũng Tàu gần 100 đối tượng; các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang quản lý gần 100 đối tượng loạn thần, “ngáo đá” do sử dụng ma túy; gây ra hơn 100 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật trong năm 2022, trong đó có nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người.

Lạng Sơn thí điểm xét nghiệm ma túy trong cơ thể (thông qua xét nghiệm nước tiểu) cho thanh thiếu niên, học sinh trong trường học

Thực hiện Luật Phòng, chống ma túy và các hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Công an, thời gian qua Công an các địa phương phía Nam đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa người sử dụng trái phép chất ma túy có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá” xâm phạm trật tự xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn chưa thực sự hiệu quả, một số nơi còn mang tính hình thức; lực lượng Công an cấp xã không nắm chắc diễn biến, hoạt động của đối tượng; không phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, các ban, ngành đoàn thể trong quản lý địa bàn, quản lý đối tượng để xảy ra các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, vấn đề rà soát, thống kê và có biện pháp quản lý số đối tượng này, phòng ngừa, ngăn chặn gây ra các vụ việc phức tạp về ANTT là rất cấp bách trong giai đoạn hiện nay, khi mà tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp đã cơ bản thay thế các loại ma túy truyền thống và ngày càng lan rộng trong mọi thành phần, lứa tuổi.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các tội phạm và vi phạm pháp luật do người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy tổng hợp bị loạn thần, “ngáo đá” gây ra tại địa bàn các tỉnh phía Nam nói riêng, toàn quốc nói chung, các lực lượng chức năng, chủ công là Công an các cơ sở (cấp xã) cần thực hiện tốt một số giải pháp như:

Tiếp tục thực hiện các phương án, chuyên đề, hướng dẫn của Bộ Công an liên quan đến công tác nghiệp vụ cơ bản, đặc biệt là đối với lực lượng Công an cấp huyện, cấp xã. Thường xuyên rà soát, phát hiện và áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả đối với người sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá”. Tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát hình sự và lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trong quản lý đối tượng này; phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong quản lý người mắc bệnh tâm thần có nguy cơ phạm tội. Khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm khắc các đối tượng loạn thần, “ngáo đá” do sử dụng ma túy tổng hợp gây ra các vụ việc xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân buông lỏng quản lý địa bàn, đối tượng để xảy ra các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biêt nghiêm trọng.

Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia công tác cai nghiện, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Chủ động nhận biết người sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá” để thông báo cho lực lượng chức năng có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ, kể cả đó la người thân trong gia đình. Đồng thời trang bị cho họ các kỹ năng cần thiết để xử lý các tình huống, bảo đảm an toàn cho bản thân và người dân khi phải đối mặt với đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần, người mắc bệnh tâm thần có nguy cơ phạm tội./.

Nhật Nam