Xu hướng ma túy thế giới và những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống ở Việt Nam

Do những tác động của xung đột vũ trang, bất ổn chính trị, kinh tế- xã hội tại nhiều quốc gia, khu vực, năm 2023 tình hình ma túy thế giới có những biến động tiêu cực, nổi lên là sự gia tăng số người sử dụng trái phép chất ma túy; hoạt động sản xuất thuốc phiện, cocain, ma túy tổng hợp và các chất hướng thần xảy ra tại nhiều nơi. Đặc biệt là vấn đề sử dụng internet, mạng xã hội và các ứng dụng truyền thông được mã hóa để giao dịch, mua bán ma túy theo những cách thức mới rất khó kiểm soát.
05/09/2023 | Article Rating

Tình hình ma túy thế giới và một số xu hướng mới nổi

Số liệu khảo sát của Cơ quan Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) công bố tháng 8/2023 cho biết: Số người sử dụng ma túy tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trên toàn thế giới, từ 240 triệu người năm 2011 lên 296 triệu người vào năm 2023 (tương đương 5,8% dân số toàn cầu trong độ tuổi 15–64). Trong đó, cần sa là loại ma túy được sử dụng nhiều nhất, ước tính khoảng 219 triệu người; 36 triệu người sử dụng amphetamine; 22 triệu người sử dụng cocaine và 20 triệu người đã sử dụng các chất dạng “thuốc lắc”. Số lượng người tiêm chích ma túy ở mức cao, 13,2 triệu người, tăng 18% so với năm 2013, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nhiều loại bệnh và sức khỏe cộng đồng.

Hoạt động trồng cây thuốc phiện, cây coca duy trì xu hướng tăng trong nhiều năm; diện tích trồng thuốc phiện tăng 28% và coca tăng 35% so với 10 năm trước; tương đương 2.300 tấn cocain; 7.800 tấn thuốc phiện và 740 tấn heroin. Hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy đang diễn ra rất phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Các thị trường ma túy có dấu hiệu liên kết chặt chẽ hơn; hình thức vận chuyển đa dạng, thủ đoạn tinh vi; ghi nhận xu hướng vận chuyển ma túy bằng đường biển, đường hàng không tăng cao.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị lần thứ 66 của Uỷ ban kiểm soát ma tuý Liên hợp quốc (CND66) tại thủ đô Vienna, Cộng hoà Áo năm 2023

Mối quan hệ giữa ma túy và xung đột là nguyên nhân chính làm gia tăng lượng cung về ma túy. Nền kinh tế ma túy bất hợp pháp phát triển mạnh trong các tình huống xung đột và luật pháp yếu kém ở những khu vực có hoạt động sản xuất, mua bán ma túy nhằm mục đích cung cấp nguồn tài chính để duy trì hoặc mở rộng xung đột. Ma túy tổng hợp tiếp tục làm thay đổi thị trường và chuỗi cung ứng; hoạt động sản xuất đang lan rộng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở khu vực Trung Á, Đông Nam Á, Cận và Trung Đông, Châu Phi, Châu Âu và Bắc Mỹ…

Methamphetamine tiếp tục mở rộng ra ngoài thị trường truyền thống. Việc sản xuất, mua bán và sử dụng methamphetamine toàn cầu vẫn tập trung ở Đông Á, Đông Nam Á và Bắc Mỹ, chiếm gần 90% lượng methamphetamine bị thu giữ trên toàn cầu. Đáng lưu ý, việc sản xuất methamphetamine không còn giới hạn ở các thị trường truyền thống khi xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở sản xuất bí mật ở Tây Nam Á, Nam Á và Châu Phi. Các tiền chất khác ngoài Ephedrine và Pseudoephedrine, thường được sử dụng trong tiểu vùng để sản xuất methamphetamine đã được phát hiện ở Đông Nam Á là dấu hiệu cho thấy tội phạm đang thích nghi để vượt qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Ketamine có xu hướng trở thành một loại ma túy chính được sử dụng trong một số nhóm dân số. Sản xuất ketamine bất hợp pháp đã đa dạng về mặt địa lý và việc mua bán lan rộng ra ngoài một số quốc gia ở Đông và Đông Nam Á. Việc sử dụng loại ma túy này cho mục đích phi y tế gần đây cũng đã gia tăng; xuất hiện hỗn hợp chứa ketamine với các thành phần khác mà người sử dụng không biết. Bên cạnh đó, các chất hướng thần (NPS) tăng sau nhiều năm ổn định, trong đó 87 chất mới được báo cáo đã có mặt trên thị trường kể từ sau năm 2021. Các chất mới liên quan đến cần sa Cannabidiol (CBD) đang trở lên phổ biến và được tội phạm mua bán dưới nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu là tẩm ướp vào thức ăn phù hợp, đồ uống, thuốc lá điện tử. Điển hình như “nước vui” và “sữa bột k” là những hỗn hợp mới xuất hiện gần đây ở Đông và Đông Nam Á.

Sự phát triển của khoa học công nghệ, mạng internet toàn cầu và kết nối kỹ thuật số đã tạo nên nhiều thay đổi trong các giao dịch mua bán ma túy. Các nền tảng truyền thông xã hội và các ứng dụng được mã hóa, bảo mật như Darknet (mạng ẩn, chỉ có thể truy cập bằng phần mềm, kết nối ẩn danh) đã tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm ma túy hoạt động theo phương thức mới, trong khi lại đặt ra rất nhiều nhiều thách thức đối với lực lượng thực thi pháp luật quốc tế và các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.

Một số dự báo và giải pháp phòng, chống

Trong xu thế hội nhập toàn cầu, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở Việt Nam không tách rời những biến động và xu hướng của tình hình ma túy thế giới. Số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng trẻ hóa và không ngừng tăng. Các loại ma túy, chất hướng thần, tiền chất ma túy mới chỉ sau thời gian ngắn xuất hiện trên thị trường quốc tế đã dần xuất hiện ở nước ta. Sự thay đổi của thị trường và chuỗi cung ứng, việc sản xuất bất hợp pháp đang lan rộng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, bao gồm cả các quốc gia có hệ thống pháp luật mạnh cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác phòng, chống tội phạm sản xuất trái phép chất ma túy của Việt Nam. Bên cạnh đó, các chế phẩm từ cần sa, ma túy tổng hợp “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử đã xuất hiện ở Việt Nam ngày càng nhiều do thị trường thực phẩm, đồ uống chưa được kiểm soát chặt chẽ; thậm chí thuốc lá nung nóng chưa được quy định trong pháp luật.

Công an TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai bắt đối tượng mua bán ma túy trên mạng xã hội

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy, các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc Công an, Hải quan, Biên phòng và Cảnh sát biển; công an các đơn vị, địa phương tập trung làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh với tội phạm ma túy, đặc biệt là tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia từ nước ngoài vào Việt Nam. Tăng cường hợp tác với các tổ chức phòng, chống ma túy quốc tế, các nước trọng điểm thuộc “trung tâm” ma túy thế giới hoặc điểm xuất phát của các chuyến hàng; đặc biệt là khu vực châu Âu, Nam Mỹ, Trung Đông và khu vực Tam Giác Vàng. Qua đó dựng được các tuyến chính vào Việt Nam để chủ động phòng, chống ma túy “từ sớm”, “từ xa”, “từ nơi xuất phát”; kiên quyết không để Việt Nam là điểm trung chuyển ma túy quốc tế.

Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB), cơ quan phòng, chống ma túy các nước trong khu vực, nhất là các nước láng giềng cập nhật thường xuyên các loại ma túy mới, tiền chất ma túy, chất hướng thần mới xuất hiện trên thế giới và tại Việt Nam để tham mưu Chính phủ kịp thời ban hành Nghị định quy định Các danh mục chất ma túy và tiền chất nhằm theo dõi, kiểm soát bảo đảm không để “bị động”, “đi sau” tội phạm; phối hợp với các lực lượng chức năng thuộc Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Công Thương… tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử phạt nghiêm khắc các tổ chức cá nhân, có hành vi lợi dụng không gian mạng để phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy; tàng trữ, mua bán, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại đồ uống, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có chứa ma túy để xử lý theo quy định của pháp luật trước bối cảnh mạng internet đang phát triển mạnh mẽ, nhiều quốc gia trên thế giới hợp pháp hóa một số chất ma túy sử dụng cho các mục đích khác nhau và xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử ở trong nước không ngừng gia tăng./.

Trang Nhi