Đơn vị dẫn đầu trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy

Trước tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trong học sinh, sinh viên trên địa bàn TP Hà Nội có chiều hướng diễn biến phức tạp, trong 5 năm gần đây, Học viện Cảnh sát nhân dân đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống ma túy; qua đó góp phần nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy trong các nhà trường.
05/07/2023 | Article Rating

Ngày 01/12/2017 Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân (Học viện) ban hành Kế hoạch số 2816/KH-CSMT về tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy (PCMT) cho học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn TP Hà Nội; giao Khoa Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) về ma túy là đơn vị thường trực tổ chức thực hiện, quán triệt đến toàn bộ cán bộ, giảng viên của Khoa về vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống ma túy. Căn cứ nhiệm vụ được phân công, Khoa Cảnh sát PCTP về ma túy đã chủ động thành lập tổ tuyên truyền phòng, chống ma túy gồm giảng viên và sinh viên chuyên ngành trinh sát phòng, chống tội phạm về ma túy; ban hành quy chế làm việc; tổ chức bồi dưỡng, tập luyện các tiểu phẩm, chuẩn bị nội dung tuyên truyền cũng như các tài liệu gồm: giáo cụ, sách, pano, áp phích, tranh, ảnh minh hoạ về hậu quả, tác hại ma túy…

Các đại biểu tham dự Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện công tác tuyên truyền,

phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy

Căn cứ vào thực tế tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy, Khoa Cảnh sát PCTP về ma túy đã xây dựng, ban hành các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống ma túy trong và ngoài Học viện như: Kế hoạch số 1513 ngày 30/5/2022 của Học viện Cảnh sát nhân dân về tuyên truyền phòng, chống ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022, Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy; Kế hoạch số 1514 ngày 30/5/2022 về tuyên truyền phòng, chống ma túy tại Học viện Cảnh sát nhân dân năm 2022 nhằm nâng cao nhận thức của các học viên trong toàn Học viện về vai trò, trách nhiệm trong phòng, chống ma túy. Phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tham mưu lãnh Bộ Công an xây dựng, ban hành kế hoạch tổ chức Cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 (dự kiến triển khai vào cuối tháng 7/2023). Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị về công tác phòng, chống ma túy; chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên trong toàn Học viện về công tác này; chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Học viện thực hiện công tác phòng, chống ma túy.

Các tập thể, cá nhân nhận Bằng khen, Giấy khen của  Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Học viện Cảnh sát nhân dân tại Hội nghị

Kết quả trong 05 năm từ năm 2018 đến nay, Học viện CSND đã phối hợp với chính quyền cơ sở (cấp quận, huyện) các tỉnh, thành phố: TP Hà Nội, Tây Ninh, Quảng Nam, Sơn La, Hoà Bình, Lào Cai, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Tuyên Quang, Hà Giang...tổ chức trên 525 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống ma túy cho gần 350.000 người thuộc nhiều thành phần tham dự. Trong đó, có trên 300.000 học sinh, sinh viên, đoàn viên; trên 40.000 quần chúng nhân dân là các hội viên hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn thanh niên; các cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường THCS, THPT, cao đẳng, đại học; ngoài ra còn có nhiều cán bộ thuộc các cơ quan, ban, ngành. Qua các buổi tuyên truyền, công tác phòng, chống ma túy được ban giám hiệu các nhà trường và lãnh đạo địa phương quan tâm thực hiện với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” và phòng ngừa “từ sớm, từ xa”. Riêng trong năm học 2022 - 2023, Học viện đã tổ chức trên 75 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống ma túy, thu hút khoảng trên 61.000 người tham dự. Nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú gồm: Phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống ma túy; tuyên truyền về đặc điểm, hậu quả tác hại và cách nhận biết các chất ma túy cũng như các phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm; các kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, tố giác các tội phạm cũng như các vi phạm pháp  luật liên quan đến ma túy...

Công tác tuyên truyền được Học viện tổ chức đa dạng thông qua nhiều hình thức như: Tuyên truyền trực tiếp; tuyên truyền trực tuyến kết hợp với các tiểu phẩm, sách, tờ rơi, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật phòng, chống ma túy... Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có nhiều thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội, học sinh, sinh viên phải học online, Học viện CSND đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền linh hoạt, sáng tạo bằng hình thức trực tuyến với trên 50 buổi, thu hút hơn 2.000 người tham gia. Ngoài ra, Học viện còn tổ chức tuyên truyền pháp luật phòng, chống ma túy cho cán bộ, học viên trong toàn Học viện thông qua hội thi tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 ngay sau khi Luật được Quốc hội ban hành.

Thời gian tới, trước tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy có chiều hướng diên biến phức tạp, Học viện Cảnh sát nhân dân sẽ tiếp tục quan tâm đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ, phương pháp tuyên truyền phổ biến pháp luật phòng, chống ma túy cho giảng viên và các học viên để xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong các tầng lớp nhân dân, thanh thiếu niên tại địa bàn cư trú. Đồng thời tăng cường mối quan hệ phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành; đầu tư kinh phí, tăng cường nguồn lực thông qua việc xã hội hóa trong xây dựng các phần mềm, các ứng dụng điện tử, trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống ma túy trong thời đại công nghệ 4.0./.

Minh Anh