Thực hiện Luật Phòng, chống ma túy góp phần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý sau cai

Sau khi Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghện ma túy đã được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, các địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, qua đó đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần tập trung giải quyết để nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới.
20/07/2023 | Article Rating

Những kết quả nổi bật

Thực hiện Luật Phòng, chống ma túy (Luật PCMT) và Công điện số 365/CĐ-TTg ngày 20/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ đạo, đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác xác định tình trạng nghiện ma túy và cai nghiện ma túy, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, tập trung vào việc rà soát, đánh giá, đầu tư nguồn lực để thực hiện công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy. Các cơ quan chuyên môn của Bộ LĐTBXH đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai Luật PCMT, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy cho cán bộ chủ chốt ngành lao động, thương binh và xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với gần 500 lượt người tham gia. Tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy tại hầu hết các tỉnh, thành phố, trọng tâm là đội ngũ công chức làm công tác này ở cấp huyện, cấp xã.

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh tổ chức tập huấn công tác cai nghiện ma túy và phòng, chống mại dâm

Tại các địa phương, công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; nội dung tập trung tuyên truyền về tác hại và hậu quả của tệ nạn ma túy, nghiện ma túy và các hình thức, biện pháp cai nghiện, giảm tác hại nhằm phòng ngừa, hạn chế phát sinh người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Hình thức tuyên truyền được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các tổ chức đoàn thể, cơ sở giáo dục; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy; tuyên truyền trực quan bằng tranh ảnh, pano, áp phích, tờ rơi, tổ chức tọa đàm, hội thảo, tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ; cấp phát gần 01 triệu tài liệu tuyên truyền về phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Kết quả thực hiện công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy: Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2022, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên phạm vi cả nước đã tổ chức cai nghiện cho hơn 63 nghìn người, trong đó, số tiếp nhận mới là hơn 31 nghìn người; số chuyển từ năm 2021 sang là gần 32 nghìn người (trong đó có hơn 9.800 người cai nghiện tự nguyện); số người nghiện tái hòa nhập cộng đồng là 33.886 người. Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập đang quản lý 29.367 người; trong đó có 23.185 người thuộc diện cai nghiện ma túy bắt buộc.

Đối với công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân, hiện cả nước có 13 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập; công suất tiếp nhận khoảng 3.000 - 4.000 người. Năm 2022 các cơ sở này đã tổ chức cai nghiện cho 2.896 người, trong đó số tiêp nhận mới là gần 2.500 người; tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho 2.418 người và hiện đang quản lý 478 người nghiện ma túy.

Hiện cả nước có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập; trong đó 62 cơ sở được xây dựng để tổ chức cai nghiện ma túy, 35 cơ sở tiếp nhận lại từ các loại hình đơn vị sự nghiệp khác để chuyển đổi thành cơ sở cai nghiện ma túy. Tổng số đội ngũ viên chức, người lao động làm việc trong cơ sở cai nghiện ma túy là 6.978 người làm công tác chuyên môn điều trị, tư vấn, giáo dục, quản lý học viên, đa số có kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.

Như vậy, qua 01 năm 6 tháng thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, những đổi mới về quy trình cai nghiện; cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên (biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc); cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi (không coi là biện pháp xử lý hành chính) và quản lý sau cai nghiện ma túy đã thể hiện sự thích ứng, phù hợp của pháp luật với thực tế đời sống. Cấp ủy đang, chính quyền các cấp, các ngành và mọi người dân đã quan tâm thực hiện công tác phòng, chống ma túy, không còn thái độ “khoán trắng” cho lực lượng chuyên trách; nhiều địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách mới cho công tác cai nghiện, quản lý sau cai trong phạm vi nguồn lực cho phép; công suất tiếp nhận người nghiện tại các cơ sở cai nghiện công lập từng bước được nâng lên; các hình thức cai nghiện, quản lý sau cai đúng quy định pháp luật, hiệu quả được lựa chọn thực hiện, trong khi những hình thức cai nghiện không còn phù hợp được loại bỏ. Qua đó, đã từng bước nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai; kiềm chế phát sinh người nghiện mới; làm giảm “nguồn cầu” ma túy, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ngay từ địa bàn cơ sở.

Một số khó khăn và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác

Mặc dù công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy đã có những chuyển biến tích cực sau hơn 01 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, tuy nhiên vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc cụ thể là:

Theo thống kê, hiện toàn quốc có hơn 191 nghìn người nghiện ma túy, trong đó có hơn 95 nghìn người đang ở ngoài xã hội (chiếm 50%, đa số có tiền án, tiền sự); 20.478 người bị quản lý sau cai nghiện, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn và các tỉnh khu vực Tây Bắc, Bắc miền Trung. Hơn nữa, người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy, trong đó tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 70-80% dẫn đến khó khăn trong công tác cai nghiện.

Trong khi hệ thống cơ sở cai nghiện ma túy công lập hiện mới chi đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu thực tế (có sự không đồng đều ở các tỉnh, thành phố, các khu vực). Đáng chú ý, cả nước còn 03 địa phương chưa có cơ sở cai nghiện ma túy công lập là Hậu Giang, Đắk Nông và Kon Tum. Nhiều cơ sở xây dựng đã lâu hoặc tiếp nhận từ hệ thống khác nên không có thiết kế phù hợp với việc tổ chức cai nghiện ma túy. Mặt khác, do không được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nên đã xuống cấp rất nghiêm trọng; hơn 50% cơ sở không đảm bảo các yêu cầu, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu để thực hiện quy trình chuyên môn về cai nghiện ma túy cũng như các điều kiện sinh hoạt cho học viên. Đội ngũ cán bộ tại các cơ sở thiếu về số lượng; chưa được chuẩn hóa theo các quy định; chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về cai nghiện ma túy theo quy trình cai nghiện của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. Chính sách thu hút, chế độ đãi ngộ đối với viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ, công việc nên không thu hút được lao động làm việc lâu dài, đặc biệt đối với các vị trí y sĩ, bác sĩ; không nâng cao được chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc.

Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 TP.Hà Nội khám sức khỏe cho các học viên

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố chưa quan tâm, chỉ đạo, bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện chính sách cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. UBND cấp huyện theo quy định của Luật PCMT được giao chủ trì việc tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cũng chưa thực sự vào cuộc, chưa xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện chính sách này tại địa phương. Việc xây dựng hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn, chưa thu hút được đầu tư từ tổ chức cá nhân ngoài công lập. Đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ, quản lý cai nghiện ma túy tự nguyện ở cấp xã còn thiếu, chưa được đào tạo, tập huấn về các chính sách, quy trình theo cách tiếp cận mới của Luật nên việc triển khai còn nhiều lúng túng.

 Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành chức năng nghiên cứu đề xuất, tham mưu Chính phủ ban hành ban hành  chính sách mới hỗ địa phương nâng cấp, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị, phương tiện cho các cơ sở cai nghiện ma túy công lập; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp thu hút, hỗ trợ người làm công tác cai nghiện ma túy; thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư vào hoạt động cai nghiện ma túy, hỗ trợ quản lý sau cai nghiện ma túy thông qua các chính sách ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định cùa pháp luật.

Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cần tập trung chỉ đạo các sở, ngành chức năng đánh giá, thống kê chính xác số lượng người nghiện ma túy trên địa bàn; dự báo nhu cầu cai nghiện ma túy để xây dựng kế hoạch bố trí nguồn lực, ngân sách tổ chức, triển khai công tác cai nghiện ma túy và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người cai nghiện ma túy thực sự hiệu quả, góp phần “giảm cầu” ma túy để hạn chế các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự ngay từ địa bàn cơ sở./.

Nam Anh