Với vai trò là cơ quan được Bộ Công an giao chủ trì, theo dõi việc triển khai thực hiện, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã ban hành văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Tham gia khảo sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy do Ủy ban Xã hội của Quốc hội chủ trì tại các đơn vị, địa phương nhằm kịp thời đánh giá tình hình; phát huy ưu điểm, kết quả đạt được, đồng thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống ma túy. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an p hát động, tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy” trên phạm vi toàn quốc nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức xã hội trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống ma túy.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an tổ chức phát động
Cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy
Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lực lượng Công an đã tham mưu Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND cấp tỉnh ban hành các nghị quyết, kế hoạch chuyên đề về công tác phòng, chống ma túy. Trong đó tập trung kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền cơ sở triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách trong phòng, chống ma túy, nhất là công tác xác định tình trạng nghiện, cai nghiện và vấn đề đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu công tác cai nghiện, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Lực lượng Công an cấp cơ sở đã tăng cường phối hợp với các ngành liên quan lập hồ sơ, tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai nghiện; phối hợp trong công tác quản lý người nghiện ma túy tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; tham mưu UBND tỉnh ban hành các đề án, dự án, kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nhiều địa phương đã ban hành Nghị quyết về phân bổ ngân sách phục vụ công tác xác định tình trạng nghiện, cai nghiện ma túy, hỗ trợ cho người không thuộc trường hợp hưởng lương từ ngân sách nhưng được phân công trực tiếp giúp đỡ người sử dụng trái phép chất ma túy, người làm công tác cai nghiện; hỗ trợ người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình; bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương cho việc sửa chữa cơ sở cai nghiện ma tuý, mua thuốc methadone phục vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Đặc biệt, một số địa phương mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã quan tâm bố trí kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng đấu tranh phòng, chống tệ nạn và tội phạm ma túy như: Tỉnh Sơn La trong 6 tháng đầu năm 2023 đã ưu tiên bố trí hơn 50 tỉ đồng cho công tác phòng, chống ma túy; tỉnh Thanh Hóa đầu từ 45 tỷ đồng cho việc cải tạo nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy; tỉnh Điện Biên bố trí hơn 8,3 tỷ đồng để thực hiện đề án nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Tuy nhiên, trên phạm vi toàn quốc, ngoại trừ các thành phố lớn, hầu hết các địa phương còn gặp khó khăn về vấn đề bố trí kinh phí cho công tác này.
Thực hiện công tác phối hợp giữa các Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, lực lượng Công an các cấp luôn quan tâm, phối hợp kịp thời với lực lượng chuyên trách thuộc Bộ đội Biên phòng, Hải quan và Cảnh sát biển triển khai công tác phòng, chống ma túy. Các lực lượng đã tổ chức trao đổi thông tin, nắm tình hình địa bàn, trực tiếp phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy; kịp thời thông báo, chuyển giao các thông tin, tài liệu cho đơn vị có thẩm quyền giải quyết theo quy định; hỗ trợ đấu tranh, bắt giữ, xử lý tội phạm về ma tuý… Kết quả 6 tháng đầu năm 2023, các Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy đã phối hợp phát hiện, bắt giữ 397 vụ với 578 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy; thu giữ trên 45 kg heroin, hơn 1,1 tấn + trên 80 nghìn viên MTTH cùng nhiều tài liệu, vật chứng có liên quan.
Trong công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả. Công an các địa phương đã tham mưu Chủ tịch UBND các cấp ban hành Quy chế phối hợp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, qua đó giúp công tác này được thực hiện theo quy trình cụ thể, thống nhất, chặt chẽ. Nhiều địa phương đã xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ như “Nhóm Zalo tuyên tuyền phòng chống tội phạm”, “Camera an ninh”, thành lập Fanpage riêng, đăng tải thông tin, bài viết, hướng dẫn để người dân dễ dàng tiếp cận, theo dõi, kịp thời thông tin cho lực lượng Công an về những vụ việc liên quan người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy. Điển hình như Công an tỉnh Thanh Hóa thực hiện mô hình “quản lý 3 bước” đối với người sử dụng trái phép chất ma túy có mặt tại địa phương; Công an tỉnh Quảng Trị thực hiện mô hình “3 quản” (quản lý về thời gian, quản lý về phương tiện, quản lý về mối quan hệ) của đối tượng sử dụng và có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma túy. Theo thống kê, hiện nay cả nước có hơn 46 nghìn người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó số người sử dụng trái phép chất ma túy có Quyết định áp dụng biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là hơn 33 nghìn người (chiếm khoảng 72%). Đáng chú ý, toàn quốc còn 1.213 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy có biểu hiện loạn thần “ngáo đá” (chiếm 0,54% trong tổng số người sử dụng, người nghiện ma túy) là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra các vụ phạm tội và vi phạm pháp luật.
Triển khai Luật Phòng, chống ma túy, công tác rà soát, thống kê, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy được Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tương đối chính xác theo tiêu chí cụ thể của Luật, đảm bảo thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Qua đó giúp cơ quan quản lý có bức tranh toàn diện đối với vấn đề này, từ đó đề ra các giải pháp phòng, chống hiệu quả. Hiện toàn quốc có hơn 175 nghìn người nghiện; hơn 22.600 người bị quản lý sau cai nghiện ma túy. Như vậy tính tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy trên toàn quốc hiện nay là hơn 240 nghìn người (chiếm khoảng 0,24% dân số). Đối với công tác xác định tình trạng nghiện, cả nước hiện có trên 10 nghìn bác sỹ, y sỹ có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện, tăng hơn 1,5 nghìn bác sỹ, y sỹ (tăng 17%) so với cuối năm 2022; có 5.700 cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện, tăng trên 500% so với cùng kỳ năm 2022, bước đầu đáp ứng nhu cầu xác định tình trạng nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy.
Cùng với các lĩnh vực nêu trên, công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy với các nước đối tác trên thế giới, trong khu vực được tăng cường. Qua đó đã từng bước đưa hoạt động kiểm soát, quản lý xuất nhập khẩu các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần… đi vào thực chất, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát vào các hoạt động bất hợp pháp. Đồng thời cũng tranh thủ được nguồn lực, kinh nghiệm của các nước phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống ma túy ở trong nước.
Có thể khẳng định trong 6 tháng đầu năm 2023, việc thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết đã đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả trên tất cả các mặt công tác: phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; rà soát, thống kê, tổ chức quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện; hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy… Những kết quả nêu trên là bằng chứng sống động thể hiện ý chí, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong nỗ lực triển khai thực hiện Luật nhằm từng bước ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi tội phạm, tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ngay từ địa bàn sơ sở./.
Hoài Linh