Từ ngày 01 tháng 01 đến 01 tháng 6 năm 2014, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Công an tỉnh Quảng trị phối hợp Đội kiểm soát phòng chống ma tuý Hải Quan và Công an Hướng Hoá đã bóc gỡ một đường dây tội phạm “mua bán trái phép các chất ma tuý” xảy ra tại khóm 4, thị trấn Khe Sanh, Hướng Hoá.
Suốt thời gian từ đầu năm 2013 đến khi bị bắt, Hồ Đắc Lộc, Lê Hoài Sang, Lê Hoài Tuấn (là 3 cậu cháu) thường xuyên móc nối với một số đối tượng bên kia Biên giới để mua ma tuý về bán cho người nghiện trong địa bàn. Cứ vài ba ngày, họ sang Lào mua ma tuý, có khi người bên kia đưa ma tuý về để bán, mọi việc cứ trôi đi tháng này qua tháng khác. Khu vực nhà của Lộc, Sang và Tuấn nằm chung trong một khuôn viên đất cạnh đường Quốc lộ 9, hàng ngày những người nghiện cứ tụ tập mua, bán và sử dụng ma tuý. Trong quá trình này, vợ của Lộc là Nguyễn Thị Huyền (mợ của Sang và Tuấn) thường giúp sức cho chồng mua bán ma tuý và lôi kéo hai cháu dâu (là vợ của Sang và Tuấn) tham gia cùng chồng mua bán ma túy. Khi có “khách hàng” tới mà không có chồng ở nhà, Huyền cùng các cháu dâu bán “hàng” cho “khách”, công việc được diễn ra hàng ngày, Mua từ Lào về cứ “mỗi cặp” (hai viên ma tuý tổng hợp) với giá từ 100.000 đến 120.000đ, bán lại cho “bạn hàng” với giá 220.000 đến 250.000đ, nếu ai quen thân được giảm giá. Bình quân mỗi ngày ba gia đình cậu cháu Hồ Đắc Lộc cũng bán được từ 30 đến 50 cặp. Số tiền lãi thu được dùng để đầu tư tăng vốn mua bán các đợt sau, tiền lãi còn lại, phần thì để mua sữa cho các con nhỏ và lo ăn mặc, chi tiêu trong nhà. Sau mỗi lần “xài hàng” trong người hưng phấn lên, ba cậu cháu ( Lộc, Sang, Tuấn ) còn “giải trí” bằng hình thức đánh bài ăn tiền. Có hai anh bạn của Tuấn và Sang là Lê Đình Hiển (cu Trâu) và Nguyễn Văn Thiên (cu Lượm) cùng ở trong khóm phố, hàng ngày qua mua “hàng” để dùng, quá trình quan hệ được Tuấn tin tưởng nên “tình nguyện” giúp Tuấn gói gém, mua bán ma tuý, hai anh bạn này làm việc tích cực, có khi còn được thưởng bằng cách tặng ngay một cặp để xài...
Rất tiếc, trong vụ án này bà Trần Thị Sâm đã 83 tuổi, là mẹ của Lộc, bà ngoại của Sang và Tuấn lại là một “thành viên” tích cực tham gia mua bán trái phép ma tuý. Tuy tuổi cao, bà Sâm không trực tiếp đi mua ma tuý được, mỗi khi con hoặc cháu mua về để lại giá vốn cho bà vài chục viên, bà tự bán cho số người nghiện lấy tiền chênh lệch để chi tiêu hàng ngày. Khi lực lượng Trinh sát ập vào bắt quả tang Lê Hoài Sang, bà Sâm từ từ đi ra phía sau nhà, một Trinh sát bám theo giám sát, thấy bà đang lôi gói ma tuý trong túi áo ra để dấu sau mái nhà, Trinh sát hỏi: “ Bà cất chi đó đưa đây cho cháu...” Bà Sâm bình thản nói “còn mấy viên thôi, tui bán gần hết rồi”, Trinh sát rất nhẹ nhàng, nhưng kiên quyết, buộc bà Sâm phải đưa gói ma tuý ra. Anh em dẫn bà ra phía trước sân nhà giao cho hai nữ Cảnh Sát của Công an huyện canh gác. Đồng thời hỏi bà mấy câu nhưng thấy thái độ bà rất bình tĩnh, chẳng biết sợ gì cả, “bà có biết bán ma tuý trái phép là vi phạm pháp luật không”? Bà Sâm trả lời “Tui bán ngày vài cặp, mỗi cặp kiếm hai chục tiền lãi mà ăn chớ có ai nuôi tui mô”. Đúng là trong gia đình chẳng có ai nuôi ai, ba đứa con nhỏ của Lộc, Sang, Tuấn cũng phải lấy tiền bán ma tuý để mua sữa, không ai có nghề nghiệp gì, ăn rồi mỗi cô dâu ngồi mỗi góc chờ các anh nghiện tới mua hàng rồi đến bữa lại lo nội trợ trong nhà phục vụ Chồng con, cuộc sống tạm bợ cứ đeo đẳng những người trong gia đình này suốt một thời gian dài.
Đến nay xác định trong vụ án có 9 người thực hiện hành vi “mua bán trái phép các chất ma tuý” được qui định tại điều 194 Bộ luật Hình sự. 5 người đang tạm giam để tiếp tục điều tra đó là Lộc, Sang, Tuấn, Thiên, Hiển. Do điều kiện ba cô dâu đang nuôi con dưới 36 tháng nên phải cho ở nhà. Con dâu thị Huyền và cháu dâu thị Nga đã được cơ quan Cảnh sát điều tra quyết định khởi tố bị can và “cấm đi khỏi nơi cư trú”, thị Hương (vợ Sang) cũng đã khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, cơ quan Cảnh Sát Điều tra đang nghiên cứu để có bước xử lý tiếp theo.
Ngày 01/6/2014, sau khi Điều tra viên đọc biên bản bắt người có hành vi phạm tội quả tang đối với bà Sâm và Sang, Điều tra viên nói hôm nay bà về trại Tạm giam Công An tỉnh ở lại, bà chuẩn bị áo quần mà đi. Bà Sâm ra đi tự nhiên, không nhận thấy ở bà này có biểu hiện lo sợ, xấu hổ với bà con hàng xóm đứng xem xung quanh, đi ra cổng bà con trong xóm hỏi “Mệ đi mô rứa” bà trả lời “Công an mời...”. Về trại Tạm giam Điều tra viên thông báo quyết định tạm giữ người có hành vi phạm tội quả tang, bà Sâm vẫn dáng dấp “hiên ngang” đi vào trại, sau khi công bố quyết định khởi tố bị can đối với bà, bà Sâm nói “ khởi tố ri khi mô thì xong...”. Đồng chí Điều tra viên nói “bà cứ bình tĩnh khai báo cho đúng sự thật, khi nào Toà án xét xử xong là xong bà ạ”. Hàng ngày bà ăn uống khoẻ như thanh niên, khai báo rõ ràng. Sau sáu ngày tạm giữ, Điều tra viên báo cáo đề nghị Bà Sâm khai báo thành khẩn, không cần phải Tạm giam, đề xuất thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bà để về “trông coi nhà cửa”. Câu chuyện bà già 83 tuổi sống nhờ vào mua bán trái phép các chất ma tuý nghe ra tưởng đùa mà sự thật là như vậy.
Qua vụ án này, thiết nghĩ: Một gia đình ba thế hệ đều tham gia thực hiện những việc làm vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng. Sống buông thả, không chịu lao động chân chính, biết mua bán ma tuý là vi phạm, nhưng do ham lợi nhuận bất chính nên vẫn cố tình lao vào con đường phạm tội. Điều sâu xa hơn là không thể thống kê được bao nhiêu thanh thiếu niên trong địa phương đã bị bà cháu gia đình này cuốn hút vào con đường nghiện ngập, ăn chơi sa đoạ, bất chấp pháp luật, đạp lên đạo đức nhân cách để lấy tiền, thật là điều rất đáng trách? Với cái tuổi như bà Sâm đúng ra phải là tấm gương sống mẫu mực, dạy bảo con cháu làm việc đúng, đằng này bà lại là người tích cực cùng con cháu thực hiện những việc làm vi phạm nghiêm trọng pháp luật về phòng, chống ma tuý.
Việc mua bán ma tuý trong gia đình này diễn ra khá lâu, người qua bên kia Biên giới mua ma tuý hay người bên kia đưa ma tuý qua bên này bán cũng khá dễ. Có lẽ đây cũng là hồi chuông cảnh báo các cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý nhà nước trên Biên giới, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Chính quyền và các ban ngành đoàn thể ở địa phương, tuyên truyền giáo dục mọi người không tham gia phạm tội và nghiện ngập ma tuý, xây dựng phong trào nhân dân tham gia phòng, chống ma tuý sâu rộng trong từng thôn, bản, khóm phố, người dân cần phải mạnh dạn tố giác với cơ quan chức năng về những người có dấu hiệu nghi vấn phạm tội về ma tuý. Công an xã, thị trấn cần tăng cường phối hợp các ban ngành ở địa phương quản lý, giúp đỡ người nghiện ma tuý, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma tuý trong địa bàn, thường xuyên chủ động phòng ngừa, không để gia tăng người nghiện, kiềm chế tội phạm về ma tuý, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.
Đào Trọng Tiến