Chủ động phòng, chống tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, chất gây nghiện “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay tại Việt Nam, tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử đang có dấu hiệu ngày càng phổ biến, nhất là trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Nguy hiểm hơn, đã xuất hiện việc sử dụng đồng thời thuốc lá điện tử với các chất ma túy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây phức tạp về trật tự an toàn xã hội và sức khỏe người sử dụng.
01/06/2023 | Article Rating

Thuốc lá điện tử được tẩm ướp ma túy

Thời gian gần đây, lực lượng Công an tại nhiều địa phương trên cả nước đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ các vụ việc đối tượng mua bán thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy. Tháng 9/2022, Công an quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội điều tra khám phá vụ việc các đối tượng thông qua mạng xã hội hình thành nhóm mua bán trái phép thuốc lá điện tử, thảo mộc sấy khô có phun, tẩm các dung dịch chứa chất ma túy ABD-Butinaca (một loại ma túy mới được quy định trong danh mục chất ma túy và tiền chất thuộc Nghị định 57/2023/NĐ-CP ngày 25/8/2023 của Chính phủ, có tác dụng tương tự như chất ma túy cần sa). Hình thức mua bán, vận chuyển của các đối tượng chủ yếu thông qua hệ thống giao hàng công nghệ.

Đối tượng có hành vi mua bán thuốc lá điện tử chứa chất ma túy bị Công an tỉnh Hòa Bình phát hiện,bắt giữ

Trước đó vào tháng 10/2022, Công an huyện Thạch Thất, TP Hà Nội phối hợp  với các đơn vị chức năng phát hiện, thu giữ 100 máy hút thuốc lá điện tử tại nhà của một đối tượng bán ma túy ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất. Kết quả giám định cho thấy, 100% số thuốc lá điện tử tại đây đều chứa chất ABD-Butinaca. Tiếp đó ngày 8/11/2022, Công an huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Lộc, SN 2003, trú tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, hiện đang tạm trú trên địa bàn huyện Tam Nông khi đối tượng mang ma túy tổng hợp dưới dạng thuốc lá điện tử đi bán trên địa bàn. Qua đấu tranh khai thác, Nguyễn Văn Lộc khai nhận lên mạng mua nhiều loại thuốc lá điện tử và tinh dầu (là các loại ma túy tổng hợp mới) về bán chủ yếu cho thanh, thiêu niên trên địa bàn để kiếm lời. Giám định dung dịch thu giữ đều có chứa chất ABD-Butinaca như các vụ việc trước đó.

Gần đây, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã phát đi thông tin cảnh báo về loại ma túy mới có tên gọi “Socola bay” được rao bán công khai trên các trang mạng xã hội nhằm vào giới trẻ, gây những hệ lụy về sức khỏe. Các chất trong “Socola bay” được xác định thuộc nhóm cần sa tổng hợp và bị cấm tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân tự trang bị kiến thức để nhận biết dấu hiệu bất thường gặp ở người sử dụng ma túy để ngăn chặn, khuyên răn những người xung quanh không tàng trữ, sử dụng thuốc lá điện tử có trộn lẫn ma túy, các dạng thực phẩm chức năng, thuốc kích thích không rõ nguồn gốc.

Chủ động ngăn chặn ma túy “núp bóng”

Những năm gần đây, tại Việt Nam xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisa. Các sản phẩm này hiện chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành trên thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên internet với các nền tảng mạng xã hội. Các sản phẩm này được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và hương vị rất hấp dẫn giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh, sinh viên. Theo điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở lứa tuổi từ 15 - 17 tại Việt Nam là 2,6%; trong lứa tuổi từ 13-15 tuổi là 3,5% .

Sử dụng thuốc lá điện tử diễn ra ngày càng phổ biến trong lứa tuổi học sinh

Thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa. Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol, có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Qua phản ánh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phương tiện thông tin đại chúng cho thấy gần đây nhiều trường hợp các em học sinh phải cấp cứu vị bị ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong sản phẩm thuốc lá này. Ngoài các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.

Nguy hại hơn đã xuất hiện ngày càng phổ biến tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử có tẩm ướp ma túy hoặc các chất gây nghiện khác, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, thậm chí có thể gây nguy hiểm tính mạng người sử dụng. Điển hình như vụ ngày 26/7/2022, một nữ bệnh nhân 20 tuổi ở Hà Nội được đưa vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, tổn thương não lan tỏa các vị trí, tổn thương gan… Nguyên nhân được xác định là do bệnh nhân bị ngộ độc với một loại ma túy thế hệ mới được tìm thấy trong thuốc lá điện tử. Ngày 17/8/2022, Khoa Cấp cứu Bệnh viện 199 Bộ Công an (TP Đà Nẵng) đã tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân nghi ngộ độc khi hút thuốc lá điện tử có bơm tinh dầu là chất ma túy mới. Bệnh nhân được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng choáng vàng, hồi hộp, tay chân run, sau đó rơi vào hôn mê. Thậm chí, tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch mai và Trung tâm giám định ma túy Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã phát hiện, ghi nhận một số vụ việc pha trộn ma túy (chất Canabis, Marijuana) vào dung dịch thuốc lá điện tử để sử dụng.

Qua những vụ việc kể trên có thể nhận thấy, “núp bóng” thuốc lá điện tử để sử dụng ma túy đang dần trở nên phổ biến, nguy hiểm hơn đối tượng sử dụng ngày càng trẻ hóa, chủ yếu ở lứa tuổi học sinh là thế hệ tương lai của đất nước. Để chủ động phòng, chống tệ nạn này, đề nghị lực lượng chức năng thuộc các bộ: Công an, Y tế, Công Thương… cần chủ động phối hợp, tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử phạt nghiêm khắc các tổ chức cá nhân, có hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển tăng cường công tác nắm tình hình, tổ chức phát hiện, điều tra triệt xóa các băng nhóm, tổ chức tội phạm ma túy lợi dụng việc mua bán thuốc lá điện tử để phạm tội về ma túy; phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện, xử lý các đối tượng lợi dụng tổ chức mua bán thuốc lá điện tử có chất ma túy trên không gian mạng, qua các nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Telegram…).

Bên cạnh đó, với phương châm “chủ động phòng ngừa là căn bản”, chính quyền các địa phương, các lực lượng chức năng, nhà trường và gia đình cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, vận động các em học sinh, thanh thiếu niên nâng cao hiểu biết pháp luật và sự nguy hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử có tẩm ướp chất ma túy đối với sức khỏe. Qua đó giúp các em chủ động phòng ngừa, không sử dụng thuốc lá điện tử, các chất ma túy, chất gây nghiện và tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực này./.

Hoài Linh