Tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép cocaine trên thế giới và một số vấn đề có liên quan đến Việt Nam

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép cocaine trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, trong những tháng đầu năm 2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy đã bắt giữ 02 vụ, 02 đối tượng quốc tịch Thái Lan và Gambia có hành vi vận chuyển trái phép 8 kg cocaine trên tuyến hàng không. Liên quan đến nội dung này, chúng tôi xin thông tin một số nét cơ bản về tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép cocaine trên thế giới năm 2022 và những vấn đề có liên quan đến công tác phòng ngừa, đâu tranh của lực lượng phòng, chống ma túy Việt Nam.
18/05/2023 | Article Rating

Tình hình sản xuất và sử dụng cocaine trên thế giới

Cocaine là chất nằm trong Danh mục II- Các chất ma túy được sử dụng hạn chế trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, thuộc Nghị định số 57/2022/NĐ - CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Cocaine là một dạng chất ma túy dạng kích thích có khả năng gây nghiện được chiết xuất từ lá coca, một loại cây mọc chủ yếu ở Nam Mỹ.

Năm 2022, diện tích trồng cây coca tiếp tục đà tăng từ năm 2021, ước tính khoảng 320.000 ha; sản lượng cocaine toàn cầu ghi nhận tăng kỷ lục với khoảng 2.100 tấn cocaine tinh khiết (tăng 10% so với năm 2021). Nguồn cung cocaine tập trung ở 03 nước Châu Mỹ gồm Colombia (chiếm 65%), Peru (chiếm 25%) và Bolivia (chiếm 10%). Trong đó, ở Colombia, diện tích trồng cây coca khoảng 204.000 ha, tập trung nhiều ở khu vực Nariuo, Norte de Santander và Putumayo; sản lượng cocaine tinh khiết được sản xuất ước tính đạt 1.400 tấn. Ở Peru, diện tích trồng cây coca có xu hướng tăng từ năm 2015, ước đạt gần 62.000 ha năm 2022; nguyên nhân là do Chính phủ tạm dừng chương trình phá cây coca để đối phó đại dịch Covid-19. Ở Bolivia, diện tích trồng cây coca tiếp tục duy trì ổn định, khoảng 60.000 ha với sản lượng 320 tấn cocaine tinh khiết.

Lực lượng chức năng Colombia phát hiện, thu giữ hơn 1,6 cocaine tại cảng biển

Trong khi đó, số lượng người sử dụng cocaine trên thế giới vẫn ở mức cao và tiếp tục duy trì xu hướng tăng với khoảng 22 triệu người sử dụng, chiếm 0,4% dân số toàn cầu, tập trung nhiều ở khu vực Châu Mỹ và Châu Âu (chiếm tỷ lệ 85%). Nhu cầu sử dụng cocaine ở Châu Phi và Châu Á có xu hướng tăng trong hai thập kỷ qua, song không đồng đều. Tại Châu Á có 2,1 triệu người sử dụng cocaine, trong đó khu vực Đông và Đông Nam Á ghi nhận số người sử dụng cocaine khoảng 810.000 người.

          Hoạt động mua bán, vận chuyển cocaine

Thống kê các vụ bắt giữ cocaine thời gian qua cho thấy, hoạt động mua bán, vận chuyển cocaine của tội phạm trên phạm vi toàn cầu trong năm 2022 có xu hướng tăng, cả bằng hình thức vận chuyển số lượng lớn và vận chuyển cá nhân. Trong đó, hình thức vận chuyển cocaine bằng đường thủy qua các cảng biển lớn khá phổ biến. Bên cạnh đó, xu hướng vận chuyển cá nhân liên Châu lục từ Châu Âu, Châu Phi sang Châu Á, trong đó có Việt Nam vẫn diễn ra và có dấu hiệu gia tăng. Trên phạm vi toàn cầu, công tác đấu tranh với hoạt động mua bán, vận chuyển cocaine được đánh giá là hiệu quả, khi các lực lượng chức năng đã thu giữ khoảng 1.300 tấn cocaine các loại trong năm 2022.

Ở khu vực Châu Mỹ: Nguồn cung cấp cocaine trên thế giới chủ yếu từ các quốc gia Bolivia, Colombia và Peru. Do đó, tuyến Nam Mỹ trở thành tuyến chính vận chuyển cocaine vào Châu Âu qua các cảng của Colombia. Cocaine từ Bolivia và Peru được vận chuyển qua Paraguay và tuyến đường thủy Parana – Paraguay. Các nhóm tội phạm từ Brazil thường sử dụng máy bay để vượt qua biên giới rồi đi thuyền dọc theo sông đến Đại Tây Dương. Theo cảnh sát Brazil, trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2021, 65% số ma túy thu giữ qua đường sắt có nguồn gốc từ Bolivia, tiếp theo là Paraguay. Mexico là quốc gia trung chuyển quan trọng tại Bắc Mỹ, là cửa ngõ để đưa cocaine đến Hoa Kỳ qua đường biển hoặc đường hàng không. Ecuador với vị trí địa lý nằm giữa hai quốc gia sản xuất cocaine lớn là Colombia và Peru, đã trở thành điểm trung chuyển cocaine đến Hoa Kỳ và Châu Âu qua cảng Guayaquil. Paraguay cũng là quốc gia trung chuyển quan trọng cocaine chủ yếu qua biên giới chung với Brazil và Bolivia. Một tuyến đường quan trọng khác là tuyến hình nón phía nam, đi từ Peru và Bolivia, qua cửa sông trên biển Đại Tây Dương, vào Argentina hoặc Uruguay, thường xuyên đi qua Paraguay qua kênh Paraguay - Parana bằng sà lan. Trong khi đó, Argentina là điểm tập kết chính của cocaine từ Nam Mỹ đi Bắc Âu theo nhiều đường khác nhau.

Ở khu vực Châu Âu: Tây và Trung Âu là trung tâm tiêu thụ cocaine lớn thứ hai trên thế giới sau Bắc Mỹ. Bỉ và Hà Lan đang trở thành trung tâm chính, kết nối với tuyến vận chuyển Nam Mỹ, là cửa ngõ vận chuyển cocaine vào Châu Âu. Các cảng như Rotterdam (Hà Lan), Antwerp (Bỉ), Hamburg (Đức) trở thành cảng trung chuyển, nhập khẩu cocaine thay vì các điểm nhập khẩu truyền thống ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Theo thông cáo của Chính phủ Bỉ, chỉ tính riêng năm 2022, cơ quan chức năng nước này đã thu giữ lượng cocaine kỷ lục lên đến 110 tấn tại cảng Antwwerp. Tổng số cocaine thu giữ tại cảng Antwerp và Rotterdam năm 2022 là 160 tấn. Cảng biển này hiện là điểm đến hàng đầu của các đối tượng mua bán ma túy tại Châu Âu và phần lớn cocaine đến Antwerp được cho là sẽ tiếp tục chuyển tới Hà Lan, sau đó tiếp tục được phân phối đến các nước Châu Âu khác, thông qua các nhóm tội phạm Albania. Bán đảo Iberia vẫn là một cửa ngõ chính cho cocaine vào thị trường Trung và Tây Âu; sau đó phần lớn được chuyển đi khắp Châu Âu bằng nhiều phương tiện khác nhau. Trong khi đó, thời gian gần đây Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp cũng đang nổi lên là quốc gia trung chuyển cocaine.

Ở khu vực Châu Á: Từ năm 2021, dữ liệu cho thấy các băng nhóm tội phạm đã mở rộng đường dây vận chuyển cocaine đến Châu Á. Hồng Kông, Trung Quốc được xác định là điểm đến quan trọng trong tuyến vận chuyển này. Các thị trường này được đánh giá đang mở rộng trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Nam Á và Trung Đông. Trong đó, năm 2022, Isarel chiếm tỷ lệ cao nhất về số lượng cocaine bị thu giữ trong khu vực. Bên cạnh đó, khu vực Đông Nam Á ghi nhận thông tin các đối tượng sử dụng địa bàn Malaysia, Thái Lan để phân phối cocaine vào khu vực này và  và Châu Đại Dương.

Ở khu vực Châu Phi: Dữ liệu ghi nhận hoạt động trung chuyển cocaine tại nhiều nước ở Châu Phi, đặc biệt là Tây và Trung Phi, xu hướng này gia tăng đáng kể từ năm 2019. Cocaine chủ yếu bị thu giữ ở khu vực ven biển Tây Phi đạt kỷ lục năm 2021. Các băng nhóm thường vận chuyển qua biên giới Senegal và Guinea, qua các cảng dọc bờ biển Đại Tây Dương. Các nhóm tội phạm Brazil chi phối và tổ chức vận chuyển cocaine vào các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha như: Mozambique, Angola, Cabo Verde. Các sân bay ở Kenya và Ethiopia cũng được cho là mục tiêu trở thành “điểm dừng chân” của cocaine từ Brazil đến Châu Âu. Trên tuyến Tây Bắc và Bắc Phi, các nhóm tội phạm Nigeria đóng vai trò đặc biệt quan trọng, chúng hoạt động trên toàn cầu với mạng lưới vận chuyển ma túy rộng lớn. Giai đoạn 2018 - 2020, số người nước ngoài vận chuyển ma túy trái phép bị bắt nhiều nhất tại sân bay Brazil là có quốc tịch Nigeria.

Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy phát hiện, bắt giữ đối tượng vận chuyển cocaine qua đường bưu điện

Hoạt động mua bán, vận chuyển cocaine trái phép thời gian qua đã xuất hiện mMột số xu hướng đáng chú ý như: Các nhóm tội phạm quy mô vừa và nhỏ đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động mua bán cocaine toàn cầu; tổ chức hoạt động giống như các mạng lưới và ngày cảng trở nên chuyên biệt hóa. Các nhóm tội phạm tìm cách làm việc với các “nhà cung cấp dịch vụ” để tạo ra hệ thống các bộ phận của chuỗi cung ứng mà không liên quan đến ma túy. Họ thường thu gom hàng (trong đó có cocaine) từ cảng, cung cấp dịch vụ vận chuyển tại địa phương và bảo vệ các chuyến hàng. Các đối tượng có xu hướng sử dụng các phương tiện vận tải thủy để vận chuyển cocaine với khối lượng lớn. Đã phát hiện nhiều vụ các đối tượng sử dụng các loại thiết bị kỹ thuật công nghệ cao để định vị phương tiện vận chuyển; tổ chức nhận hàng từ “tàu mẹ” rồi đưa vào bờ; hoặc sang hàng từ tàu qua tàu ở khu vực hải phận quốc tế để đối phó với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, xuất hiện ngày càng nhiều xu hướng cocaine được tẩm, trộn lẫn với sáp ong, nhựa, thảo mộc, than củi và các chất lỏng khác nhau; sau đó được đưa vào các thị trường tiêu thụ để phân tách, chiết suất cocaine. Tại Châu Âu, Cảnh sát Hà Lan đã khám phá nhiều cơ sở bí mật tiến hành phân tách cocaine ở trong nước do các đối tượng nhập khẩu từ Colombia. 

Nhận xét, đánh giá và một số kiến nghị

Những con số thống kê về tình hình sản xuất, sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép cocaine trên thế giới và khu vực cho thấy, thị trường cung và cầu cocaine đang ngày càng mở rộng. Sản xuất cocaine đã phục hồi và tăng mạnh sau đại dịch cùng với các vụ bắt giữ lớn trên toàn cầu đồng nghĩa với việc mức độ sử dụng ở các khu vực ngày càng tăng.

Châu Âu và Bắc Mỹ là những thị trường lớn nhất của cocaine, đặc biệt là ở cấp độ bán lẻ. Tại Châu Âu, đang có xu hướng gia tăng sử dụng cocaine dạng crack (đá), đặc biệt một số nước Tây Âu. Ở khu vực Nam Mỹ, nhu cầu cocaine toàn cầu đã dẫn đến mở rộng diện tích trồng coca tại Bolivia, Peru và Colombia, tăng 35% so với trước đại dịch, lên 320.000 ha. Khu vực Châu Á được đánh giá là ít chịu ảnh hưởng bởi thị trưởng mua bán, sử dụng cocaine bất hợp pháp; tuy nhiên, khu vực này lại trở thành tuyến đường vận chuyển, trung chuyển cocaine và được xếp vào thị trường tiềm năng.

Tại Việt Nam, số vụ bắt giữ cocaine ở mức nhỏ lẻ, cho thấy nhu cầu sử dụng cocaine của người sử dụng trái phép chất ma túy là rất thấp. Tuy nhiên, Việt Nam nằm trong khu vực có vị trí địa lý thuận lợi để trung chuyển ma túy tới Úc và các nước Châu Á có nhiều người sử dụng cocaine như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, vì vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị tội phạm tiếp tục lợi dụng. Từ năm 2014 đến nay, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát hiện, thu giữ trên 70kg cocaine, riêng năm 2015 thu giữ mức kỷ lục đạt 56kg cocaine, chủ yếu qua đường biển và đường hàng không. Mới đây, trong những tháng đầu năm 2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phát hiện, bắt giữ 02 vụ, 02 đối tượng quốc tịch Thái Lan và Gambia vận chuyển trái phép 8kg cocaine qua đường hàng không

Vì vậy, để không bị động, bất ngờ trước những diễn biến mới của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép cocaine vào Việt Nam hoặc quá cảnh Việt Nam đi nước thứ ba, đề nghị các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ Công an, Hải quan, Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng, nhất là tại các địa phương có cảng biển, cảng hàng không quốc tế chủ động nắm chắc tình hình, triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh.

Riêng các lực lượng Công an, Hải quan cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin với lực lượng Cảnh sát hình sự quốc tế, Tổ chức Hải quan thế giới và cảnh sát, hải quan các nước là điểm xuất phát, quá cảnh của các tuyến cocaine để chủ động đấu tranh, bắt giữ các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Trong đó, với chức năng là lực lượng chủ trì đấu tranh với tội phạm ma túy và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy của Việt Nam, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiếp tục theo dõi bám sát tình hình, phân tích, dự báo các xu hướng cocaine trên thế giới để kịp thời báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an và các bộ, ngành hữu quan quan tâm chỉ đạo; trực tiếp đấu tranh, bắt giữ tội phạm và thông báo tình hình tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép cocaine tới các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy ở trong nước để có giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả từ sớm, từ xa, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội./.

Nhật Hằng